Phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu trong điều trị ung thư bàng quang
Ước tính có khoảng hơn 573,000 ca mắc mới ung thư bàng quang trên thế giới vào năm 2020. Phẫu thuật là một phương pháp điều trị ung thư bàng quang.
Ung thư bàng quang xâm lấn (ung thư đã lan vào các cơ ở thành bàng quang) thường được điều trị bằng phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang.
Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu. Khi đi tiểu, bàng quang co bóp để đẩy nước tiểu ra ngoài qua niệu đạo. Do đó, sau khi cắt bỏ bàng quang sẽ cần phải tạo ra con đường mới để dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể. Điều này được gọi là chuyển lưu dòng tiểu.
Các loại phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu
Phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu được thực hiện sau khi phẫu thuật cắt bỏ bàng quang nhằm tạo ra một đường khác để đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể.
Phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu được phân chia thành chuyển lưu dòng tiểu tự chủ và không tự chủ.
- Chuyển lưu dòng tiểu không tự chủ: người bệnh không thể kiểm soát sự đào thải nước tiểu. Nước tiểu liên tục chảy đi ra từ một lỗ mở trên thành bụng vào một túi đựng mà người bệnh đeo bên ngoài cơ thể.
- Chuyển lưu dòng tiểu tự chủ: người bệnh có thể kiểm soát phần nào sự đào thải nước tiểu ra khỏi cơ thể. Bác sĩ tạo ra một túi chứa nước tiểu bên trong cơ thể người bệnh. Người bệnh sẽ xả nước tiểu trong túi chứa khi túi đầy.
Nói chung, có ba loại chuyển lưu dòng tiểu được sử dụng sau phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang để điều trị ung thư bàng quang:
- Chuyển lưu dòng tiểu qua ống hồi tràng (chuyển lưu dòng tiểu không tự chủ)
- Tái tạo bàng quang mới (chuyển lưu dòng tiểu tự chủ)
- Chuyển lưu dòng tiểu tự chủ qua da (chuyển lưu dòng tiểu tự chủ)
Phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu phù hợp với những ai?
Cả ba loại chuyển lưu dòng tiểu đều phù hợp với gần như tất cả những người đã phẫu thuật cắt bỏ bàng quang. Việc lựa chọn loại chuyển lưu dòng tiểu sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Tuổi tác
- Chức năng thể chất và nhận thức
- Mức độ lan rộng của ung thư
- Các bệnh lý khác đang mắc, đặc biệt là những bệnh ảnh hưởng đến đường tiết niệu, gan và ruột
- Lựa chọn của người bệnh
Ví dụ, chuyển lưu dòng tiểu qua ống hồi tràng là loại chuyển lưu dòng tiểu đơn giản nhất, cả về quy trình thực hiện lẫn việc chăm sóc sau phẫu thuật. Do đó, loại chuyển lưu dòng tiểu này thường được khuyến nghị cho người lớn tuổi và người có chức năng thể chất hoặc nhận thức kém.
Chuyển lưu dòng tiểu qua ống hồi tràng
Chuyển lưu dòng tiểu qua ống hồi tràng là một loại chuyển lưu dòng tiểu không tự chủ. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ cắt một đoạn hồi tràng (đoạn cuối của ruột non) dài từ 15 – 20cm của người bệnh, sau đó nối hai đầu ruột lại với nhau và gắn đoạn đã cắt vào niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang).
Nước tiểu sẽ chảy từ thận qua niệu quản vào ống hồi tràng. Một đầu của ống hồi tràng được nối với một lỗ mở trên thành bụng. Nước tiểu chảy ra khỏi lỗ mở này vào một túi đựng người bệnh đeo bên ngoài cơ thể.
Tái tạo bàng quang mới
Tái tạo bàng quang mới là một loại chuyển lưu dòng tiểu tự chủ. Bác sĩ sẽ sử dụng một phần ruột non để tạo ra bàng quang mới và nối với niệu quản. Nước tiểu sẽ chảy từ thận qua niệu quản vào bàng quang mới này.
Đáy của bàng quang mới được nối với niệu đạo. Điều này cho phép người bệnh đi tiểu như bình thường sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, do bàng quang mới được tạo nên từ ruột non, không có cơ chế phát tín hiệu báo đầy đến não giống như bàng quang tự nhiên nên người bệnh sẽ không cảm thấy buồn tiểu khi bàng quang mới chứa đầy nước tiểu. Điều này có nghĩa là người bệnh sẽ phải đi tiểu thường xuyên trong ngày để tránh rò rỉ nước tiểu. Người bệnh cũng có thể cần đặt ống thông tiểu để đưa nước tiểu ra ngoài.
Chuyển lưu dòng tiểu tự chủ qua da
Chuyển lưu dòng tiểu tự chủ qua da cũng là một loại chuyển lưu dòng tiểu tự chủ. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sử dụng một đoạn ruột để tạo túi chứa nước tiểu và gắn túi này với niệu quản. Niệu quản có các van giúp ngăn nước tiểu chảy ngược vào thận.
Có nhiều cách để tạo túi chứa nước tiểu. Thông thường, túi được tạo nên từ ruột non hoặc ruột già.
Cho dù là cách nào thì đầu còn lại của túi cũng được gắn với một lỗ mở trên thành bụng. Thay vì để nước tiểu chảy liên tục qua lỗ mở giống như phương pháp chuyển lưu dòng tiểu không tự chủ, lỗ mở sẽ được gắn van một chiều để giữ nước tiểu bên trong túi chứa. Khi túi chứa đầy nước tiểu, người bệnh sẽ đưa ống thông vào van để dẫn nước tiểu ra ngoài. Người bệnh không cần đeo túi chứa nước tiểu bên ngoài cơ thể giống như phương pháp chuyển lưu dòng tiểu qua ống hồi tràng.
Rủi ro của phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu
Một số rủi ro của phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu gồm có:
- Nhiễm trùng
- Lỗ mở bị thu hẹp hoặc thoát vị qua lỗ mở
- Rò rỉ nước tiểu vào khoang bụng
- Hẹp niệu quản
- Tắc ruột
- Sỏi tiết niệu
- Thiếu vitamin B12
- Vỡ túi chứa nước tiểu hoặc bàng quang mới
- Suy giảm chức năng thận, có thể dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối
- Toan chuyển hóa, tình trạng nồng độ axit trong máu quá cao do chức năng thận kém
Nói chung, chuyển lưu dòng tiểu qua ống hồi tràng có ít rủi ro hơn so với các hình thức chuyển lưu dòng tiểu khác. Bác sĩ sẽ giải thích rõ về những rủi ro cụ thể trước khi phẫu thuật.
Chuyển lưu dòng tiểu ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của người bệnh?
Một nghiên cứu vào năm 2022 đã theo dõi chất lượng cuộc sống của những người đã phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang và chuyển lưu dòng tiểu qua ống hồi tràng hoặc chuyển lưu dòng tiểu tự chủ qua da. Nhìn chung, chất lượng cuộc sống của những người này không có sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng:
- Mặc dù chức năng thể chất giảm trong 6 tháng đầu sau phẫu thuật nhưng cuối cùng đã ổn định trở lại như trước.
- Sau 6 tháng kể từ khi phẫu thuật, chất lượng cuộc sống tổng thể được cải thiện so với trước phẫu thuật.
- Các khía cạnh duy nhất bị ảnh hưởng bởi việc cắt bỏ bàng quang và chuyển lưu dòng tiểu là chức năng tình dục và cảm nhận của người bệnh về ngoại hình.
Tìm hiểu kỹ là điều rất quan trọng khi lựa chọn loại chuyển lưu dòng tiểu. Một nghiên cứu vào năm 2020 ở những người phải chuyển lưu dòng tiểu qua ống hồi tràng hoặc tạo bàng quang mới cho thấy rằng những người hiểu rõ về các lựa chọn sẽ ít hối hận hơn sau phẫu thuật, bất kể sử dụng loại chuyển lưu dòng tiểu nào.
Vì vậy, hãy trao đổi kỹ với bác sĩ về tất cả các loại chuyển lưu dòng tiểu trước khi cắt bỏ bàng quang. Bác sĩ sẽ giải thích rõ về sự khác biệt cũng như các ưu, nhược điểm của mỗi loại.
Tóm tắt bài viết
Chuyển lưu dòng tiểu được thực hiện sau khi phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang nhằm tạo ra một con đường mới để đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể.
Có ba loại chuyển lưu dòng tiểu thường được sử dụng cho người đã cắt bỏ bàng quang là chuyển lưu dòng tiểu qua ống hồi tràng, tạo bàng quang mới và chuyển lưu dòng tiểu tự chủ qua da. Phương pháp tạo bàng quang mới và chuyển lưu dòng tiểu tự chủ qua da cho phép người bệnh kiểm soát sự đào thải nước tiểu trong khi chuyển lưu dòng tiểu qua ống hồi tràng thì không.
Mỗi loại chuyển lưu dòng tiểu đều có ưu và nhược điểm riêng. Việc lựa chọn sẽ tùy thuộc vào một số yếu tố như tuổi tác, chức năng thể chất và nhận thức, các bệnh lý khác đang mắc và lựa chọn cá nhân của người bệnh.
Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về các hình thức chuyển lưu dòng tiểu trước khi phẫu thuật cắt bàng quang.
Trào ngược bàng quang - niệu quản (vesicoureteral reflux) là tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản thay vì chảy từ bàng quang xuống niệu đạo rồi ra ngoài. Mặc dù tình trạng này có thể tự cải thiện theo thời gian nhưng đôi khi cần can thiệp điều trị bằng phẫu thuật.
Trong quá trình phẫu thuật cắt thận bằng robot. Bác sĩ điều khiển cánh tay của robot thực hiện các thao tác phẫu thuật. Phẫu thuật bằng robot có một số ưu điểm như độ chính xác cao hơn, giảm nguy cơ biến chứng và thời gian phục hồi nhanh hơn.
Phẫu thuật cắt bàng quang là một phương pháp điều trị ung thư bàng quang. Đôi khi, phẫu thuật cắt bàng quang được thực hiện để điều trị một bệnh ung thư khác di căn đến bàng quang.
Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.
Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt là giải pháp điều trị tốt nhất trong những trường hợp khối u nằm bên trong tuyến tiền liệt và chưa xâm lấn khu vực xung quanh. Ca phẫu thuật được thực hiện nhằm loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư trước khi lan sang các bộ phận khác của cơ thể.