Các cách điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng bàng quang
Nhiễm trùng bàng quang là loại nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất. Tình trạng này thường xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang qua niệu đạo.
Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, chúng có thể bám vào thành bàng quang và nhân lên nhanh chóng.
Nhiễm trùng bàng quang gây ra các triệu chứng khó chịu, chẳng hạn như:
- Đột ngột buồn tiểu dữ dội
- Tiểu nhiều lần
- Đau khi đi tiểu
- Đau bụng
Sự kết hợp giữa các phương pháp điều trị y tế và biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp làm giảm các triệu chứng này nhưng trước hết vẫn phải đi khám để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, nhiễm trùng có thể lan từ bàng quang đến thận, thậm chí lan vào máu và đe dọa đến tính mạng.
Dưới đây là các biện pháp điều trị nhiễm trùng bàng quang.
Điều trị nhiễm trùng bàng quang
1. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước sẽ giúp đi tiểu thường xuyên hơn, nhờ đó loại bỏ vi khuẩn khỏi bàng quang nhanh hơn. Uống nhiều nước còn giúp giảm bớt triệu chứng đau đớn khi đi tiểu.
Nước tiểu được tạo thành từ nước dư thừa và các chất thải mà thận lọc khỏi máu. Khi bị nhiễm trùng bàng quang, nước tiểu quá đặc sẽ làm tăng cảm giác đau đớn, nóng rát khi đi tiểu. Mặt khác, uống nhiều nước sẽ làm tăng lượng nước trong nước tiểu, có nghĩa là nước tiểu sẽ loãng hơn và điều này giúp giảm đau đớn khi đi tiểu.
Cố gắng uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày (tương đương khoảng 1,8 lít). Tốt nhất nên uống nước lọc và tránh đồ uống chứa caffeine, gồm có cà phê, trà, nước ngọt có ga và nước tăng lực. Caffeine có thể gây kích thích bàng quang, kể cả ở những người không bị nhiễm trùng bàng quang.
2. Đi tiểu thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi bàng quang. Khi nhịn tiểu, nước tiểu ứ đọng trong bàng quang sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp tục sinh sôi, phát triển.
Ngoài ra, nên đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục. Quan hệ tình dục có thể đẩy vi khuẩn sâu hơn vào niệu đạo, điều này xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ.
Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu, nhờ đó ngăn ngừa nhiễm trùng.
3. Thuốc kháng sinh
Phương pháp chính để điều trị nhiễm trùng bàng quang là thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Nên đi khám càng sớm càng tốt khi có các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI/STD), nhiễm trùng âm đạo và một số vấn đề về âm đạo khác cũng có các triệu chứng giống như nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì lý do này nên điều quan trọng là phải đi khám khi có triệu chứng bất thường để xác định chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.
- Nên đi khám nếu các triệu chứng kéo dài quá 2 ngày không đỡ hoặc ngày càng nặng hơn. Nhiễm trùng bàng quang và nhiều bệnh nhiễm trùng khác cần điều trị bằng thuốc kháng sinh.
- Người lớn tuổi, phụ nữ đang mang thai và người có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, ví dụ như bệnh tiểu đường, nên đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường.
- Thời gian dùng kháng sinh tùy thuộc vào loại thuốc, mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng và sức khỏe tổng thể của người bệnh.
- Phải dùng thuốc đủ liều, ngay cả khi các triệu chứng thuyên giảm hoặc biến mất. Đây là điều rất quan trọng để loại bỏ toàn bộ vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.
4. Thuốc giảm đau
Nhiễm trùng bàng quang nghiêm trọng có thể gây đau vùng chậu, ngay cả khi không đi tiểu. Mặc dù thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng nhưng thông thường phải sau vài ngày thì các triệu chứng mới bắt đầu thuyên giảm.
Trong thời gian này, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen hoặc phenazopyridine để giảm bớt cảm giác đau bụng, đau lưng, đau vùng chậu và đau rát khi đi tiểu.
Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào.
5. Chườm ấm
Chườm ấm lên vùng bụng hoặc lưng có thể giúp làm dịu tình trạng đau âm ỉ do nhiễm trùng bàng quang. Có thể kết hợp với dùng thuốc giảm đau để tăng hiệu quả.
Người bệnh có thể sử dụng túi chườm. Hãy thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Hoặc cũng có thể đổ nước ấm vào bình nước hay nhúng khăn vào nước ấm rồi đặt lên lưng và bụng. Không sử dụng nước nóng để tránh bị bỏng.
6. Mặc quần rộng rãi
Vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường ấm áp và ẩm ướt. Mặc quần ôm sát sẽ gây tích tụ hơi ẩm ở vùng kín và điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi.
Nên mặc đồ lót bằng cotton, quần rộng rãi hoặc váy để giảm sự phát triển của vi khuẩn.
7. Uống nước ép nam việt quất
Uống nước ép nam việt quất là một biện pháp tự nhiên được sử dụng để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Trong một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021, nước ép nam việt quất và viên uống chiết xuất nam việt quất đã cho thấy kết quả tích cực trong việc điều trị nhiễm trùng bàng quang tái phát ở phụ nữ khi được kết hợp với các phương pháp điều trị y tế.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận công dụng phòng ngừa nhiễm trùng bàng quang của nước ép nam việt quất.
8. Bổ sung men vi sinh
Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung men vi sinh có thể giúp làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong đường tiết niệu và sinh dục, nhờ đó giúp chống lại nhiễm trùng bàng quang tái phát.
Đặc biệt, vi khuẩn Lactobacilli có thể giúp ngăn vi khuẩn bám vào thành bàng quang và phát triển. (1)
Ngoài ra, men vi sinh còn giúp ngăn ngừa và làm giảm một số tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, chẳng hạn như tiêu chảy.
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng men vi sinh.
9. Bổ sung vitamin C
Vitamin C có thể giúp tăng tính axit của nước tiểu và điều này ngăn sự phát triển của vi khuẩn có hại, nhờ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng bàng quang tái phát.
Ngoài ra, vitamin C còn có đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa, cả hai đều có lợi cho việc ngăn ngừa nhiễm trùng.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ về lợi ích của việc vitamin C trong phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng bàng quang.
Cách đơn giản để tăng lượng vitamin C là ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, ví dụ như cam, chanh, ổi, kiwi, cà chua, ớt chuông, dâu tây… Nếu muốn dùng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Phòng ngừa nhiễm trùng bàng quang
Sau khi điều trị khỏi nhiễm trùng bàng quang, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây để giảm nguy cơ bệnh tái phát: (2)
- Uống đủ nước hàng ngày. Nước tiểu có màu vàng nhạt là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang có đủ nước.
- Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn tiểu
- Tắm vòi thay vì tắm bồn
- Mặc đồ lót bằng vải cotton và quần rộng rãi hoặc váy
- Thay đồ lót và vệ sinh vùng kín hàng ngày
- Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục
- Không sử dụng màng ngăn âm đạo và thuốc diệt tinh trùng
- Sử dụng bao cao su không chứa chất diệt tinh trùng
- Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo (đối với phụ nữ)
- Không thụt rửa âm đạo và sử dụng xịt khử mùi vùng kín
Nếu thường xuyên bị nhiễm trùng bàng quang, người bệnh có thể cần dùng kháng sinh dự phòng, có nghĩa là sử dụng thuốc kháng sinh liều thấp hàng ngày để ngăn vi khuẩn phát triển.
Chế độ ăn uống và độ axit của nước tiểu cũng có ảnh hưởng đến nguy cơ nhiễm trùng bàng quang cũng như mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh.
Trong một nghiên cứu vào năm 2015, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người mà đường ruột tạo ra một chất gọi là chất chuyển hóa aryl nước tiểu có ít vi khuẩn hoạt động trong nước tiểu hơn.
Có vẻ như lượng chất chuyển hóa aryl nước tiểu tỷ lệ thuận với số lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Ngoài ra, nước tiểu có độ axit càng thấp thì càng có ít vi khuẩn gây hại, vì vậy các loại thuốc làm giảm tính axit của nước tiểu có thể giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để kiểm chứng điều này.
Biến chứng của nhiễm trùng bàng quang
Nhiễm trùng bàng quang cần được điều trị sớm. Nếu không điều trị, nhiễm trùng bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng thận và thậm chí là nhiễm trùng máu. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng này là rất thấp.
Nhiều nhà khoa học hiện đang nghiên cứu một loại vắc xin giúp chống lại các chủng vi khuẩn phổ biến gây nhiễm trùng bàng quang. Hiện tại, các biện pháp khắc phục tại nhà kết hợp với thuốc vẫn là phương pháp chính để điều trị nhiễm trùng bàng quang.
Câu hỏi thường gặp về nhiễm trùng bàng quang
Cách nào điều trị nhiễm trùng bàng quang nhanh nhất?
Nhiễm trùng bàng quang đa phần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trước khi bắt đầu điều trị, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu để xác nhận nhiễm trùng và xác định loại vi khuẩn cụ thể gây nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ kê loại kháng sinh phù hợp dựa trên loại vi khuẩn. Thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt vi khuẩn và đây là cách nhanh nhất để điều trị nhiễm trùng bàng quang. Uống nhiều nước trong thời gian điều trị sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu nhanh hơn.
Các biện pháp tự nhiên có điều trị được nhiễm trùng bàng quang không?
Mặc dù các biện pháp tự nhiên như uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên có thể giúp giảm số lượng vi khuẩn, giảm nhẹ các triệu chứng và giúp bệnh nhanh khỏi hơn nhưng phương pháp chính để điều trị nhiễm trùng bàng quang vẫn là dùng thuốc kháng sinh. Chỉ có dùng kháng sinh thì mới tiêu diệt được vi khuẩn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bị nhiễm trùng bàng quang mà không dùng thuốc kháng sinh?
Một số biện pháp khắc phục tại nhà như uống nhiều nước, đi tiểu thường xuyên, bổ sung vitamin C, men vi sinh hay uống nước ép nam việt quất có thể giúp giảm số lượng vi khuẩn có hại gây nhiễm trùng. Nhưng người bệnh vẫn cần phải dùng thuốc kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng bàng quang. Nếu không điều trị, nhiễm trùng sẽ lan đến thận và đe dọa đến tính mạng.
Tóm tắt bài viết
Nhiễm trùng bàng quang xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập qua niệu đạo vào bàng quang rồi nhân lên. Tình trạng này gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và đa phần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Một số biện pháp khắc phục tại nhà như uống nhiều nước, đi tiểu thường xuyên, chườm ấm, bổ sung men vi sinh và vitamin C có thể giúp giảm triệu chứng và giúp khỏi bệnh nhanh hơn khi kết hợp cùng với thuốc kháng sinh. Các cách này còn giúp phòng ngừa nhiễm trùng bàng quang tái phát.
Nên đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng nhiễm trùng bàng quang. Nếu không điều trị, nhiễm trùng bàng quang có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Nghiên cứu cho thấy rằng một số loại thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như nước ngọt có ga, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nhiễm trùng đường tiết
Liên cầu khuẩn nhóm B là một loại vi khuẩn liên cầu có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu do liên cầu khuẩn nhóm B không phổ biến bằng nhiễm trùng đường tiết niệu do các loại vi khuẩn khác nhưng cũng có các triệu chứng tương tự.
Nhiễm trùng bàng quang thường xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang. Ở những người có hệ miễn dịch yếu, nhiễm trùng bàng quang có thể xảy ra do nhiễm nấm.
Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một trong những phương pháp đó là sử dụng tinh dầu.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do nhiễm khuẩn xảy ra khi tuyến tiền liệt bị nhiễm vi khuẩn và điều này kích hoạt phản ứng viêm. Ngay cả khi đã điều trị và các triệu chứng biến mất thì vi khuẩn vẫn có thể tiếp tục tồn tại và phát triển ở tuyến tiền liệt.