1

Bệnh thận mạn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần?

Bệnh thận mạn và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ hai chiều. Bệnh thận mạn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe tinh thần cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh thận mạn.
Bệnh thận mạn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần? Bệnh thận mạn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần?

Bệnh thận mạn (hay suy thận mạn) là tình trạng chức năng thận bị suy giảm không thể phục hồi và cần phải điều trị suốt đời. Các triệu chứng bệnh sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống thường ngày. Ngoài ra, tâm lý chán nản, buồn bã là điều khó tránh khỏi khi biết mình mắc phải một căn bệnh mạn tính. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người mắc bệnh thận mạn.

Mặt khác, tình trạng sức khỏe tinh thần cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh thận mạn. Các tình trạng như căng thẳng, lo lắng, chán nản hay rối loạn sử dụng chất gây nghiện có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh thận mạn. Những tình trạng này còn có thể khiến cho người bệnh khó tuân thủ điều trị hoặc không duy trì được những thói quen lành mạnh để kiểm soát bệnh thận mạn.

Những người bị bệnh thận mạn có nguy cơ bị suy giảm nhận thức và các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu mối liên hệ giữa hai vấn đề này.

Điều quan trọng là phải đi khám khi nhận thấy những thay đổi bất thường về trạng thái tâm lý hay nhận thức. Có nhiều cách để điều trị các vấn đề về tâm lý và cải thiện sức khỏe tinh thần khi mắc bệnh thận mạn.

Bệnh thận mạn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần như thế nào?

Bệnh thận mạn và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ hai chiều. Bệnh thận mạn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe tinh thần cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh thận mạn.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa thận và não bộ để hiểu rõ về tác động của bệnh thận mạn đến sức khỏe tinh thần.

Có nghiên cứu cho thấy rằng tình trạng suy giảm nhận thức, ví dụ như sa sút trí tuệ có thể xảy ra do rối loạn hệ tuần hoàn ảnh hưởng đến thận và não.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được mối liên hệ rõ ràng giữa bệnh thận mạn và các rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo âu, mặc dù những vấn đề này thường xảy ra cùng nhau.

Người mắc bệnh thận mạn có thể gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần do các nguyên nhân như:

Các triệu chứng hoặc biến chứng của bệnh thận mạn

  • Sức khỏe giảm sút
  • Chi phí điều trị
  • Những xáo trộn trong sinh hoạt và công việc hàng ngày
  • Phải phụ thuộc vào người khác trong một số hoạt động
  • Lo lắng về tình trạng bản thân trong tương lai

Ở những người mắc bệnh thận mạn nghiêm trọng hoặc bệnh thận mạn giai đoạn cuối (suy thận mạn giai đoạn cuối), sức khỏe tinh thần có thể suy giảm do các phương pháp điều trị.

Tình trạng sức khỏe tinh thần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Sự lo âu, buồn bã hay sợ hãi có thể dẫn đến những vấn đề như:

  • Rối loạn giấc ngủ
  • Thay đổi thói quen ăn uống
  • Tăng lượng đường trong máu và huyết áp, những điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng thận
  • Ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh thận mạn

Những vấn đề về sức khỏe tinh thần còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tổng thể. Điều này góp phần khiến cho bệnh thận mạn tiến triển và làm tăng nguy cơ nhập viện.

Những vấn đề về sức khỏe tinh thần ở người mắc bệnh thận mạn

Một số vấn đề về sức khỏe tinh thần phổ biến ở người bị bệnh thận mạn gồm có:

  • Lo âu
  • Trầm cảm
  • Rối loạn sử dụng chất gây nghiện
  • Suy giảm nhận thức, gồm có chứng sa sút trí tuệ

Lo âu

Lo âu là một điều bình thường trong cuộc sống và đa phần chỉ xảy ra tạm thời. Nhưng ở một số người, tình trạng lo âu kéo dài, ngày càng trở nên trầm trọng và cần phải điều trị.

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy lo sợ, bất an và tình trạng này gây cản trở cuộc sống hàng ngày thì rất có thể bạn đã bị rối loạn lo âu và đã đến lúc phải điều trị.

Một nghiên cứu được thực hiện trên những người mắc bệnh thận mạn phải chạy thận nhân tạo cho thấy 45,7% người tham gia bị rối loạn lo âu và 30% trong số đó vẫn gặp phải chứng rối loạn này sau 16 tháng. (1)

Cảm giác lo âu có thể là mơ hồ, không rõ nguyên nhân nhưng cũng có thể xảy ra do một yếu tố kích hoạt nào đó và điều này có thể dẫn đến cơn hoảng loạn.

Các triệu chứng rối loạn lo âu ở mỗi người là khác nhau và phụ thuộc vào loại rối loạn lo âu mắc phải. Các triệu chứng phổ biến gồm có:

  • Cảm thấy lo sợ, bất an, căng thẳng
  • Tim đập nhanh
  • Hụt hơi
  • Bồn chồn, khó chịu
  • Khó tập trung
  • Khó đi vào giấc ngủ

Trầm cảm

Trầm cảm là một vấn đề phổ biến ở những người bị bệnh thận mạn. Người bị bệnh thận mạn có nguy cơ trầm cảm cao gấp 3 đến 4 lần so với dân số nói chung. (2)

Có đến 100% những người mắc suy thận mạn giai đoạn cuối có nguy cơ bị trầm cảm. Những người phải lọc máu có nguy cơ trầm cảm cao hơn.

Tâm trạng buồn bã, chán nản kéo dài hoặc mất hứng thú với những điều từng yêu thích có thể là dấu hiệu của trầm cảm. Ngoài ra, trầm cảm còn có các triệu chứng khác như:

  • Cảm giác tuyệt vọng
  • Thay đổi về cân nặng
  • Chán ăn hoặc tăng cảm giác thèm ăn
  • Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
  • Không thể tập trung

Nên đi khám nếu các triệu chứng này kéo dài liên tục nhiều tuần. Hãy tìm sự giúp đỡ ngay lập tức khi có suy nghĩ đến việc tự tử.

Rối loạn sử dụng chất gây nghiện

Một số người tìm đến thuốc lá, rượu bia hoặc chất kích thích để đối phó với các vấn đề về sức khỏe tinh thần hoặc các triệu chứng của bệnh thận mạn.

Việc lạm dụng các chất này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh thận mạn và các vấn đề sức khỏe liên quan. Việc sử dụng chất gây nghiện còn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác đến cuộc sống, chẳng hạn như giảm hiệu quả làm việc, xa cách với bạn bè, người thân…

Uống rượu bia hay sử dụng chất kích thích còn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của một số loại thuốc điều trị bệnh thận mạn. Để tránh làm trầm trọng thêm bệnh thận mạn, hãy trao đổi với bác sĩ khi gặp phải bất kỳ vấn đề này thay vì sử dụng chất kích thích.

Suy giảm nhận thức

Suy giảm nhận thức có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ, học hỏi và giao tiếp.

Người mắc bệnh thận mạn có nguy cơ bị suy giảm nhận thức, bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ. Tình trạng suy giảm nhận thức khiến người bệnh gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày, do đó cần đến sự giúp đỡ của người khác và phải tăng cường các phương pháp điều trị.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức gồm có:

  • Tuổi cao
  • Hút thuốc lá
  • Uống nhiều rượu
  • Bệnh tim mạch
  • Tiền sử chấn thương vùng đầu

Trầm cảm cũng có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức.

Người bị suy giảm nhận thức cần được theo dõi sát sao. Bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điẻu trị giúp kiểm soát cả tình trạng suy giảm nhận thức và bệnh thận mạn.

Tại sao cần điều trị vấn đề về sức khỏe tinh thần?

Nhiều người có vấn đề về sức khỏe tinh thần không muốn đi khám, tìm sự giúp đỡ hoặc không nhận thức được rằng mình đang gặp vấn đề.

Vấn đề về sức khỏe tinh thần có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và làm trầm trọng thêm bệnh thận mạn. Khi gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, người bệnh có thể sẽ hình thành những thói quen không tốt cho sức khỏe.

Nếu bỏ qua không điều trị, tình trạng sẽ ngày càng nặng, điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Theo thời gian, bệnh thận mạn có thể tiến triển sang giai đoạn cuối.

Phương pháp điều trị

Có nhiều phương pháp điều trị các vấn đề về sức khỏe tinh thần, gồm có các phương pháp trị liệu tâm lý và thuốc.

Các phương pháp điều trị chính gồm có:

  • Tư vấn tâm lý
  • Liệu pháp nhận thức hành vi
  • Sử dụng thuốc

Loại thuốc cần sử dụng sẽ tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của vấn đề về sức khỏe tinh thần cũng như các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp cho người bệnh.

Dù điều trị bằng thuốc hay các phương pháp trị liệu thì cũng cần có thời gian để có hiệu quả rõ rệt.

Điều trị y tế là phương pháp chính để giải quyết các vấn đề về sức khỏe tinh thần và kiểm soát tình trạng bệnh thận mạn nhưng ngoài ra, người bệnh cũng cần tự chăm sóc sức khỏe bản thân tại nhà. Hãy duy trì các thói quen có lợi cho sức khỏe. Điều này sẽ giúp kiểm soát cả vấn đề về tinh thần và bệnh thận mạn.

Dưới đây là một số thói quen tốt cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần:

  • Tập thể dục thường xuyên với cường độ phù hợp.
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh gồm có các loại thực phẩm tốt cho thận.
  • Ngủ đủ giấc để cơ thể được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượngvà luôn khỏe mạnh.
  • Cải thiện đời sống tinh thần, chẳng hạn như tìm những sở thích mới hoặc dành thời gian ở bên người thân, bạn bè.
  • Suy nghĩa lạc quan, tích cực

Tóm tắt bài viết

Chăm sóc sức khỏe tinh thần là điều rất quan trọng khi phải sống chung với bệnh thận mạn. Sức khỏe tinh thần và cảm xúc có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất. Đừng ngại đi khám bác sĩ hoặc chia sẻ với người thân, bạn bè khi có vấn đề. Có nhiều cách để ngăn ngừa và đối phó với các vấn đề về tinh thần liên quan đến bệnh thận mạn. Tập các thói quen lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề như rối loạn lo âu, trầm cảm hay suy giảm nhận thức.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, trầm cảm và suy thận
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, trầm cảm và suy thận

Bệnh tiểu đường, trầm cảm và suy thận là những bệnh lý riêng biệt nhưng lại có mối liên hệ với nhau. Các bệnh lý này có thể xảy ra cùng lúc.

Mối liên hệ giữa bệnh đa u tủy và suy thận
Mối liên hệ giữa bệnh đa u tủy và suy thận

Suy thận là một biến chứng phổ biến của bệnh đa u tủy. Phát hiện và điều trị bệnh ngay từ sớm sẽ giúp giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến thận. Có nhiều phương pháp để ngăn ngừa và điều trị tổn thương thận do ung thư gây ra.

Suy thận mạn tính: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Suy thận mạn tính: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Thận là cơ quan có nhiệm vụ lọc dịch thừa và chất thải ra khỏi máu. Chất thải này sau đó sẽ đi ra ngoài theo nước tiểu. Suy thận mạn tính là tình trạng chức năng thận bị giảm hoặc mất hoàn toàn trong thời gian dài, có thể là nhiều tháng hoặc nhiều năm. Theo thời gian, chất thải và dịch sẽ tích tụ lại trong cơ thể. Tình trạng này còn được gọi là bệnh thận mạn tính.

Suy thận cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Suy thận cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Suy thận cấp tính còn được gọi là tổn thương thận cấp, có thể xảy ra ở cả những người mắc bệnh thận mạn tính và những người có chức năng thận bình thường. Chức năng thận có thể suy giảm chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày đến vài tuần.

Các biến chứng của bênh suy thận mạn
Các biến chứng của bênh suy thận mạn

Nêu không được điều trị, tình trạng suy giảm chức năng thận nó có thể dẫn đến biến chứng ở các vùng khác trên cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây