Đi tiểu nhiều lần có phải là dấu hiệu của bệnh tiểu đường không?
Tại sao bệnh tiểu đường gây đi tiểu nhiều lần?
Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không tạo đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả.
Insulin là một loại hormone giúp vận chuyển glucose hay đường trong máu vào tế bào để tạo năng lượng. Khi không có đủ insulin hay các tế bào phản ứng kém với insulin, đường sẽ không được vận chuyển vào tế bào mà tồn tại trong máu, dẫn đến đường huyết tăng cao.
Lượng đường trong máu cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thận - cơ quan có chức năng xử lý đường. Khi thận không hoạt động hiệu quả, phần lớn lượng đường trong máu sẽ bị đào thải khỏi cơ thể qua nước tiểu.
Quá trình này còn đào thải cả nước ra khỏi cơ thể. Điều này khiến những người bị bệnh tiểu đường đi tiểu liên tục và mất nước.
Tình trạng đi tiểu nhiều lần có thể xảy ra cả vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ và khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ngày hôm sau.
Làm sao để biết đó có phải triệu chứng bệnh tiểu đường hay không?
Đi tiểu nhiều lần là dấu hiệu của cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2 vì đôi khi, đào thải chất lỏng ra ngoài là cách duy nhất để cơ thể loại bỏ lượng đường dư thừa trong máu.
Tuy nhiên, đi tiểu liên tục chỉ là một trong số rất nhiều dấu hiệu của bệnh tiểu đường và cũng có thể nguyên nhân là do các vấn đề sức khỏe khác. Ngoài đi tiểu nhiều, bệnh tiểu đường còn có một số triệu chứng thường gặp khác như sau:
- Mệt mỏi: Các tế bào không thể lấy glucose từ máu để tạo năng lượng và điều này khiến cho người mắc bệnh tiểu đường bị mệt mỏi, kiệt sức. Mất nước do đi tiểu nhiều càng khiến cho tình trạng mệt mỏi thêm trầm trọng.
- Sụt cân: Sự kết hợp giữa lượng insulin thấp và các tế bào không thể hấp thụ đường từ máu có thể dẫn đến sụt cân nhanh chóng ở những người mắc bệnh tiểu đường.
- Nhìn mờ: Một vấn đề phát sinh do mất nước là mắt bị khô nghiêm trọng và điều này sẽ ảnh hưởng đến thị lực.
- Sưng nướu: Những người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, sưng tấy hoặc tích tụ mủ trong nướu.
- Châm chích: Đường huyết cao có thể gây mất cảm giác ở bàn tay, bàn chân, ngón tay hoặc ngón chân.
Nếu nhận thấy bản thân đi tiểu liên tục trong ngày thì hãy để ý đến một số triệu chứng khác. Nếu có cả các triệu chứng kể trên thì nên đi khám để xem có mắc bệnh tiểu đường hay không.
Các nguyên nhân khác gây đi tiểu nhiều lần
Tần suất đi tiểu của mỗi người là khác nhau nhưng nếu tần suất đi tiểu đột nhiên tăng so với bình thường thì sẽ được coi là đi tiểu nhiều lần. Đó có thể là một dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Đi tiểu nhiều lần có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và bệnh tiểu đường chỉ là một trong số đó. Một số nguyên nhân khác cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng bàng quang gồm có:
- Nhiễm trùng thận
- Mang thai
- Bàng quang tăng hoạt
- Trầm cảm
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Một số nguyên nhân trong số này, chẳng hạn như mang thai hay bàng quang tăng hoạt, mặc dù gây bất tiện nhưng tương đối vô hại trong khi các nguyên nhân khác lại khá nghiêm trọng. Nên đi khám nếu tình trạng đi tiểu nhiều lần đi kèm các triệu chứng khác như:
- Các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường.
- Nước tiểu có máu, màu đỏ hoặc nâu sẫm
- Đau khi đi tiểu
- Khó kiểm soát bàng quang
- Tiểu không hết bãi
- Tình trạng đi tiểu nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày
Điều trị tiểu nhiều lần do tiểu đường
Để khắc phục các vấn đề về bàng quang do bệnh tiểu đường thì phải điều trị bệnh tiểu đường.
Các cách như theo dõi lượng chất lỏng nạp vào cơ thể hay đi vệ sinh vào giờ cố định thường không có hiệu quả bởi nguyên nhân gốc rễ là lượng đường trong máu cao chứ không phải dư thừa chất lỏng.
Sau khi chẩn đoán bệnh tiểu đường, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể. Nói chung, các phương pháp phổ biến để điều trị bệnh tiểu đường gồm có:
Theo dõi chế độ ăn uống và lượng đường trong máu
Những người mắc bệnh tiểu đường cần phải chú ý đến chế độ ăn uống và theo dõi sát sao mức đường huyết, luôn phải duy trì đường huyết trong phạm vi khuyến nghị. Chế độ ăn uống nên có nhiều trái cây, rau củ giàu chất xơ, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa đường và carbohydrate.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng độ nhạy insulin của tế bào và thúc đẩy tế bào hấp thụ glucose từ máu để tạo năng lượng. Bệnh tiểu đường gây khó khăn cho các quá trình này nhưng có thể cải thiện bằng cách tăng cường hoạt động thể chất.
Tiêm insulin
Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiểu đường mà bệnh nhân sẽ phải tiêm hoặc bơm insulin thường xuyên. Trong những trường hợp mà cơ thể không thể sản xuất hoặc sử dụng insulin thì việc tiêm insulin là điều rất quan trọng.
Các loại thuốc khác
Có nhiều loại thuốc khác để kiểm soát bệnh tiểu đường. Các loại thuốc này có thể giúp cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn một cách tự nhiên hoặc thúc đẩy sự chuyển hóa carbohydrate để tạo năng lượng.
Tóm tắt bài viết
Đi tiểu nhiều lần không phải lúc nào cũng đáng lo ngại. Có nhiều nguyên nhân gây ra điều này, chẳng hạn như bàng quang hoạt động quá mức hoặc đơn giản là do tăng lượng chất lỏng nạp vào so với thường ngày.
Tuy nhiên, nếu đi tiểu nhiều lần kèm theo các triệu chứng khác như mệt mỏi, mờ mắt hay châm chích ở tay chân thì nên đi khám để xem có mắc bệnh tiểu đường hay không.
Ngoài ra cũng nên đi khám nếu nước tiểu có màu sẫm hoặc đỏ, đau rát khi đi tiểu hay đi tiểu nhiều đến mức ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Vì bệnh tiểu đường có đặc trưng là lượng đường trong máu cao nên nhiều người cho rằng ăn nhiều đường là nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Mặc dù đúng là thường xuyên ăn nhiều đường bổ sung có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhưng đây không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh. Nhiều yếu tố khác như chế độ ăn uống tổng thể, lối sống và di truyền cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh đái tháo đường có thể gây ra hiện tượng nước tiểu đục khi có quá nhiều đường tích tụ trong nước tiểu. Đôi khi, nước tiểu còn có mùi ngọt hay mùi trái cây. Bệnh đái tháo đường còn có thể dẫn đến các biến chứng về thận hoặc làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và cả hai đều có triệu chứng là nước tiểu đục.
Người mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc có nguy cơ bị tiểu đường type 2 được khuyến nghị thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, cắt giảm đường và carbohydrate tinh chế. Nhưng liệu thịt – một loại thực phẩm không chứa carb – có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không?
Theo thời gian, lượng đường trong máu liên tục ở mức cao sẽ gây tổn hại các cơ quan khắp cơ thể và dẫn đến nhiều triệu chứng. Ở một số người, các vấn đề về đường ruột như tiêu chảy là một triệu chứng của bệnh đái tháo đường.
Ở những người bị tiểu đường hay tiền tiểu đường, tiêu thụ nhiều natri hay muối có thể làm tăng huyết áp và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Những người mắc bệnh tiểu đường hay tiền tiểu đường vốn đã có nguy cơ cao bị cao huyết áp, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh thận.
- 0 trả lời
- 106 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi