Uống sữa có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?
Mối liên hệ giữa uống sữa và ung thư tuyến tiền liệt
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những nam giới uống nhiều sữa có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với những nam giới ít tiêu thụ thực phẩm giàu canxi. Một nghiên cứu được công bố trước đó đã tìm thấy bằng chứng cho thấy những nam giới uống trên hai ly sữa mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với những nam giới uống từ hai ly trở xuống. (1) Sữa nguyên kem dường như làm tăng nguy cơ nhiều nhất, mặc dù các nghiên cứu cho thấy sữa ít béo cũng làm tăng nguy cơ.
Theo các nhà nghiên cứu, mối liên hệ chặt chẽ giữa việc uống sữa và nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt có thể là do hàm lượng chất béo, canxi và hormone có trong sữa. Các giả thuyết khác lại cho thấy sở dĩ uống sữa làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt là do:
- tác động tiêu cực của các thực phẩm giàu canxi như sữa đến sự cân bằng vitamin D
- sữa làm tăng nồng độ yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1) trong huyết thanh do ảnh hưởng của sữa đến mức testosterone
Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu tác động của sữa đến sự tiến triển của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Theo một nghiên cứu vào năm 2012, những nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt uống sữa nguyên kem có nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. (2) Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không nhận thấy điều tương tự xảy ra với các loại sữa hay sản phẩm từ sữa khác.
Một nghiên cứu vào năm 2016 đã đánh giá tác động của sữa và các sản phẩm từ sữa đến sức khỏe và kết luận rằng bằng chứng về mối liên quan giữa ung thư tuyến tiền liệt và việc uống sữa là không thuyết phục. (3) Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận mối liên hệ này, nhưng những người vốn đã có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt nên hỏi bác sĩ xem có nên kiêng hoặc hạn chế sữa và các sản phẩm từ sữa hay không.
Các sản phẩm từ sữa khác
Các nghiên cứu về tác động của việc tiêu thụ nhiều canxi đến nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt chủ yếu tập trung vào sữa tươi nhưng các sản phẩm từ sữa khác cũng được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Những sản phẩm này gồm có kem (ice cream) và các loại phô mai cứng, chẳng hạn như phô mai cheddar. Hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của sữa chua, kem tươi, bơ và các sản phẩm làm từ sữa khác đến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Uống sữa đậu nành có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?
Chưa có nghiên cứu nào cho thấy uống sữa đậu nành làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra điều ngược lại. Các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy rằng đậu nành có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, mặc dù cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về mối liên hệ này.
Các yếu tố nguy cơ khác của ung thư tuyến tiền liệt
Có 5 yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt:
- Tuổi tác
- Chủng tộc và sắc tộc
- Vị trí địa lý
- Tiền sử gia đình
- Đột biến gen
Tuổi tác
Nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng lên sau tuổi 50. Theo số liệu thống kê, cứ 10 người mắc ung thư tuyến tiền liệt thì có 6 người trên 65 tuổi.
Chủng tộc và sắc tộc
Nam giới da đen và nam giới gốc Châu Phi sinh sống tại hoặc đến từ Caribe có tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với nam giới thuộc các chủng tộc khác. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), nam giới da đen còn có nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt cao hơn gấp đôi so với nam giới da trắng. Nam giới Châu Á và gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa lý giải được sự khác biệt này giữa các nhóm chủng tộc.
Vị trí địa lý
Bắc Mỹ, Tây Bắc Âu, Úc và Caribe là những khu vực có tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao nhất. Châu Phi, Châu Á, Trung và Nam Mỹ có tỷ lệ mắc bệnh thấp nhất. Mặc dù chưa xác định rõ lý do nhưng Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đưa ra giả thuyết rằng sự chênh lệch về tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở các khu vực có thể là do sự khác biệt trong lối sống, chế độ ăn uống cũng như việc sàng lọc ung thư chuyên sâu.
Tiền sử gia đình
Mặc dù hầu hết nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt đều không có tiền sử gia đình mắc bệnh nhưng nhiều ca bệnh có yếu tố di truyền hay nhiều thế hệ trong gia đình cùng mắc bệnh. Có người thân ruột thịt, chẳng hạn như cha hoặc anh em trai bị ung thư tuyến tiền liệt sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Đột biến gen
Ung thư tuyến tiền liệt có thể xảy ra do một số thay đổi nhất định ở cấu trúc DNA. Những đột biến gen này có thể là do di truyền hoặc phát sinh vào một thời điểm nào đó trong đời. Hội chứng Lynch, cũng như những đột biến ở gen BRCA2, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.
Các yếu tố nguy cơ khác
Một số yếu tố khác cũng được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt gồm có:
- Chế độ ăn nhiều thịt đỏ
- Béo phì
- Hút thuốc
- Tiếp xúc với hóa chất
- Viêm tuyến tiền liệt
- Thắt ống dẫn tinh
Tiên lượng của người mắc ung thư tuyến tiền liệt
Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc uống sữa và nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, vì vậy nên nếu có thể thì tốt nhất nên tránh hoặc hạn chế uống sữa. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra kết luận chắc chắn và cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về mối liên hệ này.
Tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu rất cao. Theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống 5 năm của người mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn khu trú hoặc giai đoạn di căn vùng là 100% (so với những người không mắc bệnh). Tuy nhiên, tỷ lệ sống tương đối 5 năm của những người bị ung thư giai đoạn cuối hay giai đoạn di căn giảm xuống chỉ còn 28%. Đó là lý do tại sao sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt định kỳ là điều rất quan trọng. Sàng lọc giúp phát hiện bệnh từ sớm và càng phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ càng hiệu quả và khả năng chữa khỏi bệnh càng cao.
Tìm hiểu thêm về xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA)
Giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt
Không thể phòng ngừa hoàn toàn ung thư tuyến tiền liệt nhưng có thể làm giảm nguy cơ bằng các cách sau đây:
- Thay đổi chế độ ăn uống. Ăn nhiều trái cây và rau củ hàng ngày.
- Tích cực vận động, tập thể dục và giữ cân nặng khỏe mạnh.
- Sàng lọc định kỳ. Khám tuyến tiền liệt thường xuyên là điều rất quan trọng để phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt. Rất nhiều ca bệnh ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện và điều trị ngay ở giai đoạn đầu nhờ sàng lọc định kỳ.
Bạn cũng có thể cân nhắc kiêng hoặc hạn chế uống sữa hoặc thay thế sữa bằng các sản phẩm dưới đây:
- Uống sữa thực vật như sữa gạo, sữa yến mạch, sữa đậu nành, sữa dừa, sữa óc chó hay sữa hạnh nhân thay cho sữa bò.
- Dùng phô mai thuần chay, men dinh dưỡng hoặc đậu phụ non thay cho phô mai làm từ sữa bò.
- Chọn sữa chua và kem làm từ đậu nành thay vì các sản phẩm làm từ sữa bò.
Hai nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về bàng quang là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Cùng tìm hiểu về điểm khác nhau giữa hai tình trạng này.
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, hay còn được gọi là phì đại tuyến tiền liệt, là một vấn đề mà hàng triệu nam giới gặp phải và trong nhiều trường hợp, tình trạng này không cần đến các phương pháp điều trị y tế như thuốc hay phẫu thuật.
Có rất nhiều nguyên nhân làm tăng mức PSA. Ung thư tuyến tiền liệt chỉ là một trong số đó.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt gồm có tiền sử gia đình, tuổi tác, chủng tộc, vị trí địa lý và chế độ ăn uống.