1

Suy thận mạn tính: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Thận là cơ quan có nhiệm vụ lọc dịch thừa và chất thải ra khỏi máu. Chất thải này sau đó sẽ đi ra ngoài theo nước tiểu. Suy thận mạn tính là tình trạng chức năng thận bị giảm hoặc mất hoàn toàn trong thời gian dài, có thể là nhiều tháng hoặc nhiều năm. Theo thời gian, chất thải và dịch sẽ tích tụ lại trong cơ thể. Tình trạng này còn được gọi là bệnh thận mạn tính.
Suy thận mạn tính: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị Suy thận mạn tính: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Các triệu chứng suy thận mạn tính

Ở giai đoạn đầu, bệnh suy thận mạn tính có thể không biểu hiện triệu chứng và nếu có thì nhiều dấu hiệu ban đầu của bệnh suy thận có thể bị nhầm với các bệnh lý khác. Điều này gây khó khăn cho việc chẩn đoán.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh suy thận gồm có:

  • Buồn nôn và nôn
  • Ăn không ngon miệng
  • Ngứa
  • Đau tức ngực
  • Tăng huyết áp không thể kiểm soát
  • Sụt cân

Dần dần, thận bị tổn thương ngày càng nghiêm trọng và bắt đầu biểu hiện triệu chứng.

Khi sang các giai đoạn sau, bệnh suy thận có các triệu chứng như:

  • Không tỉnh táo
  • Chuột rút và co giật
  • Tê bì chân tay
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Hơi thở hôi
  • Thay đổi màu da
  • Đau nhức xương
  • Khát nước liên tục
  • Dễ chảy máu và bầm tím
  • Mất ngủ
  • Đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
  • Hay nấc cụt
  • Phù nề ở bàn chân và mắt cá chân
  • Vô kinh (không có kinh nguyệt)
  • Hụt hơi

Bệnh thận mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Cao huyết áp
  • Tích tụ chất lỏng trong phổi hoặc các khu vực khác
  • Thiếu vitamin D, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương
  • Tổn thương thần kinh, có thể gây co giật

Nguyên nhân gây suy thận mạn tính

Bệnh tiểu đường và cao huyết áp là những bệnh lý phổ biến nhất dẫn đến suy thận mạn tính.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác còn có:

  • Tổn thương chức năng thận
  • Nhiễm trùng thận tái đi tái lại
  • Viêm thận
  • Bệnh thận bẩm sinh
  • Tắc nghẽn trong đường tiết niệu
  • Bệnh tự miễn

Các yếu tố làm tăng nguy cơ suy thận mạn tính:

  • Hút thuốc lá
  • Béo phì
  • Tiểu đường
  • Bệnh tim mạch
  • Cholesterol cao
  • Tiền sử gia đình bị bệnh thận
  • Trên 65 tuổi

Chẩn đoán suy thận mạn tính

Những người bị cao huyết áp, tiểu đường hoặc một bệnh lý khác làm tăng nguy cơ suy thận nên đi khám thường xuyên để theo dõi chức năng thận và phải đi khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

Dưới đây là các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để chẩn đoán suy thận.

Thăm khám lâm sàng

Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiến hành khám lâm sàng. Suy thận có thể khiến dịch trào ngược lên phổi hoặc tim. Bác sĩ sẽ kiểm tra các cơ quan này bằng cách sử dụng ống nghe. Điều này sẽ cung cấp một số thông tin lâm sàng quan trọng.

Xét nghiệm máu và nước tiểu

Nếu nghi ngờ suy thận mạn tính, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu và nước tiểu.

  • Xét nghiệm máu cho biết nồng độ các ion điện giải và chất thải trong máu như creatinin và urê. Creatinin là một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa cơ. Urê trong máu là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa protein (chất đạm). Khi thận hoạt động bình thường, cả creatinin và urê đều được bài tiết vào nước tiểu.
  • Xét nghiệm nước tiểu được thực hiện để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Ví dụ, ở người khỏe mạnh, nước tiểu thường chỉ chứa rất ít protein. Nồng độ protein tăng cao có thể là dấu hiệu chỉ ra các vấn đề về thận. Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện ra dấu hiệu này từ vài tháng hay thậm chí vài năm trước khi xuất hiện triệu chứng. Cặn lắng và các tế bào có trong nước tiểu (nếu có) sẽ được đem đi phân tích.

Chẩn đoán hình ảnh

Các biện pháp chẩn đoán hình ảnh sẽ cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc của thận. Các biện pháp này gồm có siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT).

Sinh thiết

Nếu vẫn chưa thể đưa ra kết luận về nguyên nhân gây ra các triệu chứng, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết, có thể là sinh thiết kim hoặc sinh thiết mở, để lấy mẫu mô thận.

Sinh thiết kim là loại sinh thiết thận phổ biến nhất. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ đưa một cây kim dài qua da vào thận. Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu.

Trong quá trình sinh thiết mở, bác sĩ rạch một đường nhỏ để bộc lộ thận. Loại sinh thiết này đòi hỏi kỹ thuật vô trùng nghiêm ngặt và bệnh nhân được gây mê toàn thân.

Sau đó, mẫu mô thận được mang đến phòng xét nghiệm để kiểm tra bằng kính hiển vi.

Kết quả chẩn đoán và tái khám

Kết quả có được từ các biện pháp trên sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây suy thận.

Những người bị suy thận mạn tính sẽ cần phải xét nghiệm máu thường xuyên để đo nồng độ các chất khác nhau trong cơ thể, chẳng hạn như canxi, kali, cholesterol, natri, magiê và phốt pho. Bệnh nhân cũng sẽ phải làm xét nghiệm chức năng thận định kỳ để theo dõi nồng độ creatinin và urê.

Điều trị suy thận mạn tính

Bệnh suy thận mạn tính hiện chưa có cách chữa trị khỏi. Tuy nhiên, có nhiều biện pháp để làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Điều trị bằng thuốc

Suy thận có liên quan đến cao huyết áp nên bác sĩ có thể sẽ kê các loại thuốc hạ huyết áp. Bệnh nhân có thể còn phải dùng statin – một nhóm thuốc có tác dụng hạ cholesterol.

Thường những người bị suy thận mạn tính rất dễ bị thiếu máu. Thiếu máu là tình trạng xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ tế bào hồng cầu. Do đó, bệnh nhân có thể cần dùng thực phẩm chức năng để giúp tăng sản xuất hồng cầu. Vì cơ thể cần chất sắt để tạo tế bào máu nên bệnh nhân sẽ phải bổ sung sắt qua đường uống hoặc tiêm. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sẽ phải truyền máu để tăng số lượng hồng cầu.

Nếu suy thận gây ra tình trạng giữ nước thì sẽ cần dùng thuốc lợi tiểu để giảm phù nề. Các loại thuốc này có tác dụng làm tăng sự đào thải nước ở thận, nhờ đó làm giảm lượng nước trong cơ thể và giảm sưng.

Bổ sung canxi và vitamin D sẽ giúp bảo vệ xương. Những người bị bệnh thận mạn tính có nồng độ vitamin D thấp hơn bình thường mà đây lại là chất cần thiết cho sự hấp thụ canxi. Uống bổ sung vitamin D sẽ giúp làm giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương. Ở những người bị suy thận, nồng độ phốt phát tăng cao và điều này cũng làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Để ngăn ngừa điều này, bệnh nhân có thể sẽ phải dùng chất kết dính phốt phát - một loại thuốc giúp kiểm soát nồng độ phốt phát trong máu.

Thuốc kháng histamin có thể giúp làm giảm triệu chứng ngứa ngáy do suy thận và thuốc chống nôn có tác dụng giảm buồn nôn.

Điều chỉnh chế độ ăn

Điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là điều cần thiết khi mắc bệnh suy thận mạn. Những người bị suy thận mạn sẽ phải cắt giảm lượng protein. Cơ thể tạo ra các chất thải trong quá trình xử lý protein và thận có trách nhiệm lọc các chất thải này. Chế độ ăn ít protein sẽ giúp thận không phải làm việc nhiều.

Ngoài ra, bệnh nhân suy thận cần phải hạn chế ăn muối cũng như là các loại thực phẩm giàu kali và phốt phát. Hãy sử dụng thật ít muối khi nêm nếm đồ ăn và tránh các loại thực phẩm chứa nhiều natri như bim bim, bánh quy mặn hay dưa muối.

Người bệnh nên tìm hiểu loại thực phẩm nào chứa nhiều kali và thực phẩm nào chứa ít. Thận có nhiệm vụ lọc bỏ lượng kali thừa ra khỏi máu và khi chức năng thận bị suy giảm, nồng độ kali trong máu sẽ ở mức cao. Ở những người bị suy thận mạn tính, nồng độ kali cao (tăng kali máu) có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này có thể khiến tim hoạt động bất thường hoặc ngừng tim.

Khi bị suy thận, thận cũng sẽ không thể xử lý phốt phát một cách bình thường. Nồng độ phốt phát cao sẽ làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Một số loại thực phẩm giàu phốt phát là cá, các sản phẩm từ sữa, trứng và thịt. Do đó, bệnh nhân suy thận nên hạn chế ăn những loại thực phẩm này.

Mặc dù uống đủ nước mỗi ngày là điều cần thiết để cơ thể hoạt động bình thường nhưng những người bị suy thận không nên uống nhiều nước để thận không phải làm việc quá sức.

Người bị suy thận mạn tính thường bị sụt cân nên cần lựa chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và không chứa các chất gây hại cho thận.

Thay đổi thói quen và tiêm phòng

Hút thuốc gây hại cho tất cả mọi người và đặc biệt nguy hiểm đối với những người bị suy thận. Do đó, nếu bị suy thận thì phải bỏ thuốc ngay. Ngoài ra, bệnh nhân nên tiêm phòng đầy đủ, bao gồm cả tiêm vắc xin phòng cúm. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng và thuốc không kê đơn nào. Nếu phải đi khám do mắc các bệnh lý khác thì cần phải thông báo cho bác sĩ về tình hình thận.

Điều trị suy thận giai đoạn cuối

Nếu không được kiểm soát, bệnh suy thận sẽ tiến triển sang giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, chức năng của thận chỉ còn khoảng 10 đến 15% chức năng bình thường và tốc độ lọc chất thải không còn theo kịp tốc độ mà cơ thể tạo ra các chất này.

Có hai lựa chọn điều trị bệnh thận mạn giai đoạn cuối, đó là lọc máu và ghép thận .

Lọc máu là phương pháp lọc các chất thải và dịch thừa ra khỏi máu. Có nhiều loại lọc máu nhưng hai loại chính là chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc hay lọc màng bụng. Trong phương pháp chạy thận nhân tạo, máu được lọc trong một thiết bị ở bên ngoài cơ thể. Trong thẩm phân phúc mạc, màng bụng của bệnh nhân được sử dụng để lọc máu. Một loại dung dịch đặc biệt được bơm vào ổ bụng qua một ống thông. Dung dịch này sẽ hấp thụ dịch và chất thải trong máu rồi sau đó được đưa ra khỏi cơ thể. Vì lọc máu thường phải được thực hiện vài lần một tuần nên đây là một sự thay đổi lớn trong cuộc sống của bệnh nhân. Chạy thận nhân tạo còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng.

Ghép thận có nhiều ưu điểm hơn so với lọc máu nhưng ca phẫu thuật chỉ có thể được thực hiện nếu như bệnh nhân đảm bảo đủ sức khỏe và tìm được người hiến thận phù hợp. Người hiến thận phải có cùng nhóm máu với bệnh nhân mà tốt nhất là anh chị em hoặc người thân khác còn sống trong gia đình. Thận cũng có thể được lấy từ một người hiến tặng đã chết não. Tuy nhiên, nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng sau ca phẫu thuật ghép thận là rất cao vì bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc chống thải ghép (thuốc ức chế miễn dịch) suốt đời.

Biến chứng của suy thận mạn

Không ít người bị suy thận mạn tính vẫn có thể sống thêm nhiều năm. Để được như vậy thì cần phải dùng thuốc đều đặn và chú ý chế độ ăn uống cũng như là thói quen sinh hoạt để tình trạng thận không tiến triển nặng thêm. Bệnh nhân sẽ phải duy trì chế độ ăn uống và những thói quen có lợi cho tốt trong suốt phần đời còn lại.

Những người bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối sẽ phải lọc máu hoặc phẫu thuật ghép thận. Nếu không, căn bệnh này có thể gây tử vong.

Sức khỏe của thận có ảnh hưởng đến các cơ quan và hệ thống khác trong cơ thể. Do đó, bệnh suy thận có thể dẫn đến các biến chứng như suy tim và suy gan, tổn thương dây thần kinh, đột quỵ, phù phổi, vô sinh, rối loạn cương dương, sa sút trí tuệ và gãy xương.

Trẻ nhỏ bị suy thận có thể sẽ không phát triển bình thường vì thận đã mất khả năng kích hoạt vitamin D mà vitamin D lại là chất rất cần thiết cho sự phát triển của xương.

Suy thận còn gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Phụ nữ mang thai bị suy thận phải đối mặt với nguy cơ tiền sản giật cao hơn. Tiền sản giật là tình trạng huyết áp tăng cao đột biến, có thể dẫn đến xuất huyết não hoặc gan. Điều này có thể gây tử vong cho người mẹ và thai nhi.

Phòng ngừa suy thận mạn tính

Có thể ngăn ngừa suy thận bằng cách duy trì lối sống lành mạnh:

  • Phụ nữ và nam giới trên 65 tuổi không nên uống quá một đơn vị cồn mỗi ngày. Nam giới dưới 65 tuổi chỉ nên uống tối đa 2 đơn vị cồn.
  • Kiểm soát tốt huyết áp.
  • Kiểm soát đường huyết nếu bị tiểu đường.
  • Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách giảm lượng calo nạp vào và vận động nhiều hơn để tăng calo đốt cháy.
  • Các loại thuốc giảm đau có thể gây tổn hại thận nên chỉ dùng các loại thuốc này khi cần thiết, uống đúng liều lượng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nếu có nguy cơ cao mắc bệnh thận.
  • Bỏ thuốc lá nếu hút

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Suy thận mạn giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tuổi thọ
Suy thận mạn giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tuổi thọ

Suy thận mạn giai đoạn 3 là giai đoạn mà thận bị tổn thương mức độ nhẹ đến vừa, chức năng thận kém hơn so với giai đoạn 2. Lúc này, người bệnh sẽ bắt đầu gặp các triệu chứng rõ rệt hơn của suy thận mạn.

Những điều cần biết về chạy thận nhân tạo
Những điều cần biết về chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo thường được chỉ định cho những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối, khi chức năng thận chỉ còn 10 đến 15% so với chức năng bình thường.

Cao huyết áp và suy thận mạn: 10 triệu chứng cần lưu ý

Cao huyết áp và suy thận mạn đều là những bệnh lý phổ biến. Hai bệnh lý này có thể xảy ra đồng thời và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cao huyết áp có thể dẫn đến suy thận mạn và ngược lại.

Các biến chứng thường gặp trong quá trình lọc máu điều trị suy thận
Các biến chứng thường gặp trong quá trình lọc máu điều trị suy thận

Lọc máu là một phương pháp điều trị suy thận. Trong quá trình lọc máu, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng như tụt huyết áp, mất cân bằng khoáng chất, cục máu đông, nhiễm trùng, tăng cân,…Trong quá trình điều trị, các y bác sĩ sẽ giúp người bệnh kiểm soát các vấn đề này để tránh dẫn đến các biến chứng về lâu dài. Trong bài viết này hãy cùng tìm hiểu về biến chứng của các phương pháp lọc máu, gồm có nguyên nhân và cách khắc phục.

Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối
Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối

Mỗi quả thận có những đơn vị lọc máu nhỏ gọi là nephron. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các đơn vị lọc máu này bị hỏng và lọc máu kém, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây