Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Liệu Pháp Miễn Dịch Có Hiệu Quả Không?

Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị ung thư, trong đó sử dụng các loại thuốc có tác dụng tăng cường khả năng chống lại các tế bào bất thường của hệ miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch đã được sử dụng cho nhiều bệnh ung thư, trong đó có cả ung thư thận.
immunotherapy Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Liệu Pháp Miễn Dịch Có Hiệu Quả Không?

Tùy thuộc vào tình trạng của từng ca bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp miễn dịch làm phương pháp điều trị bước đầu hoặc bước hai.

Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Hơn nữa, phương pháp điều trị này kém hiệu quả đối với ung thư thận di căn.

Đọc tiếp để hiểu rõ hơn về các loại liệu pháp miễn dịch và mức độ hiệu quả trong điều trị bệnh ung thư thận.

Các loại liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư thận

lieu phap mmien dich
Các liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư thận

Có hai loại liệu pháp miễn dịch chính được sử dụng để điều trị bệnh ung thư thận là:

  • Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, chẳng hạn như thuốc ức chế CTLA-4, PD-1 và PD-L1
  • Cytokine, chẳng hạn như interleukin-2 và interferon-alfa

Thuốc ức chế CTLA-4

Thuốc ức chế CTLA-4 thuộc nhóm thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch.

Điểm kiểm soát miễn dịch là các protein trên tế bào T - một trong những loại bạch cầu quan trọng của hệ miễn dịch và đóng vai trò trung tâm trong phản ứng miễn dịch thích ứng. Các điểm kiểm soát miễn dịch giúp ngăn hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh và đôi khi có thể ngăn các tế bào T tấn công tế bào ung thư. Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch ngăn cản điều này, nhờ đó các tế bào T có thể phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư.

Thuốc ức chế CTLA-4 có tác dụng ngăn chặn protein CTLA-4. Đây là một loại protein có trên các tế bào T.

Ipilimumab (tên thương mại là Yervoy) là một loại thuốc ức chế CTLA-4 được sử dụng cho bệnh ung thư thận.

Ipilimumab có thể được sử dụng kết hợp với các loại thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch khác. Ipilimumab được truyền qua đường tĩnh mạch. Người bệnh có thể phải truyền thuốc lên đến 4 lần, mỗi lần cách nhau 3 tuần.

Các tác dụng phụ của thuốc ức chế CTLA-4 gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Viêm da
  • Ngứa ngáy
  • Tiêu chảy

Thuốc ức chế PD-1

Thuốc ức chế PD-1 cũng là một loại thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch nhắm đến các tế bào T.

Hai loại thuốc ức chế PD-1 gồm có nivolumab (Opdivo) và pembrolizumab (Keytruda), cả hai đều được truyền qua đường tĩnh mạch, mỗi lần điều trị cách nhau vài tuần.

Thuốc ức chế PD-1 có thể làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư thận và giúp hệ miễn dịch phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư, điều này có thể làm giảm kích thước khối u.

Các tác dụng phụ của thuốc ức chế PD-1 gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Ăn không ngon miệng
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Ngứa ngáy, mẩn đỏ
  • Đau khớp
  • Ho
  • Thiếu máu
  • Vấn đề về gan

Thuốc ức chế PD-L1

PD-L1 là một loại protein có trong một số tế bào ung thư. Thuốc ức chế PD-L1 ngăn chặn protein này, nhờ đó giúp hệ miễn dịch thu nhỏ hoặc ngăn chặn sự phát triển thêm của khối u.

Avelumab (Bavencio) là một loại thuốc ức chế PD-L1 được sử dụng để điều trị bệnh ung thư thận. Loại thuốc này cũng được truyền qua đường tĩnh mạch. Tần suất điều trị là 2 tuần một lần và avelumab có thể được kết hợp với các loại thuốc khác.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Tăng huyết áp
  • Khó thở
  • Nổi mụn nước hoặc phát ban
  • Đau cơ xương khớp

Cytokine interleukin-2 (IL-2)

IL-2 là một loại thuốc điều trị ung thư liều cao được truyền qua đường tĩnh mạch. Do nguy cơ tác dụng phụ cao nên loại thuốc này thường chỉ được sử dụng trong những trường hợp ung thư thận di căn không đáp ứng với các loại liệu pháp miễn dịch khác.

Aldesleukin (Proleukin) là một loại cytokine nhắm đến con đường IL-2/IL-2R.

IL-2 chỉ là một trong số những nhóm cytokine đôi khi được sử dụng để điều trị ung thư thận. Cytokine là các loại protein có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhờ đó ngăn chặn sự phát triển hoặc tiêu diệt tế bào ung thư và giảm kích thước khối u.

Trước khi kê thuốc, bác sĩ sẽ kiểm tra xem liệu người bệnh có đủ sức khỏe để chịu được các tác dụng phụ hay không. Những tác dụng phụ của có thể xảy ra gồm có:

  • Tổn thương thận
  • Tụt huyết áp
  • Nhịp tim nhanh
  • Nhồi máu cơ tim
  • Xuất huyết đường ruột
  • Vấn đề về đường tiêu hóa
  • Khó thở
  • Thay đổi trạng thái tinh thần
  • Sốt cao, đôi khi kèm theo ớn lạnh
  • Tích tụ dịch trong phổi (phù phổi)
  • Mệt mỏi

Cytokine interferon-alfa

Interferon-alfa là một loại cytokine có thể được sử dụng thay thế cho IL-2 để điều trị ung thư thận. Nhược điểm là interferon-alfa không hiệu quả nếu sử dụng một mình.

Do đó, bác sĩ thường kê interferon-alfa kết hợp với các loại thuốc khác. Interferon-alfa được tiêm dưới da 3 lần mỗi tuần.

Các tác dụng phụ của interferon-alfa gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Sốt và ớn lạnh
  • Buồn nôn
  • Đau cơ

Liệu pháp miễn dịch có điều trị được ung thư thận giai đoạn cuối không?

lieu phap mien dich1
Liệu pháp miễn dịch liệu có điều trị được ung thư thận giai đoạn cuối

Hầu hết các trường hợp ung thư thận giai đoạn 1, 2 và 3 có thể được điều trị bằng phẫu thuật.

Trong những trường hợp ung thư thận giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối, khi ung thư đã di căn đến các khu vực ở xa trong cơ thể, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Phương pháp điều trị này cũng được sử dụng trong các ca bệnh ung thư tái phát.

Mặc dù các liệu pháp miễn dịch nói trên có thể được sử dụng cho bệnh ung thư thận giai đoạn cuối nhưng có một số hạn chế và có thể cần sử dụng kết hợp với phương pháp điều trị khác, ví dụ như:

  • Cytokine IL-2 thường chỉ được sử dụng nếu lợi ích lớn hơn rủi ro.
  • Kết hợp thuốc ức chế PD-L1, cụ thể là avelumab với một loại thuốc nhắm trúng đích có tên là axitinib (Inlyta).
  • Kết hợp thuốc ức chế PD-1, chẳng hạn như nivolumab với một loại thuốc nhắm trúng đích tên là cabozantinib (Cabometyx).

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các loại thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, đặc biệt là thuốc ức chế PD-1 có thể điều trị ung thư biểu mô thận tế bào sáng (một loại ung thư biểu mô tế bào thận).

Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ trong những trường hợp ung thư thận di căn.

Tỷ lệ thành công của liệu pháp miễn dịch

Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch khác nhau, vì vậy rất khó để đưa ra ước tính về tỷ lệ thành công chung của phương pháp điều trị này. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố có thể cải thiện kết quả điều trị.

Ví dụ, phác đồ kết hợp giữa liệu pháp miễn dịch với liệu pháp nhắm trúng đích được cho là mang lại hiệu quả cao hơn trong điều trị ung thư thận giai đoạn cuối so với khi chỉ sử dụng một trong phương pháp. (1)

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng việc kết hợp các phương pháp điều trị có thể cải thiện thời gian sống thêm không tiến triển, có nghĩa là khoảng thời gian mà bệnh không nặng thêm.

Nhiều thử nghiệm trong số này so sánh liệu pháp miễn dịch với một loại thuốc ức chế tyrosine kinase (liệu pháp nhắm trúng đích) có tên là sunitinib (Sutent), thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của khối u.

Sunitinib đã được sử dụng làm phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh ung thư thận di căn từ năm 2006.

Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy rằng những ca bệnh điều trị bằng nivolumab kết hợp ipilimumab có tỷ lệ sống sót là 75% sau 18 tháng, trong khi tỷ lệ ở nhóm chỉ sử dụng sunitinib là 60%.

Trong số 1.096 bệnh nhân, thời gian sống thêm không tiến triển trung bình ở nhóm điều trị kết hợp là 11,6 tháng và ở nhóm chỉ điều trị bằng sunitinib là 8,4 tháng.

Một nghiên cứu vào năm 2019 do hãng dược Pfizer tài trợ đã so sánh liệu pháp kết hợp avelumab và axitinib với điều trị bằng một mình sunitinib.

Trong số 866 bệnh nhân, thời gian sống thêm không tiến triển trung bình ở nhóm điều trị kết hợp là 13,8 tháng còn ở nhóm chỉ điều trị bằng sunitinib là 8,4 tháng.

Một nghiên cứu khác vào năm 2019 do Merck tài trợ đã so sánh liệu pháp kết hợp pembrolizumab và axitinib với điều trị bằng một mình sunitinib.

Trong số 861 bệnh nhân, thời gian sống thêm không tiến triển trung bình ở nhóm điều trị kết hợp là 15,1 tháng trong khi ở nhóm chỉ điều trị bằng sunitinib là 11,1 tháng.

IL-2 và interferon-alfa được cho là có thể thu nhỏ các tế bào ung thư thận trong một số trường hợp. Phương pháp điều trị bằng cytokine thường chỉ được sử dụng khi các liệu pháp miễn dịch khác không hiệu quả.

Đối phó với tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch

tac dung phu của lieu phap mien dich
Liệu pháp miễn dịch cũng có thể gây ra tác dụng phụ cần phải đối phó

Do làm thay đổi phản ứng của hệ miễn dịch nên thuốc ức chế trạm kiểm soát miễn dịch đôi khi khiến hệ miễn dịch hoạt động quá mức và điều này dẫn đến tổn thương các cơ quan. Các cơ quan có thể bị ảnh hưởng gồm có gan, phổi, thận, ruột và tuyến giáp.

Để giảm thiểu tác dụng phụ ở những cơ quan này của cơ thể, bác sĩ có thể kê thêm corticosteroid đường uống cho người bệnh.

Những thuốc ức chế miễn dịch này đôi khi được sử dụng thay cho liệu pháp miễn dịch truyền thống để điều trị bệnh ung thư thận nếu người bệnh không đáp ứng tốt với liệu pháp miễn dịch.

Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ mới nào khi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ. Người bệnh cũng có thể trao đổi với bác sĩ về các biện pháp điều trị bổ sung để làm giảm các tác dụng phụ đang gặp phải, chẳng hạn như:

  • Liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback)
  • Thiền và yoga
  • Châm cứu
  • Xoa bóp, bấm huyệt
  • Thảo mộc, uống bổ sung vitamin
  • Điều chỉnh chế độ ăn

Tóm tắt bài viết

Liệu pháp miễn dịch có thể điều trị ung thư thận bằng cách thay đổi cách hệ miễn dịch phản ứng với tế bào ung thư. Có hai loại liệu pháp miễn dịch chính để điều trị ung thư thận là thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và cytokine.

Đôi khi, liệu pháp miễn dịch được kết hợp với các liệu pháp nhắm trúng đích trong những trường hợp ung thư di căn để có kết quả tốt hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ung thư thận
Tin liên quan
Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Hóa Trị Có Hiệu Quả Không?
Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Hóa Trị Có Hiệu Quả Không?

Ung thư thận là bệnh ung thư bắt đầu ở tế bào thận. Đây là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở cả nam và nữ giới.

Liệu pháp áp lạnh điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách nào?
Liệu pháp áp lạnh điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách nào?

Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh ung thư rất phổ biến ở nam giới, chủ yếu xảy ra ở người trên 65 tuổi. Phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường là theo dõi tích cực hoặc kết hợp giữa phẫu thuật và xạ trị. Liệu pháp áp lạnh không phải một phương pháp điều trị tiêu chuẩn nhưng có thể được chỉ định trong một số trường hợp nhất định.

So sánh liệu pháp hormone và liệu pháp không hormone trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối
So sánh liệu pháp hormone và liệu pháp không hormone trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối

Những người mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu có thể không cần điều trị nhưng khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng và các tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thì giám sát tích cực sẽ không còn phù hợp nữa mà phải tiến hành điều trị.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng leuprolide (Lupron) có an toàn và hiệu quả không?
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng leuprolide (Lupron) có an toàn và hiệu quả không?

Lupron có thể dùng cho bất kỳ giai đoạn nào của bệnh ung thư tuyến tiền liệt nhưng chủ yếu được sử dụng để điều trị ung thư tái phát hoặc di căn.

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cây dâu gấu (uva ursi) có hiệu quả không?
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cây dâu gấu (uva ursi) có hiệu quả không?

Dâu gấu (uva ursi, tên khoa học là Arctostaphylos uva ursi) là một loài cây bụi thường xanh, có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Loài cây này có quả mọng nhỏ màu cam mà gấu rất thích ăn, vì thế nên uva ursi được gọi là cây dâu gấu. Từ lâu, chiết xuất từ lá cây dâu gấu đã được sử dụng làm thuốc lợi tiểu và điều trị các chứng bệnh về tiết niệu như nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu buốt và sỏi thận. Nhưng liệu rằng phương pháp này có thực sự hiệu quả hay không?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây