1

9 quan niệm sai lầm về chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường

Mặc dù đái tháo đường là một bệnh lý phổ biến nhưng không ít người vẫn chưa hiểu đúng về căn bệnh này, dẫn đến những sai lầm trong điều trị bệnh. Một trong những điều mà nhiều người hiểu sai nhất là chế độ ăn uống khi mắc đái tháo đường.
9 quan niệm sai lầm về chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường 9 quan niệm sai lầm về chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường

Bài viết này sẽ tổng hợp 9 quan niệm sai lầm phổ biến nhất về chế độ ăn uống dành cho người mắc bệnh đái tháo đường.

1. Đái tháo đường là do ăn nhiều đường

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), ăn quá nhiều đường không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh đái tháo đường nhưng đó có thể là một yếu tố góp phần gây bệnh. (1)

Bệnh đái tháo đường type 1 thường xảy ra khi một yếu tố môi trường kích hoạt khuynh hướng di truyền khiến bệnh đái tháo đường tự biểu hiện. Bệnh đái tháo đường type 2 được kích hoạt bởi nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau, gồm có cả yếu tố di truyền và yếu tố lối sống.

Một số yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 gồm có:

  • Thừa cân, béo phì
  • Cao huyết áp
  • Lối sống ít vận động
  • Trên 45 tuổi

Đồ uống có đường, chẳng hạn như nước ngọt và nước ép trái cây đóng chai chứa nhiều calo rỗng và các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những loại đồ uống này làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. ADA khuyến cáo nên hạn chế tối đa đồ uống có đường để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường.

2. Người bị đái tháo đường phải kiêng carb

Carb không phải là kẻ thù của những người bị đái tháo đường. Những người mắc bệnh này không phải kiêng carb hoàn toàn mà chỉ cần chú ý đến loại carb và lượng carb trong thực phẩm.

Không phải thực phẩm chứa carb nào cũng giống nhau. Ảnh hưởng của mỗi loại thực phẩm đến lượng đường trong máu được đánh giá bằng chỉ số đường huyết (glycemic index – GI). GI cho biết tốc độ mà một loại thực phẩm chứa carb làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn. Người mắc bệnh đái tháo đường nên lựa chọn những thực phẩm có GI thấp và hạn chế thực phẩm có GI cao. Một số yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số GI của thực phẩm là:

  • Giá trị dinh dưỡng
  • Mức độ chín hay xanh (trái cây)
  • Mức độ chế biến/xử lý

Một số ví dụ về thực phẩm chứa carb có GI thấp:

  • Yến mạch cán
  • Bánh mì nguyên cám
  • Các loại đậu
  • Rau củ ít tinh bột như rau xanh, bông cải xanh, ớt chuông và cà chua

Ngoài chỉ số đường huyết, người bệnh cũng cần quan tâm đến tải lượng đường huyết (glycemic load - GL) và chọn thực phẩm có GL thấp. GL cũng tương tự như GI nhưng được xác định dựa trên cả kích thước khẩu phần ăn. Do đó, GL là thước đo chính xác hơn về tác động của thực phẩm đến lượng đường trong máu.

Nếu ăn thực phẩm có GI hoặc GL cao thì nên kết hợp cùng với thực phẩm có GI hoặc GL thấp để cân bằng bữa ăn.

Ngay cả khi đã chọn những nguồn carb lành mạnh thì vân phải kiểm soát lượng carb của bữa ăn vì tiêu thụ quá nhiều carb cùng lúc sẽ làm tăng lượng đường trong máu.

Xác định giới hạn carb và tuân thủ đúng giới hạn trong mỗi bữa ăn. Nếu không biết nên ăn bao nhiêu carb thì có thể hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Nếu sử dụng phương pháp đĩa thức ăn (plate method) để kiểm soát khẩu phần ăn thì lượng thực phẩm chứa carb chỉ nên chiếm một phần tư đĩa.

3. Người bị đái tháo đường không được ăn thực phẩm chứa tinh bột

Tinh bột là một loại carbohydrate. Ngoài các loại thực phẩm như bánh mì, bánh ngọt, cơm, phở, bún, mì, tinh bột còn có trong nhiều loại rau củ như khoai tây, khoai lang, ngô, đậu...

Mặc dù chứa carb nhưng các loại rau củ chứa tinh bột cũng giàu các chất dinh dưỡng quan trọng khác và là nhóm thực phẩm cần có trong chế độ ăn uống lành mạnh.

Nếu sử dụng phương pháp tính carb (carbohydrate count) thì phải tính cả lượng carb trong các loại rau củ này trong tổng lượng carb tiêu thụ hàng ngày. Nếu sử dụng phương pháp plate method thì các loại rau củ chứa tinh bột nên chiếm khoảng 1/4 đĩa.

Người bệnh cũng nên chọn những thực phẩm nhiều chất xơ và hạn chế thực phẩm chứa carb tinh chế để bổ sung đủ vitamin và khoáng chất cần thiết trong khi vẫn kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

4. Người bị đái tháo đường không được ăn đồ ngọt

Thi thoảng ăn một miếng bánh ngọt, vài chiếc bánh quy hay kẹo sẽ không gây hại gì cho sức khỏe, kể cả những người mắc bệnh đái tháo đường. Điều quan trọng là ăn vừa phải. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ăn kiêng quá khắt khe có thể dẫn đến ăn uống vô độ hoặc ăn quá nhiều.

Người bệnh vẫn có thể ăn đồ ngọt, miễn là không ăn quá nhiều, quá thường xuyên và nhớ cắt giảm các loại thực phẩm chứa carb khác trong bữa ăn để không vượt quá giới hạn carb.

Theo khuyến nghị của ADA, người mắc bệnh tiểu đường chỉ nên ăn khoảng 45 đến 60 gram carb mỗi bữa. (2)

5. Người bị đái tháo đường không được uống rượu bia

Người mắc bệnh đái tháo đường vẫn có thể uống rượu bia nếu tình trạng bệnh được kiểm soát tốt. Phụ nữ không nên uống quá một đơn vị cồn mỗi ngày và nam giới không uống quá hai đơn vị cồn. Một đơn vị cồn là 10 gram cồn nguyên chất, lượng cồn này có trong khoảng 145ml rượu vang, 350ml bia hoặc 45ml rượu mạnh.

Người bệnh nên theo dõi sát sao mức đường huyết trong 24 giờ sau khi uống rượu bia. Đồ uống có cồn có thể làm cho lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường, gây cản trở hiệu qủa của thuốc và ngăn gan sản xuất glucose.

Nên chọn những loại đồ uống có cồn ít carb và không chứa đường bổ sung, chẳng hạn như rượu vang, bia ít cồn hoặc rượu mạnh và hạn chế các loại thức uống có cồn pha chế có chứa đường vì những thức uống này có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột ngột.

6. Người bị đái tháo đường không được ăn trái cây

Nhiều người nghĩ rằng trái cây có vị ngọt nên người mắc bệnh đái tháo đường cần phải kiêng trái cây nhưng điều này là không đúng. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều trái cây giúp cải thiện mức insulin và kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.

Lý do là vì hầu hết các loại trái cây đều chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm cả chất xơ mà chất xơ lại giúp ổn định đường huyết.

Tốt nhất nên chọn các loại trái cây ít đường, chẳng hạn như quả mọng, táo và bưởi. Mặc dù đúng là một số loại trái cây chứa nhiều đường tự nhiên hơn so với những loại khác nhưng bệnh nhân đái tháo đường có thể ăn bất cứ loại trái cây nào, miễn là không ăn quá nhiều.

7. Nếu dùng thuốc thì có thể ăn uống thoải mái

Dùng thuốc điều trị đái tháo đường không có nghĩa là được ăn uống thoái mái. Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định là điều quan trọng nhưng người bệnh vẫn phải kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.

Lý do là bởi chế độ ăn uống có đầy đủ các nhóm thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm giàu chất xơ, protein nạc, chất béo tốt và carb phức tạp không chỉ giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường về lâu dài mà còn giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính thường đi kèm với bệnh đái tháo đường, chẳng hạn như bệnh tim mạch và cao huyết áp.

Khi bị đái tháo đường, người bệnh cần tăng cường một số nhóm thực phẩm trong khi hạn chế một số nhóm thực phẩm khác. Ăn quá nhiều hoặc quá thường xuyên những món có đường sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc và gây cản trở việc hình thành các thói quen giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường.

8. Không quan tâm đến chất béo

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bệnh đái tháo đường type 2 làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Điều này một phần là do nhiều người mắc bệnh đái tháo đường bị thừa cân và thường bị cao huyết áp hoặc có mức cholesterol cao.

Để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, hãy hạn chế tối đa chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống. Ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa nguyên kem và đồ chiên rán có thể làm tăng mức cholesterol xấu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

Nên tránh xa các món ăn chứa chất béo chuyển hóa và giới hạn lượng chất béo bão hòa ở mức dưới 10% tổng lượng calo nạp vào trong một ngày.

9. Chất làm ngọt nhân tạo an toàn hơn

Trên thị trường hiện nay ngày càng có nhiều sản phẩm được gắn mác “không đường” nhưng những sản phẩm đó chưa chắc đã tốt cho sức khỏe hơn so với phiên bản có đường. Thực phẩm chế biến sẵn không đường vẫn có thể chứa nhiều carb đơn giản, chất béo hoặc calo.

Theo một số nghiên cứu được thực hiện trên động vật, một số chất làm ngọt nhân tạo cũng có thể ảnh hưởng đến độ nhạy insulin và khiến cơ thể khó duy trì mức đường huyết khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi đưa ra kết luận chính thức về tác động của các chất làm ngọt nhân tạo đến lượng đường trong máu.

Các chất làm ngọt nhân tạo cũng như nhiều loại phụ gia thực phẩm khác được sử dụng mà không có sự giám sát nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý.

Bất chấp những tranh cãi xung quanh tính an toàn của một số chất làm ngọt nhân tạo, FDA đã công bố rằng những chất làm ngọt sau đây an toàn cho sức khỏe khi tiêu thụ vừa phải:

  • Saccharin
  • Aspartame (không dành cho người bị phenylketon niệu)
  • Acesulfame kali (acesulfame-k)
  • Sucralose
  • Neotame
  • Advantame
  • Cỏ ngọt (stevia)
  • Rượu đường

Theo ADA, người mắc bệnh tiểu đường thi thoảng vẫn có thể ăn các loại thực phẩm sử dụng chất làm ngọt nhân tạo để tạo vị ngọt thay cho đường. Điều này giúp hạn chế bớt phần nào lượng carb. Tuy nhiên, ADA đưa ra cảnh báo rằng chưa có nhiều bằng chứng cho thấy các chất thay thế đường có thể giúp kiểm soát đường huyết hay cải thiện sức khỏe tim mạch về lâu dài.

Ngoài ra, một số chất làm ngọt nhân tạo vẫn có chứa một lượng nhỏ carb nên cần phải chú ý đến bảng giá trị dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm và kiểm soát khẩu phần ăn.

Tóm tắt bài viết

Ban đầu, việc kiểm soát bệnh đái tháo đường có thể hơi khó khăn nhưng sẽ dễ dàng hơn khi hiểu đúng.

Ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết và tải lượng đường huyết thấp, hạn chế đồ uống có cồn, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và theo dõi đường huyết sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Một khi hiểu rõ, việc sống chung với bệnh đái tháo đường không quá đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ cần thực hiện theo một số quy tắc cơ bản là người bệnh sẽ có thể xây dựng được chế độ ăn uống phù hợp để kiểm soát đường huyết mà vẫn có thể thưởng thức những món ăn yêu thích.

Nếu cảm thấy khó khăn thì người bệnh có thể nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn.

Người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tại sao người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn?
Tại sao người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn?

Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với những người không mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường còn có nguy cơ bị đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn và dễ gặp phải biến chứng nghiêm trọng hơn.

Người bị bệnh tiểu đường có được uống rượu vang không?
Người bị bệnh tiểu đường có được uống rượu vang không?

Một số bằng chứng cho thấy rằng uống một lượng rượu vang đỏ vừa phải mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhưng có ý kiến cho rằng người mắc bệnh tiểu đường không nên uống rượu vang vì rượu vang làm tăng đường trong máu. Vậy uống rượu vang đỏ có lợi hay có hại cho người bệnh tiểu đường?

Hơi thở có mùi có liên quan gì đến bệnh đái tháo đường?
Hơi thở có mùi có liên quan gì đến bệnh đái tháo đường?

Hơi thở có mùi bất thường ở những người mắc bệnh đái tháo đường xảy ra do hai nguyên nhân chính: bệnh nha chu và nồng độ ceton trong máu cao.

Người mắc bệnh tiểu đường có nên uống nước ép không?
Người mắc bệnh tiểu đường có nên uống nước ép không?

Rất nhiều người có thói quen uống nước ép rau củ quả mỗi ngày. Mặc dù đúng là nước ép rau củ quả tươi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ giảm cân, bổ sung dinh dưỡng, thúc đẩy tiêu hóa, tăng cường miễn dịch hay làm đẹp da nhưng không phải ai cũng nên uống nước ép, biệt là những người mắc bệnh tiểu đường. Cùng tìm hiểu xem liệu uống nước ép có thực sự an toàn và tốt cho sức khỏe của những người bị tiểu đường hay không.

Uống trà có lợi gì đối với người mắc bệnh tiểu đường?
Uống trà có lợi gì đối với người mắc bệnh tiểu đường?

Có rất nhiều loại trà và mỗi loại mang lại những lợi ích khác nhau cho sức khỏe. Một số loại trà đặc biệt có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường, chẳng hạn như giúp cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu, giảm viêm và tăng độ nhạy insulin. Tất cả những điều này đều rất cần thiết cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Bài viết này sẽ nói về những lợi ích của trà đối với bệnh tiểu đường, những loại trà mà người bệnh tiểu đường nên uống và một số lưu ý khi uống trà.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây