14 dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường type 2
Các dấu hiệu ban đầu phổ biến nhất của bệnh tiểu đường type 2 là đi tiểu nhiều, liên tục cảm thấy khát nước và đói. Nhưng ngoài ra có có những triệu chứng khác cũng là dấu hiệu cảnh báo của căn bệnh này. Việc mắc bệnh tiểu đường sẽ làm thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hàng ngày nhưng bệnh tiểu đường type 2 rất dễ kiểm soát nếu được phát hiện sớm.
Dưới đây một số dấu hiệu thường gặp của bệnh tiểu đường type 2 và những điều cần làm khi nhận thấy các dấu hiệu này.
1. Đi tiểu nhiều
Đi tiểu nhiều lần trong ngày và/hoặc lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường (đa niệu) là một dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu ở mức cao. Khi thận không thể lọc hết đường trong máu, lượng đường dư thừa sẽ đi vào trong nước tiểu. Điều này gây ra tình trạng đi tiểu thường xuyên, kể cả vào ban đêm.
2. Khát nước liên tục
Khát nước liên tục cũng là một dấu hiệu ban đầu phổ biến của bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu ở mức cao và tình trạng khát nước càng trở nên trầm trọng hơn khi đi tiểu nhiều. Thường thì uống nước cũng không đỡ khát.
3. Thường xuyên cảm thấy đói
Thường xuyên có cảm giác đói cồn cào hay thèm ăn cũng là một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường.
Cơ thể sử dụng glucose trong máu để nuôi các tế bào. Khi hệ thống này bị gián đoạn, các tế bào sẽ không thể hấp thụ glucose. Kết quả là cơ thể liên tục cần thêm năng lượng và điều này gây ra cảm giác đói.
4. Đau dây thần kinh hoặc tê
Bệnh tiểu đường type 2 có thể gây cảm giác châm chích hoặc tê ở bàn tay, ngón tay, bàn chân và ngón chân. Đây là dấu hiệu của tổn thương dây thần kinh hoặc bệnh thần kinh tiểu đường.
Tình trạng này thường xảy ra từ từ. Một số người gặp phải triệu chứng này sau nhiều năm sống chung với bệnh tiểu đường nhưng ở một số người, đây lại là dấu hiệu đầu tiên.
5. Vết thương chậm lành
Có một số nguyên nhân khiến vết thương chậm lành khi mắc bệnh tiểu đường. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ làm thu hẹp các mạch máu, điều này làm chậm sự lưu thông máu, khiến cho chất dinh dưỡng và oxy không đến được vị trí bị thương.
Lượng đường trong máu ở mức cao trong thời gian dài còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng hơn.
6. Nhìn mờ
Triệu chứng nhìn mờ thường xảy ra sớm ở những trường hợp bệnh tiểu đường không được kiểm soát. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do lượng đường trong máu tăng cao đột ngột, ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ trong mắt và khiến chất lỏng thấm vào thủy tinh thể. Tình trạng nhìn mờ thường sẽ tự hết nhưng nên đi khám bác sĩ ngay lập tức khi nhận thấy triệu chứng này.
Lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh võng mạc đái tháo đường và những vấn đề này có thể dẫn đến mù lòa.
7. Các mảng da sẫm màu
Tình trạng xuất hiện các mảng da sẫm màu, mịn như nhung ở các nếp gấp da được gọi là bệnh gai đen. Đây là một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường type 2. Bệnh này xảy ra phổ biến nhất ở vùng nách, cổ và bẹn. Da ở những khu vực này còn bị dày lên.
Nguyên nhân là do lượng insulin trong máu ở mức cao hơn bình thường. Điều này thường xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2 vì kháng insulin là yếu tố chính dẫn đến tiểu đường type 2.
8. Nhiễm trùng thường xuyên
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm nhưng những người mắc bệnh tiểu đường type 2 dễ bị nhiễm trùng hơn.
Khi đường huyết quá cao và thận không thể lọc tốt, đường sẽ đi vào nước tiểu. Điều này có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men. Nhiễm trùng nướu và da cũng là những vấn đề rất phổ biến ở người bị tiểu đường.
Nhiễm trùng do vi khuẩn: Thường có thể tự điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn tại nhà nhưng có thể phải dùng thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ. Các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường gồm có:
- Lẹo mắt (xảy ra trong hoặc gần mí mắt)
- Nhọt trên bề mặt da hoặc hậu bối ở sâu dưới da
- Nhiễm trùng các nang lông (viêm nang lông)
- Nhiễm trùng quanh móng
Nhiễm trùng do nấm: Những người bị bệnh tiểu đường thường bị nhiễm nấm Candida (Candida albicans). Đây là một loại nấm giống như nấm men, gây phát ban đỏ và ngứa ngáy, xung quanh nổi nhiều mụn nước và vảy nhỏ. Tình trạng nhiễm nấm Candida chủ yếu xảy ra ở các nếp gấp da ẩm và ấm, chẳng hạn như dưới bầu ngực, bẹn, trong âm đạo, xung quanh móng, kẽ ngón tay và ngón chân.
9. Ngứa da
Ngứa da đôi khi là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường. Nguyên nhâ gây ngứa có thể là do các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường như:
- Nhiễm nấm
- Da khô
- Tuần hoàn máu kém, thường là ở cẳng chân
10. Khô miệng
Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Hoa Kỳ, khô miệng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất ở vùng miệng của bệnh tiểu đường.
Các bác sĩ hiện vẫn chưa lý giải chính xác nguyên nhân tại sao người mắc bệnh tiểu đường lại bị khô miệng nhưng có khả năng là có liên quan đến lượng đường trong máu cao.
Một số biểu hiện của chứng khô miệng gồm có:
- Miệng khô liên tục
- Khó nhai, nuốt hoặc nói
- Môi khô, nứt nẻ
- Vết loét hoặc nhiễm trùng trong miệng
- Lưỡi khô ráp
11. Mệt mỏi
Mệt mỏi, thiếu năng lượng là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu chưa rõ chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Cách giải thích được ủng hộ nhiều nhất là khi lượng đường trong máu dao động, các tế bào trong cơ thể không được cung cấp đủ lượng đường cần thiết để tạo năng lượng và điều này dẫn đến mệt mỏi, chân tay bủn rủn.
Mệt mỏi cũng có thể là do các nguyên nhân khác như:
- Mất nước
- Chất lượng giấc ngủ kém
- Ít hoạt động thể chất
- Béo phì
- Chế độ ăn uống không đủ chất
- Vấn đề về tâm lý
- Mất cân bằng nội tiết tố
12. Sụt cân
Sụt cân dù không hề ăn kiêng hay tập thể dục có thể là một dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường. Đó cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nên cần phải đi khám càng sớm càng tốt.
Ở những người bị tiểu đường type 2, lượng đường trong máu ở mức cao và lượng đường dư thừa sẽ đi vào nước tiểu. Điều này có thể gây sụt cân, ngay cả khi người bệnh ăn nhiều hơn để thỏa mãn cơn đói.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị sụt cân ngoài ý muốn trước khi được chẩn đoán bệnh tiểu đường có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng tiểu đường sau này, gồm có bệnh võng mạc đái tháo đường và bệnh thận đái tháo đường.
13. Dễ cáu gắt
Dễ cáu gắt hay thay đổi tâm trạng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 2. Có nhiều vấn đề sức khỏe khác cũng có thể gây thay đổi tâm trạng nên đừng vội cho rằng mình bị tiểu đường nếu đột nhiên cảm thấy cáu kỉnh, bực dọc.
Ở những người mắc tiểu đường type 2, tình trạng thay đổi tâm trạng hay cáu gắt, khó chịu thường xảy ra do các triệu chứng khác chứ không tự xảy ra. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa tâm trạng và sự dao động mức đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường.
Lượng đường trong máu quá cao hay quá thấp đều có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tinh thần như cáu gắt, lo âu, phiền muộn…
14. Tiền tiểu đường
Đa số những người mắc bệnh tiểu đường type 2 đều từng bị tiền tiểu đường. Tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Ở giai đoạn tiền tiểu đường, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng của bệnh tiểu đường hoặc cũng có thể không.
Khi mắc tiền tiểu đường, các xét nghiệm sẽ cho kết quả:
- Nồng độ A1C từ 5,7 đến 6,4%
- Đường huyết lúc đói 100 - 125 mg/dl
- Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT) trong 2 giờ là 140 - 199 mg/dl
Phải làm gì khi nhận thấy những dấu hiệu của bệnh tiểu đường?
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu ban đầu nào của bệnh tiểu đường type 2 thì nên đi khám càng sớm càng tốt.
Bệnh tiểu đường có thể được phát hiện bằng những xét nghiệm máu đơn giản và cho kết quả nhanh chóng.
Tiểu đường là một bệnh lý có thể kiểm soát được, đặc biệt là khi được phát hiện sớm. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra biến chứng sau này.
Thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường về lâu dài. Không phải ai bị tiểu đường cũng phải dùng thuốc nhưng nếu có thì tốt nhất nên bắt đầu sớm.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.
Nếu bạn nhận thấy tần suất đi tiểu đột nhiên tăng so với bình thường thì hãy cẩn thận vì rất có thể đó là dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, còn có rất nhiều nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng đi tiểu nhiều lần và trong đó có một số nguyên nhân vô hại. Điều quan trọng là phải hiểu tác động của bệnh tiểu đường đến chức năng bàng quang, cũng như là các dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường.
Đối với những người đang sống chung với bệnh tiểu đường type 2, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Tập HIIT là một cách hữu hiệu để đạt được mức độ hoạt động thể chất cần thiết.
Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.
Bơ là một loại quả có vị ngậy béo với giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt chứa nhiều vitamin và chất béo. Mặc dù quả bơ chứa nhiều chất béo nhưng đó đều là chất béo tốt, có lợi cho tim mạch và bệnh tiểu đường type 2. Đối với những người bị tiểu đường type 2, ăn bơ có thể giúp giảm cân, giảm cholesterol và tăng độ nhạy insulin.
- 0 trả lời
- 90 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi