Mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp và suy thận
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công niêm mạc khớp. Tình trạng này thường xảy ra ở các khớp ở bàn tay, gây ra các triệu chứng như đau, sưng và cứng khớp. Theo thời gian, xương có thể bị mòn và khiến các ngón tay bị cong vẹo, biến dạng.
Viêm khớp dạng thấp tiến triển
Theo thời gian, tình trạng viêm khớp sẽ xảy ra ở cả những vị trí khác trong cơ thể như hông, vai, khuỷu tay, đầu gối và thậm chí cả các đốt sống. Nếu không được điều trị, phản ứng viêm sẽ bắt đầu làm hỏng các cơ quan chính trong cơ thể. Các cơ quan thường bị ảnh hưởng là da, mắt, tim, mạch máu, phổi và thận.
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến thận như thế nào?
Tình trạng viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Phản ứng viêm là cách mà cơ thể tự bảo vệ khi có điều gì đó không ổn, chẳng hạn như bệnh tật hoặc chấn thương. Phản ứng viêm giúp chữa lành các mô bị thương hoặc bị bệnh. Nhưng theo thời gian, tình trạng viêm mạn tính sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây stress về thể chất và làm hỏng hoặc phá hủy các tế bào và mô.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc bệnh suy thận. Cứ 4 người bị viêm khớp dạng thấp lại có một người bị suy giảm chức năng thận trong thời gian dài. Các nghiên cứu mới đây cho thấy rằng nguyên nhân của điều này có thể là do sự kết hợp các yếu tố nguy cơ cùng với viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố có thể góp phần gây suy thận ở người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, gồm có:
Mức độ viêm trong cơ thể ở mức cao trong năm đầu mắc viêm khớp dạng thấp
- Cao huyết áp
- Béo phì
- Sử dụng thuốc corticosteroid, như prednisone hoặc cortisone
- Cholesterol cao
- Chế độ ăn nhiều muối
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài
Mặc dù không phải lúc nào viêm khớp dạng thấp cũng gây suy thận nhưng nguy cơ gặp phải vấn đề về thận sẽ tăng cao khi mắc các bệnh lý khiến thận phải làm việc nhiều hơn.
Giảm nguy cơ suy thận khi bị viêm khớp dạng thấp
Một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa suy thận khi bị viêm khớp dạng thấp là kiểm soát tình trạng viêm. Bác sĩ có thể sẽ kê thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (disease-modifying anti-rheumatic drug – DMARD). Các loại thuốc này có tác dụng kiểm soát tình trạng viêm gây ra các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dùng các loại thuốc chống viêm không kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen.
Người bị viêm khớp dạng thấp nên làm xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra chức năng thận định kỳ ít nhất một lần mỗi năm, tùy vào tình trạng sức khỏe tổng thể và khuyến nghị của bác sĩ.
Các cách khác để giảm nguy cơ mắc suy thận khi bị viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Trao đổi kỹ với bác sĩ về những tác hại của thuốc corticosteroid
- Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Thực hiện chế độ ăn ít natri
- Theo dõi huyết áp và kiểm soát cao huyết áp
- Theo dõi mức cholesterol và dùng thuốc điều trị hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống nếu mức cholesterol cao
Tập thể dục là một cách hiệu quả để làm giảm tất cả các yếu tố nguy cơ của suy thận. Tập thể dục thường xuyên, cường độ vừa phải có thể giúp giảm viêm, kiểm soát cân nặng và ổn định huyết áp. Tuy nhiên, không nên tập thể dục quá sức vì điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng viêm khớp. Hãy chọn những bài tập nhẹ nhàng, ít gây áp lực lên các khớp và nghỉ ngơi khi cần thiết. Người bệnh có thể hỏi bác sĩ về chế độ tập luyện an toàn cho người bị viêm khớp.
Bệnh tiểu đường, trầm cảm và suy thận là những bệnh lý riêng biệt nhưng lại có mối liên hệ với nhau. Các bệnh lý này có thể xảy ra cùng lúc.
Suy thận là một biến chứng phổ biến của bệnh đa u tủy. Phát hiện và điều trị bệnh ngay từ sớm sẽ giúp giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến thận. Có nhiều phương pháp để ngăn ngừa và điều trị tổn thương thận do ung thư gây ra.
Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về suy thận mạn cũng như mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp và suy thận mạn.
Các nghiên cứu đã phát hiện rằng những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có nguy cơ bị suy thận mạn cao hơn so với người không bị COPD.
Những người bị suy thận có nguy cơ cao bị suy tim và ngược lại. Khi mắc một trong hai bệnh lý này, điều trị bằng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh và giảm nguy cơ mắc bệnh còn lại.