Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang di căn
Theo ước tính có khoảng hàng trăm ngàn ca mắc mới ung thư bàng quang mỗi năm. Con số này vào năm 2020 là khoảng trên 570.000 người.
Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất. Khi ung thư lan ra ngoài bàng quang đến các khu vực khác thì được gọi là ung thư bàng quang di căn.
Mặc dù ung thư bàng quang ở giai đoạn này không thể chữa khỏi được nữa nhưng vẫn có các phương pháp điều trị giúp làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Các lựa chọn điều trị ung thư bàng quang di căn sẽ khác với các lựa chọn điều trị ung thư bàng quang ở các giai đoạn đầu.
Phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra còn tùy thuộc vào vị trí mà ung thư đã di căn trong cơ thể. Dưới đây là một số điều quan trọng mà người bệnh cần biết về việc chẩn đoán và điều trị ung thư bàng quang di căn.
Chẩn đoán ung thư bàng quang di căn
Nếu người bệnh có các dấu hiệu ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số phương pháp chẩn đoán để xác định giai đoạn và mức độ lan rộng của ung thư.
Quá trình chẩn đoán ung thư ban đầu thường gồm có các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau đây:
- Khám lâm sàng để kiểm tra xem có khối u hay bất thường nào khác hay không
- Xét nghiệm nước tiểu: giúp phát hiện tế bào ung thư trong mẫu nước tiểu
- Nội soi bàng quang: đưa ống nội soi qua niệu đạo để kiểm tra bên trong bàng quang
- Sinh thiết: lấy mẫu mô từ bàng quang để kiểm tra xem có tế bào ung thư hay không
- Chụp thận tĩnh mạch hay chụp X-quang niệu đồ tĩnh mạch để xác định vị trí của khối u
Nếu nghi ngờ ung thư bàng quang đã di căn, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như:
- Chụp CT, chụp MRI hoặc chụp PET để xác định vị trí của các tế bào ung thư
- Xạ hình xương: nếu người bệnh bị đau khớp không rõ nguyên nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp xạ hình xương để kiểm tra xem ung thư đã lan đến xương hay chưa
- Chụp X-quang: nếu người bệnh gặp các triệu chứng về hô hấp thì có thể phải chụp X-quang lồng ngực để xem có tế bào ung thư trong phổi hay không
Điều trị ung thư bàng quang di căn
Phác đồ điều trị tùy thuộc vào giai đoạn ung thư. Ung thư bàng quang di căn có ít lựa chọn điều trị hơn so với các giai đoạn đầu. Các phương pháp ung thư bàng quang ở giai đoạn này gồm có:
Hóa trị
Phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh ung thư bàng quang di căn là hóa trị mà thường là bằng thuốc hóa trị cisplatin. Thuốc hóa trị giúp ngăn tế bào ung thư phát triển.
Bác sĩ có thể chỉ định mình hóa trị liệu hoặc kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị. Hóa trị có thể tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u, giúp cắt bỏ dễ dàng hơn trong quá trình phẫu thuật.
Phẫu thuật
Tùy thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư mà sau khi hoàn thành hóa trị, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bàng quang (cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần bàng quang).
Sau khi cắt bỏ toàn bộ bàng quang, bác sĩ sẽ thực hiện một thủ thuật gọi là chuyển lưu dòng tiểu nhằm tạo ra con đường mới để đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể. Có nhiều phương pháp chuyển lưu dòng tiểu.
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể phải tiếp tục điều trị bằng hóa trị để loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại.
>>> Tìm hiểu về chuyển lưu dòng tiểu sau phẫu thuật cắt bỏ bàng quang.
Liệu pháp miễn dịch
Bên cạnh hóa trị và phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch cũng là một giải pháp điều trị ung thư bàng quang di căn. Phương pháp điều trị này dựa vào chính hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư.
Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư bàng quang
Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang giúp kéo dài tuổi thọ, giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tuy nhiên, các phương pháp điều trị đều đi kèm tác dụng phụ.
Thuốc hóa trị không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn phá hủy cả những tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Một số tác dụng phụ thường gặp của hóa trị liệu gồm có:
- Rụng tóc
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Thiếu máu
- Buồn nôn
- Táo bón
- Mệt mỏi
- Chán ăn
Phẫu thuật cũng có những rủi ro nhất định, chẳng hạn như nhiễm trùng và mất máu.
Mặc dù dựa vào hệ miễn dịch để điều trị ung thư nhưng liệu pháp miễn dịch cũng có thể gây tác dụng phụ. Tác dụng phụ tùy thuộc vào loại liệu pháp miễn dịch được sử dụng. Một số tác dụng phụ phổ biến nhất gồm có:
- Sưng phù
- Ngứa ngáy
- Phát ban
- Đau
Một số người còn gặp phải các triệu chứng giống cúm như ớn lạnh, sốt, nhức mỏi người trong khi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.
Quá trình điều trị ung thư bàng quang di căn kéo dài bao lâu?
Phác đồ điều trị ung thư bàng quang di căn ở mỗi ca bệnh là khác nhau. Thời gian điều trị phụ thuộc vào mục tiêu điều trị tổng thể.
Nói chung, hầu hết những người bị ung thư bàng quang di căn đều phải điều trị bằng hóa trị từ 6 đến 12 tháng, tùy thuộc vào thời gian để giảm số lượng tế bào ung thư.
Khoảng thời gian điều trị bằng liệu pháp miễn dịch cũng tùy thuộc vào giai đoạn ung thư và phản ứng của cơ thể với việc điều trị.
Ví dụ, người bệnh có thể phải điều trị hàng ngày trong 2 hoặc 3 tuần đầu, sau đó nghỉ một thời gian rồi tiếp tục điều trị.
Mặc dù không thể chữa khỏi bệnh nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp kéo dài tuổi thọ cho người bị ung thư bàng quang di căn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh vẫn tiếp tục tiến triển trong quá trình điều trị.
Người bệnh nên tiếp tục điều trị để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Khi ung thư tiến triển, bác sĩ có thể đề nghị chăm sóc giảm nhẹ. Đây là những những biện pháp can thiệp nhằm làm giảm các triệu chứng về thể chất, cải thiện sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và thân nhân của người mắc các bệnh hiểm nghèo. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện song song với các phương pháp điều trị bệnh.
Có thể điều trị các triệu chứng về thể chất như buồn nôn và mệt mỏi bằng các loại thuốc. Đối với các vấn đề về tinh thần thì có thể giảm nhẹ bằng các phương pháp trị liệu tâm lý.
Mục tiêu điều trị ung thư bàng quang di căn
Hiện tại chưa có cách chữa trị khỏi ung thư bàng quang di căn. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), đối với ung thư bàng quang đã di căn các vùng xa của cơ thể, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 5%. (1)
Mục tiêu điều trị ở giai đoạn này thường là:
- Làm chậm tốc độ lan rộng của ung thư
- Thu nhỏ phạm vi các khu vực mà ung thư di căn đến
- Kéo dài tuổi thọ cho người bệnh
- Giảm các triệu chứng
- Cải thiện chất lượng cuộc sống
Thay đổi lối sống có giúp kiểm soát ung thư bàng quang di căn không?
Bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị, một số thay đổi trong lối sống có thể giúp người mắc ung thư bàng quang di căn giảm các triệu chứng bệnh và cảm thấy dễ chịu hơn.
Ví dụ, chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh có thể giúp người bệnh duy trì sức khỏe thể chất và tăng cường hệ miễn dịch.
Hệ miễn dịch khỏe hơn sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, đây là điều đặc biệt quan trọng trong quá trình điều trị ung thư.
Người bệnh có thể dùng thực phẩm chức năng trong khi điều trị ung thư nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.
Duy trì hoạt động thể chất cũng rất quan trọng. Tập thể dục mang lại các lợi ích như:
- Cải thiện sức khỏe tinh thần
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ
- Tăng mức năng lượng
Những người hút thuốc nên bỏ thuốc. Các hóa chất có trong khói thuốc sẽ tích tụ trong nước tiểu và khiến bàng quang tổn thương nặng thêm
Tóm tắt bài viết
Mặc dù ung thư bàng quang di căn không thể chữa khỏi được nữa nhưng việc điều trị có thể giúp thu nhỏ khối u, kéo dài tuổi thọ, giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng là phải tuân thủ phác đồ điều trị và hiểu rõ tác dụng phụ của từng phương pháp điều trị.
Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị là một số phương pháp điều trị ung thư bàng quang. Phác đồ điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào giai đoạn và cấp độ ung thư cũng như độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Nút mạch khối u là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng để chặn nguồn máu cung cấp đến khối u. Nút mạch khối u được sử dụng để điều trị cả u thận lành tính và u thận ác tính (ung thư). Phương pháp điều trị này còn dùng được cho cả những ca bệnh ung thư thận giai đoạn sau để kiểm soát các triệu chứng.
Các phương pháp để sàng lọc và chẩn đoán ung thư bàng quang gồm có khám lâm sàng, xét nghiệm nước tiểu và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ cũng có thể sẽ tiến hành sinh thiết hoặc nội soi bàng quang để xác nhận chẩn đoán.
Ung thư bàng quang là bệnh ung thư bắt đầu ở các tế bào bàng quang. Ước tính có khoảng hàng trăm ngàn ca mắc mới ung thư bàng quang trên thế giới mỗi năm. Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư bàng quang phổ cao hơn phụ nữ. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh ung thư bàng quang, một trong số đó là liệu pháp miễn dịch, một phương pháp điều trị có tác dụng tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch với tế bào ung thư.
Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.