Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn đièu trị bằng cách nào?
Các loại viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng ở tuyến tiền liệt - một tuyến nhỏ nằm ngay bên dưới bàng quang ở nam giới.
Viêm tuyến tiền liệt có thể xảy ra do nhiễm vi khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn. Các loại viêm tuyến tiền liệt gồm có:
- Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn
- Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm khuẩn
- Viêm tuyến tiền liệt mạn tính/hội chứng đau vùng chậu mạn tính (CP/CPPS) với hội chứng đau vùng chậu mạn tính do viêm
- Viêm tuyến tiền liệt mạn tính/hội chứng đau vùng chậu mạn tính (CP/CPPS) với hội chứng đau vùng chậu mạn tính không do viêm
- Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng
Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng thường được phát hiện khi khám các vấn đề khác.
Các loại viêm tuyến tiền liệt khác thường có các triệu chứng như sưng tấy và nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.
Để chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn, bác sĩ thường sẽ loại trừ các loại viêm tuyến tiền liệt khác.
Không thể chữa dứt điểm viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn. Ngay cả khi đã điều trị, vi khuẩn vẫn có thể tồn tại trong tuyến tiền liệt và các triệu chứng có thể tái phát bất cứ lúc nào. Người bệnh thường phải sử dụng kháng sinh kéo dài để điều trị hiệu quả tình trạng này.
Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn
Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn thường gây đau đớn.
Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện từ từ và kéo dài từ 3 tháng trở lên. Nên đi khám khi có các triệu chứng sau đây:
- Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch
- Nước tiểu có mùi hôi
- Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Đau khi xuất tinh
- Đau khi đại tiện
- Đau ở các vị trí sau:
- Thắt lưng
- Đáy chậu (khu vực giữa bộ phận sinh dục và hậu môn)
- Vùng mu
- Tinh hoàn
- Bụng dưới
Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Bí tiểu (không thể đi tiểu)
- Nhiễm trùng máu, xảy ra khi vi khuẩn đi vào máu
- Áp xe tuyến tiền liệt (tổ chức viêm nhiễm, tạo thành khối mềm, bên trong chứa mủ)
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn xảy ra khi tuyến tiền liệt bị nhiễm vi khuẩn và điều này kích hoạt phản ứng viêm. Ngay cả khi đã điều trị và các triệu chứng biến mất thì vi khuẩn vẫn có thể tiếp tục tồn tại và phát triển ở tuyến tiền liệt.
Các nguyên nhân khiến tuyến tiền liệt bị nhiễm vi khuẩn và viêm gồm có:
- Các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu
- Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), chẳng hạn như chlamydia và bệnh lậu
- Vi khuẩn E. coli lây lan từ tinh hoàn, niệu đạo hoặc các khu vực khác trong đường tiết niệu
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở bất kỳ nam giới nào nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ gồm có:
- Bị phì đại tuyến tiền liệt
- Nhiễm trùng trong hoặc xung quanh tinh hoàn
- Hẹp niệu đạo
Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn
Trước hết, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và khám lâm sàng để tìm các triệu chứng như sưng hạch bạch huyết vùng bẹn hay tiết dịch từ niệu đạo.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thăm trực tràng để kiểm tra tuyến tiền liệt. Trong quá trình thăm trực tràng, bác sĩ đưa ngón tay được bôi trơn và đeo găng tay y tế vào trực tràng của người bệnh để tìm các dấu hiệu viêm, chẳng hạn như tuyến tiền liệt đau khi chạm hoặc tăng kích thước.
Các phương pháp khác để chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn còn có:
- Soi tươi dịch niệu đạo để xem có vi khuẩn hay không
- Các xét nghiệm để loại trừ bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục
- Xét nghiệm nước tiểu
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Nội soi bàng quang, đưa ống nội soi vào niệu đạo để quan sát bên trong niệu đạo, tuyến tiền liệt và bàng quang
Điều trị viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn
Phương pháp chính để điều trị viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn là thuốc kháng sinh. Người bệnh sẽ phải dùng thuốc kháng sinh trong 4 đến 12 tuần.
Phương pháp điều trị bước đầu thường là các loại thuốc kháng sinh nhóm fluoroquinolone, chẳng hạn như ciprofloxacin, ofloxacin hoặc levofloxacin.
Thuốc kháng sinh nhóm fluoroquinolone có tác dụng phụ là làm tăng nguy cơ đứt gân Achilles.
Các loại kháng sinh khác thường được sử dụng còn có:
- Thuốc kết hợp sulfamethoxazole/trimethoprim
- Kháng sinh nhóm tetracycline, chẳng hạn như doxycycline hoặc azithromycin
Tetracycline thường được sử dụng trong những trường hợp bị bệnh chlamydia hoặc nhiễm khuẩn mycoplasma genitalium. Giống như chlamydia, nhiễm mycoplasma genitalium cũng là một bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Loại kháng sinh cần sử dụng sẽ tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng tuyến tiền liệt.
Sau khi kết thúc quá trình điều trị, người bệnh sẽ phải tái khám để đảm bảo tình trạng nhiễm trùng đã chấm dứt. Có thể phải mất từ 6 tháng đến 1 năm để các triệu chứng biến mất hoàn toàn.
Các phương pháp làm giảm triệu chứng
Phác đồ điều trị thường được sử dụng cho bệnh viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn là kết hợp thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Mặc dù NSAID có thể giúp giảm đau do viêm tuyến tiền liệt nhưng các loại thuốc này chủ yếu được sử dụng để giảm viêm.
Bác sĩ có thể sẽ kê thêm loại thuốc khác như:
- Thuốc làm mềm phân để tránh táo bón
- Thuốc chẹn alpha, chẳng hạn như tamsulosin để điều trị chứng bí tiểu
Một số biện pháp điều trị tự nhiên cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt:
- Ngâm nước ấm
- Uống nhiều nước
- Kiêng rượu bia, caffeine, nước ép cam quýt và đồ ăn cay nóng
Điều trị biến chứng viêm tuyến tiền liệt
Các phương pháp điều trị biến chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn.
- Bí tiểu: đặt ống thông tiểu để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.
- Áp xe: dẫn lưu ổ áp xe.
- Nhiễm trùng máu: nhập viện và điều trị bằng kháng sinh liều cao, phổ rộng.
- Sỏi trong tuyến tiền liệt: có thể cần phải phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt. Điều này rất hiếm khi xảy ra.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn có chữa khỏi được không?
Không thể chữa khỏi viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn. Sau khi điều trị, bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào và nguy cơ tái phát khá cao. Tuy nhiên, điều trị đúng cách có thể loại bỏ hoặc làm giảm triệu chứng và giảm nguy cơ bệnh tái phát.
Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh ung thư rất phổ biến ở nam giới, chủ yếu xảy ra ở người trên 65 tuổi. Phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường là theo dõi tích cực hoặc kết hợp giữa phẫu thuật và xạ trị. Liệu pháp áp lạnh không phải một phương pháp điều trị tiêu chuẩn nhưng có thể được chỉ định trong một số trường hợp nhất định.
Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm vi khuẩn nhưng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân. Viêm tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng khó chịu như nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần và đau ở thắt lưng. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể dẫn đến viêm ở vùng chậu.
Loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) cũng chính là nguyên nhân chính gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Vi khuẩn có thể đi theo máu đến tuyến tiền liệt.
Một trong các phương pháp chính để điều trị phì đại tuyến tiền liệt là dùng thuốc chẹn alpha và thuốc ức chế 5-alpha reductase. Ngoài ra còn có nhiều loại thuốc không kê đơn và thảo dược cũng có tác dụng làm giảm các triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt.
Xạ trị lập thể định vị thân (SBRT) là một loại xạ trị đã được sử dụng khá phổ biến trong khoảng 20 năm trở lại đây để điều trị ung thư tuyến tiền liệt.