Điều trị ung thư bàng quang bằng liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là gì?
Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị giúp hệ miễn dịch phản ứng với tế bào ung thư.
Hệ miễn dịch vẫn được biết đến với vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại từ bên ngoài như vi khuẩn hay virus. Trên thực tế, hệ miễn dịch còn có thể nhận biết và phản ứng với các tế bào ung thư.
Tuy nhiên, các tế bào ung thư có khả năng trốn tránh hệ miễn dịch. Những tế bào này biến đổi và có khả năng làm cho các tế bào miễn dịch không thể phát hiện ra chúng. Và khi các tế bào miễn dịch không thể phát hiện tế bào ung thư, hệ miễn dịch sẽ không thể tấn công và loại bỏ tế bào ung thư.
Liệu pháp miễn dịch làm thay đổi điều này. Liệu pháp miễn dịch giúp các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư.
Liệu pháp miễn dịch được sử dụng cho một số loại ung thư bàng quang. Việc có thể điều trị ung thư bàng quang bằng liệu pháp miễn dịch hay không phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Giai đoạn ung thư
- Kích thước khối u
- Tốc độ phát triển của ung thư
- Cấu trúc gen của bệnh ung thư
- Các phương pháp điều trị khác đã được sử dụng (nếu có)
- Ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể hay chưa
- Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh
- Lựa chọn cá nhân của người bệnh
Các loại liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư bàng quang
Có ba loại liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị bệnh ung thư bàng quang, đó là Bacillus Calmette-Guerin (BCG), thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và kháng thể đơn dòng.
BCG
Bacillus Calmette-Guerin hay BCG thực chất là một loại vắc xin phòng ngừa bệnh lao nhưng hiện nay còn được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang.
BCG có dạng lỏng được tiêm trực tiếp vào bàng quang qua ống thông. Khi vào cơ thể, BCG sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch. Các tế bào miễn dịch phản ứng với BCG sau đó sẽ có khả năng phản ứng với tế bào ung thư bàng quang.
BCG thường được sử dụng cho bệnh ung thư bàng quang giai đoạn đầu, khi khối u vẫn còn nhỏ và chưa phát triển vào các lớp bên trong của thành bàng quang. BCG cũng có thể được sử dụng sau phẫu thuật để ngăn ngừa ung thư tái phát.
Người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ khi điều trị bằng BCG. Tác dụng phụ phổ biến là các triệu chứng giống như cảm cúm, gồm có sốt, ớn lạnh, đau nhức người và mệt mỏi. Ngoài ra còn có đi tiểu nhiều lần, cảm giác nóng rát quanh bàng quang và tiểu ra máu.
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch
Điểm kiểm soát miễn dịch là hệ thống giúp ngăn hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Tuy nhiên, các protein kiểm soát miễn dịch trên tế bào ung thư có thể ngăn hệ miễn dịch phát hiện ra chúng.
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch có tác dụng ngăn cản hoạt động của các điểm kiểm soát miễn dịch. Điều này giúp các tế bào miễn dịch, đặc biệt là tế bào T, nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư.
Tất cả các loại thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch đều có dạng lỏng để tiêm truyền qua đường tĩnh mạch. Một số loại thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch được sử dụng để điều trị bệnh ung thư bàng quang là:
- atezolizumab (Tecentriq)
- avelumab (Bavencio)
- nivolumab (Opdivo)
- pembrolizumab (Keytruda)
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch có thể được sử dụng khi ung thư đã lan vào thành cơ của bàng quang, các hạch bạch huyết lân cận hoặc thậm chí các mô ở xa hơn. Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch cũng có thể được sử dụng sau phẫu thuật để ngăn ngừa ung thư tái phát.
Có một số tác dụng phụ của thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch gồm có:
- Mệt mỏi
- Sốt
- Ăn không ngon miệng
- Các triệu chứng về tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy và táo bón
- Phát ban
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
- Phản ứng xảy ra khi tiêm truyền, gồm có các triệu chứng tương tự như phản ứng dị ứng
- Phản ứng tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh
Kháng thể đơn dòng
Kháng thể đơn dòng là loại kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm từ các tế bào sống, có tác dụng nhắm đến các bộ phận nhất định của tế bào ung thư. Khi kháng thể đơn dòng liên kết với mục tiêu của nó trên một tế bào ung thư, hệ miễn dịch sẽ có thể phát hiện và tiêu diệt tế bào đó.
Các kháng thể đơn dòng được sử dụng để điều trị bệnh ung thư bàng quang được gọi là liên hợp kháng thể-thuốc (antibody-drug conjugate). Đây là khi một loại thuốc hóa trị được gắn với một kháng thể đơn dòng. Kháng thể đơn dòng liên kết với mục tiêu của nó và đưa thuốc hóa trị trực tiếp vào tế bào ung thư.
Các loại kháng thể đơn dòng được sử dụng cho bệnh ung thư bàng quang là enfortumab vedotin (Padcev) và sacituzumab govitecan (Trodelvy). Giống như thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, kháng thể đơn dòng cũng được tiêm truyền qua đường tĩnh mạch.
Kháng thể đơn dòng thường được sử dụng cho những trường hợp ung thư bàng quang giai đoạn sau, khi ung thư đã lan ra ngoài bàng quang. Bác sĩ có thể chỉ định kháng thể đơn dòng khi các phương pháp điều trị khác, ví dụ như hóa trị kết hợp thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch không có hiệu quả.
Một số tác dụng phụ của phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng gồm có:
- Mệt mỏi
- Ăn không ngon miệng
- Các triệu chứng về tiêu hóa như buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy và táo bón
- Phát ban da
- Rụng tóc
- Phản ứng khi tiêm truyền
Hiệu quả của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư bàng quang
Liệu pháp miễn dịch có thể giúp cải thiện tiên lượng cho người mắc bệnh ung thư bàng quang. Dưới đây là kết quả một số nghiên cứu về hiệu quả của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư bàng quang.
BCG
Một nghiên cứu vào năm 2018 đã đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị bằng BCG đối với bệnh ung thư bàng quang ở 140 người. Những người tham gia nghiên cứu bị ung thư bàng quang nguy cơ cao nhưng ung thư chưa xâm lấn cơ.
Sau 15 năm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, so với những người không điều trị bằng BCG, những người điều trị bằng BCG đã giảm đáng kể nguy cơ tiến triển hoặc tái phát ung thư bàng quang về lâu dài. (1)
Tuy nhiên, một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020 chỉ ra rằng có tới 25 đến 45% số ca bệnh điều trị bằng BCG không có hiệu quả. Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm cách nâng cao hiệu quả của phương pháp điều trị này.
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch
Một thử nghiệm lâm sàng được công bố vào năm 2021 đã đánh giá hiệu quả của Opdivo sau phẫu thuật ung thư bàng quang. Một nửa số người tham gia thử nghiệm được điều trị bằng Opdivo sau phẫu thuật trong khi nửa còn lại được cho sử dụng giả dược.
So với giả dược, dùng Opdivo sau phẫu thuật giúp tăng thời gian sống không mắc bệnh trung bình thêm 10 tháng. Tỷ lệ người sống sót mà không tái phát ung thư sau 6 tháng ở nhóm điều trị bằng Opdivo là 77% trong khi ở nhóm dùng giả dược là 62,7%. (2)
Kháng thể đơn dòng
Kháng thể đơn dòng là một giải pháp cho những người mắc bệnh ung thư bàng quang từng điều trị bằng các phương pháp khác mà không thành công. Một thử nghiệm lâm sàng được công bố vào năm 2021 đã đánh giá hiệu quả của Padcev đối với bệnh ung thư bàng quang.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng so với hóa trị liệu, Padcev giúp cải thiện đáng kể cả tỷ lệ sống sót tổng thể cũng như tỷ lệ sống sót không tiến triển. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ gây ra tác dụng phụ của Padcev và thuóc hóa trị là tương đương nhau.
Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang khác
Ngoài liệu pháp miễn dịch còn có nhiều phương pháp khác để điều trị bệnh ung thư bàng quang. Các phương pháp điều trị này có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp cùng nhau. Các phương pháp điều trị chính gồm có:
- Phẫu thuật: Đây là phương pháp điều trị chính cho hầu hết các ca bệnh ung thư bàng quang. Một số loại phẫu thuật điều trị ung thư bàng gồm có:
- Nội soi cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo: đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang để cắt bỏ khối u.
- Cắt một phần bàng quang: cắt bỏ đi phần bàng quang có khối u
- Cắt toàn bộ bàng quang, có thể cắt cả một phần mô xung quanh
- Hóa trị: sử dụng các loại thuốc ngăn cản tế bào ung thư phát triển và phân chia, nhờ đó tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư.
- Hóa trị trong bàng quang: tương tự như phương pháp điều trị bằng BCG, hóa trị trong bàng quang là phương pháp tiêm thuốc hóa trị trực tiếp vào bàng quang qua ống thông thay vì dùng qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.
- Xạ trị: sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: sử dụng các loại thuốc nhắm đến các protein hoặc gen cần thiết cho sự tồn tại, phân chia và lan rộng của tế bào ung thư, nhờ đó tiêu diệt hoặc ngăn tế bào ung thư phát triển. Khác với thuốc hóa trị, thuốc nhắm trúng đích chỉ tác động đến tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.
Tiên lượng của người bị ung thư bàng quang
Tiên lượng của người mắc bệnh ung thư bàng quang phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như:
- Giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán
- Tốc độ phát triển và lan rộng của ung thư
- Cấu trúc gen của tế bào ung thư
- Đáp ứng với điều trị
- Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh
Cơ sở dữ liệu SEER của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute) đã đưa ra ước tính về tỷ lệ sống sau 5 năm và tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối của bệnh nhân ung thư. Tỷ lệ sống sau 5 năm là tỷ lệ người mắc bệnh còn sống thêm ít nhất 5 năm sau chẩn đoán. Tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối là tỷ lệ người mắc bệnh còn sống thêm ít nhất 5 năm so với người không mắc bệnh.
Dưới dây là tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối ở các giai đoạn của bệnh ung thư bàng quang, theo cơ sở dữ liệu SEER: (3)
- Tất cả các giai đoạn: Tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối của bệnh ung thư bàng quang nói chung là 77,1%.
- Ung thư tại chỗ: Khi ung thư mới chỉ giới hạn trong niêm mạc bàng quang và chưa xâm lấn vào lớp cơ, tỷ sống sau 5 năm tương đối được ước tính là 96%.
- Ung thư khu trú: Khi ung thư đã lan sâu hơn vào thành bàng quang nhưng chưa lan ra bên ngoài bàng quang thì tỷ sống sau 5 năm tương đối ước tính là 69,6%.
- Ung thư di căn vùng: Khi ung thư bàng quang đã lan đến các hạch bạch huyết và mô lân cận, tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối ước tính là 39%.
- Ung thư di căn xa: Khi ung thư bàng quang đã lan đến các cơ quan và mô xa hơn (di căn), tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối ước tính là 7,7%.
Mặc dù tỷ lệ sống sót sau 5 năm được ước tính dựa trên một số lượng lớn bệnh nhân ung thư bàng quang trong nhiều năm nhưng không dự đoán được tiên lượng thực tế của mỗi ca bệnh. Lý do là vì tiên lượng thực tế còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân như tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể. Hơn nữa, các phương pháp điều trị ung thư đã có nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây, nhờ đó mà người bệnh ung thư hiện nay có tuổi thọ cao hơn so với trước. Vì vậy, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ mang tính tham khảo chứ không nên dùng để dự đoán tuổi thọ.
Tóm tắt bài viết
Liệu pháp miễn dịch là một trong những phương pháp điều trị bệnh ung thư bàng quang. Phương pháp này giúp hệ miễn dịch nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư.
Có ba loại liệu pháp miễn dịch được sử dụng cho bệnh ung thư bàng quang, gồm có BCG, thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và kháng thể đơn dòng. Mỗi loại được sử dụng cho các giai đoạn bệnh khác nhau nhưng cả ba đều có hiệu quả điều trị ung thư bàng quang.
Có một số yếu tố quyết định việc có thể điều trị ung thư bàng quang bằng liệu pháp miễn dịch hay không, chẳng hạn như giai đoạn ung thư, tốc độ phát triển của ung thư, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Ngoài liệu pháp miễn dịch còn có các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và liệu pháp nhắm trúng đích.
Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh ung thư rất phổ biến ở nam giới, chủ yếu xảy ra ở người trên 65 tuổi. Phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường là theo dõi tích cực hoặc kết hợp giữa phẫu thuật và xạ trị. Liệu pháp áp lạnh không phải một phương pháp điều trị tiêu chuẩn nhưng có thể được chỉ định trong một số trường hợp nhất định.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng buồn tiểu liên tục hoặc tiểu gấp, khó kiểm soát. Tình trạng này làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và còn khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái. Bàng quang tăng hoạt còn có thể gây tiểu không tự chủ. Có một số liệu pháp và bài tập có thể giúp tăng cường cơ bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nhờ đó giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Hai trong số những phương pháp phổ biến là bài tập Kegel và rèn luyện bàng quang.
Có nhiều phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt, gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc làm giãn cơ bàng quang hay tiêm Botox vào bàng quang. Kích thích điện thần kinh chày qua da (percutaneous tibial nerve stimulation) cũng là một phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt.
Mặc dù ung thư bàng quang giai đoạn cuối không thể chữa khỏi được nữa nhưng vẫn có các phương pháp điều trị giúp làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị là một số phương pháp điều trị ung thư bàng quang. Phác đồ điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào giai đoạn và cấp độ ung thư cũng như độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.