1

Thắt ống dẫn tinh có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt không?

Mặc dù hiện chưa có bằng chứng chắc chắn nào chứng minh rằng thắt ống dẫn tinh làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt nhưng nghiên cứu gần đây lại một lần nữa đặt câu hỏi về vấn đề này.
Thắt ống dẫn tinh có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt không? Thắt ống dẫn tinh có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt không?

Thắt ống dẫn tinh là gì?

Ống dẫn tinh là các ống nhỏ mang tinh trùng từ tinh hoàn đến niệu đạo. Thắt ống dẫn tinh là một thủ thuật y khoa được thực hiện nhằm triệt sản ở nam giới. Đây là một thủ thuật đơn giản, trong đó ống dẫn tinh được cắt hoặc thắt lại để ngăn tinh trùng đi vào niệu đạo và nhờ đó tránh mang thai ngoài ý muốn.

Giống như các thủ tục xâm lấn khác, thắt ống dẫn tinh cũng đi kèm một số rủi ro nhỏ. Một trong những mối lo ngại lớn của thủ thuật thắt ống dẫn tinh là làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Đây là một vấn đề gây tranh cãi lớn giữa các nhà khoa học.

Các hướng dẫn lâm sàng hiện tại cho biết không có bằng chứng nào cho thấy việc thắt ống dẫn tinh làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng nghiên cứu mới đây vào năm 2021 lại một lần nữa đặt ra vấn đề. Một số nghiên cứu đã chỉ ra sự gia tăng nhẹ về nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở những nam giới đã thắt ống dẫn tinh.

Cụ thể thì nghiên cứu cho thấy điều gì về mối liên hệ giữa thắt ống dẫn tinh và ung thư tuyến tiền liệt? Còn có những yếu tố nào khác làm tăng nguy cơ thư tuyến tiền liệt? Và làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này?

Thắt ống dẫn tinh có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt không?

Hướng dẫn của các tổ chức về sức khỏe

Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (American Urological Association - AUA) đã đưa ra các hướng dẫn về thắt ống dẫn tinh vào năm 2012. Tổ chức này đã phân tích 9 nghiên cứu chính về mối liên hệ giữa thắt ống dẫn tinh và ung thư tuyến tiền liệt. AUA kết luận rằng những nam giới thắt ống dẫn tinh không có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với những nam giới không thắt ống dẫn tinh. (1)

AUA kiến nghị các bác sĩ không cần trao đổi về nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt với những người có như cầu thắt ống dẫn tinh.

Trong hướng dẫn vào năm 2016, Hiệp hội Tiết niệu Canada (Canadian Urological Association - CUA) cho biết các bác sĩ có thể chọn trao đổi về nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt với những người muốn thắt ống dẫn tinh nhưng tổ chức này cũng đồng ý rằng không có bất cứ mối liên hệ rõ ràng nào giữa thắt ống dẫn tinh và ung thư tuyến tiền liệt. (2)

Kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu gần đây nhất đã cho thấy rằng không có mối liên hệ rõ ràng giữa thắt ống dẫn tinh và ung thư tuyến tiền liệt.

Một tổng quan tài liệu vào năm 2017 đã sử dụng một phương pháp tổng hợp tài liệu nghiêm ngặt để chọn ra 53 nghiên cứu được công bố từ năm 1990 đến 2017. Các nghiên cứu này có tổng cộng hơn 14,7 triệu người tham gia. Sau khi phân tích cẩn thận, các nhà nghiên cứu đã đưa ra hai phát hiện chính:

  • Thắt ống dẫn tinh có thể có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt (tất cả các mức độ) nhưng mối liên hệ này là gần như không đáng kể.
  • Không có mối liên hệ giữa thắt ống dẫn tinh và ung thư tuyến tiền liệt nghiêm trọng.

Như vậy, nghiên cứu này cho thấy thắt ống dẫn tinh không gây ung thư tuyến tiền liệt. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không nên vì lo sợ nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt mà tránh thắt ống dẫn tinh nếu như đang tìm kiếm một phương pháp tránh thai hiệu quả. (3)

Nhưng một tổng quan tài liệu vào năm 2021 lại có những phát hiện khác. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp tương tự như tổng quan tài liệu vào năm 2017 để tổng hợp một số lượng lớn các nghiên cứu với tổng cộng gần 17 triệu người tham gia. Dưới đây là những phát hiện chính của mà các nhà nghiên cứu sau khi tổng hợp tài liệu: (4)

  • Có mối liên hệ chặt chẽ giữa thắt ống dẫn tinh và tất cả các loại ung thư tuyến tiền liệt (từ nhẹ đến nặng).
  • Không có mối liên hệ đáng kể nào giữa thắt ống dẫn tinh và nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.

Theo nghiên cứu này, mặc dù thắt ống dẫn tinh không làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt nhưng vẫn có thể tồn tại mối liên hệ giữa thắt ống dẫn tinh và ung thư tuyến tiền liệt.

Một phân tích tổng hợp vào năm 2022 cũng tìm thấy mối liên hệ nhỏ giữa thắt ống dẫn tinh và ung thư tuyến tiền liệt nhưng các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận thận trọng hơn so với nghiên cứu trước đó. Cụ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thắt ống dẫn tinh làm tăng khoảng 6% nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt nhưng lại không tìm thấy mối liên hệ nào giữa thắt ống dẫn tinh với ung thư tuyến tiền liệt nghiêm trọng hoặc tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.

Một nghiên cứu vào năm 2020 đã theo dõi hơn 2 triệu nam giới sinh từ năm 1937 đến 1996 tại Đan Mạch trong 38 năm. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi các yếu tố sau đây:

  • Thời điểm thắt ống dẫn tinh
  • Tần suất đi khám
  • Mức sống
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt (nếu mắc)

Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng những nam giới đã thắt ống dẫn tinh có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn một chút so với những người không thắt ống dẫn tinh. Sự gia tăng nguy cơ này vẫn tiếp tục kéo dài trong hơn 30 năm sau khi thắt ống dẫn tinh.

Mặc dù nghiên cứu này cho thấy nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng nhẹ sau khi thắt ống dẫn tinh nhưng chưa có nghiên cứu nào trên người chứng minh rằng thắt ống dẫn tinh là nguyên nhân trực tiếp làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Nhưng một nghiên cứu được thực hiện trên chuột vào năm 2020 đã tìm thấy điều này này. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những con chuột được thắt ống dẫn tinh có sự gia tăng biểu hiện protein ZKSCAN3, có nghĩa là có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. Nghiên cứu cho thấy đây rất có thể là lý do tại sao thắt ống dẫn tinh lại làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý kết quả được quan sát thấy ở chuột sau 20 tuần chứ không phải ở người sau hơn 20 năm. Cần có thêm các nghiên cứu trên người để xác nhận thắt ống dẫn tinh thực sự là nguyên nhân trực tiếp làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Tóm tắt nghiên cứu

Nghiên cứu gần đây cho thấy thắt ống dẫn tinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Thắt ống dẫn tinh không làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt nghiêm trọng hoặc tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.

Liệu sự gia tăng nhẹ nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở những nam giới từng thắt ống dẫn tinh có mang lại ý nghĩa đáng kể về mặt lâm sàng hay không vẫn đang là một vấn đề gây tranh luận.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thắt ống dẫn tinh có thể làm tăng biểu hiện của ZKSCAN3 – một loại protein có ảnh hưởng đến sự phát triển bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Nối ống dẫn tinh và ung thư tuyến tiền liệt

Nối ống dẫn tinh là thủ thuật nối lại hai đầu ống dẫn tinh đã bị cắt trong quá trình thắt ống dẫn tinh để cho phép tinh trùng đi từ tinh hoàn vào tinh dịch khi xuất tinh và khôi phục lại khả năng sinh sản cho nam giới.

Một số nghiên cứu đã tìm hiểu xem liệu việc nối ống dẫn tinh có giúp làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt sau khi thắt ống dẫn tinh hay không.

Các nhà nghiên cứu trong một nghiên cứu vào năm 2018 đã đánh giá nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở khoảng 9.700 nam giới đã thắt ống dẫn tinh và so sánh những người này với hơn 684.000 nam giới không thắt ống dẫn tinh.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc nối ống dẫn tinh sau khi thắt ống dẫn tinh không làm thay đổi nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng lưu ý thắt ống dẫn tinh và ung thư tuyến tiền liệt chỉ có mối liên hệ rất nhỏ, gần như không đáng kể.

Tại sao kết quả nghiên cứu lại không rõ ràng?

Ung thư tuyến tiền liệt và thắt ống dẫn tinh đều rất phổ biến ở nam giới. Theo báo cáo của Liên hợp quốc vào năm 2015, tại Mỹ cứ 10 nam giới lại có 1 người thắt ống dẫn tinh. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACA) ước tính rằng cứ 8 nam giới tại quốc gia này thì có 1 người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Do cả hai đều rất phổ biến nên rất khó để xác định chính xác mối liên hệ giữa thắt ống dẫn tinh và ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu sẽ phải chứng minh được sự gia tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt là do thắt ống dẫn tinh chứ không phải là do bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác.

Nhưng không có bằng chứng nào giải thích cụ thể tại sao thắt ống dẫn tinh lại có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Theo một số nghiên cứu trên động vật, thắt ống dẫn tinh có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, gây mất cân bằng nội tiết tố hoặc làm thay đổi biểu hiện của một số protein và những điều này có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng những giả thuyết này chưa được chứng minh trong các nghiên cứu trên người.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng những nam giới đã thắt ống dẫn tinh có tỷ lệ sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn và việc sàng lọc giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt. Nhiều người bị ung thư tuyến tiền liệt không hề có bất kỳ triệu chứng nào và bệnh vĩnh viễn không được phát hiện.

Cũng chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra mối liên hệ đáng kể giữa thắt ống dẫn tinh và ung thư tuyến tiền liệt. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy rằng nếu có thì mối liên hệ cũng rất nhỏ. Vì nhiều người mắc ung thư tuyến tiền liệt thậm chí còn không biểu hiện triệu chứng nên một số nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi liệu rằng mối liên hệ này có ý nghĩa về mặt lâm sàng hay không.

Các yếu tố nguy cơ khác của ung thư tuyến tiền liệt

Mặc dù chưa rõ mối liên hệ thật sự giữa thắt ống dẫn tinh và bệnh ung thư tuyến tiền liệt nhưng có nhiều yếu tố khác đã được xác định là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư này:

  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt sẽ tăng lên sau khi nam giới bước sang tuổi 50. Hầu hết các ca bệnh ung thư tuyến tiền liệt xảy ra ở người trên 65 tuổi.
  • Chủng tộc: Nam giới gốc Phi có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với nam giới thuộc các nhóm chủng tộc khác.
  • Tiền sử gia đình: Những người có thân nhân bậc một (như cha, anh em trai hoặc con trai ruột) bị ung thư tuyến tiền liệt sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Khoảng 10% trường hợp ung thư tuyến tiền liệt có yếu tố di truyền.
  • Chế độ ăn uống: Ăn nhiều sản phẩm từ sữa hoặc canxi có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt

Không thể ngăn ngừa hoàn toàn bất kỳ bệnh ung thư nào nhưng có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt:

  • Khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt định kỳ. Theo khuyến nghị, nam giới nên bắt đầu sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt từ tuổi 55 nhưng những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt nên bắt đầu sàng lọc sớm hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng hợp lý và tăng cường sức khỏe tổng thể.
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế các sản phẩm từ sữa và chất béo bão hòa.
  • Không hút thuốc. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật khác ngoài ung thư tuyến tiền liệt.
  • Uống cà phê, khoảng 3 đến 5 cốc mỗi ngày.
  • Xuất tinh thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Theo một nghiên cứu vào năm 2016, xuất tinh thường xuyên có nghĩa là xuất tinh 21 lần mỗi tháng.

Những điều cần cân nhắc trước khi thắt ống dẫn tinh

Thắt ống dẫn tinh là một phương pháp tránh thai rất hiệu quả dành cho nam giới.

Mặc dù có thể vi phẫu nối lại ống dẫn tinh trong trường hợp lại muốn có con nhưng nam giới nên cân nhắc kỹ trước khi thắt ống dẫn tinh:

  • Có chắc chắn không còn ý định sinh thêm con hay không?
  • Vợ có ý định sinh thêm con trong tương lai hay không?
  • Có sẵn sàng thực hiện thủ thuật nối ống dẫn tinh để khôi phục khả năng sinh sản không?
  • Có thể ngừng quan hệ tình dục 1 đến 2 tuần sau khi thắt ống dẫn tinh hay không?

Sau khi thắt ống dẫn tinh, thường phải sau 1 – 2 tháng thì khả năng mang thai mới giảm hẳn. Do đó, nên sử dụng các biện pháp tránh thai khác trong khoảng 6 đến 8 tuần sau khi thắt ống dẫn tinh. Sau khoảng thời gian này, nam giới có thể phải làm xét nghiệm tinh dịch đồ để kiểm tra số lượng tinh trùng trong tinh dịch. Nếu kết quả bằng 0 thì có thể quan hệ tình dục mà không cần sử dụng biện pháp tránh thai.

Thắt ống dẫn tinh chỉ ngăn tinh trùng đi vào niệu đạo chứ không ảnh hưởng đến chức năng tình dục.

Lượng và kết cấu tinh dịch cũng sẽ không thay đổi nhiều sau khi thắt ống dẫn tinh. Nam giới đã thắt ống dẫn tinh vẫn có thể cương cứng, đạt cực khoái và xuất tinh. Điểm khác biệt duy nhất so với trước đây là tinh dịch không chứa tinh trùng.

Tóm tắt bài viết

Thắt ống dẫn tinh là một phương pháp tránh thai an toàn và rất hiệu quả.

Hướng dẫn lâm sàng cho thấy thắt ống dẫn tinh không làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa thắt ống dẫn tinh và ung thư tuyến tiền liệt, mặc dù mối liên hệ này không đáng kể.

Nam giới nên hiểu rõ và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định thắt ống dẫn tinh.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Uống dầu cá có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?
Uống dầu cá có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Căn bệnh này xảy ra khi các tế bào tuyến tiền liệt bắt đầu nhân lên một cách bất thường. Dầu cá mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng lại được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có ung thư tuyến tiền liệt. Điều này có đúng hay không?

Uống sữa có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?
Uống sữa có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới trên toàn thế giới. Căn bệnh này do một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tuổi tác cao và gen di truyền. Và ngoài ra, uống sữa cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Cùng tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa sữa và ung thư tuyến tiền liệt.

Phân biệt bàng quang tăng hoạt và phì đại tuyến tiền liệt
Phân biệt bàng quang tăng hoạt và phì đại tuyến tiền liệt

Hai nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về bàng quang là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Cùng tìm hiểu về điểm khác nhau giữa hai tình trạng này.

Điều trị phì đại tuyến tiền liệt bằng thuốc không kê đơn và thảo dược
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt bằng thuốc không kê đơn và thảo dược

Một trong các phương pháp chính để điều trị phì đại tuyến tiền liệt là dùng thuốc chẹn alpha và thuốc ức chế 5-alpha reductase. Ngoài ra còn có nhiều loại thuốc không kê đơn và thảo dược cũng có tác dụng làm giảm các triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt.

Ung thư tuyến tiền liệt ảnh hưởng như thế nào đến chức năng tình dục?
Ung thư tuyến tiền liệt ảnh hưởng như thế nào đến chức năng tình dục?

Ung thư tuyến tiền liệt cũng như các phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến chức năng tinh dục của nam giới.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây