1

Suy Thận

Suy thận là gì?

Thận là một cặp cơ quan nằm ở bên dưới của lồng ngực, đối xứng ở hai bên cột sống. Thận có nhiệm vụ lọc máu và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Độc tố được đưa đến bàng quang và đào thải ra ngoài khi đi tiểu.

Suy thận là tình trạng xảy ra khi thận mất đi hoặc suy giảm khả năng lọc chất thải từ máu. Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng thận, chẳng hạn như:

  • tiếp xúc với các chất độc hại, ô nhiễm từ môi trường
  • tác dụng phụ của một số loại thuốc
  • một số bệnh cấp tính và mãn tính
  • mất nước nghiêm trọng
  • tổn thương thận

Khi thận không thể thực hiện được chức năng như bình thường, lượng độc tố trong cơ thể sẽ tăng cao, dần dẫn đến suy thận và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị.

Các loại suy thận

Có 5 loại suy thận:

Suy thận cấp trước thận

Đây là lại suy thận xảy ra khi lưu lượng máu đến thận không đủ, khiến cho thận không thể lọc được độc tố từ máu. Loại suy thận này thường có thể chữa khỏi được nếu xác định chính xác nguyên nhân gây giảm lưu lượng máu.

Suy thận cấp tại thận

Nguyên nhân gây suy thận cấp tại thận thường là do tổn thương trực tiếp ở thận, chẳng hạn như tác động vật lý hoặc tai nạn. Nguyên nhân cũng có thể là do lượng độc tố tăng quá mức và thiếu máu cục bộ, khiến cho thận bị thiếu oxy.

Một số nguyên nhân có thể gây thiếu máu cục bộ:

  • Chảy máu nghiêm trọng
  • Sốc
  • Tắc nghẽn mạch máu thận
  • Viêm cầu thận

Suy thận mãn trước thận

Khi không có đủ máu cung cấp đến thận trong một thời gian dài, thận sẽ bắt đầu co lại và mất đi khả năng hoạt động bình thường.

Suy thận mãn tại thận

Loại suy thận này xảy ra khi thận bị tổn hại trong một thời gian dài do các vấn đề tại thận. Vấn đề tại thận có thể xuất phát từ một tổn thương trực tiếp đến thận, chẳng hạn như chảy máu nghiêm trọng hoặc thiếu oxy.

Suy thận mãn sau thận

Tình trạng tắc nghẽn đường tiết niệu trong một thời gian dài sẽ gây cản trở cho việc thải nước tiểu. Điều này gây tăng áp lực và cuối cùng làm hỏng thận.

Nguyên nhân gây suy thận

Suy thận có thể là do một số vấn đề về sức khỏe hoặc nguyên nhân khác nhau gây nên. Mỗi một loại suy thận lại có nguyên nhân riêng.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất.

Gián đoạn lưu thông máu đến thận

  • Sự lưu thông máu đến thận bị gián đoạn đột ngột có thể gây suy thận. Một số vấn đề gây nên tình trạng gián đoạn này gồm có:
  • Nhồi máu cơ tim
  • Bệnh tim
  • Sẹo trong gan (xơ gan) hoặc suy gan
  • Mất nước
  • Bỏng nặng
  • Dị ứng
  • Bị bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, chẳng hạn như nhiễm trùng máu
  • Cao huyết áp

Bên cạnh đó, việc dùng thuốc chống viêm cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự lưu thông máu.

Vấn đề về thải nước tiểu

Khi cơ thể không thể đào thải nước tiểu bình thường, độc tố sẽ tích tụ lại và khiến cho thận bị quá tải. Một số bệnh ung thư có thể chặn đường dẫn nước tiểu, như:

  • Ung thư tuyến tiền liệt (loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới)
  • Ung thư đại tràng
  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư bàng quang

Bên cạnh đó còn có các vấn đề khác gây khó khăn việc đi tiểu và có thể dẫn đến suy thận, gồm có:

  • Sỏi thận
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Có cục máu đông trong đường tiết niệu
  • Tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang

Nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác cũng dẫn đến gây suy thận gồm có:

  • Hình thành cục máu đông trong hoặc xung quanh thận
  • Nhiễm trùng
  • Cơ thể có quá nhiều chất độc từ kim loại nặng
  • Sử dụng ma túy và rượu
  • Viêm mạch
  • Bệnh lupus ban đỏ, một bệnh tự miễn gây viêm ở nhiều cơ quan
  • Viêm cầu thận, tình trạng viêm các mạch máu nhỏ của thận
  • Hội chứng ure huyết tán huyết, tình trạng mà các tế bào hồng cầu bị vỡ sau khi bị nhiễm vi khuẩn, thường là ở ruột
  • Đa u tủy xương, loại ung thư bắt đầu từ các tế bào plasma trong tủy xương
  • Xơ cứng bì, một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến làn da
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối, một bệnh lý gây hình thành cục máu đông trong các mạch máu nhỏ
  • Dùng thuốc hóa trị liệu điều trị ung thư và một số bệnh tự miễn
  • Do thuốc nhuộm được sử dụng trong một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh
  • Một số loại kháng sinh
  • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát

Triệu chứng suy thận

Thông thường, khi bị suy thận, một người sẽ gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau nhưng cũng có một số ít người không hề gặp phải triệu chứng nào ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Lượng nước tiểu giảm
  • Sưng phù chân, mắt cá chân và bàn chân do giữ nước
  • Khó thở không rõ nguyên nhân
  • Thường xuyên buồn ngủ, người mệt mỏi
  • Cảm giác buồn nôn kéo dài
  • Đầu óc lơ mơ, không tỉnh táo
  • Đau tức trong ngực
  • Co giật
  • Hôn mê

Dấu hiệu sớm của suy thận

Các triệu chứng của bệnh thận ở giai đoạn đầu thường không biểu hiện rõ nên khó có thể xác định được chính xác nhưng nếu bạn gặp các dấu hiệu sớm dưới đây thì có khả năng thận của bạn đang có vấn đề:

  • Lượng nước tiểu giảm
  • Giữ nước dẫn đến sưng phù chân tay
  • Khó thở

Các giai đoạn suy thận

Suy thận được chia thành 5 giai đoạn, từ mức độ chỉ rất nhẹ (giai đoạn 1) cho đến suy thận hoàn toàn (giai đoạn 5). Càng về giai đoạn sau thì các triệu chứng và biến chứng lại càng tăng lên.

Giai đoạn 1

Đây là giai đoạn mà tình trạng tổn thương thận mới chỉ ở mức độ rất nhẹ, có thể không bộc lộ triệu chứng và chưa có biến chứng rõ ràng.

Ở giai đoạn này, người bệnh vẫn có thể kiểm soát và làm chậm sự tiến triển của bệnh bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, gồm có chế độ ăn uống cân bằng, giữ cân nặng khỏe mạnh, thường xuyên tập thể dục và không sử dụng thuốc lá. Nếu bạn bị tiểu đường thì cần kiểm soát lượng đường trong máu.

Giai đoạn 2

Giai đoạn 2 vẫn được coi là bệnh thận mức độ nhẹ, nhưng các dấu hiệu như protein trong nước tiểu hoặc tổn thương thận đã trở nên rõ ràng hơn.

Người bệnh vẫn cần duy trì sống lành mạnh ở giai đoạn này. Nếu có các yếu tố nguy cơ khác như bệnh tim mạch, viêm hay bệnh về máu thì suy thận sẽ tiến triển nhanh hơn.

Giai đoạn 3

Đây là giai đoạn suy thận cấp độ vừa. Lúc này, thận đã không còn thực hiện chức năng được như bình thương nữa.

Bệnh thận giai đoạn 3 còn được chia thành 3A và 3B. Kết quả xét nghiệm máu sẽ cho biết lượng chất thải trong máu và xác định được giai đoạn cụ thể.

Ở giai đoạn này thì các triệu chứng đã biểu hiện rõ rệt hơn mà thường gặp nhất là hiện tượng sưng phù ở tay và chân, đau mỏi lưng và đi tiểu thường xuyên.

Lúc này thì người bệnh vẫn cần duy trì lối sống như hai giai đoạn trước nhưng có thể bắt đầu phải dùng thuốc để điều trị các vấn đề gây suy thận.

Giai đoạn 4

Giai đoạn 4 được coi là suy thận mức độ từ vừa đến nặng. Ở giai đoạn này, thận không còn hoạt động tốt nhưng vẫn chưa bị suy thận hoàn toàn. Giai đoạn này có thể đã xảy ra một số biến chứng như thiếu máu, tăng huyết áp và loãng xương.

Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị để làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.

Giai đoạn 5

Ở giai đoạn 5, thận gần như hoặc đã suy yếu hoàn toàn. Các triệu chứng sẽ bộc lộ rất rõ ràng, gồm có nôn mửa và buồn nôn, khó thở, ngứa...

Ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ cần lọc máu ngoài thận thường xuyên hoặc phẫu thuật ghép thận.

Chẩn đoán suy thận

Bác sĩ sẽ sử dụng một số phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh khác nhau để chẩn đoán suy thận.

Xét nghiệm nước tiểu

Bác sĩ lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra có dấu hiệu bất thường nào hay không, ví dụ như protein hoặc đường trong nước tiểu.

Bên cạnh đó cũng có thể cần tiến hành xét nghiệm soi cặn lắng nước tiểu để đo lượng tế bào hồng cầu và bạch cầu, vi khuẩn, các loại trụ hình hay tinh thể.

Đo thể tích nước tiểu

Đo thể tích nước tiểu là một trong những phương pháp xét nghiệm đơn giản nhất giúp chẩn đoán suy thận. Ví dụ, lượng nước tiểu thấp có thể là dấu hiệu chỉ ra rằng bệnh thận là do tắc nghẽn đường tiết niệu gây nên. Đây là tình trạng có thể xảy ra khi mắc phải một số bệnh lý hoặc do chấn thương.

Xét nghiệm máu

Bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm máu nhằm đo nồng độ các chất được lọc bởi thận, chẳng hạn như xét nghiệm urea máu (BUN) hay xét nghiệm creatinin (Cr). Sự gia tăng về nồng độ của những chất này này là dấu hiệu chỉ ra suy thận cấp.

Chẩn đoán hình ảnh

Siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) hay chụp cắt lớp (CT scan) là những phương pháp cung cấp hình ảnh của thận cũng như là đường tiết niệu. Những hình ảnh này giúp bác sĩ phát hiện những chỗ tắc nghẽn hoặc bất thường trong thận.

Sinh thiết thận

Sinh thiết thận là phương pháp lấy mẫu mô thận và kiểm tra nhằm phát hiện những dấu hiệu tích tụ bất thường, sẹo hoặc các vi sinh vật truyền nhiễm. Đây là một quy trình đơn giản, thường được thực hiện khi người bệnh còn tỉnh táo.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ để bạn không còn cảm thấy đau và sau đó sẽ đưa kim sinh thiết qua da xuống thận để lấy mẫu mô. Thiết bị X-quang hoặc siêu âm sẽ giúp xác định vị trí của thận và cho phép bác sĩ đưa kim vào một cách chính xác.

Đọc thêm: Các phương pháp xét nghiệm chức năng thận khác giúp xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng

Điều trị suy thận

Có nhiều phương pháp điều trị suy thận khác nhau tùy theo nguyên nhân gây suy thận.

Lọc máu ngoài thận

Lọc máu ngoài thận là phương pháp dùng thiết bị máy móc để thực hiện chức năng lọc máu thay cho thận. Có hai phương pháp lọc máu ngoài thận là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.

Mặc dù lọc máu không chữa khỏi được suy thận nhưng sẽ giúp kéo dài sự sống nếu điều trị thường xuyên.

Ghép thận

Một giải pháp khác cho những trường hợp suy thận giai đoan cuối là ghép thận. Có thể thận sau khi ghép sẽ hoạt động bình thường và không cần phải lọc máu ngoài thận nữa.

Tuy nhiên, do nhu cầu ghép thận luôn cao hơn nhiều so với số người hiến thận nên bệnh nhân suy thận thường phải chờ đợi rất lâu mới tìm được thận hiến tương thích. Nếu tìm được người hiến thận khi còn sống thì có thể nhanh được phẫu thuật hơn.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc chống thải ghép (thuốc ức chế miễn dịch) để ngăn cơ thể đào thải quả thận mới. Những loại thuốc này thường đi kèm với một số tác dụng phụ và một số trong đó là những tác dụng phụ nghiêm trọng. Hơn nữa, không phải ai cũng phù hợp với phương pháp phẫu thuật ghép thận và không phải ca phẫu thuật nào cũng thành công.

Thói quen ăn uống khi bị suy thận

Chế độ ăn

Không có chế độ ăn uống chung nào cho tất cả bệnh nhân suy thận. Tùy vào giai đoạn của bệnh và tình trạng sức khỏe cá nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể nhưng dưới đây là một số lưu ý chung:

  • Hạn chế natri và kali: Cố gắng tiêu thụ dưới 2000 miligam natri và kali mỗi ngày.
  • Hạn chế phốt pho: Giống như natri và kali, bạn cũng nên hạn chế một cách tối đa lượng phốt pho trong khẩu phần ăn hàng ngày, tốt nhất là dưới 1000mg.
  • Chú ý thay đổi hàm lượng protein theo từng giai đoạn: Khi bị suy thận ở các giai đoạn đầu và bệnh ở mức độ vừa, bạn nên hạn chế tiêu thụ protein nhưng khi suy thận tiến triển sang giai đoạn cuối thì lại cần bổ sung thêm protein, tùy thuộc vào khuyến nghị cụ thể của bác sĩ.

Ngoài những lưu ý chung này, bạn cũng nên tránh một số loại thực phẩm khi bị bệnh thận.

Hạn chế rượu bia

Nếu bạn bị suy thận và vẫn tiếp tục uống rượu bia thì thận sẽ buộc phải làm việc nhiều hơn so với bình thường.

Cồn không được chuyển hóa như các chất dinh dưỡng khác nên sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thận trong suốt một thời gian dài và cần phải lọc máu ngoài thận để đưa cồn ra khỏi máu.

Bia và rượu còn có chứa một lượng lớn phốt pho. Đây là chất có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch và thậm chí tử vong nếu thận không thể lọc ra khỏi máu.

Nếu bạn bị suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối thì nên hạn chế uống rượu bia hoặc tốt nhất là nên bỏ hoàn toàn.

Việc uống rượu bia khi bị suy thận sẽ còn ảnh hưởng đến chức năng bình thường của cả các cơ quan khác trong cơ thể. Việc tiêu thụ nhiều rượu bia trong một thời gian dài sẽ gây nên bệnh gan.

Tìm hiểu thêm: Lí do tại sao rượu bia có thể gây đau lưng và sườn

Màu nước tiểu nói lên điều gì về sức khỏe?

Màu của nước tiểu là một dấu hiệu phần nào cho thấy tình trạng sức khỏe của cơ thể. Khi mới bị suy thận, nước tiểu cũng không có thay đổi gì nhiều cho đến khi tình trạng tổn thương thận chuyển nặng nhưng những bất thường về nước tiểu dưới đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số vấn đề:

  • Nước tiểu trong hoặc màu vàng nhạt: cơ thể đang có đủ nước và thận khỏe mạnh
  • Nước tiểu màu vàng đậm hay vàng nâu: cơ thể đang bị thiếu nước. Cần bổ sung thêm nhiều nước hơn, hạn chế uống nước ngọt, trà hoặc cà phê.
  • Nước tiểu màu cam: đây cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu nước hoặc có thể là dấu hiệu của mật trong máu. Bệnh thận thường không có dấu hiệu này.
  • Nước tiểu màu hồng hoặc đỏ: Nước tiểu có màu hồng hoặc hơi đỏ là dấu hiệu cho thấy có lẫn máu bên trong nhưng cũng có thể là do ăn một số loại thực phẩm có màu như củ cải đỏ, dâu tây hoặc thanh long ruột đỏ. Phương pháp xét nghiệm nước tiểu nhanh sẽ cho biết nguyên nhân cụ thể.
  • Nước tiểu có bọt: Nước tiểu có bọt là dấu hiệu cho thấy có nhiều protein trong đó. Protein trong nước tiểu là một trong những dấu hiệu của bệnh thận.

Tìm hiểu thêm về các hiện tượng đổi màu nước tiểu phổ biến và nguyên nhân

Bệnh tiểu đường và suy thận

Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận. Nếu không được kiểm soát, lượng đường trong máu cao sẽ làm hỏng thận và tình trạng tổn hại sẽ dần trở nên nặng hơn theo thời gian.

Bệnh thận đái tháo đường – tình trạng tổn thương thận do tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 gây ra – là bệnh lý không thể hồi phục nhưng bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu cũng như là mức huyết áp và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn sẽ có thể giảm thiểu tổn hại lên thận. Nếu bị tiểu đường thì bạn sẽ cần đi kiểm tra thường xuyên để theo dõi, phát hiện suy thận.

Thời gian mắc tiểu đường càng lâu thì nguy cơ bị bệnh thận đái tháo đường sẽ càng tăng.

Tìm hiểu những yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường

Tiên lượng bệnh suy thận

Tiên lượng hay triển vọng của những người bị suy thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có nguyên nhân gây bệnh, nguyên nhân đó được điều trị ra sao và các vấn đề khiến bệnh nặng thêm như cao huyết áp hoặc bệnh tiểu đường.

Điều trị đúng cách và thay đổi lối sống lành mạnh sẽ giúp duy trì sức khỏe, kéo dài sự sống và nâng cao triển vọng cho người bị bệnh thận nói chung và suy thận nói riêng.

Tuổi thọ của người bị suy thận

Mặc dù mỗi người một khác nhưng nhìn chung, những người bị suy thận giai đoạn cuối và phải lọc máu ngoài thận có thể sống thêm trung bình từ 5 đến 10 năm, miễn là tuân thủ theo phác đồ điều trị.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của người bệnh suy thận gồm có:

  • Tuổi tác
  • Giai đoạn của bệnh
  • Các vấn đề khác về sức khỏe

Ví dụ, một người còn trẻ bị suy thận ở giai đoạn giữa và không có các yếu tố nguy cơ hoặc các vấn đề khác về sức khỏe sẽ có thể sống lâu hơn một người lớn tuổi bị suy thận giai đoạn 4 hoặc 5 và bị đồng thời cả bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch.

Một khi suy thận chuyển sang giai đoạn cuối thì sẽ cần phải lọc máu ngoài thận định kỳ để kéo dài tuổi thọ. Chỉ cần lỡ một lần điều trị thôi là tuổi thọ cũng có thể bị giảm đi.

Với phương pháp ghép thận, quả thận sau khi được ghép vào cơ thể bệnh nhân thường tồn tại được khoảng 5 đến 10 năm và sau đó có thể sẽ phải tiến hành phẫu thuật lần hai khi thận ghép bị suy yếu.

Ngăn ngừa suy thận

Có một số cách đơn giản mà bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ suy thận:

  • Thực hiện đúng theo hướng dẫn khi dùng thuốc không kê đơn: việc dùng liều quá cao (ngay cả các loại thuốc thông thường như aspirin) sẽ đột ngột làm tăng nồng độ độc tố và khiến cho thận bị quá tải.
  • Kiểm soát tốt vấn đề về thận hoặc đường tiết niệu nếu mắc phải
  • Duy trì lối sống lành mạnh
  • Làm theo lời khuyên của bác sĩ
  • Uống thuốc theo chỉ định
  • Điều trị các nguyên nhân gây suy thận nếu có, chẳng hạn như cao huyết áp và bệnh tiểu đường

Nếu có bất kỳ lo ngại nào về tình trạng của thận thì bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Tìm hiểu thêm về:

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây