1

Những điều cần lưu ý sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt

Sinh thiết tuyến tiền liệt là một thủ thuật nhanh chóng, rủi ro thấp với thời gian phục hồi ngắn. Đây là một trong những công cụ chính xác nhất để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.
Những điều cần lưu ý sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt Những điều cần lưu ý sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt

Sinh thiết tuyến tiền liệt là gì?

Nếu phát hiện bất thường trong quá trình sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ thường sẽ đề nghị sinh thiết tuyến tiền liệt. Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, trong đó bác sĩ sử dụng kim dài lấy mẫu mô từ tuyến tiền liệt để phân tích xem có tế bào ung thư hay không.

Sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt, bạn có thể về nhà ngay nhưng quá trình hồi phục sẽ mất khoảng 1 – 2 tuần và cần phải thực hiện một số thay đổi nhỏ về thói quen sống trong khoảng thời gian này.

Dưới đây là những điều cần biết về sinh thiết tuyến tiền liệt và những lưu ý trong quá trình phục hồi.

Sinh thiết tuyến tiền liệt được thực hiện như thế nào?

Quá trình phục hồi sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt sẽ tùy thuộc vào loại sinh thiết.

Có ba loại sinh thiết thường được sử dụng để lấy mẫu mô từ tuyến tiền liệt:

  • Sinh thiết qua trực tràng
  • Sinh thiết qua đáy chậu
  • Sinh thiết qua niệu đạo

Trước tiên, bạn sẽ được gây tê tại chỗ khu vực xung quanh vị trí sinh thiết để giảm đau. Sau đó, bác sĩ từ từ đưa kim vào tuyến tiền liệt, quá trình này được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm để đưa kim vào đúng vị trí.

Trong sinh thiết qua niệu đạo, bác sĩ sử dụng ống nội soi để quan sát khu vực lấy lấy mẫu mô thay vì siêu âm. Ống nội soi được đưa qua niệu đạo và có gắn dụng cụ để giúp bác sĩ lấy mẫu mô.

Mất bao lâu để hồi phục sau sinh thiết tuyến tiền liệt?

Quá trình phục hồi sau sinh thiết tuyến tiền liệt thường mất vài ngày.

Bạn nên tránh tập thể dục và các hoạt động gắng sức trong 5 ngày sau thủ thuật để giảm nguy cơ chấn thương hoặc biến chứng.

Bạn cũng có thể sẽ cần dùng thuốc kháng sinh trong vài ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Rủi ro của sinh thiết tuyến tiền liệt

Sinh thiết tuyến tiền liệt là một thủ thuật an toàn nhưng do xâm lấn nên vẫn có thể phát sinh một số vấn đề không mong muốn. Những vấn đề này thường chỉ là tạm thời và đa số đều có liên quan đến chảy máu do kim hoặc dụng cụ đâm vào khu vực xung quanh tuyến tiền liệt.

Bạn có thể sẽ thấy máu trong:

  • trực tràng trong vài ngày đầu sau khi sinh thiết
  • tinh dịch trong một vài tuần, điều này khiến tinh dịch có màu hồng hoặc đỏ
  • nước tiểu hoặc phân trong vài ngày nhưng tình trạng này có thể kéo dài đến 1, 2 tuần

Bạn sẽ gặp khó khăn khi đi tiểu trong vài ngày, đặc biệt là sau khi sinh thiết qua niệu đạo. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ đặt ống thông tiểu để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cho đến khi bạn có thể tự đi tiểu bình thường.

Khoảng 3% nam giới từng sinh thiết tuyến tiền liệt phải quay lại bệnh viện sau vài ngày đến vài tuần và nguyên nhân thường là do nhiễm trùng. Để ngăn ngừa nhiễm trùng, bạn có thể sẽ được kê thuốc kháng sinh để dùng trong 1 - 3 ngày sau sinh thiết.

Theo nghiên cứu vào năm 2019, sinh thiết qua đáy chậu giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng hoặc chảy máu. Tuy nhiên, phương pháp sinh thiết này lại đi kèm một số rủi ro khác, chẳng hạn như tiểu không tự chủ và tác dụng phụ của thuốc gây mê toàn thân.

Dấu hiệu bất thường sau sinh thiết

Hãy đi khám ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt:

  • Sốt cao trên 38°C (101°F)
  • Chảy máu trực tràng không ngừng
  • Có nhiều máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu sẫm màu hoặc có cục máu đông sau vài tuần vẫn không hết
  • Phải rặn mạnh khi tiểu tiện hoặc đại tiện
  • Đau dữ dội bất thường khi tiểu tiện hoặc đại tiện
  • Phản ứng da, chẳng hạn như phát ban

Lưu ý sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt

Sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt, bạn nên:

  • Tránh hoạt động gắng sức, đặc biệt là các bài tập như chạy bộ, đạp xe và bơi lội.
  • Không nâng vật nặng quad 5kg trong 24 giờ sau sinh thiết.
  • Tránh rặn quá mạnh khi đại tiện trong thời gian cơ thể đang hồi phục. Sử dụng thuốc làm mềm phân nếu đại tiện khó khăn.
  • Không quan hệ tình dục hoặc thủ dâm trong 48 giờ sau sinh thiết.

Kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt thường sẽ có sau 1 đến 3 ngày nhưng cũng có thể mất đến một tuần. Bác sĩ sẽ giải thích chi tiết kết quả và đưa ra bước tiếp theo.

Hoạt động tình dục sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt

Hãy chờ vài ngày cho vết thương lành lại trước khi quan hệ tình dục hoặc thủ dâm.

Bạn nên đeo bao cao su trong 1 - 2 tuần để ngăn vi khuẩn hoặc các chất khác gây kích ứng khu vực xung quanh vết thương ở trực tràng, đáy chậu hoặc niệu đạo.

Do có lẫn máu nên tinh dịch có thể sẽ có màu hơi đỏ trong vài tuần sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt.

Làm thế nào để phục hồi nhanh hơn sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt?

Dưới đây là một số cách để phục hồi nhanh hơn sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt:

  • Ngừng dùng các loại thuốc làm loãng máu như aspirin hoặc warfarin một thời gian trước khi sinh thiết để giảm chảy máu trong quá trình hồi phục.
  • Dùng thuốc kháng sinh được kê.
  • Thụt rửa theo hướng dẫn của bác sĩ để làm sạch trực tràng và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm nước tiểu trước khi sinh thiết để xem có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.
  • Nghỉ ngơi, hạn chế đi lại và đứng nhiều trong vài ngày sau khi sinh thiết.
  • Sắp xếp nghỉ làm ở nhà vài ngày.
  • Hạn chế vận động, nhất là các hoạt động gắng sức.
  • Hạn chế căng thẳng, lo âu để tăng cường chức năng miễn dịch và giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày để cơ thể có đủ nước và thúc đẩy quá trình hồi phục.
  • Tránh caffeine và đồ uống có cồn – những loại đồ uống này có thể làm loãng máu, ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc kháng sinh và gây đi tiểu nhiều.

Các lựa chọn thay thế sinh thiết tuyến tiền liệt

Sinh thiết là công cụ chính xác nhất để xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.

Tuy nhiên, không phải khi nào cũng phải sinh thiết để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Dưới đây là một số phương pháp khác cũng thường được sử dụng trong quá trình sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt:

  • Thăm trực tràng: Bác sĩ sẽ đưa ngón tay có đeo găng và bôi trơn vào trực tràng để kiểm tra tuyến tiền liệt.
  • Xét nghiệm PSA: đo nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen) trong máu. PSA là loại protein do tế bào tuyến tiền liệt tạo ra. Nồng độ PSA trong máu cao có thể chỉ ra ung thư tuyến tiền liệt.
  • Siêu âm qua ngả trực tràng (TRUS): sử dụng sóng âm thanh có tần số cao để tạo ra hình ảnh của tuyến tiền liệt. Siêu âm giúp phát hiện khối u và những bất thường khác ở tuyến tiền liệt.
  • Xét nghiệm nước tiểu: giúp phát hiện các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt trong nước tiểu, chẳng hạn như các chỉ thị di truyền cho thấy nguy cơ mắc bệnh.
  • Chụp PET/CT (cắt lớp phát xạ positron): Một phân tích vào năm 2022 cho thấy rằng chụp PET có sử dụng chất đánh dấu phóng xạ có thể giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt mà không cần sinh thiết. Nhưng nghiên cứu đang được tiến hành và đây vẫn chưa phải là một công cụ tiêu chuẩn để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.

Sinh thiết tuyến tiền liệt có chính xác không?

Sinh thiết là công cụ chính xác nhất để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt là khi được sử dụng kết hợp với các phương pháp sàng lọc khác.

Nhưng điều đó không có nghĩa là kết quả sinh thiết luôn chính xác 100%. Ví dụ, tỷ lệ chẩn đoán sai ung thư tuyến tiền liệt của phương pháp sinh thiết qua trực tràng lên tới 50%.

Ngoài ra còn có 16 - 40% khả năng kết quả âm tính giả, có nghĩa là sinh thiết không phát hiện được ung thư.

Việc sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mới như cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET/CT) có thể giúp làm tăng độ chính xác.

Một số phương pháp xét nghiệm nước tiểu mới cũng được chứng minh là chính xác hơn so với sinh thiết. Một nghiên cứu được thực hiện trên 1.525 người vào năm 2021 cho thấy xét nghiệm MyProstateScore có độ chính xác cao trong việc phát hiện ung thư. Theo nghiên cứu, phương pháp này đã giúp 387 trường hợp tránh phải sinh thiết không cần thiết.

Tóm tắt bài viết

Sinh thiết tuyến tiền liệt là một thủ thuật nhanh chóng, rủi ro thấp với thời gian phục hồi ngắn. Đây là một trong những công cụ chính xác nhất để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.

Sau sinh thiết có thể phát sinh một số vấn đề không mong muốn như tiểu khó hay có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch. Mặc dù có thể xảy ra nhiễm trùng nhưng dùng thuốc kháng sinh vài ngày trước khi sinh thiết sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ. Sau sinh thiết, bạn cần tránh các hoạt động gắng sức như tập thể dục và quan hệ tình dục một thời gian.

Kết quả sinh thiết thường sẽ có sau vài ngày. Nếu kết quả cho thấy ung thư thì cũng đừng quá lo lắng. Ung thư tuyến tiền liệt có tiên lượng rất tốt nếu được phát hiện sớm.

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: lưu ý
Tin liên quan
Những điều cần biết về sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt
Những điều cần biết về sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt

Nếu được phát hiện sớm, ung thư tuyến tiền liệt có tiên lượng rất tốt. Tuy nhiên, bệnh ung thư này thường không có triệu chứng ở các giai đoạn đầu nên việc khám sàng lọc là điều cần thiết. Có nhiều phương pháp được sử dụng để sàng lọc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, gồm có xét nghiệm PSA, khám trực tràng, xét nghiệm PCA3 và một số phương pháp khác.

Điều trị phì đại tuyến tiền liệt bằng thuốc không kê đơn và thảo dược
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt bằng thuốc không kê đơn và thảo dược

Một trong các phương pháp chính để điều trị phì đại tuyến tiền liệt là dùng thuốc chẹn alpha và thuốc ức chế 5-alpha reductase. Ngoài ra còn có nhiều loại thuốc không kê đơn và thảo dược cũng có tác dụng làm giảm các triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt.

Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm tuyến tiền liệt: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm tuyến tiền liệt là một tình trạng rất phổ biến ở nam giới, có thể là cấp tính (xảy ra đột ngột và trong thời gian ngắn) hoặc mãn tính (phát triển từ từ và kéo dài).

Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt là giải pháp điều trị tốt nhất trong những trường hợp khối u nằm bên trong tuyến tiền liệt và chưa xâm lấn khu vực xung quanh. Ca phẫu thuật được thực hiện nhằm loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư trước khi lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Có nhiều cách khác nhau để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp điều trị được xác định dựa trên mức độ tiến triển của ung thư, ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt hay chưa và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây