1

Các loại suy thận cấp và phương pháp điều trị

Khi thận đột ngột không thể hoạt động bình thường thì được gọi là suy thận cấp (acute renal failure). Suy thận cấp được chia thành ba loại dựa trên nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận. Khác với suy thận mạn, hầu hết các trường hợp suy thận cấp đều phục hồi chức năng thận sau khi điều trị.
Các loại suy thận cấp và phương pháp điều trị Các loại suy thận cấp và phương pháp điều trị

Suy thận cấp là tình trạng chức năng thận suy giảm đột ngột. Suy thận cấp còn được gọi là tổn thương thận cấp tính.

Suy thận cấp được phân loại theo nguyên nhân gây suy thận:

  • Suy thận cấp trước thận
  • Suy thận cấp tại thận
  • Suy thận cấp sau thận

Vậy cụ thể thì nguyên nhân gây ra các loại suy thận cấp này là gì và điều trị bằng cách nào?

Suy thận cấp trước thận

Suy thận cấp trước thận là loại suy thận cấp phổ biến nhất, chiếm khoảng 60% tổng số ca suy thận cấp. Suy thận cấp trước thận xảy ra khi lưu lượng máu đến thận giảm.

Tim bơm máu mang oxy đến cho các cơ quan và mô của cơ thể. Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng lượng máu cung cấp đến thận chiếm khoảng 25% lượng máu được bơm bởi tim. Do đó, thận sẽ không thể hoạt động bình thường nếu không nhận được đủ máu.

Suy thận cấp trước thận có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:

  • Giảm lượng máu, hay còn được gọi là giảm thể tích tuần hoàn. Điều này có thể xảy ra do:
    • Chảy máu nghiêm trọng
    • Bỏng nặng
    • Mất nước từ hệ tiêu hóa do nôn mửa hoặc tiêu chảy nghiêm trọng
  • Tụt huyết áp, có thể xảy ra do:
    • Nhồi máu cơ tim
    • Suy tim
    • Suy gan
    • Thuyên tắc phổi
    • Sốc phản vệ
    • Sốc nhiễm khuẩn
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như:
    • Thuốc điều trị cao huyết áp như thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB)
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
    • Cyclosporine - một loại thuốc ức chế miễn dịch
    • Thuốc gây mê

Suy thận cấp tại thận

Suy thận cấp tại thận xảy ra do các yếu tố liên quan đến thận. Suy thận cấp tại thận chiếm khoảng 35% tổng số ca suy thận cấp.

Nhiều nguyên nhân gây suy thận cấp tại thận có liên quan đến tổn thương nephron –đơn vị cấu tạo và chức năng của thận. Mỗi nephron gồm có một cầu thận (một nhóm các mạch máu nhỏ có chức năng lọc máu) và một ống thận (cấu trúc loại bỏ chất thải và đưa các chất cần thiết trở lại máu).

Theo một nghiên cứu từ năm 2015, khoảng 60% trường hợp suy thận cấp tại thận xảy ra do tổn thương ống thận. Tình trạng này được gọi là hoại tử ống cấp tính.

Các giai đoạn hoại tử ống thận cấp

Sau nguyên nhân trước thận, hoại tử ống thận cấp là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây suy thận cấp. Hoại tử ống thận cấp được chia thành các giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn khởi đầu: là khi sự kiện dẫn đến hoại tử ống thận cấp xảy ra và giai đoạn này có thể kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
  • Giai đoạn duy trì: là khi chức năng thận bị suy giảm. Tình trạng thiểu niệu (lượng nước tiểu ít) nghiêm trọng nhất ở giai đoạn này và có thể kéo dài đến 2 tuần.
  • Giai đoạn phục hồi: mô thận tự tái tạo, phục hồi và các dấu hiệu chức năng thận bắt đầu trở về bình thường. Lượng nước tiểu tăng lên và giai đoạn này thường kéo dài từ 10 đến 14 ngày.

Ngoài tổn thương nephron, suy thận cấp tại thận cũng có thể xảy ra do các vấn đề về mạch máu và mô liên kết liên quan đến thận.

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến suy thận cấp tại thận, gồm có:

  • Tổn thương thận hoặc chảy máu nghiêm trọng
  • Cục máu đông ảnh hưởng đến thận
  • Nhiễm trùng ảnh hưởng đến thận
  • Ảnh hưởng của các bệnh tự miễn như lupus và viêm mạch máu
  • Ảnh hưởng của một số bệnh ung thư, chẳng hạn như đa u tủy
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc, gồm có:
    • Một số loại kháng sinh
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
    • Thuốc ức chế bơm proton
  • Tiếp xúc với chất độc ảnh hưởng đến thận, chẳng hạn như ethylene glycol

Suy thận cấp trước thận đôi khi có thể trở thành suy thận cấp tại thận nếu tình trạng suy thận cấp trước thận kéo dài và mô thận bị tổn thương.

Suy thận cấp sau thận

Suy thận cấp sau thận xảy ra khi nước tiểu không thể thoát khỏi thận một cách bình thường. Đây là loại suy thận cấp hiếm gặp nhất, chỉ chiếm 5% tổng số ca suy thận cấp.

Nguyên nhân chính gây suy thận cấp sau thận là do tắc nghẽn. Điều này gây cản trở dòng nước tiểu chảy từ thận qua niệu quản và bàng quang.

Tắc nghẽn đường tiết niệu có thể làm giảm khả năng lọc máu của thận. Tình trạng tắc nghẽn còn có thể khiến nước tiểu chảy ngược trở lại thận và dẫn đến tổn thương thận.

Một số nguyên nhân có thể gây suy thận cấp sau thận gồm có:

  • Sỏi thận
  • U thận hoặc bàng quang
  • Cục máu đông ảnh hưởng đến đường tiết niệu
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • U ở khu vực quanh đường tiết niệu, chẳng hạn như trong đường tiêu hóa hoặc hệ sinh dục
  • Các vấn đề về hệ thần kinh ảnh hưởng đến việc đi tiểu

Yếu tố nguy cơ của suy thận cấp

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ suy thận cấp gồm có:

  • Tuổi cao
  • Có các bệnh lý khác, chẳng hạn như:
    • Bệnh thận
    • Bệnh tim mạch
    • Bệnh gan
    • Bệnh tiểu đường
  • Nhập viện do các vấn đề nghiêm trọng như chấn thương nặng, nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm trùng máu
  • Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như:
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
    • Một số loại kháng sinh
    • Một số loại thuốc điều trị cao huyết áp

Triệu chứng của suy thận cấp

Các triệu chứng của suy thận cấp thường kéo dài khoảng vài giờ cho đến vài ngày. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Lượng nước tiểu giảm
  • Sưng phù ở bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân do giữ nước
  • Mệt mỏi, không có sức lực
  • Buồn nôn
  • Hụt hơi
  • Đau hoặc tức trong ngực
  • Lú lẫn
  • Co giật

Các giai đoạn của suy thận cấp

Suy thận cấp được xác định bởi một trong các yếu tố dưới đây:

  • Creatinin trong máu tăng từ 0,3 mg/dL trở lên trong khoảng thời gian 48 giờ
  • Creatinin trong máu tăng 1,5 lần trở lên so với mức bình thường trong vòng 7 ngày trước đó
  • Lượng nước tiểu dưới 0,5 mL/kg/h và kéo dài ít nhất 6 giờ

Nồng độ creatinin trong máu là thước đo khả năng lọc máu của thận trong khi lượng nước tiểu là thước đo khả năng tạo nước tiểu của thận. Nồng độ creatinin trong máu cao và lượng nước tiểu ít có thể là dấu hiệu cho thấy thận đang không hoạt động bình thường.

Giống như suy thận mạn, suy thận cấp cũng được phân giai đoạn dựa trên mức độ nghiêm trọng, càng sang các giai đoạn sau thì chức năng thận càng giảm. Bảng dưới đây là các giai đoạn của suy thận cấp cùng với chỉ số creatinin và lượng nước tiểu ở từng giai đoạn.

  Creatinin trong máu Lượng nước tiểu
Giai đoạn 1 Tăng từ 0,3 mg/dl trở lên hoặc tăng 1,5 – 1,9 lần so với mức bình thường Dưới 0,5 mL/kg/h trong 6 đến 12 giờ
Giai đoạn 2 Tăng 2,0 – 2,9 lần so với mức bình thường Dưới 0,5 mL/kg/h trong 12 giờ trở lên
Giai đoạn 3 Tăng 3,0 lần so với mức bình thường hoặc tăng thêm 4,0 mg/dl trở lên hoặc bắt đầu phải lọc máu Dưới 0,3 mL/kg/h trong 24 giờ trở lên hoặc không đi tiểu trong 12 giờ trở lên

Điều trị suy thận cấp

Suy thận cấp thường là do các bệnh lý khác hoặc tác dụng phụ của thuốc gây ra. Do đó, để điều trị suy thận cấp thì cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ làm suy giảm chức năng thận.

Những trường hợp suy thận cấp nghiêm trọng có thể phải lọc máu. Phương pháp điều trị này giúp thận loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi máu.

Khi bị suy thận cấp, chức năng thận có thể phục hồi sau khi điều trị, đặc biệt là khi mô thận không bị tổn thương nặng. Tuy nhiên, khả năng phục hồi chức năng thận sau khi bị suy thận cấp còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:

  • Nguyên nhân gây suy thận cấp
  • Chức năng thận trước khi bị suy thận cấp
  • Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể
  • Những người đã từng bị suy thận cấp có nguy cơ cao bị lại trong tương lai và còn có nguy cơ bị suy thận mạn cao hơn.

Tóm tắt bài viết

Suy thận cấp được chia thành 3 loại dựa trên nguyên nhân gây suy thận là suy thận cấp trước thận, suy thận cấp tại thận và suy thận cấp sau thận.

Suy thận cấp còn được phân chia thành 3 giai đoạn dựa trên mức độ nghiêm trọng. Việc điều trị suy thận cấp phụ thuộc vào nguyên nhân gốc rễ gây tổn thương thận.

Nếu suy thận cấp được điều trị kịp thời, thận có thể phục hồi chức năng bình thường và không bị tổn thương lâu dài.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: phương pháp
Tin liên quan
Các phương pháp điều trị bổ sung và chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư biểu mô tế bào thận
Các phương pháp điều trị bổ sung và chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư biểu mô tế bào thận

Bác sĩ sẽ xác định phác đồ điều trị ung thư biểu mô tế bào thận dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh và mức độ lan rộng của ung thư. Các phương pháp chính để điều trị ung thư biểu mô tế bào thận gồm có phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích và hóa trị. Những phương pháp điều trị này nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của ung thư.

Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận Giai Đoạn Cuối: Tiên Lượng Và Các Phương Pháp Điều Trị
Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận Giai Đoạn Cuối: Tiên Lượng Và Các Phương Pháp Điều Trị

Ung thư thận là bệnh ung thư bắt đầu ở tế bào thận. Ung thư thận giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối có nghĩa là ung thư đã lan từ thận đến các cơ quan khác. Tiên lượng ở giai đoạn này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có loại ung thư thận và mức độ đáp ứng với điều trị.

Các Phương Pháp Điều Trị Ung Thư Thận
Các Phương Pháp Điều Trị Ung Thư Thận

Phác đồ điều trị ung thư thận phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Thông thường, người bệnh sẽ phải điều trị lần lượt bằng các phương pháp khác nhau hoặc kết hợp các phương pháp điều trị cùng lúc.

Đối Phó Với Tác Dụng Phụ Của Các Phương Pháp Điều Trị Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận
Đối Phó Với Tác Dụng Phụ Của Các Phương Pháp Điều Trị Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận

Ung thư biểu mô tế bào thận (renal cell carcinoma) là loại ung thư thận phổ biến nhất ở người lớn. Loại ung thư này bắt đầu xảy ra ở các tế bào của ống thận. Hầu hết các ca bệnh đều không triệu chứng ở giai đoạn đầu. Các phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào thận gồm có phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp miễn dịch. Tất cả đều có tác dụng phụ. Dưới đây là các cách khắc phục một số tác dụng phụ thường gặp.

Các phương pháp điều trị nhiễm trùng thận tại nhà
Các phương pháp điều trị nhiễm trùng thận tại nhà

Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm bớt các triệu chứng nhiễm trùng thận khi được sử dụng kết hợp với các phương điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Nhiễm trùng thận có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây