1

Nước tiểu đục có phải là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường?

Bệnh đái tháo đường có thể gây ra hiện tượng nước tiểu đục khi có quá nhiều đường tích tụ trong nước tiểu. Đôi khi, nước tiểu còn có mùi ngọt hay mùi trái cây. Bệnh đái tháo đường còn có thể dẫn đến các biến chứng về thận hoặc làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và cả hai đều có triệu chứng là nước tiểu đục.
Nước tiểu đục có phải là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường? Nước tiểu đục có phải là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường?

Tuy nhiên, nước tiểu đục cũng có thể là do một số bệnh lý khác không liên quan đến đái tháo đường. Nếu nước tiểu đột nhiên trở nên đục và nghi ngờ bản thân mắc bệnh đái tháo đường thì hãy chú ý đến các triệu chứng khác, chẳng hạn như đi tiểu nhiều lần và thường xuyên cảm thấy khát nước.

Nên đi khám nếu tình trạng nước tiểu đục kéo dài hoặc có các triệu chứng khác.

Tại sao bệnh đái tháo đường gây nước tiểu đục?

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng nước tiểu đục ở những người bị đái tháo đường.

Đường trong nước tiểu

Đái tháo đường là một bệnh mãn tính xảy ra khi lượng đường (glucose) trong máu quá cao. Cơ thể chúng ta cần có insulin - một loại hormone được tạo ra bởi tuyến tụy – để điều hòa lượng đường trong máu.

Ở những người bị đái tháo đường, cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc không thể sử dụng hiệu quả lượng insulin mà tuyến tụy tạo ra. Điều này khiến cho lượng đường trong máu tăng cao bất thường.

Thận – cơ quan có chức năng lọc máu – sẽ đào thải lượng đường dư thừa trong máu ra ngoài qua nước tiểu. Lượng đường lớn sẽ khiến cho nước tiểu bị đục hoặc thậm chí có mùi ngọt hay mùi trái cây.

Ở một số người, đây là dấu hiệu đầu tiên của bệnh đái tháo đường. Nếu bạn đột nhiên nhận thấy nước tiểu đục và có mùi ngọt thì hãy đi khám ngay.

Bệnh thận đái tháo đường

Lượng đường trong máu cao sẽ khiến thận phải làm việc nhiều hơn và theo thời gian, điều này có thể dẫn đến bệnh thận mạn. Một triệu chứng phổ biến của bệnh thận là protein niệu (có protein trong nước tiểu). Sự hiện diện của protein trong nước tiểu có thể khiến nước tiểu trở nên đục.

Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation), khoảng 30% người mắc đái tháo đường type 1 và 10 - 40% người mắc đái tháo đường type 2 bị suy thận. (1)

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Bệnh đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt là ở phụ nữ. Lý do là vì lượng glucose trong máu cao làm suy giảm chức năng miễn dịch và khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng.

Khi đường tiết niệu bị nhiễm trùng, cơ thể sẽ gửi bạch cầu đến đế chống lại nhiễm trùng. Sau đó, bạch cầu sẽ được đào thải ra ngoài ra nước tiểu. Sự hiện diện của bạch cầu khiến nước tiểu trở nên đục.

Các nguyên nhân khác khiến nước tiểu bị đục

Nước tiểu đục có thể là do một số nguyên nhân khác không liên quan đến bệnh đái tháo đường.

Mất nước

Một nguyên nhân phổ biến khiến nước tiểu bị đục là do mất nước. Tình trạng mất nước xảy ra khi lượng nước bị mất đi qua mồ hôi hoặc nước tiểu nhiều hơn lượng nước mà cơ thể hấp thụ. Bất kỳ ai cũng có thể bị mất nước, kể cả những người khỏe mạnh. Mất nước có thể xảy ra sau khi tập thể dục cường độ cao hoặc khi thời tiết nóng bức.

Khi bị mất nước, cơ thể sẽ giữ nước thay vì đào thải ra ngoài. Điều này có nghĩa là lượng nước tiểu giảm, nồng độ các thành phần trong nước tiểu sẽ tăng lên và khiến cho nước tiểu đục hoặc có màu sẫm hơn bình thường.

Các dấu hiệu thường gặp của tình trạng mất nước gồm có:

  • Cảm giác khát
  • Khô miệng
  • Đau đầu
  • Nước tiểu vàng sẫm hoặc đục
  • Đi tiểu ít
  • Đầu óc không tỉnh táo
  • Chóng mặt
  • Táo bón

Cách tốt nhất để tránh bị mất nước là uống đủ nước. Khi bị nôn mửa hoặc tiêu chảy, hãy dùng dung dịch bù nước và điện giải.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trong đường tiết niệu và nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn. Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, cơ thể giải phóng bạch cầu để chống lại nhiễm trùng. Sự hiện diện của bạch cầu trong nước tiểu làm cho nước tiểu trở nên đục.

Các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu còn có buồn tiểu liên tục, nước tiểu có mùi hôi và đau hoặc nóng rát khi đi tiểu. Ở phụ nữ, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây đau vùng chậu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một vấn đề rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ. Theo một cuộc khảo sát, khoảng 50 đến 60% phụ nữ được hỏi cho biết họ bị nhiễm trùng đường tiết niệu ít nhất một lần trong đời. (2)

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tự khỏi nhưng cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc kháng sinh và uống nhiều nước.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc các vi sinh vật khác gây ra. Nước tiểu đục cũng là một triệu chứng của viêm âm đạo, nguyên nhân là do nước tiểu trộn lẫn với bạch cầu hoặc khí hư.

Các triệu chứng khác của viêm âm đạo gồm có:

  • Ngứa hoặc rát trong và xung quanh âm đạo
  • Khí hư có màu vàng, xám hoặc xanh
  • Khí hư có mùi hôi hoặc tanh khó chịu
  • Khí hư trắng đục, lợn cợn giống như bã đậu
  • Nóng rát khi đi tiểu

Sỏi thận

Sỏi thận hình thành do sự tích tụ các khoáng chất và muối bên trong thận. Sỏi thận có thể bị mắc kẹt bên trong đường tiết niệu, gây nhiễm trùng và đau đớn.

Sỏi thận, đặc biệt là sỏi thận đã gây nhiễm trùng, có thể khiến nước tiểu bị đục.

Các triệu chứng khác của sỏi thận còn có:

  • Đau dữ dội ở một bên hông hoặc lưng thành từng đợt
  • Tiểu khó
  • Đau đớn khi đi tiểu
  • Nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu
  • Nước tiểu có mùi hôi

Hầu hết sỏi thận đều được đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Tuy nhiên, những trường hợp có sỏi lớn bị mắc kẹt hoặc nhiễm trùng thường phải phẫu thuật.

Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI hay STD), chẳng hạn như bệnh lậu và chlamydia, có thể gây triệu chứng nước tiểu đục do sự hiện diện của bạch cầu trong nước tiểu.

Một số triệu chứng khác của các bệnh này gồm có:

  • Ngứa ngáy ở bộ phận sinh dục
  • Mẩn đỏ hoặc nổi mụn nước
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Đau vùng chậu ở phụ nữ
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Dịch tiết bất thường

Vấn đề về tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là một phần trong hệ sinh dục của nam giới, nằm bên dưới bàng quang. Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt bị nhiễm trùng và có thể gây hiện tượng nước tiểu đục.

Nguyên nhân là do nước tiểu lẫn bạch cầu, mủ hoặc dịch dương vật.

Các triệu chứng khác của viêm tuyến tiền liệt còn có:

  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Khó tiểu
  • Tiểu gấp
  • Máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch
  • Đau ở bẹn hoặc thắt lưng
  • Đau khi xuất tinh

Chế độ ăn uống

Mặc dù không phổ biến nhưng uống quá nhiều sữa hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu protein (đạm) có thể khiến nước tiểu đục. Điều này là do sữa và các sản phẩm từ sữa có chứa canxi phốt phát.

Phốt pho trong nước tiểu có thể làm cho nước tiểu trở nên đục. Các loại thực phẩm giàu protein như thịt và đậu cũng có hàm lượng phốt pho cao. Tuy nhiên, phốt phát trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe.

Các triệu chứng khác của bệnh đái tháo đường

Nếu bạn nhận thấy nước tiểu đục và cho rằng đó là dấu hiệu đái tháo đường thì hãy để ý đến các triệu chứng khác. Một số dấu hiệu, triệu chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường gồm có:

  • Thường xuyên cảm thấy đói
  • Khát nước liên tục
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Vết thương
  • Mờ mắt
  • Mệt mỏi bất thường
  • Sụt cân không chủ đích

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám nếu tình trạng nước tiểu đục kéo dài, đặc biệt là khi còn kèm theo các dấu hiệu bất thường khác.

Phải đi khám ngay nếu gặp các triệu chứng nhiễm trùng, gồm có đau, nóng rát khi đi tiểu hoặc dịch tiết thay đổi về màu, có mùi hôi.

Đến ngay cơ sở y tế nếu tình trạng nước tiểu đục đi kèm bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Đau dữ dội ở thắt lưng, ở một bên hoặc cả 2 bên vùng hạ sườn
  • Đau khi đi tiểu
  • Nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu

Tóm tắt bài viết

Bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân của hiện tượng nước tiểu đục. Lý do là bởi lượng đường trong máu cao gây tích tụ đường trong nước tiểu. Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề về thận hoặc làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Những vấn đề này cũng có thể làm cho nước tiểu trở nên đục.

Các bệnh nhiễm trùng khác và các vấn đề về thận hoặc tuyến tiền liệt không liên quan đến đái tháo đường cũng có thể gây ra tình trạng nước tiểu đục. Đôi khi, nước tiểu đục là do mất nước hoặc chế độ ăn uống.

Nếu tình trạng kéo dài thì tốt nhất nên đi khám để xác định nguyên nhân.

Xem thêm:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tiêu chảy có phải là triệu chứng của bệnh đái tháo đường không?
Tiêu chảy có phải là triệu chứng của bệnh đái tháo đường không?

Theo thời gian, lượng đường trong máu liên tục ở mức cao sẽ gây tổn hại các cơ quan khắp cơ thể và dẫn đến nhiều triệu chứng. Ở một số người, các vấn đề về đường ruột như tiêu chảy là một triệu chứng của bệnh đái tháo đường.

14 dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường type 2
14 dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 là một căn bệnh phổ biến, xảy ra khi cơ thể mất khả năng sử dụng hết glucose (đường) trong máu. Bệnh tiểu đường type 2 có nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó có những triệu chứng bắt đầu xuất hiện từ sớm.

Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường

Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.

Tiểu đường type 2 có phải bệnh tự miễn không?
Tiểu đường type 2 có phải bệnh tự miễn không?

Trong suốt nhiều thập kỷ, các bác sĩ và nhà nghiên cứu vẫn tin rằng tiểu đường type 2 là một bệnh rối loạn chuyển hóa. Loại rối loạn này xảy ra khi các quá trình hóa học tự nhiên của cơ thể không diễn ra một cách bình thường. Tuy nhiên, một số nghiên cứu hiện nay cho thấy rằng tiểu đường type 2 có thể là một bệnh tự miễn. Nếu vậy, bệnh lý này có thể được điều trị và phòng ngừa bằng các biện pháp mới.

Xét nghiệm nước tiểu có chẩn đoán được bệnh tiểu đường không?
Xét nghiệm nước tiểu có chẩn đoán được bệnh tiểu đường không?

Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện và theo dõi nồng độ glucose cũng như là nồng độ ceton trong nước tiểu của những người mắc bệnh tiểu đường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây