Khi nào cần sinh thiết thận?
Sinh thiết thận là gì?
Sinh thiết thận là thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ từ thận để làm xét nghiệm.
Sinh thiết thận giúp xác định loại bệnh thận, mức độ nghiêm trọng của bệnh và cách điều trị. Sinh thiết thận còn được sử dụng để theo dõi hiệu quả của các phương pháp điều trị bệnh thận và kiểm tra xem có phát sinh biến chứng sau ghép thận hay không.
Có hai loại sinh thiết thận:
- Sinh thiết qua da (sinh thiết bằng kim): Đây là loại sinh thiết thận phổ biến nhất. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ đưa một cây kim mảnh dài qua da để lấy mô thận. Bác sĩ dựa trên hình ảnh siêu âm hoặc chụp CT để đưa kim đến đúng vị trí cần lấy mẫu mô.
- Sinh thiết mở: Bác sĩ rạch một đường ở vùng da bên trên thận để kiểm tra thận và xác định khu vực cần lấy mẫu mô.
Mục đích của sinh thiết thận
Sinh thiết thận giúp phát hiện các vấn đề về thận.
Hầu hết mọi người sinh ra đều có hai quả thận. Đây là một cơ quan vô cùng quan trọng trong cơ thể với các chức năng như:
- Tạo ra nước tiểu để loại bỏ chất lỏng dư thừa và các chất thải khỏi máu
- duy trì sự cân bằng các hóa chất, chẳng hạn như natri và kali trong máu
- Sản xuất erythropoietin - hormone hỗ trợ sự hình thành hồng cầu
- Kiểm soát huyết áp bằng cách tạo ra hormone renin
- Giúp kích hoạt calcitriol - hormone điều hòa sự hấp thụ canxi và nồng độ canxi trong máu.
Nếu xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu cho thấy chức năng thận có vấn đề, bác sĩ có thể sẽ đề nghị sinh thiết thận. Sinh thiết thận còn được thực hiện để:
- tìm nguyên nhân khiến nồng độ chất thải trong máu cao bất thường
- kiểm tra xem u thận là u lành hay ác tính
- đánh giá chức năng thận sau ghép thận
- tìm nguyên nhân gây đái máu (tiểu ra máu)
- xác định nguyên nhân gây protein niệu (nồng độ protein cao trong nước tiểu)
- xác định mức độ nghiêm trọng và tốc độ tiến triển của tình trạng suy thận
- lên kế hoạch điều trị bệnh thận
Chuẩn bị trước khi sinh thiết thận
Người bệnh không cần chuẩn bị gì nhiều trước khi sinh thiết thận.
Hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc (cả kê đơn lẫn không kê đơn), thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng. Nếu đang dùng các loại thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình sinh thiết hoặc kết quả sinh thiết thì người bệnh sẽ phải tạm thời ngừng dùng một thời gian. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
- Thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu)
- Thuốc chống viêm không steroid như aspirin hoặc ibuprofen
- Bất kỳ loại thuốc nào ảnh hưởng đến quá trình đông máu
Nếu người bệnh đang mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai thì cũng phải cho bác sĩ biết. Ngoài ra, trước khi sinh thiết thận, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem có đang bị nhiễm trùng hay không.
Thông thường sẽ phải nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi sinh thiết thận.
Nếu bác sĩ yêu cầu uống thuốc an thần tại nhà trước khi sinh thiết thì người bệnh không nên tự lái xe đến bệnh viện.
Quy trình sinh thiết thận
Sinh thiết thận có thể cần thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để đưa kim chính xác đến vị trí cần lấy mẫu mô.
Sinh thiết qua da là loại sinh thiết thận phổ biến nhất. Trong loại sinh thiết này, bác sĩ đưa một kim cây kim dài mảnh qua da để lấy mô thận.
Trong sinh thiết mở, bác sĩ rạch một đường lên da để xác định khu vực cần lấy mẫu mô.
Dưới đây là các bước thực hiện hai loại sinh thiết thận.
Sinh thiết qua da
Thông thường, quá trình sinh thiết qua da kéo dài khoảng một tiếng.
Ngay trước khi tiến hành thủ thuật, người bệnh sẽ được truyền thuốc an thần qua đường tĩnh mạch để không cảm thấy căng thẳng. Sinh thiết qua da thường không cần gây mê toàn thân.
Người bệnh sẽ được yêu cầu nằm nghiêng hoặc nằm sấp để bác sĩ dễ dàng tiếp cận đến thận. Người bệnh cần nằm yên và giữ nguyên tư thế trong khoảng 30 phút. Những người đã từng phẫu thuật ghép thận sẽ phải nằm ngửa.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê tại chỗ vào vị trí đâm kim để giúp người bệnh không cảm thấy đau đớn. Sau đó, bác sĩ rạch một đường nhỏ trên da và đưa kim qua đường rạch vào trong thận. Bác sĩ có thể sử dụng hình ảnh siêu âm hoặc chụp CT để đưa kim đến đúng vị trí.
Người bệnh phải hít vào một hơi thật sâu và nín thở khi bác sĩ lấy mẫu mô. Quá trình này thường kéo dài khoảng 30 đến 45 giây. Người bệnh có thể sẽ vẫn cảm thấy hơi khó chịu khi bác sĩ lấy mẫu mô.
Nếu phải lấy nhiều mẫu mô, bác sĩ sẽ lặp lại các bước này nhiều lần nhưng không cần tạo thêm đường rạch. Người bệnh sẽ phải nín thở mỗi lần lấy mẫu mô.
Các loại sinh thiết qua da
Có hai loại sinh thiết qua da:
- Chọc hút bằng kim nhỏ: Trong quy trình này, bác sĩ sử dụng một cây kim nhỏ, mảnh gắn với bơm kim tiêm để lấy mẫu mô nhỏ từ thận.
- Sinh thiết kim lõi: Kỹ thuật này được sử dụng khi cần lấy mẫu mô lớn hơn. Trong quá trình sinh thiết kim lõi, bác sĩ sử dụng kim có lò xo để lấy mẫu mô thận. Người bệnh sẽ nghe thấy tiếng “tách” khi kim sinh thiết lấy mẫu mô từ thận.
Sau khi lấy mẫu mô ra ngoài, bác sĩ sẽ ấn tay lên vị trí đâm kim cho đến khi máu ngừng chảy. Đường rạch sẽ được băng lại.
Sinh thiết mở
Tùy thuộc vào tình trạng thể chất và bệnh sử của người bệnh mà bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết mở. Thông thường, sinh thiết mở được sử dụng cho những trường hợp có tiền sử rối loạn chảy máu hay đông máu hoặc những người chỉ có một quả thận.
Với sinh thiết mở, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân, có nghĩa là không còn cảm giác và nhận thức trong suốt quá trình. Sau khi người bệnh được gây mê, bác sĩ sẽ rạch một đường trên da và lấy mẫu mô từ thận. Đôi khi cần phải tạo đường rạch dài tới 13cm.
Sinh thiết mở cũng có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ và sử dụng ống nội soi để tiến hành sinh thiết. Camera ở đầu ống nội soi sẽ truyền hình ảnh của thận đến màn hình. Hình ảnh thu được cho phép bác sĩ quan sát thận và lấy mẫu mô lớn từ thận mà không cần tạo đường rạch quá dài như kỹ thuật sinh thiết mở truyền thống.
Phục hồi sau sinh thiết thận
Sau khi hoàn tất quy trình sinh thiết thận, người bệnh sẽ nằm nghỉ và được theo dõi trước khi về nhà. Thời gian cần theo dõi tùy thuộc vào tình trạng thể chất tổng thể, loại sinh thiết và phản ứng của cơ thể người bệnh với thủ thuật.
Thông thường, người bệnh sẽ được đưa đến phòng hồi sức để nghỉ ngơi và theo dõi. Trong thời gian này, người bệnh sẽ nằm ngửa (hoặc nằm sấp nếu như người bệnh đã ghép thận) trong khoảng 6 đến 8 tiếng.
Nhân viên y tế sẽ theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, gồm có huyết áp, thân nhiệt, nhịp tim và nhịp thở. Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm công thức máu toàn bộ và xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem có bị chảy máu trong hoặc phát sinh vấn đề nào khác hay không. Người bệnh sẽ được dùng thuốc để giảm đau tại vị trí sinh thiết.
Khi các dấu hiệu sinh tồn ổn định, người bệnh có thể về nhà. Thời gian cần ở lại viện theo dõi thường là từ 12 đến 24 giờ sau sinh thiết.
Sau khi sinh thiết thận, người bệnh sẽ gặp hiện tượng tiểu ra máu. Đây là một hiện tượng bình thường nhưng nếu kéo dài quá 24 tiếng thì cần phải báo cho bác sĩ.
Thông thường, người bệnh có thể ăn uống bình thường sau khi sinh thiết thận. Nên nằm nghỉ ngơi trong 12 đến 24 giờ sau thủ thuật và tránh vận động mạnh như tập thể dục cũng như bê vác nặng trong hai tuần.
Nếu cảm thấy đau ở vị trí sinh thiết thì người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau.
Rủi ro của sinh thiết thận
Sinh thiết thận cung cấp thông tin giúp bác sĩ chẩn đoán các vấn đề về thận và quyết định phương pháp điều trị thích hợp.
Rủi ro lớn nhất của sinh thiết thận là nhiễm trùng. Mặc dù điều này hiếm khi xảy ra nhưng người bệnh phải chú ý theo dõi và đi khám ngay khi gặp các dấu hiệu nhiễm trùng dưới đây sau khi sinh thiết thận:
- Nước tiểu có màu hồng, đỏ tươi hoặc có cục máu đông kéo dài quá 24 giờ sau khi sinh thiết
- Không thể đi tiểu
- Ớn lạnh hoặc sốt
- Cảm thấy đau ngày càng dữ dội ở vị trí sinh thiết
- Vị trí sinh thiết bị đỏ, sưng, chảy máu hoặc chảy dịch
- Luôn trong trạng thái mệt mỏi
Ngoài nhiễm trùng, sinh thiết thận còn có thể gây tổn thương bên trong thận hoặc vùng lân cận. Điều này có thể xảy ra với tất cả các thủ thuật xâm lấn chứ không riêng gì sinh thiết.
Kết quả sinh thiết thận
Mẫu mô thận được lấy trong quá trình sinh thiết sẽ được đem đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Kỹ thuật viên sẽ thêm thuốc nhuộm vào mẫu mô và kiểm tra dưới kính hiển vi xem có cặn lắng, sẹo, dấu hiệu nhiễm trùng hay các bất thường khác hay không.
Kết quả thường có sau khoảng vài ngày đến một tuần.
Có nhiều nguyên nhân gây ra những thay đổi bất thường ở mô thận. Đôi khi, tổn thương thận là do vấn đề phát sinh ở các bộ phận khác của cơ thể.
Kết quả sinh thiết bất thường có thể chỉ ra:
- Nhiễm trùng thận
- Giảm lưu lượng máu đến thận
- Bệnh mô liên kết
- Thải ghép thận
- Ung thư thận
- Nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp
- Các bệnh khác ảnh hưởng đến chức năng thận
Tùy vào kết quả sinh thiết cụ thể mà bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các bước kiểm tra bổ sung để xác định phương pháp điều trị thích hợp.
Thận là một bộ phận có vai trò quan trọng trong hệ tiết niệu, gồm có hai bên đối xứng nhau và có hình hạt đậu. Thật có nhiệm vụ giúp cơ thể loại bỏ chất thải và lọc máu trước khi đưa máu trở lại tim.