Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn
Thận là cơ quan đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng giúp cơ thể hoạt động bình thường và suy trì sức khỏe tốt. Chức năng chính của thận là lọc máu loại bỏ chất thải, chất độc và nước dư thừa khỏi cơ thể.
Ngoài ra, thận còn có các chức năng khác như:
- Điều hòa huyết áp và hóa chất trong máu
- Giữ cho xương chắc khỏe
- Tạo ra hormone kích thích sự sản xuất hồng cầu
Suy thận có nghĩa là chức năng thận bị suy giảm, thận không còn hoạt động tốt như bình thường. Suy thận mạn là tình trạng chức năng thận suy giảm dần dần, khác với suy thận cấp, trong đó chức năng thận giảm đột ngột. Thận bị tổn thương sẽ không thể lọc máu hiệu quả và điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Suy thận mạn tiến triển qua 5 giai đoạn, các triệu chứng và phương pháp điều trị ở mỗi giai đoạn không hoàn toàn giống nhau.
Ước tính có khoảng trên 10% dân số thế giới bị suy thận mạn, có nghĩa là khoảng trên 800 triệu người. Suy thận mạn là một bệnh lý tiến triển, có nghĩa là tình trạng bệnh sẽ nặng dần theo thời gian nhưng điều trị sẽ giúp làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh. Không phải ai bị suy thận mạn cũng tiến triển tới giai đoạn cuối.
Cách xác định giai đoạn suy thận mạn
Để xác định giai đoạn suy thận mạn, trước tiên bác sĩ cần đánh giá mức độ hoạt động của thận.
Điều này thường được xác định bằng xét nghiệm albumin nước tiểu hay tỷ lệ albumin/creatinin (albumin-creatinin ratio - ACR). Xét nghiệm này cho biết lượng albumin bị rò rỉ vào nước tiểu. Albumin là một loại protein có trong máu. Thận khỏe mạnh sẽ giữ lại albumin khi lọc máu. Khi thận bị tổn thương, albumin sẽ có thể đi qua thận và rò rỉ vào nước tiểu. Do đó, nồng độ albumin cao trong nước tiểu là một dấu hiệu của tổn thương thận.
Chỉ số ACR được chia thành 3 mức như sau:
- A1: Dưới 3mg/mmol, bình thường hoặc tăng nhẹ
- A2: 3 – 30mg/mmol, tăng vừa
- A3: Trên 30mg/mmol, tăng cao
Ngoài xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm, để kiểm tra cấu tạo của thận.
Khả năng lọc máu của thận còn được đánh giá bằng xét nghiệm máu đo nồng độ creatinin, urê và các chất thải khác. Kết quả những xét nghiệm này sẽ được sử dụng để tính độ lọc cầu thận ước tính (eGFR). GFR ở mức 100 mL/phút là bình thường.
Dưới đây là chỉ số GFR và chức năng thận ở từng giai đoạn suy thận mạn.
Giai đoạn | Chức năng thận | GFR | Phần trăm chức năng thận |
1 | Bình thường | > 90 mL/phút | > 90% |
2 | Giảm nhẹ | 60 – 89 mL/phút | 60 – 89% |
3A | Giảm nhẹ đến vừa | 45 – 59 mL/phút | 45 – 59% |
3B | Giảm nhẹ đến vừa | 30 – 44 mL/phút | 30 – 44% |
4 | Suy giảm nghiêm trọng | 15 – 29 mL/phút | 15 – 29% |
5 | Giai đoạn cuối của suy thận mạn, thận không còn khả năng đáp ứng nhu cầu của cơ thể | < 15 mL/phút | < 15% |
Độ lọc cầu thận
Độ lọc cầu thận (glomerular filtration rate – GFR) cho biết lượng máu mà thận có thể lọc trong 1 phút.
GFR được tính dựa trên kích thước cơ thể, tuổi tác, giới tính và chủng tộc. GFR từ 60 trở lên được coi là bình thường.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc đánh giá GFR sẽ phức tạp hơn, ví dụ như ở người tập thể hình hoặc người mắc chứng rối loạn ăn uống.
Suy thận mạn giai đoạn đầu
Ở giai đoạn đầu, thận mới chỉ bị tổn thương rất nhẹ. Thận có khả năng thích nghi nên khi bị tổn thương sẽ tăng cường hoạt động để bù lại. Do đó, ở giai đoạn đầu, chức năng thận vẫn ở mức 90% hoặc thậm chí cao hơn.
Ở giai đoạn này, suy thận mạn có thể được phát hiện tình cờ khi làm xét nghiệm máu và nước tiểu định kỳ. Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp nên kiểm tra chức năng thận thường xuyên vì đây là những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận mạn.
Triệu chứng
Ở giai đoạn đầu của suy thận mạn, vì thận vẫn hoạt động tốt nên không có triệu chứng.
Điều trị
Người bệnh có thể làm chậm tiến triển của bệnh bằng các các sau đây:
- Kiểm soát lượng đường trong máu nếu mắc bệnh tiểu đường.
- Kiểm soát huyết áp nếu bị cao huyết áp.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
- Không hút thuốc lá.
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày một tuần.
- Cố gắng duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Thực hiện theo các khuyến nghị khác của bác sĩ.
Suy thận mạn giai đoạn 2
Ở giai đoạn 2, chức năng thận giảm xuống còn 60 đến 89% so với bình thường.
Triệu chứng
Suy thận mạn giai đoạn 2 cũng thường không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng không đặc hiệu như:
- Thường xuyên mệt mỏi, uể oải
- Ngứa ngáy
- Ăn không ngon miệng
- Các vấn đề về giấc ngủ
Điều trị
Cho dù được phát hiện ở giai đoạn nào thì cũng không thể chữa khỏi bệnh suy thận mạn và phục hồi chức năng thận nhưng điều trị sớm có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Điều quan trọng là phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây tổn thương thận. Nếu là do các bệnh lý mạn tính như bệnh tiểu đường, cao huyết áp hay bệnh tim mạch thì cần phải kiểm soát các bệnh lý này.
Ngoài ra, người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống phù hợp, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát cân nặng. Nếu hút thuốc thì hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt.
Suy thận mạn giai đoạn 3
Giai đoạn 3 được chia thành giai đoạn 3A và 3B. Ở giai đoạn 3A, chức năng thận giảm xuống 45 đến 59%. Khi sang đến giai đoạn 3B, chức năng thận còn khoảng từ 30 đến 44%.
Do thận không thể lọc máu hiệu quả nên chất thải, chất độc và nước thừa bắt đầu tích tụ trong cơ thể.
Triệu chứng
Suy thận mạn giai đoạn 3 không phải khi nào cũng biểu hiện triệu chứng. Nhưng nếu có thì các triệu chứng thường là:
- Đau lưng
- Mệt mỏi, uể oải
- Ăn không ngon miệng
- Ngứa dai dẳng
- Vấn đề về giấc ngủ
- Sưng phù tay và chân
- Đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường
Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Thiếu máu
- Vấn đề về xương
- Cao huyết áp
Điều trị
Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát các bệnh lý gây tổn thương thận để duy trì chức năng thận. Các phương pháp điều trị ở giai đoạn 3 gồm có:
- Thuốc điều trị cao huyết áp như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)
- Thuốc lợi tiểu và chế độ ăn ít muối để giảm tích nước, phù nề
- Thuốc hạ cholesterol
- Bổ sung erythropoietin để điều trị thiếu máu
- Bổ sung vitamin D để tăng cường sức khỏe xương
- Chất kết dính phốt phát để ngăn ngừa hình thành mảng xơ vữa trong mạch máu
- Chế độ ăn ít protein để thận không phải làm việc nhiều
Người bệnh sẽ cần tái khám thường xuyên để bác sĩ đánh giá chức năng thận và điều chỉnh phác đồ điều trị.
Nếu cần thiết, người bệnh có thể trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn hợp lý, vừa không gây hại cho thận mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng.
Suy thận mạn giai đoạn 4
Ở giai đoạn 4, thận đã bị tổn thương mức độ từ vừa đến nặng. Khả năng lọc máu của thận chỉ còn 15 đến 29% so với bình thường. Do đó, cơ thể bị tích tụ nhiều chất thải, chất độc và nước dư thừa.
Lúc này sẽ phải tích cực điều trị để ngăn bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, 48% người bị suy giảm chức năng thận nghiêm trọng không biết mình mắc bệnh.
Triệu chứng
Các triệu chứng ở giai đoạn 4 của suy thận mạn gồm có:
- Đau lưng
- Đau ngực
- Lú lẫn, suy giảm nhận thức
- Mệt mỏi, không có sức lực hoạt động
- Ăn không ngon miệng
- Co thắt cơ, chuột rút
- Buồn nôn và nôn mửa
- Ngứa dai dẳng
- Hụt hơi
- Vấn đề về giấc ngủ
- Sưng phù tay và chân
- Đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường
Các biến chứng có thể xảy ra gồm có:
- Thiếu máu
- Vấn đề về xương
- Cao huyết áp
Người bị suy thận mạn giai đoạn 4 còn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Điều trị
Suy thận mạn giai đoạn 4 sẽ cần đến các phương pháp điều trị tích cực hơn. Ngoài điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống và dùng thuốc giống như các giai đoạn trước, người bệnh có thể sẽ phải bắt đầu lọc máu hoặc ghép thận.
Suy thận mạn giai đoạn cuối
Ở giai đoạn cuối, chức năng thận chỉ còn dưới 15% chức năng bình thường.
Lúc này, lượng chất thải và chất độc tích tụ trong cơ thể tăng cao đến mức nguy hiểm.
Triệu chứng
Các triệu chứng suy thận mạn giai đoạn cuối gồm có:
- Đau lưng và ngực
- Vấn đề về hô hấp
- Lú lẫn, suy giảm nhận thức
- Mệt mỏi, không có sức lực vận động
- Không muốn ăn uống
- Co thắt cơ, chuột rút
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Ngứa dai dẳng
- Khó ngủ
- Sưng phù tay và chân
- Đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn so với giai đoạn trước.
Điều trị
Lúc này, người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Nếu như không lọc máu hay ghép thận thì người mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ chỉ sống thêm được vài tháng.
Lọc máu không thể chữa khỏi suy thận mạn mà chỉ là một phương pháp loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi máu thay cho thận. Có hai loại lọc máu là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.
Chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo được thực hiện 3 lần một tuần.
Người bệnh sẽ được đặt hai cây kim vào cánh tay. Hai cây kim này gắn với hai ống mềm nối với máy lọc máu. Máu sẽ được đưa ra khỏi cơ thể vào máy lọc và sau khi được lọc sẽ được đưa trở lại cơ thể.
Mỗi buổi chạy thận nhân tạo thường kéo dài khoảng 3 – 4 tiếng. Người bệnh sẽ phải chạy thận nhân tạo suốt phần đời còn lại hoặc cho đến khi ghép thận.
Lọc màng bụng
Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) là phương pháp sử dụng màng bụng của người bệnh để lọc máu. Trước khi bắt đầu điều trị, người bệnh sẽ phải làm phẫu thuật đặt ống thông vào khoang bụng.
Trong quá trình điều trị, dịch lọc được bơm qua ống thông vào trong khoang bụng. Dịch lọc sẽ hấp thụ chất thải từ các mạch máu trong thành bụng. Sau vài giờ, dịch lọc được tháo ra ngoài. Điều này được lặp lại 4 đến 6 lần một ngày.
Ghép thận
Ghép thận có nghĩa là ghép quả thận khỏe mạnh của người hiến vào bụng của người bệnh. Thận có thể được lấy từ người hiến đã chết não hoặc người sống. Sau khi ghép thận thành công, người bệnh không cần phải lọc máu nữa nhưng sẽ phải dùng thuốc chống thải ghép trong suốt quãng đời còn lại để ngăn cơ thể đào thải tạng ghép.
Tóm tắt bài viết
Suy thận mạn gồm 5 giai đoạn. Các giai đoạn được xác định bằng xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá mức độ tổn thương thận và khả năng lọc máu của thận.
Mặc dù suy thận mạn là một bệnh tiến triển nhưng không phải ai bị suy thận mạn cũng tiến triển sang giai đoạn cuối. Điều trị đúng cách sẽ giúp bảo tồn chức năng thận.
Suy thận mạn giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng rất nhẹ và do đó dễ dàng bị bỏ qua. Đó là lý do tại sao nên khám sức khỏe định kỳ. Những người bị bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp nên kiểm tra chức năng thận thường xuyên hơn vì các bệnh lý mạn tính này là những nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn.
Phát hiện sớm tình trạng suy thận và kiểm soát các bệnh lý mạn tính gây tổn thương thận sẽ giúp làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của suy thận mạn.
Suy thận mạn hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu vì mức độ tổn thương lúc này mới chỉ rất nhẹ và do đó không biểu hiện triệu chứng. Nếu không được điều trị, chức năng thận sẽ tiếp tục giảm và suy thận mạn giai đoạn đầu sẽ tiến triển sang giai đoạn 2.
Ở giai đoạn 4 của bệnh suy thận mạn, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục. Tuy nhiên, vẫn còn có những cách để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Suy thận mạn giai đoạn 3 là giai đoạn mà thận bị tổn thương mức độ nhẹ đến vừa, chức năng thận kém hơn so với giai đoạn 2. Lúc này, người bệnh sẽ bắt đầu gặp các triệu chứng rõ rệt hơn của suy thận mạn.
Suy thận cấp thường làm giảm lượng nước tiểu. Tình trạng này được gọi là thiểu niệu. Trong giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp, lượng nước tiểu ở mức thấp nhất. Tình trạng thiểu niệu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiên lượng của người bệnh.
Ở giai đoạn 4 của bệnh suy thận mạn, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục. Tuy nhiên, vẫn còn có những cách để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.