Các nguyên nhân làm tăng mức PSA ngoài ung thư tuyến tiền liệt
PSA là gì?
PSA là viết tắt của prostate-specific antigen, có nghĩa là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt. Đây là một loại protein do các tế bào tuyến tiền liệt tạo ra. Nồng độ PSA trong máu cao có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến tiền liệt nhưng ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác cũng có thể làm tăng mức PSA, chẳng hạn như phì đại tuyến tiền liệt, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc mới xuất tinh.
Các bác sĩ sẽ không chỉ dựa trên mình chỉ số PSA để đánh giá tình trạng sức khỏe của tuyến tiền liệt mà sẽ kết hợp cùng các yếu tố khác như tuổi tác, kết quả thăm trực tràng cũng như tiền sử gia đình. Dưới đây là 8 nguyên nhân ngoài ung thư tuyến tiền liệt có thể làm tăng nồng độ PSA trong máu.
Các nguyên nhân khác làm tăng PSA
1. Tuổi tác
Mức PSA thường tăng lên khi nam giới có tuổi. Sự gia tăng bình thường này có thể là do sự phát triển lành tính của mô tuyến tiền liệt. Tình trạng tuyến tiền liệt tăng kích thước một cách lành tính được gọi là tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt.
2. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, hay còn được gọi là phì đại tuyến tiền liệt, là một vấn đề phổ biến ở nam giới lớn tuổi. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có thể làm tăng mức PSA và ảnh hưởng đến bàng quang cũng như đường tiết niệu. Nam giới bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có thể bị rối loạn tiểu tiện. Nếu không được điều trị, tình trạng này còn có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
Các triệu chứng phổ biến của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt gồm có:
- Tiểu khó
- Dòng nước tiểu yếu, tiểu nhỏ giọt hoặc ngắt quãng
- Đi tiểu nhiều lần
- Tiểu gấp
- Tiểu không hết
Ở nhiều nam giới, tuyến tiền liệt tăng kích thước khi có tuổi và điều này dẫn đến sự thay đổi nồng độ nội tiết tố. Nếu tình trạng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không gây triệu chứng thì không cần phải điều trị. Nếu có các triệu chứng nhẹ thì có thể điều trị bằng thuốc, chẳng hạn như thuốc chẹn alpha hoặc thuốc ức chế 5-alpha reductase. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc không thuyên giảm khi dùng thuốc thì cần phải điều trị bằng các thủ thuật xâm lấn tối thiểu như cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo hoặc điều trị bằng laser.
Các phương pháp điều trị phì đại tuyến tiền liệt
3. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể làm tăng mức PSA. Vấn đề này thường được phát hiện qua xét nghiệm nước tiểu và được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Buồn tiểu liên tục
- Cảm giác buồn tiểu không hết sau khi đi tiểu
- Tiểu không hết
- Đau thắt lưng, đặc biệt là vùng hạ sườn
- DDau bụng
- Cảm giác nóng rát hoặc đau buốt khi đi tiểu
- Nước tiểu đục, có mùi bất thường hoặc có máu
- Sốt hoặc ớn lạnh
Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu tăng lên theo tuổi tác. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Bệnh tiểu đường
- Sỏi thận
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Chức năng miễn dịch suy giảm
Nên đi khám sớm khi có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. Tình trạng này thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu chỉ số PSA ở mức cao và đã biết bản thân bị nhiễm trùng đường tiết niệu thì nên chờ cho đến khi khỏi bệnh mới làm xét nghiệm lại.
4. Viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt là một vấn đề phổ biến ở nam giới dưới 50 tuổi. Nguyên nhân thường là do nhiễm vi khuẩn. Viêm tuyến tiền liệt gây sưng tuyến tiền liệt và có các triệu chứng tương tự như nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Đau thắt lưng hoặc bụng
- Đau hoặc khó chịu khi đi tiểu
- Tiểu khó
Nếu tuyến tiền liệt bị viêm do nhiễm khuẩn thì bệnh nhân có thể còn gặp các triệu chứng giống như cúm và cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tổn thương dây thần kinh ở đường tiết niệu cũng có thể dẫn đến viêm tuyến tiền liệt. Điều này có thể xảy ra do chấn thương hoặc do biến chứng phẫu thuật. Nếu không phát hiện nhiễm trùng thì có thể điều trị bằng thuốc chống viêm hoặc thuốc chẹn alpha để làm giảm các triệu chứng.
5. Xuất tinh
Một số nghiên cứu đã tìm hiểu tác động của xuất tinh đến nồng độ PSA trong máu. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2016 cho thấy mức PSA tăng lên ở một số nam giới sau khi xuất tinh. Lượng PSA có thể duy trì ở mức cao hơn bình thường trong thời gian lên đến 24 giờ sau đó.
Cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn về tác động của xuất tinh đến mức PSA. Tuy nhiên, nếu có kế hoạch làm xét nghiệm PSA thì nên tránh xuất tinh trong vòng 24 giờ trước khi xét nghiệm để có kết quả chính xác.
6. Hormone tuyến cận giáp
Hormone tuyến cận giáp là hormone được cơ thể tạo ra để điều hòa lượng canxi trong máu. Hormone tuyến cận giáp có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt, kể cả ở những nam giới không bị ung thư tuyến tiền liệt. Vì lý do này nên nồng độ hormone tuyến cận giáp cao có thể làm tăng nồng độ PSA.
7. Tổn thương tuyến tiền liệt
Chấn thương ở vùng bẹn do ngã, va đập hoặc tai nạn có thể khiến cho mức PSA tạm thời tăng cao. Nếu xét nghiệm PSA cho kết quả cao hơn bình thường và nghi ngờ nguyên nhân là do chấn thương thì hãy cho bác sĩ biết.
8. Thủ thuật
Bất kỳ thủ thuật nào gây bầm tím hoặc tổn thương tạm thời ở vùng bẹn đều có thể ảnh hưởng đến mức PSA. Một số ví dụ về các thủ thuật có thể gây ra điều này là đặt ống thông hoặc ống nội soi vào bàng quang.
PSA và ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt có thể làm tăng mức PSA, vì vậy nên bác sĩ thường đề nghị làm xét nghiệm máu PSA kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác, chẳng hạn như thăm trực tràng để đánh giá nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Nam giới từ 50 tuổi trở lên được khuyến nghị làm xét nghiệm PSA. Nên bắt đầu xét nghiệm sớm hơn nếu có các yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tiền liệt, chẳng như tiền sử gia đình mắc bệnh.
Nếu chỉ số PSA cao và các phương pháp chẩn đoán khác cũng cho thấy nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thì sẽ phải tiến hành sinh thiết để xác nhận chẩn đoán. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng cần thiết. Đôi khi, hoãn sinh thiết và giám sát tích cực là lựa chọn tốt hơn vì ung thư tuyến tiền liệt thường tiến triển chậm. Tùy vào tình trạng thực tế mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về bước tiếp theo cần thực hiện.
Tiên lượng
Như bạn có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân làm tăng mức PSA. Ung thư tuyến tiền liệt là một trong số đó. Ung thư tuyến tiền liệt hoàn toàn có thể điều trị được, đặc biệt là khi được phát hiện sớm. Các nguyên nhân khác làm tăng mức PSA cũng vậy.
Các lựa chọn thay thế cho xét nghiệm PSA
Tại sao xét nghiệm PSA vẫn được sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt trong khi mức PSA cao có thể là do nhiều nguyên nhân khác? Có nên chọn các phương pháp chẩn đoán khác thay cho xét nghiệm PSA không?
Xét nghiệm PSA thường được sử dụng vì có ưu điểm là không xâm lấn (chỉ cần lấy mẫu máu). Tuy nhiên, vì nồng độ PSA có thể tăng cao do nhiều bệnh lý khác không phải ung thư tuyến tiền liệt nên xét nghiệm này phải được sử dụng và giải thích cẩn thận. Chỉ số PSA thấp có thể giúp loại trừ khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt. Xét nghiệm PSA còn là một công cụ hữu ích giúp theo dõi tình trạng ung thư tuyến tiền liệt trong quá trình điều trị hoặc để phát hiện ung thư tái phát sau điều trị. Mặc dù còn có những phương pháp khác giúp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt chính xác hơn, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc sinh thiết nhưng vì quy trình thực hiện đơn giản nên xét nghiệm PSA vẫn được sử dụng làm bước đầu tiên trong quá trình sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt. Bác sĩ sẽ dựa trên chỉ số PSA cùng kết quả của một số phương pháp chẩn đoán khác để xác định bước tiếp theo cần thực hiện.
Loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) cũng chính là nguyên nhân chính gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Vi khuẩn có thể đi theo máu đến tuyến tiền liệt.
Nhiễm trùng tuyến tiền liệt hay viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt và khu vực xung quanh bị viêm. Tuyến tiền liệt là một cơ quan có kích thước nhỏ nằm giữa bàng quang và gốc dương vật, bao quanh một phần niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể và dẫn tinh dịch từ các tuyến sinh dục đến đến đầu dương vật).
Hai nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về bàng quang là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Cùng tìm hiểu về điểm khác nhau giữa hai tình trạng này.
Mặc dù hiện chưa có bằng chứng chắc chắn nào chứng minh rằng thắt ống dẫn tinh làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt nhưng nghiên cứu gần đây lại một lần nữa đặt câu hỏi về vấn đề này.
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Căn bệnh này xảy ra khi các tế bào tuyến tiền liệt bắt đầu nhân lên một cách bất thường. Dầu cá mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng lại được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có ung thư tuyến tiền liệt. Điều này có đúng hay không?