1

Bệnh tiểu đường type 2 và các vấn đề về đường tiêu hóa

Bệnh tiểu đường type 2 là bệnh mãn tính có đặc trưng là lượng đường trong máu cao. Bệnh lý này xuất phát từ sự kháng insulin – tình trạng các tế bào cơ thể đáp ứng kém với insulin – hormone giúp đưa glucose (đường) trong máu vào tế bào. Lượng đường trong máu cao sẽ làm hỏng các cơ quan và mô ở khắp cơ thể, bao gồm cả mô ở đường tiêu hóa.
Bệnh tiểu đường type 2 và các vấn đề về đường tiêu hóa Bệnh tiểu đường type 2 và các vấn đề về đường tiêu hóa

Có tới 75% người mắc bệnh tiểu đường có vấn đề về đường tiêu hóa. Các triệu chứng phổ biến của những vấn đề này gồm có:

  • Ợ nóng
  • Tiêu chảy
  • Táo bón

Nhiều vấn đề về đường tiêu hóa xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường là do lượng đường trong máu cao gây tổn thương các dây thần kinh (bệnh thần kinh đái tháo đường).

Khi dây thần kinh bị hỏng, thực quản và dạ dày sẽ không thể co bóp tốt để đẩy thức ăn qua đường tiêu hóa. Một số loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường cũng có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.

Dưới đây là một số vấn đề về đường tiêu hóa liên quan đến bệnh tiểu đường và cách điều trị.

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)/ợ nóng

Khi chúng ta ăn uống, thức ăn sẽ đi qua thực quản xuống dạ dày và axit trong dạ dày sẽ phân hủy thức ăn. Phần đáy của thực quản có một bó cơ trơn gọi là cơ thắt thực quản dưới, có vai trò ngăn axit bên trong dạ dày trào ngược lên thực quản.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi bó cơ này bị suy yếu và khiến cho axit dạ dày trào ngược lên trên. Tình trạng này gây ợ nóng và cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị.

Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị trào ngược dạ dày thực quản và ợ nóng.

Béo phì là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản ở người bệnh tiểu đường type 2. Một nguyên nhân khác có thể là do lượng đường trong máu cao làm hỏng các dây thần kinh chỉ đạo sự co bóp dạ dày.

Trào ngược dạ dày thực quản được chẩn đoán bằng phương pháp nội soi đường tiêu hóa trên, trong đó bác sĩ đưa ống nội soi qua miệng của người bệnh để kiểm tra thực quản và dạ dày.

Ngoài ra còn phải tiến hành phương pháp đo pH thực quản 24 giờ để đánh giá tình trạng trào ngược axit dạ dày vào thực quản.

Kiểm soát lượng đường trong máu và dùng thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng axit hoặc thuốc ức chế bơm proton (PPI) có thể giúp giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.

Khó nuốt

Khó nuốt là tình trạng mất nhiều thời gian và sức lực hơn bình thường để đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Người bị chứng khó nuốt thường có cảm giác như thức ăn mắc ở cổ họng khi ăn. Các biểu hiện khác của chứng khó nuốt:

  • Khàn tiếng
  • Viêm họng
  • Tức ngực

Nội soi đường tiêu hóa trên là một phương pháp để chẩn đoán chứng khó nuốt.

Một cách khác là đo áp lực nhu động thực quản, trong đó một ống dài, mềm dẻo được đưa vào cổ họng và cảm biến ở đầu ống sẽ đo sự co bóp của cơ thực quản.

Người bệnh cũng có thể phải chụp X-quang thực quản có cản quang. Trước tiên, người bệnh sẽ phải nuốt một dung dịch có chứa bari. Dung dịch sẽ bao phủ bề mặt bên trong đường tiêu hóa và giúp bác sĩ phát hiện những bất thường trên ảnh chụp X-quang.

Thuốc ức chế bơm proton và các loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản khác cũng có thể điều trị chứng khó nuốt. Ngoài ra, người bệnh nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 2 - 3 bữa lớn và cắt đồ ăn thành miếng nhỏ để dễ nuốt hơn.

Liệt dạ dày

Liệt dạ dày là tình trạng thức ăn di chuyển qua dạ dày xuống ruột non chậm hơn bình thường. Tình trạng này còn được gọi là chậm làm rỗng dạ dày. Liệt dạ dày gây ra các triệu chứng như:

  • Nhanh no khi ăn
  • Đầy hơi, tức bụng
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Đau bụng

Khoảng một phần ba số người mắc bệnh tiểu đường type 2 bị liệt dạ dày. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao làm hỏng các dây thần kinh chỉ đạo sự co bóp của dạ dày.

Để chẩn đoán liệt dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi đường tiêu hóa trên hoặc chụp X-quang cản quang đường tiêu hóa trên.

Ống nội soi được đưa qua miệng của người bệnh xuống bên dưới, cho phép bác sĩ quan sát bên trong thực quản, dạ dày và phần bên trên của ruột non để phát hiện tắc nghẽn hay các vấn đề bất thường khác.

Phương pháp chụp quá trình làm rỗng dạ dày sẽ giúp xác nhận chẩn đoán. Người bệnh sẽ ăn một lượng nhỏ thức ăn có chứa thuốc phóng xạ an toàn, loại thuốc này sẽ hiển thị trên ảnh chụp X-quang, giúp bác sĩ đánh giá tốc độ thức ăn di chuyển qua dạ dày xuống ruột.

Liệt dạ dày có thể khiến bệnh tiểu đường khó kiểm soát hơn nên cần phải điều trị tình trạng này.

Người bị liệt dạ dày nên ăn nhiều bữa nhỏ và chọn thực phẩm ít chất béo để dễ tiêu hóa hơn. Uống nhiều nước sẽ giúp thức ăn di chuyển qua dạ dày nhanh hơn.

Tránh thực phẩm chứa nhiều chất xơ vì chất xơ sẽ làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày.

Các loại thuốc như metoclopramide (Reglan) và domperidone (Motilium) có thể làm giảm các triệu chứng liệt dạ dày. Tuy nhiên, các loại thuốc này đều đi kèm tác dụng phụ.

Metoclopramide có thể gây ra các tác dụng phụ như chứng loạn vận động muộn - các cử động không chủ ý của mặt, lưỡi, môi hoặc hàm nhưng tác dụng phụ này không phổ biến.

Domperidone có ít tác dụng phụ hơn. Thuốc kháng sinh erythromycin cũng có thể được sử dụng để điều trị chứng liệt dạ dày.

Bệnh đường ruột

Bệnh đường ruột (enteropathy) là thuật ngữ chung dùng để chỉ tất cả các bệnh xảy ra với ruột. Bệnh đường ruột có nhiều triệu chứng khác nhau như tiêu chảy, táo bón và đại tiện không tự chủ.

Cả bệnh tiểu đường và các loại thuốc điều trị tiểu đường như metformin đều có thể gây ra các triệu chứng này.

Để chẩn đoán bệnh đường ruột thì trước tiên, bác sĩ sẽ loại trừ các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc bệnh celiac.

Việc điều trị bệnh đường ruột tùy thuộc vào loại bệnh, triệu chứng và nguyên nhân cụ thể. Nếu nguyên nhân là do loại thuốc điều trị tiểu đường đang dùng thì bác sĩ sẽ kê một loại thuốc khác.

Ngoài ra, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày và ăn ít chất béo, chất xơ sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh đường ruột.

Nếu bị tiêu chảy thì cần dùng các loại thuốc trị tiêu chảy như Imodium. Khi bị tiêu chảy, hãy uống dung dịch bù điện giải để bù lại lượng nước và chất điện giải bị mất.

Nếu bị táo bón thì có thể điều trị bằng thuốc nhuận tràng.

Bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng mỡ tích tụ nhiều trong gan và nguyên nhân không phải do uống nhiều rượu bia. Gần 60% người mắc bệnh tiểu đường type 2 bị bệnh lý này. Béo phì là một yếu tố nguy cơ chính của cả bệnh tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ.

Các phương pháp để chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ gồm có siêu âm, sinh thiết gan và xét nghiệm máu. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh gan nhiễm mỡ, người bệnh sẽ phải xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra chức năng gan.

Bệnh gan nhiễm mỡ không gây triệu chứng nhưng có thể làm tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan. Gan nhiễm mỡ còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường sẽ giúp giữ cho gan không bị tổn thương thêm và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng của gan nhiễm mỡ.

Viêm tụy

Tuyến tụy là cơ quan sản xuất insulin - loại hormone giúp giảm lượng đường trong máu sau khi ăn.

Các triệu chứng của viêm tụy gồm có:

  • Đau ở vùng bụng trên
  • Đau bụng sau khi ăn
  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Nôn

Những người bị tiểu đường type 2 có nguy cơ viêm tụy cao hơn so với những người không bị tiểu đường. Viêm tụy nặng có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Nhiễm trùng
  • Suy thận
  • Vấn đề về hô hấp

Các phương pháp chẩn đoán viêm tụy gồm có:

  • Xét nghiệm máu
  • Siêu âm
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Khi bị viêm tụy, người bệnh sẽ phải nhịn ăn trong vài ngày để tuyến tụy có thời gian hồi phục. Người bệnh cũng có thể phải nhập viện để điều trị.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám ngay khi có các triệu chứng bất thường về tiêu hóa, chẳng hạn như:

  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Nhanh no khi ăn
  • Đau bụng
  • Khó nuốt hoặc cảm thấy có vật cản trong cổ họng
  • Đại tiện không tự chủ
  • Ợ nóng
  • Sụt cân không chủ đích

Tóm tắt bài viết

Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa cao hơn nhiều so với những người không bị tiểu đường.

Các triệu chứng như ợ nóng, tiêu chảy và táo bón có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là khi các triệu chứng tiếp diễn trong thời gian dài.

Các vấn đề về đường tiêu hóa có thể được điều trị bằng nhiều cách khác nhau, từ điều chỉnh thói quen ăn uống cho đến dùng thuốc.

Để phòng ngừa các vấn đề về đường tiêu hóa và các biến chứng khác của bệnh tiểu đường, hãy tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ xảy ra biến chứng tiểu đường.

Nếu nghi ngờ các triệu chứng là do thuốc điều trị tiểu đường, người bệnh không được tự ý ngừng thuốc mà phải đến gặp bác sĩ để được thăm khám, xác định chính xác nguyên nhân và tư vấn chuyển sang loại thuốc khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nghiên cứu cho biết statin có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2
Nghiên cứu cho biết statin có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2

Bạn có biết rất có thể một loại thuốc mà bạn đang dùng để cải thiện sức khỏe và tuổi thọ thực ra lại đang gây nguy hiểm theo một cách khác?

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.

Lợi ích của tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT) đối với bệnh tiểu đường type 2?
Lợi ích của tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT) đối với bệnh tiểu đường type 2?

Đối với những người đang sống chung với bệnh tiểu đường type 2, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Tập HIIT là một cách hữu hiệu để đạt được mức độ hoạt động thể chất cần thiết.

Lợi ích của quả bơ đối với bệnh tiểu đường type 2
Lợi ích của quả bơ đối với bệnh tiểu đường type 2

Bơ là một loại quả có vị ngậy béo với giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt chứa nhiều vitamin và chất béo. Mặc dù quả bơ chứa nhiều chất béo nhưng đó đều là chất béo tốt, có lợi cho tim mạch và bệnh tiểu đường type 2. Đối với những người bị tiểu đường type 2, ăn bơ có thể giúp giảm cân, giảm cholesterol và tăng độ nhạy insulin.

Chăm sóc bàn chân khi mắc bệnh tiểu đường type 2
Chăm sóc bàn chân khi mắc bệnh tiểu đường type 2

Ở những người mắc bệnh tiểu đường, các vấn đề như bệnh thần kinh và lưu thông máu kém có thể khiến vết thương ở bàn chân không được phát hiện hoặc chậm lành. Tình trạng này có thể khiến cho các vết thương thông thường như vết cắt hay trầy xước bị nhiễm trùng và trở thành vết loét sâu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây