1

Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Phương Pháp Nút Mạch Khối U

Nút mạch khối u là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng để chặn nguồn máu cung cấp đến khối u. Nút mạch khối u được sử dụng để điều trị cả u thận lành tính và u thận ác tính (ung thư). Phương pháp điều trị này còn dùng được cho cả những ca bệnh ung thư thận giai đoạn sau để kiểm soát các triệu chứng.
Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Phương Pháp Nút Mạch Khối U Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Phương Pháp Nút Mạch Khối U

Cơ chế của phương pháp nút mạch khối u

Khối u thận được nuôi dưỡng bởi chất dinh dưỡng và oxy trong máu. Phương pháp nút mạch khối u cắt nguồn cung cấp máu đến khối u. Điều này làm cho khối u teo nhỏ dần.

Vì không loại bỏ hoàn toàn khối u nên phương pháp nút mạch khối u không thể chữa khỏi ung thư thận. Để chữa khỏi bệnh thì sẽ phải kết hợp với một phương pháp điều trị khác.

Nút mạch khối u được sử dụng khi nào?

Trong những trường hợp bị ung thư thận nhưng người bệnh không đủ sức khỏe để trải qua ca đại phẫu, ví dụ như cắt bỏ hoàn toàn một quả thận, bác sĩ có thể sẽ đề nghị nút mạch khối u trước. Phương pháp điều trị này sẽ thu nhỏ khối u, nhờ đó sẽ không phải cắt bỏ toàn bộ quả thận và ca phẫu thuật sẽ đơn giản hơn.

Nút mạch khối u thường là một phần của chương trình chăm sóc giảm nhẹ trong quá trình điều trị ung thư thận giai đoạn cuối. Thu nhỏ kích thước khối u có thể giúp giảm đau đớn và các triệu chứng khác.

Điều trị u cơ mỡ mạch thận

Phương pháp nút mạch khối u còn được sử dụng để thu nhỏ u cơ mỡ mạch thận (angiomyolipoma), một loại u lành tính trong thận, gồm có mô mỡ và cơ. U cơ mỡ mạch thận thường không có triệu chứng, nhưng đôi khi u bị vỡ và gây chảy máu hoặc tăng kích thước.

U cơ mỡ mạch thận lớn có thể gây đau đớn và dẫn đến suy thận.

Những người mắc bệnh xơ cứng củ, một bệnh di truyền hiếm gặp, có nguy cơ cao bị u cơ mỡ mạch thận.

Rủi ro của nút mạch khối u

Nút mạch khối u là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả. Phương pháp này đã điều trị thành công ung thư thận và các bệnh khác như u xơ tử cung trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, giống như nhiều phương pháp điều trị khác, nút mạch khối u cũng có một số rủi ro.

Một số biến chứng có thể xảy ra gồm có:

  • Suy thận
  • Tụ máu (cục máu đông) tại vị trí đặt ống thông
  • Tăng áp động mạch phổi tạm thời (huyết áp tăng cao trong động mạch nối tim với phổi)
  • Hội chứng sau nút mạch

Hội chứng sau nút mạch

Hội chứng sau nút mạch (postembolization syndrome - PES) là biến chứng phổ biến nhất của phương pháp nút mạch khối u. Một số nghiên cứu cho thấy hội chứng sau nút mạch có thể xảy ra ở 89% trường hợp nút mạch khối u. Hội chứng sau nút mạch xảy ra do sự giải phóng các sản phẩm phân hủy từ các mô bị nút mạch.

Các triệu chứng của hội chứng sau nút mạch có thể bắt đầu xuất hiện trong vòng 72 giờ sau khi thực hiện thủ thuật. Các triệu chứng gồm có:

  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Sốt
  • Đau bụng
  • Tăng số lượng bạch cầu

Hội chứng sau nút mạch là tạm thời và thường tự hết. Bác sĩ có thể đề nghị truyền dịch tĩnh mạch để ngăn ngừa mất nước và kê thuốc giảm đau cho người bệnh.

Quy trình nút mạch khối u

Người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể những gì cần chuẩn bị cho quá trình điều trị. Vì người bệnh sẽ được gây mê nên cần phải nhịn ăn một thời gian trước khi bắt đầu điều trị. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị, do đó nếu người bệnh đang dùng bất cứ loại thuốc nào, bao gồm cả thuốc không kê đơn, thì cần cho bác sĩ biết để được hướng dẫn ngừng thuốc.

Quy trình nút mạch khối u gồm có các bước như sau:

  1. Rạch một đường nhỏ ở bẹn (đùi trên) của người bệnh.
  2. Đưa một ống thông nhỏ vào đường rạch.
  3. Dưới hướng dẫn của ảnh chụp X-quang, bác sĩ đưa ống thông vào động mạch gần khối u thận.
  4. Sau khi đưa ống thông vào vị trí, bác sĩ bơm các hạt nhỏ vào ống thông.
  5. Những hạt này sẽ bít động mạch và chặn dòng máu đến khối u.
  6. Rút ống thông và ấn tay lên đường rạch để cầm máu.

Sau khi nút mạch khối u

Quá trình nút mạch khối u thường mất khoảng một giờ nhưng cũng có thể lâu hơn. Tùy vào tình trạng sức khỏe mà người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày hoặc cần phải nằm viện trong thời gian ngắn.

Nếu có thể về nhà ngay trong ngày, người bệnh sẽ ở lại bệnh viện vài giờ sau khi thủ thuật hoàn tất để bác sĩ theo dõi và đảm bảo không xảy ra biến chứng. Người bệnh cần nâng cao chân có đường rạch trong khoảng thời gian này. Trong thời gian nằm viện, người bệnh sẽ được truyền dịch tĩnh mạch và dùng thuốc giảm đau.

Khi được xuất viện, người bệnh cần có người đưa về, không được tự lái xe.

Trong vài ngày sau khi điều trị, người bệnh nên uống nhiều nước. Chườm lạnh tại vị trí đường rạch để giảm đau và sưng. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào như sốt, đau ngày càng dữ dội hay sưng ở đường rạch thì cần cho bác sĩ biết ngay.

Sưng đột ngột, ngày càng tăng tại vị trí đường rạch có thể là dấu hiệu của xuất huyết động mạch, đây là một tình trạng nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp. Hãy đến bệnh viện ngay lập tức khi có những dấu hiệu này.

Người bệnh cần tránh vận động mạnh và nâng vật nặng trong khoảng 4 đến 6 tuần. Người bệnh sẽ được hẹn lịch tái khám để đánh giá hiệu quả điều trị và quá trình hồi phục.

Nút mạch khối u có thể chữa khỏi ung thư thận không?

Nút mạch khối u không thể chữa khỏi bệnh ung thư thận. Phương pháp này chủ yếu được sử dụng trong quá trình chăm sóc giảm nhẹ để làm giảm các triệu chứng ung thư thận cho những người không thể phẫu thuật. Nút mạch khối u có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trong những trường hợp ung thư thận giai đoạn đầu, nút mạch khối u giúp thu nhỏ kích thước khối u và khi khối u nhỏ lại, việc phẫu thuật cắt bỏ khối u sẽ dễ dàng hơn.

Tóm tắt bài viết

Nút mạch khối u là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng để điều trị u lành tính và ung thư thận. Phương pháp này cắt đứt nguồn cung cấp máu đến khối u.

Trong những trường hợp ung thư thận giai đoạn đầu, nút mạch khối u được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u. Nút mạch khối u cũng có thể được thực hiện trong quá trình chăm sóc giảm nhẹ ở những trường hợp ung thư thận giai đoạn sau để làm giảm các triệu chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các loại suy thận cấp và phương pháp điều trị
Các loại suy thận cấp và phương pháp điều trị

Khi thận đột ngột không thể hoạt động bình thường thì được gọi là suy thận cấp (acute renal failure). Suy thận cấp được chia thành ba loại dựa trên nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận. Khác với suy thận mạn, hầu hết các trường hợp suy thận cấp đều phục hồi chức năng thận sau khi điều trị.

Các phương pháp điều trị bổ sung và chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư biểu mô tế bào thận
Các phương pháp điều trị bổ sung và chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư biểu mô tế bào thận

Bác sĩ sẽ xác định phác đồ điều trị ung thư biểu mô tế bào thận dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh và mức độ lan rộng của ung thư. Các phương pháp chính để điều trị ung thư biểu mô tế bào thận gồm có phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích và hóa trị. Những phương pháp điều trị này nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của ung thư.

Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận Giai Đoạn Cuối: Tiên Lượng Và Các Phương Pháp Điều Trị
Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận Giai Đoạn Cuối: Tiên Lượng Và Các Phương Pháp Điều Trị

Ung thư thận là bệnh ung thư bắt đầu ở tế bào thận. Ung thư thận giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối có nghĩa là ung thư đã lan từ thận đến các cơ quan khác. Tiên lượng ở giai đoạn này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có loại ung thư thận và mức độ đáp ứng với điều trị.

Điều trị ung thư biểu mô tế bào thận di căn bằng liệu pháp miễn dịch
Điều trị ung thư biểu mô tế bào thận di căn bằng liệu pháp miễn dịch

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào thận di căn, gồm có phẫu thuật, liệu pháp nhắm trúng đích và hóa trị. Nhưng không phải khi nào cũng có thể điều trị bệnh bằng liệu pháp nhắm trúng đích. Nguyên nhân có thể là do bệnh ung thư không đáp ứng tốt với liệu pháp nhắm trúng đích hoặc các loại thuốc nhắm trúng đích gây ra tác dụng phụ hay phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định một phương pháp điều trị khác là liệu pháp miễn dịch.

Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Liệu Pháp Miễn Dịch Có Hiệu Quả Không?
Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Liệu Pháp Miễn Dịch Có Hiệu Quả Không?

Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị ung thư, trong đó sử dụng các loại thuốc có tác dụng tăng cường khả năng chống lại các tế bào bất thường của hệ miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch đã được sử dụng cho nhiều bệnh ung thư, trong đó có cả ung thư thận.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây