Các phương pháp sàng lọc và chẩn đoán ung thư bàng quang
Bàng quang là một cơ quan rỗng nằm trong khoang chậu. Chức năng của bàng quang là chứa nước tiểu cho đến khi đi tiểu. Ung thư bàng quang xảy ra khi các tế bào trong bàng quang nhân lên và phát triển một cách mất kiểm soát.
Hãy đi khám khi có các triệu chứng ung thư bàng quang. Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số phương pháp chẩn đoán. Những phương pháp này có thể giúp loại trừ hoặc phát hiện ung thư bàng quang. Nếu bị ung thư bàng quang, các phương pháp chẩn đoán sẽ giúp xác định loại và giai đoạn ung thư.
Đối với một số bệnh ung thư nhất định, các chuyên gia khuyến nghị nên sàng lọc hàng năm hoặc vài năm một lần. Một số bệnh ung thư nên được sàng lọc thường xuyên ngay cả đối với những người có nguy cơ mắc bệnh ở mức trung bình hoặc không có triệu chứng. Ví dụ về các phương pháp thường được sử dụng để sàng lọc ung thư gồm có chụp quang tuyến vú để sàng lọc ung thư vú và nội soi đại tràng để sàng lọc ung thư đại trực tràng.
Không giống như những bệnh ung thư này, không có phương pháp sàng lọc tiêu chuẩn hoặc định kỳ dành cho bệnh ung thư bàng quang. Tuy nhiên, đối với những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn mức trung bình hoặc có tiền sử bị ung thư bàng quang, bác sĩ thường khuyến nghị khám định kỳ, ngay cả khi người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào.
Dấu hiệu ung thư bàng quang
Một số triệu chứng của bệnh ung thư bàng quang gồm có:
- Máu trong nước tiểu (tiểu ra máu)
- Đau khi đi tiểu, tiểu khó
- Tiểu gấp
- Tiểu nhiều lần
- Tiểu không tự chủ
Tiểu ra máu là triệu chứng ung thư bàng quang phổ biến nhất. Nếu người bệnh bị tiểu ra máu hoặc có bất kỳ triệu chứng ung thư bàng quang nào khác, bác sĩ sẽ kiểm tra xem còn có triệu chứng nào khác của bệnh hay không.
Khi ung thư bàng quang tiến triển sang các giai đoạn sau, người bệnh sẽ có thêm các triệu chứng như:
- Đau vùng chậu
- Sưng phù chân
- Đau vùng hạ sườn hoặc thắt lưng
- Đau xương
Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ sờ nắn bằng tay để tìm khối u ở bụng, vùng chậu hoặc trực tràng của người bệnh.
Đối với phụ nữ, bác sĩ sẽ khám vùng chậu để xem có khối u ở thành âm đạo hay không. Đối với nam giới, bác sĩ sẽ tiến hành khám trực tràng và kiểm tra vùng bụng dưới xem có khối u ở tuyến tiền liệt hay không.
Xét nghiệm nước tiểu
Nếu người bệnh có tiền sử ung thư bàng quang, bác sĩ sẽ đề nghị tái khám định kỳ, trong đó có bước xét nghiệm nước tiểu. Trong trường hợp bệnh ung thư tái phát, việc khám sàng lọc định kỳ sẽ giúp phát hiện bệnh từ sớm và điều này giúp làm tăng khả năng điều trị thành công.
Xét nghiệm nước tiểu cũng giúp chẩn đoán ung thư bàng quang. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm nước tiểu không cung cấp đủ thông tin để xác nhận chẩn đoán. Trong một số trường hợp, xét nghiệm nước tiểu cho kết quả âm tính giả, dẫn đến bỏ sót ung thư hoặc cho kết quả dương tính giả, gây ra những lo lắng và các bước kiểm tra bổ sung không cần thiết.
Để làm xét nghiệm nước tiểu, người bệnh cần lấy mẫu nước tiểu. Nếu bị mất nước thì người bệnh cần uống nhiều nước để lấy đủ lượng nước tiểu và xét nghiệm cho kết quả chính xác. Xét nghiệm nước tiểu hoàn toàn không xâm lấn và không cần chuẩn bị gì. Người bệnh thường sẽ lấy mẫu nước tiểu ngay tại bệnh viện.
Tổng phân tích nước tiểu
Tổng phân tích nước tiểu có thể phát hiện hồng cầu trong nước tiểu, đây là dấu hiệu của tình trạng tiểu ra máu, một trong những triệu chứng của ung thư bàng quang. Tổng phân tích nước tiểu còn có thể phát hiện bạch cầu và các chất khác, chẳng hạn như vi khuẩn trong nước tiểu. Tổng phân tích nước tiểu cũng được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Máu trong nước tiểu là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư bàng quang. Máu có thể khiến nước tiểu có màu hồng, nâu hoặc đỏ. Nếu có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu thì tình trạng này được gọi là đái máu đại thể.
Máu trong nước tiểu không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đôi khi, chỉ khi quan sát dưới kính hiển vi mới phát hiện có máu trong nước tiểu. Tình trạng này được gọi là đái máu vi thể.
Mẫu nước tiểu của người bệnh sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Bước đầu tiên, kỹ thuật viên sẽ sử dụng que nhúng để kiểm tra xem có máu trong nước tiểu hay không. Việc kiểm tra bằng que nhúng đôi khi cho kết quả dương tính giả nên vẫn cần phải phân tích mẫu nước tiểu dưới kính hiển vi để xác nhận kết quả.
Đái máu là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý chứ không riêng gì ung thư bàng quang. Tổng phân tích nước tiểu có thể phát hiện máu nhưng không cung cấp đủ thông tin để xác định nguyên nhân gây tiểu ra máu.
Tế bào học nước tiểu
Xét nghiệm tế bào học nước tiểu giúp phát hiện tế bào ung thư và tiền ung thư (tế bào bất thường) trong nước tiểu. Mẫu nước tiểu của người bệnh sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm và phân tích dưới kính hiển vi xem có tế bào bất thường hay không.
Xét nghiệm cấy nước tiểu
Xét nghiệm cấy nước tiểu giúp phát hiện xác định nấm và vi khuẩn gây nhiễm trùng trong nước tiểu. Xét nghiệm này không phát hiện được ung thư bàng quang nhưng được thực hiện nhằm loại trừ các bệnh lý khác cũng có triệu chứng tương tự ung thư bàng quang, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu.
Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư trong nước tiểu
Xét nghiệm này giúp phát hiện các chất chỉ ra ung thư bàng quang trong nước tiểu. Có một số loại xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư trong nước tiểu. Một số xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán bệnh ung thư bàng quaóa gồm có:
- UroVysion: phát hiện những thay đổi nhiễm sắc thể trong các tế bào bàng quang – một dấu hiệu chỉ ra bệnh ung thư.
- Xét nghiệm BTA: phát hiện kháng nguyên liên quan đến ung thư bàng quang (bladder tumor-associated antigen – BTA, hay còn được gọi là CFHrp), một chất mà các tế bào ung thư tạo ra.
- Xét nghiệm ImmunoCyt: phát hiện chất nhầy và kháng nguyên carcinoembryonic, hai chất được tìm thấy trên các tế bào ung thư.
- NMP22 BladderChek: giúp phát hiện NMP22, một loại protein được tìm thấy ở những người bị ung thư bàng quang.
Nội soi bàng quang
Nội soi bàng quang là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu cho phép bác sĩ quan sát bên trong bàng quang và niệu đạo. Không giống như các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được thực hiện từ bên ngoài có thể bỏ sót một số vị trí trong bàng quang, nội soi bàng quang cung cấp hình ảnh chi tiết của toàn bộ bàng quang. Nội soi bàng quang có thể được sử dụng làm công cụ sàng lọc ung thư bàng quang.
Trước khi tiến hành nội soi, bác sĩ sẽ giải thích cụ thể về quy trình thực hiện. Trong quá trình nội soi bàng quang, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ.
Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi (một ống nhỏ, có gắn đèn chiếu sáng) qua niệu đạo vào bàng quang của người bệnh, sau đó bơm nước hoặc dung dịch muối vô trùng qua ống nội soi để làm giãn nở bàng quang. Điều này giúp dễ dàng quan sát lớp niêm mạc bên trong của thành bàng quang, nơi hầu hết các loại ung thư bàng quang bắt đầu phát sinh.
Có hai loại ống nội soi bàng quang. Ống nội soi mềm chỉ có thể giúp quan sát bên trong bàng quang và niệu đạo. Loại ống nội soi này rất hẹp và có thể uốn cong. Nếu sử dụng ống nội soi mềm thì thường không cần phải gây mê.
Ống nội soi cứng có đường kính lớn hơn một chút và không thể uốn cong. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đưa dụng cụ phẫu thuật qua ống nội soi cứng. Ống nội soi cứng có thể được sử dụng các để cắt bỏ u nang, khối u lành tính, khối u ung thư nhỏ hoặc lấy mẫu mô sinh thiết.
Cả hai loại nội soi bàng quang đều phù hợp cho cả nam và nữ.
Nội soi bàng quang ở nam giới
Niệu đạo nam giới nối giữa bàng quang và đầu dương vật, có chức năng mang nước tiểu và tinh dịch ra khỏi cơ thể.
Ở nam giới, lỗ niệu đạo nằm ở đầu dương vật. Trong quá trình nội soi bàng quang, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào niệu đạo qua lỗ này.
Nội soi bàng quang ở phụ nữ
Ở phụ nữ, niệu đạo chỉ mang nước tiểu ra khỏi cơ thể. Niệu đạo bắt đầu từ mặt dưới của bàng quang và kéo dài xuống qua sàn chậu. Lỗ niệu đạo nằm trong môi bé, bên trên cửa âm đạo.
Ở phụ nữ, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi bàng quang qua lỗ niệu đạo này.
Sinh thiết
Trong quá trình nội soi bàng quang, bác sĩ có thể sẽ lấy lấy mẫu mô ở vùng đáng ngờ trên bàng quang để làm xét nghiệm xem có chứa tế bào ung thư hay không.
Sinh thiết là một thủ thuật xâm lấn, trong đó lấy một mẫu nhỏ từ các khu vực trong cơ thể để phân tích dưới kính hiển vi. Sinh thiết có thể giúp bác sĩ xác nhận chẩn đoán ung thư bàng quang. Bác sĩ còn dựa trên kết quả sinh thiết để xác định độ mô học khối u và mức độ lan rộng hay mức độ xâm lấn vào thành bàng quang.
Để lấy mẫu mô từ bàng quang, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi bàng quang và sử dụng ống nội soi cứng.
Hoặc bác sĩ sẽ chỉ định một quy trình phẫu thuật gọi là cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (transurethral resection of bladder tumor - TURBT). TURBT giúp xác nhận chẩn đoán ung thư bàng quang và kiểm tra xem ung thư đã lan vào lớp cơ của thành bàng quang hay chưa.
Trong ca phẫu thuật TURBT, bác sĩ sẽ cắt bỏ tất cả các khối u được tìm thấy để sinh thiết. Bác sĩ cũng sẽ cắt bỏ một phần cơ bàng quang xung quanh khối u và gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Vì các tế bào ung thư lan rộng trước khi khối u hình thành nên bác sĩ thường sẽ cắt bỏ các phần mô nhỏ ở các vị trí khác nhau trên bàng quang để xét nghiệm. Trong quy trình TURBT, bác sĩ có thể sẽ bơm nước muối vào bàng quang, sau đó hút ra và phân tích để xem có tế bào ung thư hay không.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh
Nhiều trường hợp ung thư bàng quang được phát hiện sớm nhờ dấu hiệu máu trong nước tiểu. Nhưng trong một số trường hợp, ung thư di căn ra ngoài bàng quang trước khi được phát hiện. Sau khi chẩn đoán ung thư bàng quang, bác bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra xem các hạch bạch huyết có bị sưng và có khối u ở các mô và cơ quan khác trong cơ thể hay không.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh còn cung cấp thông tin về khối u nguyên phát (khối u hình thành ở bàng quang ban đầu). Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư bàng quang gồm có:
Chụp cắt lớp vi tính (CT) hệ tiết niệu
Chụp cắt lớp vi tính (CT) sử dụng tia X để tạo hình ảnh mặt cắt ngang của các cấu trúc bên trong cơ thể. Chụp CT hệ tiết niệu cung cấp hình ảnh của niệu quản, bàng quang, thận và các hạch bạch huyết lân cận. Chụp CT hệ tiết niệu giúp đánh giá kích thước, hình dạng và vị trí của khối u trong bàng quang.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) hệ tiết niệu
Không giống như chụp CT, chụp MRI sử dụng từ trường mạnh từ nam châm và sóng radio thay vì tia X để tạo ra hình ảnh. Chụp MRI hệ tiết niệu cung cấp hình ảnh các cơ quan trong đường tiết niệu trên. Bác sĩ dựa trên hình ảnh MRI để xác định các khu vực ung thư di căn vùng bên ngoài bàng quang.
Chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch (chụp thận tĩnh mạch)
Chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch hay còn gọi là chụp thận tĩnh mạch sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh đường tiết niệu. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch của người bệnh, sau đó tiến hành chụp X-quang. Thuốc cản quang làm cho khối u trong đường tiết niệu hiển thị rõ trên ảnh chụp.
Chụp bể thận niệu quản ngược dòng
Trong những trường hợp không thể tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch, bác sĩ sẽ đề nghị chụp bể thận niệu quản ngược dòng. Phương pháp này ít phổ biến hơn. Bác sĩ sẽ bơm thuốc cản quang qua một ống thông đặt vào niệu đạo.
Siêu âm
Siêu âm sử dụng sóng âm tần số cao để ghi lại hình ảnh các cơ quan nội tạng. Siêu âm bàng quang giúp đánh giá kích thước của khối u trong bàng quang và giúp phát hiệ sự di căn sang cơ quan lân cận, chẳng hạn như thận.
Xạ hình xương
Nếu người bệnh bị đau nhức xương, bác sĩ sẽ đề nghị xạ hình xương để kiểm tra xem ung thư bàng quang đã di căn vào xương hay chưa. Trong quá trình xạ hình xương, bác sĩ sẽ tiêm đồng vị phóng xạ vào tĩnh mạch của người bệnh, sau đó tiến hành chụp xạ. Những khu vực tập trung đồng vị phóng xạ có thể chỉ ra sự hiện diện của tế bào ung thư.
X-quang lồng ngực
Người bệnh có thể phải chụp X-quang lồng ngực để xem ung thư đã di căn đến phổi chưa.
Bước tiếp theo
Sau khi làm các xét nghiệm, người bệnh sẽ được hẹn ngày trả kết quả, thường là sau vài ngày.
Kết quả sinh thiết và các phương pháp chẩn đoán khác có thể gây nhầm lẫn. Người bệnh nên trao đổi kỹ kết quả với bác sĩ.
Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về các bước tiếp theo, chẳng hạn như các bước kiểm tra bổ sung và phác đồ điều trị. Ung thư bàng quang là bệnh có thể điều trị được và thậm chí có thể chữa khỏi.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào thận di căn gồm những gì? Bác sĩ sẽ tiến hành các bước kiểm tra để xem bạn có mắc bệnh ung thư này hay không và nếu đúng thì ung thư đã lan rộng hay chưa.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng buồn tiểu liên tục hoặc tiểu gấp, khó kiểm soát. Tình trạng này làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và còn khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái. Bàng quang tăng hoạt còn có thể gây tiểu không tự chủ. Có một số liệu pháp và bài tập có thể giúp tăng cường cơ bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nhờ đó giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Hai trong số những phương pháp phổ biến là bài tập Kegel và rèn luyện bàng quang.
Có nhiều phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt, gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc làm giãn cơ bàng quang hay tiêm Botox vào bàng quang. Kích thích điện thần kinh chày qua da (percutaneous tibial nerve stimulation) cũng là một phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt.
Mặc dù ung thư bàng quang giai đoạn cuối không thể chữa khỏi được nữa nhưng vẫn có các phương pháp điều trị giúp làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị là một số phương pháp điều trị ung thư bàng quang. Phác đồ điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào giai đoạn và cấp độ ung thư cũng như độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.