1

Các Phương Pháp Điều Trị Ung Thư Thận

Phác đồ điều trị ung thư thận phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Thông thường, người bệnh sẽ phải điều trị lần lượt bằng các phương pháp khác nhau hoặc kết hợp các phương pháp điều trị cùng lúc.
Các Phương Pháp Điều Trị Ung Thư Thận Các Phương Pháp Điều Trị Ung Thư Thận

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society - ACS), ung thư thận là 1 trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở cả nam giới và nữ giới. Ước tính có khoảng hơn 430.000 ca mắc mới ung thư thận mới vào năm 2020.

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư thận. Phác đồ điều trị ở mỗi một ca bệnh là khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có loại ung thư thận, giai đoạn, tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Dưới đây là các phương pháp điều trị ung thư thận chính, cơ chế tác dụng và chỉ định của mỗi phương pháp.

Phương pháp điều trị ung thư thận theo từng giai đoạn

dieu tri ung thu than2
Phương pháp điều trị ung thư thận

Sau khi xác nhận chẩn đoán ung thư thận, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn bệnh. Ung thư thận gồm có 4 giai đoạn.

Ung thư thận giai đoạn 1 và 2 là khi ung thư vẫn còn khu trú ở thận. Ở giai đoạn 3, ung thư đã lan đến các mô và hạch bạch huyết lân cận. Giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối là khi ung thư lan đến các mô hoặc cơ quan ở xa hơn trong cơ thể.

Giai đoạn ung thư là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định phác đồ điều trị. Thông thường, người bệnh sẽ phải điều trị lần lượt bằng các phương pháp khác nhau hoặc kết hợp các phương pháp điều trị cùng lúc.

Trong hầu hết các ca bệnh, phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho ung thư thận giai đoạn 1 đến 3. Liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch thường chỉ dành cho ung thư thận đã di căn.

Bảng dưới đây là các phương pháp điều trị thường được sử dụng ở mỗi giai đoạn ung thư thận.

  Phương pháp điều trị
Giai đoạn 1 Giám sát tích cực, phẫu thuật cắt thận bán phần hoặc triệt để
Giai đoạn 2 Phẫu thuật, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch
Giai đoạn 3 Phẫu thuật, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch
Giai đoạn 4 Phẫu thuật, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, xạ trị, hóa trị

Giám sát tích cực

Trong nhiều trường hợp, u ở thận có kích thước nhỏ và phát triển chậm. Khá nhiều trong số đó là u lành tính, có nghĩa là không phải ung thư. Vì lý do này, bác sĩ có thể đề nghị giám sát tích cực thay vì điều trị ngay lập tức.

Giám sát tích cực có nghĩa là người bệnh sẽ tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi những thay đổi về khối u. Khối u sẽ được theo dõi bằng các công nghệ chẩn đoán hình ảnh, gồm có:

  • Siêu âm
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Người bệnh thường phải tái khám từ 3 đến 6 tháng một lần hoặc thường xuyên hơn. Nếu như khối u to lên thì sẽ phải bắt đầu điều trị.

Giám sát tích cực đa phần chỉ dành cho các trường hợp có khối u nhỏ, thường là ở người lớn tuổi và những người có sức khỏe yếu, không thể chịu được các phương pháp điều trị khác.

Đốt u

Đốt u là phương pháp tiêu diệt các tế bào của khối u. Có nhiều phương pháp đốt u, gồm có phương pháp sử dụng nhiệt độ cực lạnh để đóng băng khối u (liệu pháp áp lạnh) và phương pháp sử dụng nhiệt độ cao, gọi là đốt bằng sóng cao tần.

Trong liệu pháp áp lạnh, bác sĩ đưa một đầu dò qua da hoặc qua một đường rạch nhỏ (nội soi) vào trong khối u. Phương pháp đốt bằng sóng cao tần được thực hiện qua da. Quá trình đưa đầu dò vào khối u được hướng dẫn bằng các công nghệ chẩn đoán hình ảnh.

Phẫu thuật nói chung là phương pháp điều trị tại chỗ được sử dụng phổ biến nhất cho bệnh ung thư thận. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp đốt u nếu khối u có kích thước nhỏ nhưng không thể loại bỏ bằng phẫu thuật, thường là do người bệnh còn đang mắc các bệnh khác ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và không đủ điều kiện phẫu thuật.

Phẫu thuật

phau thuat
Phẫu thuật nếu ung thư chưa lan ra ngoài thận

Nếu ung thư chưa lan ra ngoài thận thì phẫu thuật có thể giúp chữa khỏi bệnh. Có hai loại phẫu thuật được sử dụng để điều trị ung thư thận là:

  • Cắt thận bán phần: cắt bỏ đi phần thận có khối u. Cắt thận bán phần thường được thực hiện trong những trường hợp khối u nhỏ và nằm ở vị trí dễ tiếp cận.
  • Cắt thận triệt để: cắt bỏ toàn bộ quả thận có khối u, thường phải cắt bỏ cả tuyến thượng thận. Cắt thận triệt để được chỉ định khi khối u có kích thước lớn hoặc đã lan ra ngoài thận.

Nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các hạch bạch huyết gần thận có biểu hiện to ra hoặc không điển hình thì bác sĩ sẽ cắt bỏ cả các hạch bạch huyết này trong quá trình phẫu thuật.

Phẫu thuật điều trị ung thư thận hiện nay thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi ổ bụng. Bác sĩ đưa các dụng cụ phẫu thuật vào ổ bụng của bệnh nhân qua một đường rạch rất nhỏ. Phẫu thuật nội soi có thời gian phục hồi nhanh hơn so với phương pháp mổ mở truyền thống.

Ngày nay, nhiều ca phẫu thuật nội soi cắt thận được thực hiện với sự hỗ trợ của robot. Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy phẫu thuật nội soi bằng robot có độ chính xác cao hơn và bảo tồn chức năng thận tốt hơn.

Ung thư thận có thể tái phát sau phẫu thuật. Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2019 ước tính ung thư tái phát xảy ra ở khoảng 20% số ca bệnh được điều trị bằng phẫu thuật ở giai đoạn ung thư khu trú. (1)

Đối với những ca bệnh có nguy cơ tái phát cao, bác sĩ có thể đề nghị điều trị thêm bằng liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch sau phẫu thuật. Điều này được gọi là điều trị bổ trợ.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng các loại thuốc có tác dụng nhắm đến và ức chế các protein ở trên hoặc bên trong các tế bào ung thư. Có nhiều loại thuốc nhắm trúng đích khác nhau được dùng để điều trị bệnh ung thư thận.

Một trong những cơ chế điều trị ung thư chính của các loại thuốc nhắm trúng đích là nhắm đến các yếu tố liên quan đến sự hình thành mạch máu nuôi dưỡng khối u. Các loại thuốc có cơ chế này gồm có:

  • axitinib (Inlyta)
  • belzutifan (Welireg)
  • bevacizumab (Avastin)
  • cabozantinib (Cabometyx)
  • lenvatinib (Lenvima)
  • pazopanib (Votrient)
  • sorafenib (Nexavar)
  • sunitinib (Sutent)
  • trivozanib (Fotivda)

Một số loại thuốc nhắm trúng đích khác điều trị ung thư thận bằng cách nhắm đến một loại protein có tên là mTOR. Protein này cần thiết cho sự phát triển và phân chia của tế bào ung thư. Ví dụ về các loại thuốc ức chế mTOR gồm có everolimus (Afinitor) và temsirolimus (Torisel).

Liệu pháp nhắm trúng đích thường được sử dụng để điều trị ung thư thận đã di căn đến các khu vực ở xa hơn trong cơ thể. Phươn pháp điều trị này cũng được sử dụng cho ung thư thận tái phát.

Đôi khi, liệu pháp nhắm trúng đích được sử dụng làm phương pháp điều trị bổ trợ sau phẫu thuật. Điều trị bổ trợ nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể sau lần điều trị đầu tiên.

Một nghiên cứu vào năm 2019 đã so sánh liệu pháp nhắm trúng đích với các phương pháp điều trị không nhắm trúng đích ở những người bị ung thư biểu mô tế bào thận di căn. Nghiên cứu phát hiện ra rằng liệu pháp nhắm trúng đích giúp làm tăng tỷ lệ sống sót hiệu quả hơn một chút so với các phương pháp điều trị không nhắm trúng đích. (2)

Liệu pháp miễn dịch

Lieu phap mien dich3
Liệu pháp miễn dịch tác động đến hệ miễn dịch giúp chống lại ung thư

Liệu pháp miễn dịch tác động đến hệ miễn dịch để chống lại ung thư. Hai loại liệu pháp miễn dịch chính được sử dụng để điều trị ung thư thận là thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và cytokine.

Điểm kiểm soát miễn dịch có vai trò ngăn các tế bào miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch có tác dụng “tắt” các điểm kiểm soát này, nhờ đó các tế bào miễn dịch có thể tìm và tiêu diệt tế bào ung thư. Ví dụ về thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch gồm có:

  • avelumab (Bavencio)
  • ipilimumab (Yervoy)
  • nivolumab (Opdivo)
  • pembrolizumab (Keytruda)

Cytokine là các protein miễn dịch có thể tăng cường phản ứng miễn dịch. Phiên bản nhân tạo của các protein này có thể được sử dụng để điều trị bệnh ung thư thận, gồm có interleukin-2 (IL-2) và interferon-alpha.

Giống như liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch cũng thường được sử dụng cho bệnh ung thư thận đã di căn hoặc tái phát. Liệu pháp miễn dịch cũng có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị bổ trợ sau phẫu thuật. Liệu pháp miễn dịch có thể được kết hợp cùng với liệu pháp nhắm trúng đích.

Một nghiên cứu vào năm 2021 đã đánh giá những người bị ung thư biểu mô thận tế bào sáng di căn (một loại ung thư thận phổ biến). Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng liệu pháp miễn dịch, dù được sử dụng một mình hay kết hợp với liệu pháp nhắm trúng đích, đều giúp cải thiện tỷ lệ sống sót so với khi chỉ điều trị bằng liệu pháp nhắm trúng đích. (3)

Xạ trị

xa tri
Điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao như tia X hay tia gamma để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị không thể chữa khỏi ung thư thận nhưng có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm bớt một số triệu chứng.

Bác sĩ thường đề nghị xạ trị như một phương pháp điều trị giảm nhẹ cho những ca bệnh ung thư đã di căn đến các vùng khác của cơ thể như xương hoặc não.

Loại xạ trị phổ biến nhất là xạ trị chùm tia bên ngoài, trong đó các chùm tia phóng xạ được chiếu từ một thiết bị bên ngoài cơ thể vào khu vực có khối u. Một loại xạ trị nữa là xạ trị áp sát, trong đó nguồn phóng xạ được đưa trực tiếp vào khối u.

Hóa trị

hoa tri
Điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị

Ung thư thận được phân chia thành nhiều loại và loại phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào thận (renal cell carcinoma). Theo ACS, khoảng 90% số ca ung thư thận là ung thư biểu mô tế bào thận.

Trong những trường hợp ung thư biểu mô tế bào thận, các tế bào ung thư không đáp ứng tốt với hóa trị, phương pháp điều trị sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc ngăn cản sự phát triển của các tế bào đang phân chia nhanh chóng. Do đó, hóa trị thường không được sử dụng để điều trị bệnh ung thư thận.

Tuy nhiên, có một số loại ung thư thận hiếm gặp đáp ứng tốt với hóa trị, ví dụ như u nguyên bào thận (u Wilms) và ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp.

Hóa trị cũng có thể được chỉ định nếu ung thư thận đã di căn và các phương pháp điều trị ưu tiên như liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch không hiệu quả.

Tóm tắt bài viết

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư thận. Nếu ung thư chưa lan ra ngoài thận thì phẫu thuật có thể chữa khỏi bệnh.

Tuy nhiên, ung thư có thể tái phát sau phẫu thuật. Điều trị bổ trợ bằng liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát.

Những ca bệnh ung thư thận đã di căn cũng có thể điều trị bằng phẫu thuật. Các phương pháp điều trị khác gồm có liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, xạ trị và hóa trị, mặc dù hóa trị hiếm khi được sử dụng.

Phác đồ điều trị ung thư thận cụ thể sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như loại ung thư thận, giai đoạn bệnh, độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Bác sĩ sẽ cân nhắc tất cả những yếu tố này và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

>>>Xem thêm: Ung Thư Thận: Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Điều Trị Và Tiên Lượng

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ung thư thận
Tin liên quan
Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Phương Pháp Nút Mạch Khối U
Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Phương Pháp Nút Mạch Khối U

Nút mạch khối u là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng để chặn nguồn máu cung cấp đến khối u. Nút mạch khối u được sử dụng để điều trị cả u thận lành tính và u thận ác tính (ung thư). Phương pháp điều trị này còn dùng được cho cả những ca bệnh ung thư thận giai đoạn sau để kiểm soát các triệu chứng.

Các phương pháp điều trị bổ sung và chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư biểu mô tế bào thận
Các phương pháp điều trị bổ sung và chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư biểu mô tế bào thận

Bác sĩ sẽ xác định phác đồ điều trị ung thư biểu mô tế bào thận dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh và mức độ lan rộng của ung thư. Các phương pháp chính để điều trị ung thư biểu mô tế bào thận gồm có phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích và hóa trị. Những phương pháp điều trị này nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của ung thư.

Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận Giai Đoạn Cuối: Tiên Lượng Và Các Phương Pháp Điều Trị
Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận Giai Đoạn Cuối: Tiên Lượng Và Các Phương Pháp Điều Trị

Ung thư thận là bệnh ung thư bắt đầu ở tế bào thận. Ung thư thận giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối có nghĩa là ung thư đã lan từ thận đến các cơ quan khác. Tiên lượng ở giai đoạn này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có loại ung thư thận và mức độ đáp ứng với điều trị.

Đối Phó Với Tác Dụng Phụ Của Các Phương Pháp Điều Trị Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận
Đối Phó Với Tác Dụng Phụ Của Các Phương Pháp Điều Trị Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận

Ung thư biểu mô tế bào thận (renal cell carcinoma) là loại ung thư thận phổ biến nhất ở người lớn. Loại ung thư này bắt đầu xảy ra ở các tế bào của ống thận. Hầu hết các ca bệnh đều không triệu chứng ở giai đoạn đầu. Các phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào thận gồm có phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp miễn dịch. Tất cả đều có tác dụng phụ. Dưới đây là các cách khắc phục một số tác dụng phụ thường gặp.

Các phương pháp điều trị nhiễm trùng thận tại nhà
Các phương pháp điều trị nhiễm trùng thận tại nhà

Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm bớt các triệu chứng nhiễm trùng thận khi được sử dụng kết hợp với các phương điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Nhiễm trùng thận có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây