1

Các cách giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), đây cũng là bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao thứ hai sau ung thư phổi ở nam giới tại quốc gia này. Ung thư tuyến tiền liệt có thể xảy ra ở bất cứ nam giới nào.Mặc dù không có cách nào có thể ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt một cách tuyệt đối nhưng có một số cách để giảm nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như duy trì cân nặng vừa phải, tập thể dục thường xuyên và chú ý đến chế độ ăn uống.
Các cách giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt? Các cách giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?

Các cách giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt

Ăn trái cây và rau củ màu đỏ

Cà chua, dưa hấu và các loại rau củ quả màu đỏ khác có chứa một chất chống oxy hóa mạnh có tên là lycopene. Một tổng quan tài liệu vào năm 2020 gồm các nghiên cứu về chủ đề này đã chỉ ra rằng đa số các nghiên cứu đều cho thấy lycopene có thể làm giảm sự tiến triển và phát triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt. (1)

Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy rằng những người ăn cà chua đóng hộp và cà chua nấu chín hơn 4 lần mỗi tuần có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 28% so với những người không bao giờ ăn những thực phẩm này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng mặc dù có một số bằng chứng chỉ ra cà chua giúp làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt nhưng cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để khẳng định điều này.

Điểm này cũng được nhấn mạnh trong một phân tích tổng hợp vào năm 2021 gồm 10 nghiên cứu về cà chua và ung thư tuyến tiền liệt. Sau khi phân tích, các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ đáng kể nào giữa việc ăn cà chua và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng cần có thêm nghiên cứu quy mô lớn hơn về chủ đề này.

Cà chua có thể được dùng cho nhiều món ăn và hàm lượng chất chống oxy hóa mà cơ thể hấp thụ được từ cà chua sẽ tùy thuộc vào cách chế biến. Một nghiên cứu vào năm 2018 được thực hiện trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng nấu chín cà chua, đặc biệt là chiên xào, có thể giúp cơ thể người bệnh hấp thụ lycopene dễ dàng hơn.

Ngoài ra, cà chua càng chín càng tốt vì lượng lycopene tăng dần trong quá trình chín.

Ăn trái cây họ cam chanh

Ăn trái cây tươi là một phần quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Ăn trái cây tươi còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy những người ăn nhiều trái cây nhất, đặc biệt là trái cây họ cam chanh đã giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Một số ví dụ về các loại trái cây họ cam chanh là:

  • Cam
  • Bưởi
  • Chanh xanh
  • Chanh vàng
  • Quýt
  • Quất
  • Bòng

Một điều quan trọng cần lưu ý là bưởi có thể tương tác với một số loại thuốc. Nếu bạn đang dùng thuốc kê đơn và không biết liệu ăn bưởi có an toàn hay không thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

Ăn đậu nành và uống trà xanh

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng isoflavone – một loại phytoestrogen – có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Isoflavone có trong các loại thực phẩm như:

  • Đậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành như đậu phụ
  • Đậu xanh
  • Đậu lăng
  • Mầm cỏ linh lăng
  • Đậu phộng

Các nhà nghiên cứu từ lâu cũng đã nghiên cứu tác dụng của trà xanh trong việc phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt và nhận được nhiều kết quả khác nhau. Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy những nam giới uống nhiều trà xanh có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng cần có thêm nghiên cứu quy mô lớn hơn để kiểm chứng những phát hiện này.

Một phân tích tổng hợp vào năm 2017 đã tổng hợp kết quả của 10 nghiên cứu và phát hiện ra rằng càng uống nhiều trà xanh mỗi ngày thì nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt càng giảm. Uống hơn 7 cốc trà xanh mỗi ngày có thể giúp làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. (2)

Một tổng quan tài liệu vào năm 2010 gồm các nghiên cứu được thực hiện trên động vật, trong ống nghiệm và thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy thành phần chính của trà xanh có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nghiên cứu quy mô lớn hơn để kiểm chứng.

Uống cà phê

Nhiều người có thói quen uống cà phê vào buổi sáng để đầu óc được tỉnh táo và tăng khả năng tập trung. Tuy nhiên, bạn có biết rằng uống cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và một trong số đó là làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt?

Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu lâm sàng vào năm 2014 cho thấy rằng uống 4 đến 5 tách cà phê mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt nói chung, ngoài ra còn giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt mức độ cao và nguy cơ tử vong do căn bệnh này. (3)

Một phân tích tổng hợp khác cũng vào năm 2014 cho thấy uống 3 tách cà phê mỗi ngày giúp làm giảm 11% nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt gây tử vong và cứ uống thêm 3 cốc thì nguy cơ lại giảm tiếp 11%.

Những phát hiện này được củng cố bởi một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021. Sau khi tổng hợp 16 nghiên cứu thuần tập, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng uống càng nhiều cà phê thì nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt càng thấp.

Mặt khác, nếu chỉ thi thoảng mới uống cà phê sẽ không có tác động đáng kể đến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Cũng cần phải lưu ý rằng, tiêu thụ nhiều caffeine (chất kích thích có trong cà phê) có thể gây ra các vấn đề không mong muốn, chẳng hạn như vấn đề về tiêu hóa, tim đập nhanh, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và mất ngủ. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine mỗi ngày, tương đương với 4 - 5 tách cà phê.

Cách pha cà phê cũng có ảnh hưởng đến tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Một nghiên cứu vào năm 2015 đã so sánh cà phê được pha bằng bộ lọc và cà phê đun sôi không lọc. Những nam giới uống cà phê đun sôi không lọc có vẻ có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn so với những nam giới uống cà phê pha bằng bộ lọc hoặc hoàn toàn không uống cà phê.

Cà phê có chứa cafetol và kahweol – những hợp chất có tác dụng chống ung thư. Theo các nghiên cứu, những hợp chất này bị giữ lại ở phần bã khi cà phê được lọc bằng phin giấy. Trong khi đó, cà phê không lọc vẫn giữ được các hợp chất chống ung thư này.

Hạn chế chất béo

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2014 đã chỉ ra rằng ăn chất béo bão hòa và chất béo động vật có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. (4)

Chất béo động vật có trong thịt, mỡ, nội tạng, bơ động vật và phô mai. Ngoài các loại thực phẩm này, chất béo bão hòa còn có trong nhiều loại thực phẩm khác như bánh ngọt, sản phẩm từ sữa nguyên kem, kẹo, đồ ăn nhanh chiên rán và đồ ăn đóng gói sẵn.

Hãy cố gắng thay thế chất béo bão hòa và chất béo động vật trong chế độ ăn uống bằng chất béo thực vật, ví dụ như:

  • Thay mỡ lợn và bơ động vật bằng dầu ô liu
  • Thay kẹo bằng trái cây
  • Thay đồ ăn đóng gói sẵn bằng rau củ tươi
  • Thay phô mai bằng các loại hạt và quả hạch

Ngoài ra, nấu thịt quá kỹ sẽ tạo ra chất gây ung thư. Vì vậy, chỉ nên nấu chín vừa phải.

Bỏ thuốc lá

Theo ACS, hầu hết các nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa hút thuốc và ung thư tuyến tiền liệt. Nhìn chung, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định xem hút thuốc có thể ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Một nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy những nam giới có hút thuốc tại thời điểm chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ tái phát ung thư cao hơn. Ngoài ra, hút thuốc còn làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt hoặc các nguyên nhân khác, theo một nghiên cứu vào năm 2019.

Không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá. Cả hai nghiên cứu trên đều chỉ ra rằng những người đã bỏ thuốc trước khi được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ tử vong thấp hơn nhiều so với những người vẫn đang hút.

Tập thể dục

Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và cân nặng là rất phức tạp.

Theo một nghiên cứu vào năm 2020, chỉ số khối cơ thể (BMI) có mối liên hệ không đáng kể với nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu điều chỉnh số đo vòng eo, họ nhận thấy ở những người có số đo vòng eo lớn, việc tăng chỉ số BMI có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Thừa cân hoặc béo phì cũng có tác động tiêu cực ở những người đã mắc ung thư tuyến tiền liệt. Ví dụ, những bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ bệnh tiến triển và tái phát cao hơn.

Tập thể dục thường xuyên là cách hữu hiệu để kiểm soát cân nặng. Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích như tăng khối lượng cơ, thúc đẩy trao đổi chất và cải thiện sức khỏe tim mạch. Bạn có thể chọn bất cứ bài tập nào mà bạn thích, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, tập gym…

Bạn nên kết hợp nhiều bài tập để đỡ nhàm chán và tăng cường hiệu quả của việc tập luyện.

Một số loại thực phẩm gây tranh cãi

Cá và axit béo omega-3

Axit béo omega-3 – một nhóm chất béo tốt – mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có phòng ngừa ung thư. Một trong những nhóm thực phẩm có hàm lượng axit béo omega-3 cao nhất là các loại cá béo, ví dụ như cá mòi, cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá trích…

Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy rằng những nam giới có nồng độ axit béo omega-3 trong máu cao có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. Tuy nhiên, một tổng quan tài liệu vào năm 2015 đã phát hiện ra một số vấn đề của nghiên cứu này và kết luận nghiên cứu này chưa đủ thuyết phục để khẳng định ăn nhiều axit béo omega-3 làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Một tổng quan tài liệu khác vào năm 2017 cũng đã chỉ ra rằng hiện tại chưa có đủ bằng chứng để chứng minh rằng tăng lượng omega-3 trong chế độ ăn làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tổng quan tài liệu này kết luận cần có thêm nghiên cứu về chủ đề này.

Vào năm 2019, các nhà nghiên cứu tại Intermountain Healthcare Heart Institute đã công bố hai nghiên cứu mới về omega-3. Cụ thể, nghiên cứu phát hiện ra rằng chế độ ăn nhiều axit béo omega-3 có thể giúp làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và dường như không liên quan đến nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Folate

Folate có trong nhiều loại thực phẩm như:

  • Rau xanh
  • Các loại đậu
  • Các loại ngũ cốc
  • Thực phẩm được bổ sung folate, ví dụ như bột ngũ cốc

Dạng tổng hợp của folate là axit folic. Có thể bổ sung axit folic bằng cách dùng thực phẩm chức năng.

Một nghiên cứu vào năm 2009 đã theo dõi những người uống bổ sung axit folic để ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. Trong thời gian theo dõi kéo dài 10 năm, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc uống bổ sung axit folic có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, folate trong thực phẩm tự nhiên lại giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt

Một tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp vào năm 2012 đã tổng hợp các nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc uống bổ sung axit folic và nguy cơ ung thư. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng sử dụng thực phẩm chức năng axit folic có vẻ chỉ làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Trong khi đó, theo một tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp khác vào năm 2014, folate trong thực phẩm tự nhiên và tổng lượng folate tiêu thụ, bao gồm cả axit folic, không có mối liên hệ đáng kể nào với ung thư tuyến tiền liệt.

Sản phẩm từ sữa

Canxi có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo ACS, một số nghiên cứu đã cho thấy tiêu thụ nhiều sản phẩm từ sữa và chế độ ăn nhiều canxi có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, kết quả các nghiên cứu chưa thống nhất và lượng canxi trong chế độ ăn uống bình thường không làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư này.

Khi nào cần đi khám?

Khi đi khám sức khỏe định kỳ, bạn nên cho bác sĩ biết về những yếu tố nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt của bản thân để được tư vấn thời điểm bắt đầu khám sàng lọc cũng như những cách điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sống để giảm thiểu nguy cơ. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Tiền sử gia đình: Người có bố hoặc anh em ruột mắc ung thư tuyến tiền liệt sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Chủng tộc: Nam giới gốc Phi có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với các chủng tộc khác.
  • Tuổi tác: Càng có tuổi thì nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt càng cao.

Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt như:

  • Các vấn đề về tiết niệu:
    • Dòng tiểu yếu hoặc tiểu khó
    • Đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp
    • Cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
    • Cảm giác tiểu không hết
  • Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch
  • Cảm thấy khó chịu hoặc đau dai dẳng ở vùng chậu, hông hoặc lưng
  • Rối loạn cương dương (khó đạt được hoặc duy trì sự cương cứng)

Câu hỏi thường gặp về ung thư tuyến tiền liệt

Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt có thể xảy ra ở bất kỳ nam giới nào nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm có:

  • Tuổi tác: Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng lên khi nam giới có tuổi. Theo ACS, 6 trên 10 ca ung thư tuyến tiền liệt là nam giới trên 65 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: Nếu có một người thân ruột thịt, chẳng hạn như cha hoặc anh em trai, bị ung thư tuyến tiền liệt thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Chủng tộc: Mặc dù chưa rõ lý do nhưng nam giới gốc Phi có tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.
  • Vị trí địa lý: Ung thư tuyến tiền liệt phổ biến hơn ở một số khu vực trên thế giới như Bắc Mỹ, Caribe, Châu Âu và Úc. Cần nghiên cứu thêm để lý giải điều này.
  • Đột biến gen: Một số đột biến gen di truyền, chẳng hạn như đột biến ở gen BRCA1 và BRCA2, có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra, những nam giới mắc một bệnh di truyền có tên là hội chứng Lynch cũng có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.

Người bị ung thư tuyến tiền liệt sống được bao lâu?

Khi ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện sớm thì tiên lượng thường rất tốt. Theo Chương trình SEER của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), tỷ lệ sống 5 năm nói chung của người mắc ung thư tuyến tiền liệt trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2017 là 97,5%.

Tuy nhiên, tỷ lệ sống 5 năm thay đổi theo giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán:

  • Giai đoạn khu trú: Khi ung thư mới chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt, tỷ lệ sống 5 năm là gần 100%.
  • Giai đoạn di căn vùng: Nếu ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt đến các hạch bạch huyết lân cận thì tỷ lệ sống 5 năm vẫn là gần 100%.
  • Giai đoạn di căn xa: Khi ung thư đã lan đến các cơ quan ở xa trong cơ thể thì tỷ lệ sống 5 năm giảm xuống chỉ còn 30,6%.

Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện ở giai đoạn khu trú hoặc di căn vùng.

Có những phương pháp nào để điều trị ung thư tuyến tiền liệt?

Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho từng ca bệnh. Có thể sẽ phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau.

Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu và không gây ra triệu chứng thì có thể chỉ cần giám sát tích cực, có nghĩa là chưa cần điều trị mà chỉ cần tái khám thường xuyên để theo dõi tình trạng bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm cho thấy dấu hiệu ung thư đang phát triển thì sẽ phải bắt đầu điều trị.

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Phẫu thuật: Nếu ung thư chưa lan ra bên ngoài tuyến tiền liệt thì bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt để loại bỏ khối u.
  • Xạ trị: Sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Liệu pháp áp lạnh: Sử dụng một đầu dò đặc biệt để đóng băng và tiêu diệt các tế bào trong tuyến tiền liệt, bao gồm cả tế bào ung thư.
  • Liệu pháp hormone: Làm giảm nồng độ các hormone thúc đẩy sự phát triển của ung thư.
  • Hóa trị: Sử dụng thuốc có chứa hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư.
  • Liệu pháp miễn dịch: Dựa vào chính hệ miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư. Một loại liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị một số loại ung thư tuyến tiền liệt là vắc xin sipuleucel-T (Provenge).
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Ngăn cản hoạt động của một số protein ở trên hoặc trong tế bào ung thư. Thuốc ức chế PARP là một dạng liệu pháp nhắm trúng đích được sử dụng để điều trị một số loại ung thư tuyến tiền liệt.

Làm thế nào để giữ cho tuyến tiền liệt khỏe mạnh?

Dưới đây là một số cách để giữ cho tuyến tiền liệt khỏe mạnh:

  • Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe và giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Hãy cố gắng duy trì thói quen tập thể dục đều đặn hầu hết các ngày trong tuần.
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng: Nên ăn nhiều thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ tươi và các nguồn protein nạc. Giảm lượng thịt đỏ và thực phẩm chứa nhiều đường, carbohydrate tinh chế và chất béo xấu.
  • Kiểm soát cân nặng: Những người bị thừa cân hoặc béo phì nên cố gắng giảm cân. Tuy nhiên, không nên giảm cân quá nhanh mà hãy kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục để giảm cân một cách an toàn, bền vững.
  • Khám sức khỏe định kỳ cũng rất quan trọng. Khi đi khám, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và hỏi về thời điểm nên bắt đầu khám sàng lọc. Nếu có các triệu chứng đáng ngờ thì phải cho bác sĩ biết ngay.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn ung thư tuyến tiền liệt nhưng có một số cách để giảm thiểu nguy cơ.

Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, ví dụ như trái cây và rau củ có màu đỏ, đậu nành, trà xanh và cà phê.

Giảm lượng chất béo động vật, chất béo bão hòa và thịt đỏ cũng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài chế độ ăn uống, điều chỉnh các thói quen sống khác cũng là điều cần thiết để giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Hãy cố gắng bỏ thuốc lá, kiểm soát cân nặng và tập thể dục thường xuyên.

Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy các dấu hiệu nghi là ung thư tuyến tiền liệt, chẳng hạn như các vấn đề về tiết niệu và đau ở vùng chậu, hông hoặc lưng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ung thư, nguy cơ
Tin liên quan
Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm tuyến tiền liệt là một tình trạng rất phổ biến ở nam giới, có thể là cấp tính (xảy ra đột ngột và trong thời gian ngắn) hoặc mãn tính (phát triển từ từ và kéo dài).

Ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn là gì và điều trị bằng cách nào?
Ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn là gì và điều trị bằng cách nào?

Trong những trường hợp bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển và trở nên kháng cắt tinh hoàn, còn nhiều phương pháp điều trị khác có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, mặc dù các phương pháp này không thể chữa khỏi ung thư. Mục tiêu điều trị chính là ngăn ung thư lan từ tuyến tiền liệt đến các bộ phận ở xa trong cơ thể như cột sống, phổi và não (di căn).

Liệu pháp áp lạnh điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách nào?
Liệu pháp áp lạnh điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách nào?

Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh ung thư rất phổ biến ở nam giới, chủ yếu xảy ra ở người trên 65 tuổi. Phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường là theo dõi tích cực hoặc kết hợp giữa phẫu thuật và xạ trị. Liệu pháp áp lạnh không phải một phương pháp điều trị tiêu chuẩn nhưng có thể được chỉ định trong một số trường hợp nhất định.

Thắt ống dẫn tinh có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt không?
Thắt ống dẫn tinh có làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt không?

Mặc dù hiện chưa có bằng chứng chắc chắn nào chứng minh rằng thắt ống dẫn tinh làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt nhưng nghiên cứu gần đây lại một lần nữa đặt câu hỏi về vấn đề này.

Ai có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt?
Ai có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt?

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt gồm có tiền sử gia đình, tuổi tác, chủng tộc, vị trí địa lý và chế độ ăn uống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây