Mối liên hệ giữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và suy thận mạn
Theo thống kê, trên thế giới có hơn 300 triệu chứng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và trên 800 triệu người (tương đương 10% dân số) mắc suy thận mạn. Con số thực tế có thể còn cao hơn do nhiều trường hợp không được chẩn đoán.
Rất nhiều người người bị cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và suy thận mạn. Vậy hai bệnh lý này có liên quan gì đến nhau? Liệu rằng mắc một trong hai có làm tăng nguy cơ mắc bệnh còn lại hay không?
Trước khi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này, hãy cùng tìm hiểu xem bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và suy thận mạn là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chronic obstructive pulmonary disease – COPD) là một nhóm bệnh phổi tiến triển, trong đó phổ biến nhất là khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính.
Khí phế thũng là một tình trạng không thể đảo ngược, trong đó các túi khí trong phổi dần bị suy yếu và vỡ. Điều này làm giảm lượng oxy đi vào máu cũng như khả năng đàn hồi của phổi.
Phế quản là hai ống lớn ở đường hô hấp dưới, có chức năng mang không khí đến phổi. Viêm phế quản là tình trạng viêm ở lớp niêm mạc của phế quản. Điều này khiến cho phế quản bị thu hẹp và làm giảm lượng không khí đi vào phổi.
Người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường bị cả khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính.
COPD gây khó thở. Triệu chứng ban đầu thường là những cơn ho giống như cảm lạnh nhưng theo thời gian, người bệnh sẽ bị tức ngực và gặp khó khăn khi hoạt động thể chất.
Nếu không được điều trị, COPD có thể dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp nặng hơn và các vấn đề về tim.
Các nguyên nhân gây COPD gồm có:
- Hút thuốc lá (hoặc tiếp xúc với khói thuốc) và hen suyễn
- Tiếp xúc với hóa chất, khí độc và ô nhiễm không khí
- Tiếp xúc với bụi
Ngoài ra, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể xảy ra do thiếu hụt một loại protein tên là alpha-1-antitrypsin. Đây là một bệnh di truyền.
Suy thận mạn là gì?
Suy thận mạn là tình trạng thận bị tổn thương và suy giảm chức năng dần dần, không thể phục hồi. Nếu không được điều trị, suy thận mạn sẽ dần tiến triển sang giai đoạn cuối. Lúc này, thận gần như hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn. Suy thận mạn còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch sớm.
Giai đoạn cuối của suy thận mạn thường phải được điều trị bằng phương pháp lọc máu hoặc ghép thận.
Các nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận mạn là cao huyết áp và bệnh tiểu đường vì cả hai đều có thể làm hỏng các đơn vị lọc máu của thận.
Giai đoạn đầu của suy thận mạn thường không có triệu chứng. Khi thận bị tổn thương nghiêm trọng, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như:
- Sưng phù quanh mắt và chân
- Mệt mỏi
- Buồn nôn hoặc nôn (đặc biệt là vào buổi sáng và sau khi ăn)
- Hụt hơi
- Da sạm, xỉn màu hoặc nhợt nhạt
- Ngứa ngáy
- Đau xương
- Chuột rút, co giật
- Khó ngủ
- Khát nước
- Dễ bị bầm tím và chảy máu
- Máu trong phân
COPD có gây suy thận không?
Có bằng chứng cho thấy bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến suy thận nhưng cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu xem COPD có phải nguyên nhân gây suy thận hay không.
Các nghiên cứu đã phát hiện rằng những người mắc bệnh COPD có nguy cơ bị suy thận mạn cao hơn 1,6 đến 6,3 lần so với người không bị COPD. (1) Tuy nhiên, điều này không chứng tỏ rằng COPD là nguyên nhân gây suy thận.
Mối liên hệ giữa COPD và suy thận mạn chủ yếu là do tình trạng viêm mạn tính. Viêm mạch máu có thể khiến thận bị tổn thương nhưng điều này vẫn chưa được xác nhận.
COPD cũng có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ của suy thận, ví dụ như chứng ngưng thở khi ngủ.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh COPD là nguyên nhân gây suy thận.
Ảnh hưởng của COPD đến các triệu chứng của suy thận mạn
Ngoài các triệu chứng của suy thận mạn được liệt kê ở trên, những người mắc đồng thời cả suy thận mạn và COPD còn bị giảm khả năng hoạt động thể chất và khó thở hoặc thở gấp.
Người bệnh còn có nguy cơ mắc các bệnh đi kèm như bệnh tim mạch. Trong những trường hợp này, người bệnh sẽ còn gặp phải các triệu chứng của bệnh đi kèm.
Điều trị suy thận ở người bị COPD
Các phương pháp điều trị suy thận gồm có:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống (giảm chất béo, muối, protein và kali)
- Thay đổi lối sống (không hút thuốc và tập thể dục thường xuyên)
- Dùng thực phẩm chức năng và thuốc để kiểm soát các triệu chứng của suy thận như thiếu máu, táo bón và ngứa
- Lọc máu
- Ghép thận
Những người bị bệnh thận tắc nghẽn mạn tính và suy thận mạn có thể phải lọc máu. Phương pháp điều trị này thường được chỉ định khi chức năng thận chỉ còn 10 – 15% chức năng bình thường hoặc trong những trường hợp người bệnh bị:
- bệnh não
- có dấu hiệu độc tố tích tụ trong máu (như chán ăn, nôn mửa)
- mất cân bằng điện giải
- phù nề
Có hai hình thức lọc máu là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.
Trong chạy thận nhân tạo, máu được đưa qua kim và ống dẫn vào máu lọc để loại bỏ chất thải, độc tố và nước thừa. Sau đó, máu được đưa trở lại cơ thể.
Lọc màng bụng là phương pháp sử dụng chính màng bụng của người bệnh (lớp màng bao quanh các cơ quan trong ổ bụng) để lọc máu. Một ống thông sẽ bơm dịch lọc vào ổ bụng của người bệnh. Sau một thời gian, dịch lọc được tháo ra ngoài, mang theo chất thải và độc tố.
Tiên lượng
Mặc dù cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và suy thận mạn đều có thể điều trị được nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh suy thận mạn có nguy cơ tử vong cao hơn nếu như bị cả COPD. (2)
Tuy nhiên, COPD có vẻ như không ảnh hưởng đến nguy cơ suy thận mạn tiến triển sang giai đoạn cuối.
Một nghiên cứu vào năm 2019 đã theo dõi 2.274 người bị COPD và phát hiện ra rằng những người bị suy thận mạn có nguy cơ tử vong cao hơn. (3)
Cơ thể mỗi người là khác nhau và có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể với các phương pháp điều trị COPD và suy thận mạn.
Kết luận
Vẫn cần phải nghiên cứu thêm về mối liên hệ giữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và suy thận mạn. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mắc cùng lúc cả hai bệnh lý sẽ làm tăng nguy cơ tử vong và viêm mạn tính là một yếu tố phổ biến hiện diện ở cả COPD và suy thận mạn.
Mặc dù tiên lượng sẽ kém hơn nếu mắc đồng thời cả COPD và suy thận mạn nhưng hiện nay có nhiều phương pháp điều trị cho cả hai bệnh lý này.
Hãy đi khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào của COPD hoặc suy thận mạn để được chẩn đoán và điều trị bệnh từ sớm.
Mặc dù viêm gan là một vấn đề về gan nhưng bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về thận, chẳng hạn như suy thận cấp và suy thận mạn.
Bệnh thận mạn và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ hai chiều. Bệnh thận mạn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe tinh thần cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh thận mạn.
Khi tim không còn khả năng bơm máu hiệu quả khắp cơ thể thì các vấn đề về chức năng thận sẽ là một trong những biến chứng xảy ra đầu tiên.
Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về suy thận mạn cũng như mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp và suy thận mạn.
Tình trạng viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc bệnh suy thận.