Mối liên hệ giữa bệnh đa u tủy và suy thận
Đa u tủy là gì?
Đa u tủy là một bệnh ung thư phát sinh từ tương bào. Tương bào là các tế bào bạch cầu có trong tủy xương. Những tế bào này là một phần quan trọng của hệ miễn dịch, có nhiệm vụ tạo ra các kháng thể chống lại nhiễm trùng.
Tương bào ung thư phát triển nhanh chóng và chiếm lấy tủy xương bằng cách ngăn cản các tế bào khỏe mạnh thực hiện chức năng bình thường. Những tế bào này tạo ra một lượng lớn protein bất thường đi khắp cơ thể. Protein bất thường có thể được phát hiện trong máu.
Các tế bào ung thư cũng có thể hình thành nên các khối u được gọi là u tương bào hay u plasmo. Tình trạng này được gọi là đa u tủy khi có một số lượng lớn các tế bào ung thư trong tủy xương (chiếm trên 10% tổng số tế bào) và các cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng.
Ảnh hưởng của đa u tủy đến cơ thể
Sự phát triển của các tế bào u tủy gây cản trở sự sản xuất tương bào bình thường. Điều này có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe. Các cơ quan thường bị ảnh hưởng nhiều nhất là xương, máu và thận.
Suy thận
Suy thận trong những trường hợp đa u tủy là một quá trình phức tạp gồm có nhiều thay đổi khác nhau. Điều này xảy ra khi các protein bất thường đi đến thận và tích tụ lại ở đó, gây tắc nghẽn trong các ống thận và làm giảm chức năng lọc máu của thận. Ngoài ra, nồng độ canxi tăng cao có thể gây hình thành tinh thể trong thận và dẫn đến tổn thương thận. Mất nước và các loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, naproxen,…) cũng có thể gây tổn thương thận.
Ngoài suy thận, dưới đây là một số biến chứng thường gặp khác do đa u tủy.
Mất xương
Theo Quỹ Nghiên cứu Đa u tủy (Multiple Myeloma Research Foundation - MMRF), khoảng 85% những người mắc bệnh đa u tủy bị mất xương. (1)Các xương thường bị ảnh hưởng là cột sống, xương chậu và khung xương sườn.
Các tế bào ung thư trong tủy xương ngăn cản các tế bào bình thường phục hồi tổn thương. Mật độ xương giảm có thể dẫn đến gãy xương và chèn ép cột sống.
Thiếu máu
Sự hình thành tương bào ác tính gây cản trở quá trình sản xuất tế bào hồng cầu và bạch cầu khỏe mạnh. Thiếu máu là tình trạng mà số lượng hồng cầu trong máu ở mức thấp. Thiếu máu gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và chóng mặt. Theo MMRF, thiếu máu xảy ra ở khoảng 60% trường hợp bị u tủy.
Hệ miễn dịch suy yếu
Bạch cầu có chức năng chống lại nhiễm trùng. Các tế bào này phát hiện và tấn công các mầm bệnh như vi khuẩn hay virus. Số lượng lớn tương bào ung thư trong tủy xương dẫn đến suy giảm số lượng bạch cầu và điều này khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng.
Các kháng thể bất thường được tạo ra bởi các tế bào ung thư không giúp chống lại nhiễm trùng và chúng có thể áp đảo lượng kháng thể khỏe mạnh, khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu.
Tăng canxi huyết
Mất xương do u tủy làm tăng lượng canxi được giải phóng vào máu. Do đó, những người bị u tủy có nguy cơ cao mắc chứng tăng canxi huyết.
Tăng canxi huyết cũng có thể xảy ra do tuyến cận giáp hoạt động quá mức. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề như hôn mê hoặc ngừng tim.
Ngăn ngừa và điều trị suy thận
Có một số cách để giữ cho thận khỏe mạnh khi bị u tủy, đặc biệt là khi bệnh được phát hiện sớm. Bisphosphonate là một nhóm thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương nhưng cũng có tác dụng làm giảm tổn thương xương và chống tăng canxi huyết. Bệnh nhân cần bù nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước hoặc truyền dịch tĩnh mạch.
Một loại thuốc chống viêm có tên là glucocorticoid có thể làm giảm hoạt động của các tế bào ung thư. Các trường hợp suy thận thường phải tiến hành lọc máu để loại bỏ chất độc và dịch thừa ra khỏi máu. Cuối cùng, có thể cần phải điều chỉnh các loại thuốc hóa trị trong phác đồ điều trị để không gây tổn thương thêm cho thận.
Mặc dù viêm gan là một vấn đề về gan nhưng bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về thận, chẳng hạn như suy thận cấp và suy thận mạn.
Khi tim không còn khả năng bơm máu hiệu quả khắp cơ thể thì các vấn đề về chức năng thận sẽ là một trong những biến chứng xảy ra đầu tiên.
Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về suy thận mạn cũng như mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp và suy thận mạn.
Tình trạng viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc bệnh suy thận.
Những người bị suy thận có nguy cơ cao bị suy tim và ngược lại. Khi mắc một trong hai bệnh lý này, điều trị bằng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh và giảm nguy cơ mắc bệnh còn lại.