1

Suy thận mạn giai đoạn 4 còn sống được bao lâu?

Ở giai đoạn 4 của bệnh suy thận mạn, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục. Tuy nhiên, vẫn còn có những cách để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Suy thận mạn giai đoạn 4 còn sống được bao lâu? Suy thận mạn giai đoạn 4 còn sống được bao lâu?

Suy thận mạn gồm có 5 giai đoạn. Giai đoạn 4 là giai đoạn gần cuối của suy thận mạn. Cùng tìm hiểu về những triệu chứng, phương pháp điều trị, chế độ ăn uống và tiên lượng bệnh ở giai đoạn này.

Suy thận mạn giai đoạn 4 là gì?

Giai đoạn 1 và giai đoạn 2 là những giai đoạn đầu của bệnh suy thận mạn. Ở những giai đoạn này, mặc dù chức năng thận không còn được 100% nhưng thận vẫn hoạt động đủ tốt để duy trì các chức năng bình thường của cơ thể và do đó, các giai đoạn này thường không có triệu chứng.

Đến giai đoạn 3, chức năng thận giảm khoảng một nửa, điều này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn và các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Khi sang giai đoạn 4, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng. Giai đoạn 4 là giai đoạn gần cuối của bệnh suy thận mạn.

Có hai xét nghiệm được sử dụng để theo dõi chức năng thận và sự tiến triển của bệnh suy thận mạn. Xét nghiệm thứ nhất là độ lọc cầu thận ước tính (eGFR). Xét nghiệm này là một trong những phương pháp chính xác nhất để đánh giá chức năng thận.

Độ lọc cầu thận ước tính được tính dựa trên nồng độ creatinin trong máu cũng như là các yếu tố khác như tuổi tác, giới tính, chủng tộc và kích thước cơ thể.

Nếu eGFR trong khoảng từ 15 – 29 mililit mỗi phút (ml/phút) thì có nghĩa là suy thận mạn giai đoạn 4. Điều này có nghĩa là thận không còn hoạt động bình thường và nếu như không điều trị thì tình trạng suy thận mạn sẽ tiến triển sang giai đoạn cuối.

Chỉ số eGFR không phải lúc nào cũng phản ứng chính xác mức độ hoạt động của thận. Ví dụ, chỉ số này thường không chính xác trong một số trường hợp sau đây:

  • Phụ nữ mang thai
  • Người bị thừa cân
  • Người nhiều cơ bắp

Ngoài độ lọc cầu thận ước tính, người bệnh thường phải làm xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra nồng độ albumin. Albumin là một loại protein có trong máu. Thận khỏe mạnh sẽ giữ lại protein khi lọc máu và do đó, trong nước tiểu thường chỉ có một lượng protein không đáng kể. Nồng độ protein trong nước tiểu tăng cao là dấu hiệu cho thấy thận đang không hoạt động bình thường. Đo nồng độ protein trong nước tiểu sẽ giúp bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy thận.

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm hoặc các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác để kiểm tra tình trạng thận và xác định nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận.

Triệu chứng suy thận mạn giai đoạn 4

Ở giai đoạn 4 của suy thận mạn, các triệu chứng gồm có:

  • Khó tập trung
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Da khô, ngứa
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi
  • Nhức đầu
  • Đau ngực
  • Tăng hoặc giảm đi tiểu
  • Ăn uống kém
  • Chuột rút
  • Sụt cân
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Hụt hơi

Không phải ai bị suy thận mạn giai đoạn 4 cũng có tất cả các triệu chứng này nhưng nếu bắt đầu nhận thấy những triệu chứng này thì nên đi khám. Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá chức năng thận.

Biến chứng của suy thận mạn giai đoạn 4

Suy thận mạn giai đoạn 4 có thể gây ra các biến chứng như:

  • Cao huyết áp
  • Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
  • Mất cân bằng chất điện giải
  • Các vấn đề về xương
  • Vấn đề về tim mạch

Các chuyên gia khuyến cáo những phụ nữ mắc suy thận mạn giai đoạn 4 hoặc 5 không nên mang thai vì nguy cơ biến chứng cao trong thai kỳ.

Điều trị suy thận mạn giai đoạn 4

Mặc dù không thể chữa khỏi suy thận mạn và phục hồi chức năng thận nhưng vẫn có các phương pháp điều trị để làm chậm sự tiến triển của bệnh. Dưới đây là các lựa chọn điều trị suy thận mạn giai đoạn 4.

Giám sát tích cực

Người mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn 4 cần tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh. Theo khuyến nghị, người bệnh nên tái khám ba tháng một lần.

Để đánh giá chức năng thận và theo dõi sự tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra độ lọc cầu thận ước tính và xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm máu còn cho biết nồng độ kali và phốt phát. Nồng độ các khoáng chất này có thể ở mức quá cao hoặc quá thấp ở người bị suy thận mạn.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ còn đánh giá:

  • nguy cơ mắc bệnh tim mạch
  • tình trạng tiêm chủng
  • các loại thuốc mà người bệnh đang dùng
  • huyết áp

Làm chậm sự tiến triển của bệnh

Không có cách chữa khỏi suy thận mạn giai đoạn 4 nhưng có những phương pháp có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Người bệnh sẽ phải theo dõi và kiểm soát các tình trạng bệnh lý như:

  • Thiếu máu
  • Bệnh về xương
  • Bệnh tiểu đường
  • Phù nề
  • Cholesterol cao
  • Cao huyết áp

Điều quan trọng là phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa suy thận mạn giai đoạn cuối và bệnh tim. Một số loại thuốc và thực phẩm chức năng thường được sử dụng ở giai đoạn 4 của suy thận mạn gồm có:

  • Thuốc điều trị cao huyết áp, chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển (ACE)
  • Thực phẩm chức năng bổ sung canxi và vitamin D
  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc kích thích tạo hồng cầu hoặc chế phẩm bổ sung sắt
  • Thuốc kiểm soát bệnh tiểu đường

Người bệnh cần tránh các loại thuốc gây hại cho thận, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Quyết định bước tiếp theo

Vì giai đoạn 4 là giai đoạn gần cuối của suy thận mạn nên bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về khả năng bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối và các lựa chọn điều trị ở giai đoạn này.

Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối gồm có:

  • Lọc máu
  • Ghép thận
  • Chăm sóc giảm nhẹ

Các chuyên gia khuyến nghị bắt đầu lọc máu khi chức năng thận ở mức 15% hoặc thấp hơn. (1) Khi chức năng thận giảm xuống dưới 15% thì có nghĩa là suy thận mạn đã tiến triển sang giai đoạn cuối.

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống khi bị suy thận mạn còn tùy thuộc vào các bệnh kèm theo, chẳng hạn như bệnh tiểu đường. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cách xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Nói chung, người bệnh nên:

  • Lựa chọn thực phẩm tươi sống thay vì thực phẩm chế biến sẵn
  • Cắt giảm các loại thịt
  • Hạn chế hoặc kiêng rượu bia
  • Hạn chế cholesterol, chất béo bão hòa và đường bổ sung
  • Ăn ít muối

Nồng độ phốt pho trong máu có thể ở mức quá cao hoặc quá thấp. Vì vậy nên người bệnh cần phải theo dõi mức phốt pho và điều chỉnh lượng phốt pho trong chế độ ăn uống. Một số loại thực phẩm chứa nhiều phốt pho gồm có:

  • Các sản phẩm từ sữa
  • Quả hạch như óc chó, hồ đào
  • Bơ đậu phộng
  • Các loại đậu
  • Ca cao, bia và nước ngọt có ga sẫm màu
  • Cám ngũ cốc

Nếu nồng độ kali máu quá cao, người bệnh cần cắt giảm những thực phẩm chứa nhiều kali như:

  • Một số loại trái cây như chuối, dưa, cam, quả bơ
  • Trái cây sấy khô như mơ khô, nho khô, mận khô
  • Khoai tây, khoai lang
  • Cà chua
  • Rau sẫm màu
  • Gạo lứt
  • Sản phẩm từ sữa
  • Các loại đậu
  • Cám ngũ cốc, bánh mì nguyên cám
  • Muối thay thế
  • Thịt

Người bệnh có thể sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn uống sau mỗi lần tái khám dựa trên kết quả xét nghiệm.

Hãy hỏi bác sĩ về việc những loại thực phẩm chức năng nên dùng và có cần phải giảm lượng nước uống hàng ngay hay không.

Thay đổi lối sống

Ngoài điều chỉnh chế độ ăn uống, người bệnh cũng nên thực hiện một số thay đổi lối sống khác để ngăn thận tổn thương thêm, ví dụ như:

  • Không hút thuốc lá: Hút thuốc sẽ làm hỏng các mạch máu, bao gồm cả động mạch. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
  • Tập thể dục: Cố gắng tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày một tuần.
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định: Điều quan trọng là phải dùng đủ tất cả các loại thuốc được kê. Ngoài ra, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào.
  • Tái khám thường xuyên: Hãy tái khám định kỳ đúng lịch và đi khám ngay khi có triệu chứng mới hoặc triệu chứng hiện tại nặng thêm.

Tiên lượng suy thận mạn giai đoạn 4

Suy thận mạn giai đoạn 4 hay bất kỳ giai đoạn nào cũng đều không thể chữa khỏi. Mục tiêu điều trị là ngăn ngừa suy thận mạn giai đoạn cuối và duy trì chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tiên lượng phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Tuổi tác tại thời điểm phát hiện bệnh
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể, các bệnh lý khác đang mắc
  • Mức độ tuân thủ điều trị

Theo một nghiên cứu vào năm 2017, các thông tin về tuổi thọ ước tính của người mắc bệnh suy thận mạn hiện nay thường dựa trên dữ liệu nghiên cứu cũ nên có thể không còn chính xác. Tuổi thọ của người bị suy thận mạn hiện nay đã tăng lên đáng kể so với trước đây nhờ những cải thiện liên tục trong các phương pháp điều trị.

Các câu hỏi thường gặp

Người bị suy thận mạn giai đoạn 4 có thể sống được bao lâu?

Rất khó dự đoán một người mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn 4 có thể sống được bao lâu vì tuổi thọ của người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, bệnh đi kèm và mức độ tuân thủ điều trị. Điều trị tích cực, đúng cách sẽ giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh

Suy thận mạn giai đoạn 4 có phải là giai đoạn cuối không?

Giai đoạn 4 chưa phải là giai đoạn cuối của suy thận mạn nhưng là giai đoạn gần cuối. Suy thận mạn gồm có 5 giai đoạn. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ phải ghép thận hoặc lọc máu.

Người bị suy thận mạn giai đoạn 4 có thể sống thọ không?

Theo các chuyên gia, người bị suy thận mạn giai đoạn 4 vẫn có thể sống thọ. Tuân thủ đúng phác đồ điều trị suy thận mạn và kiểm soát các bệnh lý đi kèm sẽ giúp kéo dài tuổi thọ.

Có thể chữa khỏi suy thận mạn giai đoạn 4 và phục hồi chức năng thận không?

Một khi thận đã bị tổn thương thì sẽ không thể phục hồi được. Giải pháp duy nhất để khôi phục chức năng thận khi bị suy thận mạn là ghép thận. Lọc máu và các loại thuốc đều không thể phục hồi thận bị tổn thương và cải thiện chức năng thận.

Tiên lượng suy thận mạn có thay đổi theo độ tuổi không?

Trong một nghiên cứu vào năm 2017, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng cả tuổi tác và mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy thận đều có ảnh hưởng đến tiên lượng. Nhìn chung, những trường hợp phát hiện suy thận mạn ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn 2 và khi tuổi còn trẻ có tuổi thọ cao hơn so với những trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn 4 hoặc giai đoạn cuối và khi tuổi đã cao. (2)

Và cho dù phát hiện ở độ tuổi nào thì suy thận mạn giai đoạn 4 và giai đoạn 5 đều sẽ làm giảm tuổi thọ.

Tóm tắt bài viết

Suy thận mạn giai đoạn 4 là khi chức năng thận đã suy giảm nghiêm trọng. Theo dõi chặt chẽ và điều trị tích cực có thể làm giảm tốc độ tiến triển của bệnh và ngăn ngừa suy thận mạn giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên chuẩn bị cho việc phải lọc máu hoặc ghép thận trong trường hợp bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối.

Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn 4 gồm có kiểm soát các bệnh lý đi kèm, theo dõi bệnh tim, thay đổi lối sống và chăm sóc giảm nhẹ. Điều quan trọng là phải tái khám thường xuyên để theo dõi tình trạng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: giai đoạn
Tin liên quan
Suy thận mạn giai đoạn 2: Dấu hiệu, điều trị và tiên lượng
Suy thận mạn giai đoạn 2: Dấu hiệu, điều trị và tiên lượng

Suy thận mạn hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu vì mức độ tổn thương lúc này mới chỉ rất nhẹ và do đó không biểu hiện triệu chứng. Nếu không được điều trị, chức năng thận sẽ tiếp tục giảm và suy thận mạn giai đoạn đầu sẽ tiến triển sang giai đoạn 2.

Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn
Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn

Suy thận mạn gồm có 5 giai đoạn, bắt đầu từ tình trạng thận chỉ bị tổn thương nhẹ cho đến chức năng thận bị giảm nghiêm trọng, không còn đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Các phương pháp điều trị như dùng thuốc và lọc máu có thể ngăn suy thận mạn giai đoạn đầu tiến triển đến giai đoạn cuối.

Suy thận mạn giai đoạn 4: Điều trị và tiên lượng
Suy thận mạn giai đoạn 4: Điều trị và tiên lượng

Ở giai đoạn 4 của bệnh suy thận mạn, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục. Tuy nhiên, vẫn còn có những cách để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Người ghép thận sống thêm được bao lâu?
Người ghép thận sống thêm được bao lâu?

Nói chung ghép thận có tỷ lệ thành công cao. Phương pháp này giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Có tới 97% ca ghép thận sống thêm được ít nhất 1 năm.

Suy thận mạn giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tuổi thọ
Suy thận mạn giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tuổi thọ

Suy thận mạn giai đoạn 3 là giai đoạn mà thận bị tổn thương mức độ nhẹ đến vừa, chức năng thận kém hơn so với giai đoạn 2. Lúc này, người bệnh sẽ bắt đầu gặp các triệu chứng rõ rệt hơn của suy thận mạn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây