1

Sỏi Thận

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là những khối rắn hình thành nên từ tinh thể, chủ yếu bắt nguồn từ thận nhưng chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu, bao gồm cả các cơ quan như niệu quản, bàng quang hay niệu đạo.

Sỏi thận là một trong những bệnh gây đau đớn nhất trong số các bệnh về đường tiết niệu và có nhiều nguyên nhân khác nhau gây sỏi thận.

Các loại sỏi thận

Không phải chỉ có một loại sỏi thận mà có nhiều loại khác nhau và mỗi loại sỏi lại được tạo nên từ một loại tinh thể. Các loại sỏi thận gồm có:

Sỏi canxi

Sỏi canxi là loại sỏi thận phổ biến nhất. Chúng hình thành từ canxi oxalat nhưng có thể còn chứa canxi phốt phát hoặc maleate. Hạn chế các loại thực phẩm giàu oxalat là cách để làm giảm nguy cơ hình thành loại sỏi này. Một số thực phẩm giàu oxalat gồm có:

  • Khoai tây chiên
  • Đậu phộng
  • Chocolate
  • Các loại quả hạch như hạnh nhân, hạt điều, óc chó…

Mặc dù sỏi thận được tạo nên từ tinh thể canxi nhưng bổ sung đủ lượng canxi trong chế độ ăn hàng ngày lại là cách để ngăn ngừa sỏi hình thành.

Sỏi acid uric

Loại sỏi thận này phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Chúng thường xuất hiện ở những người bị bệnh gút hoặc những người đang trải qua hóa trị.

Sỏi acid uric hình thành khi nước tiểu có tính axit mạnh. Một chế độ ăn với nhiều loại thực phẩm giàu purin sẽ làm tăng nồng độ axit trong nước tiểu. Purin là một chất không màu có trong các loại protein động vật, chẳng hạn như cá, động vật có vỏ và thịt.

Sỏi struvite

Sỏi struvite xuất hiện chủ yếu ở những phụ nữ bị viêm đường tiết niệu. Loại sỏi này thường là kết quả của nhiễm trùng thận, có thể đạt đến kích thước lớn và gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Hầu hết các phương pháp điều trị viêm đường tiết niệu đều có thể ngăn ngừa hình thành sỏi struvite.

Sỏi cystin

Đây là loại sỏi thận rất hiếm gặp nhưng có thể xuất hiện ở cả nam và nữ mắc bệnh cystin niệu – một bệnh do di truyền. Nguyên nhân gây ra loại sỏi này là do cystin - một loại axit xuất hiện tự nhiên trong cơ thể - bị rò rỉ từ thận vào nước tiểu.

Các yếu tố nguy cơ

Yếu tố lớn nhất làm tăng nguy cơ sỏi thận là cơ thể thải ra dưới 1 lít nước tiểu mỗi ngày. Đây là lý do tại sao sỏi thận là vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non có các vấn đề về thận. Tuy nhiên, sỏi thận lại xảy ra phổ biến nhất trong độ tuổi từ 20 đến 50.

Giới tính cũng là một yếu tố nguy cơ mà cụ thể, tỉ lệ nam giới bị sỏi thận thường cao hơn nữ giới. Có tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị sỏi thận sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc tăng khả năng bệnh tái phát.

Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ khác:

  • Cơ thể thiếu nước
  • Béo phì
  • Chế độ ăn có hàm lượng protein, muối hoặc glucose cao
  • Mắc bệnh cường giáp
  • Từng phẫu thuật nối tắt dạ dày (gastric bypass)
  • Bị viêm ruột, một bệnh làm tăng mức độ hấp thu canxi
  • Đang dùng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc chống động kinh/co giật và thuốc kháng axit có chứa canxi

Nhận biết các triệu chứng và dấu hiệu của sỏi thận

Sỏi thận có triệu chứng thường gặp nhất là các cơn đau dữ dội, được gọi là các cơn đau quặn thận. Đa phần các triệu chứng của sỏi thận thường không bộc lộ cho đến khi sỏi bắt đầu di chuyển xuống niệu quản. Lúc này, người bệnh thường bị đau ở một bên lưng hoặc bụng.

Ở nam giới, cơn đau còn lan đến vùng háng. Các cơn đau quặn thận thường chỉ xảy đến trong một thời gian ngắn rồi lại hết nhưng mỗi lần đều đau rất dữ dội.

Ngoài ra, các triệu chứng khác của sỏi thận còn có:

  • Nước tiểu có máu (nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc nâu)
  • Nôn
  • Buồn nôn
  • Nước tiểu đổi màu hoặc có mùi khó chịu
  • Cảm giác ớn lạnh
  • Sốt
  • Buồn tiểu thường xuyên
  • Đái rắt

Trong trường hợp chỉ có sỏi thận nhỏ thì có thể người bệnh sẽ không hề cảm thấy đau đớn hoặc bất cứ triệu chứng nào khi sỏi đi qua đường tiết niệu.

Sỏi thận có hại thế nào đến cơ thể?

Không phải lúc nào sỏi cũng nằm ở trong thận mà đôi khi, chúng còn di chuyển từ thận vào niệu quản. Niệu quản là bộ phận nhỏ và mỏng manh nên sỏi thận thường không thể đi qua niệu quản tới bàng quang một cách dễ dàng mà sẽ gây co thắt và kích ứng niệu quản, dẫn đến hiện tượng có máu trong nước tiểu.

Đôi khi sỏi còn chặn dòng chảy nước tiểu và gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Tắc nghẽn đường tiết niệu có thể dẫn đến nhiễm trùng thận và tổn thương thận.

Phát hiện sỏi thận bằng cách nào?

Để chẩn đoán sỏi thận, bác sĩ sẽ phải lấy bệnh sử chi tiết và thăm khám lâm sàng. Sau đó sẽ làm các xét nghiệm:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ canxi, phốt pho, acid uric và chất điện giải
  • Xét nghiệm ure máu (BUN) và creatinin để đánh giá chức năng thận
  • Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện tinh thể, vi khuẩn, máu và tế bào bạch cầu
  • Phân tích thành phần sỏi để xác định loại sỏi

Ngoài ra còn cần tiến hành các phương pháp chẩn đoán sau đây để phát hiện tình trạng tắc nghẽn:

  • Chụp X-quang ổ bụng
  • Chụp X-quang thận qua đường tĩnh mạch (IVP)
  • Chụp niệu quản – bể thận ngược dòng
  • Siêu âm thận (phương pháp phổ biến)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng và thận
  • Chụp cắt lớp (CT scan) ổ bụng

Thuốc cản quang được sử dụng trong phương pháp chụp cắt lớp và chụp X-quang thận qua đường tĩnh mạch có thể ảnh hưởng đến chức năng thận nhưng ở những người có chức năng thận bình thường thì đây không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể làm tăng rủi ro tổn thương thận khi kết hợp với thuốc nhuộm. Do đó, bạn cần cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng trước khi chụp.

Điều trị sỏi thận

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào từng loại sỏi. Bác sĩ sẽ lọc lấy sỏi trong nước tiểu, phân tích nhằm xác định loại sỏi và đưa ra phương án điều trị thích hợp.

Với những trường hợp nhẹ thì có thể chỉ cần uống từ 6 đến 8 ly nước mỗi ngày để tăng lượng nước tiểu. Những người mà cơ thể bị mất nước hoặc buồn nôn, nôn mửa nghiêm trọng thì sẽ cần truyền dịch.

Ngoài ra còn có các lựa chọn điều trị khác:

Dùng thuốc

Người bị sỏi thận có thể cần dùng đến thuốc giảm đau để làm dịu các cơn đau quặn thận hoặc dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng nếu có. Các loại thuốc khác cũng được dùng để điều trị sỏi thận:

  • allopurinol (Zyloprim) cho trường hợp bị sỏi acid uric
  • Thuốc lợi tiểu nhóm thiazide để ngăn ngừa hình thành sỏi canxi
  • Natri bicarbonate hoặc natri citrat để làm giảm tính axit của nước tiểu
  • Thuốc nước phốt pho để ngăn ngừa hình thành sỏi canxi
  • ibuprofen (Advil) để giảm đau
  • acetaminophen (Tylenol) để giảm đau
  • natri naproxen (Aleve) để giảm đau

Tán sỏi ngoài cơ thể

Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp sử dụng sóng âm thanh phá vỡ những viên sỏi lớn để chúng có thể dễ dàng đi qua niệu quản vào bàng quang. Quy trình điều trị này gây đau nên người bệnh thường được gây mê nhẹ trong khi thực hiện và sau đó có thể gây ra các vết bầm tím ở bụng, lưng và chảy máu quanh thận cũng như là các cơ quan lân cận.

Tán sỏi qua da

Đây là quy trình phẫu thuật mà bác sĩ loại bỏ sỏi thận qua một vết mổ nhỏ ở lưng. Phương pháp này được sử dụng trong những trường hợp:

  • Sỏi thận gây tắc nghẽn và nhiễm trùng hoặc làm hỏng thận
  • Sỏi đã phát triển quá lớn
  • Sỏi gây đau dữ dội và không thể kiểm soát được bằng thuốc

Nội soi niệu quản

Khi sỏi bị mắc kẹt trong niệu quản hay bàng quang thì sẽ cần tiến hành nội soi niệu quản để loại bỏ.

Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ có gắn camera vào niệu đạo và bàng quang, sau đó tiếp cận đến viên sỏi, tán vỡ bằng năng lượng laser, siêu âm hoặc xung hơi rồi lấy ra ngoài bằng rọ nhỏ hoặc kìm. Sỏi sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích.

Ngăn ngừa sỏi thận

Uống đủ nước là một biện pháp đơn giản mà hiệu quả để ngăn ngừa hình thành sỏi thận. Các chuyên gia khuyến nghị nên uống khoảng từ 2 đến 2.5 lít nước mỗi ngày. Cách này sẽ làm tăng lượng nước tiểu và giúp “rửa sạch” thận.

Nên thay thế các loại nước ngọt hay nước có đường bằng nước lọc để tăng lượng chất lỏng nạp vào. Nếu nguyên nhân gây sỏi thận là do lượng citrate thấp thì nên uống bổ sung các loại nước ép có chứa citrate như cam, chanh để ngăn ngừa sự hình thành sỏi nhưng tốt nhất nên hạn chế thêm đường.

Ăn các loại thực phẩm giàu oxalat một cách vừa đủ, giảm lượng muối và protein động vật trong chế độ ăn hàng ngày cũng là những cách để giảm nguy cơ sỏi thận.

Nếu bạn từng bị sỏi thận hoặc thuộc nhóm có nguy cơ cao bị sỏi thận thì nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn về các biện pháp phòng tránh. Bác sĩ có thể sẽ kê một số loại thuốc để ngăn ngừa hình thành sỏi.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 9 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Sỏi Thận

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây