1

Lọc máu ngoài thận là gì?

Lọc máu ngoài thận là gì? Lọc máu ngoài thận là gì?

Lọc máu ngoài thận là gì?

Thận của chúng ta có chức năng lọc bỏ chất thải và chất lỏng thừa trong máu. Chất thải này được đưa đến bàng quang và đào thải ra ngoài cơ thể theo nước tiểu.

Khi bị suy thận, thận sẽ không thể thực hiện được chức năng này như bình thường. Suy thận sẽ chuyển sang giai đoạn cuối khi chức năng của thận chỉ còn ở mức từ 10 đến 15% so với chức năng bình thường.

Lọc máu ngoài thận là phương pháp điều trị cho những trường hợp suy thận. Phương pháp này sử dụng máy móc để lọc máu thay cho thận, giúp giữ lượng chất lỏng và chất điện giải cân bằng trong cơ thể khi thận không thể hoạt động.

Lọc máu ngoài thận là phương pháp đã được sử dụng từ những năm 1940 để điều trị cho những người có vấn đề về thận.

Mục đích cần lọc máu ngoài thận

Khi hoạt động bình thường, thận giúp loại bỏ nước thừa, chất độc hại và các chất thải khác tích tụ trong cơ thể. Cơ quan này còn giúp kiểm soát huyết áp và điều chỉnh nồng độ của các yếu tố hóa học trong máu như natri và kali. Ngoài ra, thận còn có vai trò kích hoạt một dạng vitamin D giúp tăng cường sự hấp thụ canxi.

Khi thận không thể thực hiện các chức năng này do bị bệnh hoặc bị tổn thương, lọc máu ngoài thận sẽ giúp cơ thể hoạt động một cách bình thường nhất có thể. Khi thận có vấn đề mà không lọc máu ngoài thận, muối và các chất thải khác sẽ tích tụ trong máu, khiến cơ thể bị quá tải và làm hỏng các cơ quan khác.

Tuy nhiên, lọc máu ngoài thận không thể chữa khỏi bệnh thận hoặc các vấn đề khác ở thận.

Các phương pháp lọc máu ngoài thận

Có ba loại lọc máu ngoài thận khác nhau.

Chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo hay thẩm tách máu là phương pháp lọc máu ngoài thận phổ biến nhất. Quy trình này sử dụng máy chạy thận để loại bỏ chất thải và chất lỏng thừa từ máu. Máu được đưa ra khỏi cơ thể và được lọc qua máy. Máu sau khi lọc sẽ được đưa trở lại vào cơ thể.

Để đưa máu đến máy chạy thận nhân tạo, trước đó bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để tạo một đường vào trên mạch máu. Có ba phương pháp tạo đường vào:

  • Nối nối động - tĩnh mạch tự thân (Arteriovenous fistula): Đây là thủ thuật nối trực tiếp một động mạch với một tĩnh mạch và là lựa chọn được sử dụng phổ biến nhất.
  • Nối động – tĩnh mạch nhân tạo: đặt một ống nhân tạo để nối thông động mạch với tĩnh mạch.
  • Đặt catheter vào một tĩnh mạch lớn ở cổ.

Cả phương pháp nối động - tĩnh mạch tự thân và nhân tạo đều được sử dụng cho những trường hợp cần lọc máu ngoài thận lâu dài. Sau khi nối động – tĩnh mạch tự thân, người bệnh sẽ cần nghỉ ngơi trong khoảng 2 - 3 tháng mới có thể bắt đầu chạy thận nhân tạo. Những trường hợp nối động – tĩnh mạch nhân tạo có thể bắt đầu quá trình lọc máu chỉ sau từ 2 đến 3 tuần kể từ khi phẫu thuật. Trong khi đó, các ống catheter chỉ được sử dụng tạm thời trong thời gian ngắn.

Mỗi lần chạy thận nhân tạo thường kéo dài từ 3 đến 5 tiếng và cần thực hiện 3 lần mỗi tuần. Cũng có những trường hợp mà mỗi lần chạy thận nhân tạo được hoàn toàn trong thời gian ngắn hơn nhưng bù lại sẽ phải thực hiện thường xuyên hơn.

Hầu hết các ca chạy thận nhân tạo hiện nay đều được tiến hành tại bệnh viện. Thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào cân nặng, chiều cao, lượng chất thải trong cơ thể và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Sau khi chạy thận nhân tạo được một thời gian dài, bác sĩ sẽ xem xét xem bạn đã đủ điều kiện để tự lọc máu ngoài thận tại nhà được hay chưa. Đây là giải pháp phổ biến cho những người cần điều trị lâu dài.

Lọc màng bụng

Lọc màng bụng hay thẩm phân phúc mạc là quy trình gồm có bước phẫu thuật để đặt một ống thông vào bụng của bệnh nhân. Ống thông này giúp đưa máu qua phúc mạc hay còn gọi là màng bụng – lớp màng lớn che phủ thành trong ổ bụng, các cơ quan nội tạng trong ổ bụng và một phần các cơ quan khác. Trong quá trình lọc màng bụng, một loại chất lỏng đặc biệt gọi là dịch lọc được đưa vào ổ bụng. Dịch lọc này sẽ hấp thụ chất thải. Sau khi dịch lọc lấy chất thải ra khỏi máu, nó sẽ được dẫn lưu ra khỏi ổ bụng.

Quy trình này thường mất khoảng vài tiếng và cần phải được lặp lại từ 4 - 6 lần mỗi ngày nhưng có thể được thực hiện cả trong khi người bệnh ngủ hoặc thức.

Có nhiều phương pháp lọc màng bụng khác nhau nhưng có ba phương pháp chính là:

  • Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD): Với phương pháp này, dịch được đưa vào ổ bụng và dẫn lưu nhiều lần mỗi ngày. Phương pháp này không cần máy nhưng phải được thực hiện trong khi người bệnh còn thức.
  • Lọc màng bụng liên tục chu kỳ (CCPD): Phương pháp này sử dụng máy để đưa dịch vào và ra ổ bụng, thường được thực hiện vào ban đêm trong khi người bệnh ngủ.
  • Lọc màng bụng không liên tục (IPD): Loại lọc màng bụng này chủ yếu được thực hiện trong bệnh viện nhưng cũng có thể được thực hiện tại nhà. Lọc màng bụng không liên tục cũng sử dụng máy giống như lọc màng bụng liên tục chu kỳ nhưng quá trình này mất nhiều thời gian hơn.

Liệu pháp thay thế thận liên tục (CRRT)

Liệu pháp thay thế thận liên tục (Continuous renal replacement therapy – CRRT) được sử dụng chủ yếu trong các trung tâm chăm sóc đặc biệt cho những người bị suy thận cấp. Với phương pháp này, máu được đưa qua ống và vào một máy lọc để loại bỏ các chất thải cùng nước thừa. Sau đó máu được đưa trở lại về cơ thể cùng với dịch thay thế. Quy trình này kéo dài từ 12 đến 24 tiếng và thường cần thực hiện mỗi ngày.

Rủi ro của lọc máu ngoài thận

Mặc dù các phương pháp lọc máu ngoài thận đều nhằm mục đích duy trì sự sống, kéo dài tuổi thọ cho người bị bệnh thận nhưng cả ba phương pháp nói trên đều đi kèm với những rủi ro nhất định.

Rủi ro của chạy thận nhân tạo

Phương pháp chạy thận nhân tạo có các rủi ro:

  • Tụt huyết áp
  • Thiếu máu hay giảm số lượng hồng cầu
  • Chuột rút
  • Khó ngủ
  • Ngứa
  • Nồng độ kali (potassium) trong máu tăng cao
  • Viêm màng ngoài tim – tình trạng viêm lớp màng bao quanh tim
  • Nhiễm trùng huyết
  • Vãng khuẩn huyết
  • Nhịp tim không đều
  • Đột tử do tim, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người chạy thận nhân tạo

Rủi ro của lọc màng bụng

Phương pháp lọc màng bụng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng trong hoặc xung quanh vị trí đặt ống thông trong ổ bụng. Ví dụ, sau khi đặt ống thông, người bệnh có thể bị viêm phúc mạc.

Ngoài ra còn có các rủi ro khác:

  • Suy yếu cơ bụng
  • Lượng đường trong máu tăng cao do dextrose trong dịch lọc
  • Tăng cân
  • Thoát vị
  • Sốt
  • Đau bụng

Rủi ro của liệu pháp thay thế thận liên tục

Các rủi ro của liệu pháp thay thế thận liên tục gồm có:

  • Nhiễm trùng
  • Hạ thân nhiệt
  • Tụt huyết áp
  • Rối loạn điện giải
  • Chảy máu
  • Thận lâu hồi phục
  • Loãng xương
  • Sốc phản vệ

Nếu bạn gặp những vấn đề này trong quá trình lọc máu ngoài thận thì cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

Bên cạnh đó, những người phải lọc máu ngoài thận dài hạn còn có nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khỏe khác, ví dụ như thoái hóa tinh bột (amyloidosis). Bệnh này xảy ra khi amyloid – một loại protein được tạo ra trong tủy xương - tích tụ trong các cơ quan như thận, gan và tim. Điều này gây đau, cứng và sưng khớp.

Ngoài những thay đổi về mặt thể chất, một số người còn bị trầm cảm sau khi được chẩn đoán suy thận và phải lọc máu ngoài thận trong một thời gian dài.

Giải pháp thay thế cho lọc máu ngoài thận

Lọc máu ngoài thận là quá trình điều trị tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc nên không phải ai cũng phù hợp, đặc biệt là những người bị suy thận nặng, cấp tính.

Nếu bạn quyết định không lọc máu ngoài thận thì vẫn còn có những giải pháp điều trị khác để kiểm soát các triệu chứng của bệnh thận. Một trong những giải pháp này là điều trị tình trạng thiếu máu do suy thận. Khi thận hoạt động bình thường, cơ thể sản sinh ra một loại hormone là erythropoietin (EPO). Để hỗ trợ chức năng cho thận bị hỏng thì có thể tiêm EPO mỗi tuần.

Duy trì huyết áp ở mức ổn định cũng là cách để làm chậm tốc độ suy yếu của thận. Ngoài ra, cần uống nhiều nước để tránh tình trạng cơ thể bị thiếu nước và cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc chống viêm nào, như ibuprofen (Advil) hay diclofenac (Solaraze, Voltaren).

Ngoài lọc máu ngoài thận, ghép thận là một lựa chọn khác cho những trường hợp suy thận và đây cũng là một giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với ghép thận. Phương pháp này sẽ không khả thi trong những trường hợp mà người bệnh:

  • hút thuốc lá
  • uống nhiều rượu bia
  • béo phì
  • có vấn đề về tâm thần

Cần chuẩn bị gì trước khi lọc máu ngoài thận?

Trước khi lọc máu ngoài thận, người bệnh sẽ phải làm phẫu thuật để đặt một ống nhân tạo hoặc thiết bị giúp tiếp cận vào mạch máu. Quy trình phẫu thuật này thường rất đơn giản và nhanh chóng. Sau khi xong, người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày.

Nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái trong quá trình lọc máu. Ngoài ra, trước khi lọc máu, bác sĩ sẽ có các hướng dẫn cụ thể khác, ví dụ như thời gian cần nhịn ăn.

Có thể lọc máu ngoài thận tại nhà không?

Cả chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng đều có thể thực hiện được tại nhà. Với phương pháp lọc màng bụng thì người bệnh có thể tự thực hiện được một mình còn để chạy thận nhân tạo thì sẽ cần có người ở bên cạnh giúp đỡ, có thể là người thân trong gia đình hoặc thuê một y tá có chuyên môn đến nhà.

Dù là phương pháp nào thì trước khi điều trị tại nhà, người bệnh đều sẽ được hướng dẫn kỹ lưỡng về quy trình thực hiện.

Tiên lượng cho người cần lọc máu ngoài thận

Không phải bệnh thận nào cũng là vĩnh viễn. Trong một số trường hợp, lọc máu ngoài thận có thể được thực hiện tạm thời nhằm thay thế cho chức năng của thận cho đến khi thận tự hồi phục và hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, khi mắc suy thận mạn thì thận sẽ không thể tự hồi phục được mà phải lọc máu ngoài thận vĩnh viễn hoặc cho đến khi ghép thận. Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ cần chú ý điều chỉnh lại một số thói quen sống, bao gồm cả chế độ ăn uống.

Trong khi chạy thận nhân tạo, nên hạn chế hàm lượng kali, phốt pho và natri trong thực phẩm và chú ý theo dõi lượng chất lỏng tiêu thụ. Không nên tiêu thụ quá nhiều chất lỏng để tránh xảy ra các vấn đề không mong muốn. Lượng chất lỏng này không chỉ có nước lọc hay một số loại đồ uống khác mà còn có nước từ các loại trái cây hay rau củ.

Nếu lọc máu ngoài thận định kỳ đúng lịch và duy trì được thói quen sinh hoạt khoa học, lành mạnh thì sẽ giảm được khả năng cần phải ghép thận.

Ngừng lọc máu ngoài thận

Nếu bạn đang cân nhắc ngừng lọc máu ngoài thận thì nên đi gặp bác sĩ trước. Mặc dù bạn có quyền dừng điều trị bất cứ lúc nào nhưng vẫn nên nói chuyện với bác sĩ về lí do khiến bạn quyết định như vậy. Bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng và huyết áp nhằm đánh giá xem quá trình lọc máu ngoài thận trong thời gian qua có hiệu quả hay không. Nếu tình trạng suy thận không có biến chuyển thì việc ngừng lọc máu ngoài thận cuối cùng sẽ dẫn đến tử vong.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Suy thận có được dùng statin không?
Suy thận có được dùng statin không?

Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.

Ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến suy thận?
Ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến suy thận?

Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến thận và dẫn đến suy thận. Vấn đề về thận thường xảy ra vào các giai đoạn sau của ung thư.

Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối
Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối

Mỗi quả thận có những đơn vị lọc máu nhỏ gọi là nephron. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các đơn vị lọc máu này bị hỏng và lọc máu kém, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Bệnh thận mạn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần?
Bệnh thận mạn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần?

Bệnh thận mạn và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ hai chiều. Bệnh thận mạn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe tinh thần cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh thận mạn.

Tại sao suy thận mạn giai đoạn cuối gây lú lẫn?
Tại sao suy thận mạn giai đoạn cuối gây lú lẫn?

Những người bị suy thận nặng có thể bị lú lẫn cũng như các vấn đề về khả năng nhận thức khác.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây