1

Giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp là gì?

Suy thận cấp thường làm giảm lượng nước tiểu. Tình trạng này được gọi là thiểu niệu. Trong giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp, lượng nước tiểu ở mức thấp nhất. Tình trạng thiểu niệu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiên lượng của người bệnh.
Giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp là gì? Giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp là gì?

Thận có chức năng lọc chất thải và nước dư thừa từ máu. Lượng chất thải và nước dư thừa này sẽ trở thành nước tiểu và được đào thải ra khỏi cơ thể.

Suy thận cấp là tình trạng chức năng thận giảm đột ngột. Một trong những đặc điểm của suy thận cấp là thận tạo ra ít nước tiểu hơn bình thường. Tình trạng này được gọi là thiểu niệu.

Một số người bị suy thận cấp trải qua giai đoạn thiểu niệu, trong đó lượng nước tiểu ở mức thấp nhất. Cùng tìm hiểu lý do tại sao suy thận cấp lại làm giảm lượng nước tiểu, triệu chứng của giai đoạn thiểu niệu và cách điều trị.

Giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp là gì?

Thiểu niệu có nghĩa là lượng nước tiểu ít hơn bình thường. Đó là một dấu hiệu cho thấy thận đang không hoạt động bình thường.

Giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp là khoảng thời gian mà lượng nước tiểu ở mức thấp nhất.

Các giai đoạn của suy thận cấp

Suy thận cấp được chia thành nhiều giai đoạn, gồm có:

  • Giai đoạn khởi đầu: đây là giai đoạn xảy ra tổn thương dẫn đến suy thận cấp. Giai đoạn khởi đầu thường kéo dài vài giờ cho đến vài ngày.
  • Giai đoạn thiểu niệu: lượng nước tiểu giảm.
  • Giai đoạn lợi tiểu: lượng nước tiểu tăng lên rõ rệt khi thận bắt đầu hồi phục chức năng.
  • Giai đoạn hồi phục: chức năng thận bắt đầu ổn định. Mặc dù giai đoạn này có thể diễn ra trong khoảng thời gian vài tuần nhưng có thể phải mất vài tháng để chức năng thận hồi phục hoàn toàn sau suy thận cấp.

Nguyên nhân gây thiểu niệu

Suy thận cấp được chia thành 3 loại dựa trên nguyên nhân. Những nguyên nhân này có thể góp phần gây thiểu niệu.

Suy thận cấp trước thận

Suy thận cấp trước thận xảy ra khi lưu lượng máu đến thận giảm. Trong trường hợp này, chức năng thận không có vấn đề gì nhưng do không được cung cấp đủ máu nên thận không thể hoạt động bình thường.

Lưu lượng máu đến thận giảm sẽ kích hoạt một số con đường dẫn truyền tín hiệu hormone trong cơ thể, điều này sẽ thúc đẩy quá trình tái hấp thu nước và muối, dẫn đến kết quả là lượng nước tiểu giảm.

Suy thận cấp tại thận

Suy thận cấp tại thận xảy ra do có vấn đề trực tiếp với khả năng lọc máu của thận. Mỗi quả thận có khoảng một triệu nephron – các đơn vị cấu tạo và chức năng của thận. Mỗi nephron gồm có hai phần:

  • Cầu thận: bộ phận có chức năng lọc máu
  • Ống thận: bộ phận loại bỏ các chất thải và đưa các chất cần thiết trở lại máu

Khi một trong hai bộ phận này không hoạt động bình thường, chức năng thận sẽ suy giảm và lượng nước tiểu giảm. Một nguyên nhân phổ biến gây suy thận cấp tại thận là hoại tử ống thận cấp tính.

Suy thận cấp sau thận

Suy thận cấp sau thận xảy ra do có vấn đề phát sinh sau quá trình lọc máu. Điều này thường là do tắc nghẽn trong đường tiết niệu, ví dụ như sỏi thận, khối u hoặc cục máu đông.

Tắc nghẽn đường tiết niệu gây cản trở dòng chảy nước tiểu từ thận ra ngoài cơ thể. Điều này có nghĩa là người bệnh sẽ đi tiểu ít hơn bình thường

Yếu tố nguy cơ của suy thận cấp

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ suy thận cấp gồm có:

  • Tuổi cao
  • Mất nước nghiêm trọng
  • Nhập viện do những nguyên nhân như:
  • Chảy máu hoặc bỏng nặng
  • Nhiễm trùng nghiêm trọng
  • Nhiễm trùng máu
  • Đại phẫu
  • Mắc các bệnh lý khác, chẳng hạn như:
  • Suy thận mạn
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh gan
  • Bệnh tự miễn
  • Bệnh đa u tủy
  • Sử dụng một số loại thuốc, gồm có:
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Thuốc trị cao huyết áp như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB)
  • Một số loại kháng sinh, chẳng hạn như aminoglycoside và vancomycin
  • Thuốc ức chế bơm proton
  • Một số loại thuốc hóa trị như cisplatin và ifosfamide

Triệu chứng của giai đoạn thiểu niệu

Triệu chứng chính ở giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp là lượng nước tiểu ít. Nước tiểu mà thận tạo ra cũng cô đặc hơn, do đó có màu sẫm hơn.

Thiểu niệu còn có thể gây ra những ảnh hưởng khác đến cơ thể. Ví dụ, thiểu niệu có thể gây tích nước và tình trạng này dẫn đến các vấn đề như:

  • Phù nề, bao gồm cả phù phổi
  • Tăng huyết áp
  • Suy tim

Ngoài ra, chất thải không được lọc và đào thải ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả sẽ tích tụ lại trong máu và gây ra tình trạng tăng ure máu. Tăng ure máu có các triệu chứng như:

  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Ngứa ngáy
  • Chuột rút cơ
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân
  • Thay đổi về trạng thái tinh thần

Chẩn đoán giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp

Để chẩn đoán giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp, trước tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng và khai thác bệnh sử, gồm có các bệnh lý đang mắc và các loại thuốc đang dùng.

Để xác định thiểu niệu, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu 24 giờ để đo lượng nước tiểu. Người bệnh sẽ phải thu thập toàn bộ nước tiểu trong khoảng thời gian 24 giờ.

Thiểu niệu được định nghĩa là lượng nước tiểu trong vòng 24 giờ dưới 400ml. (1) Một số hướng dẫn định nghĩa thiểu niệu còn tính đến khối lượng cơ thể, ví dụ đi tiểu dưới 0,5mL mỗi kg khối lượng cơ thể mỗi giờ được coi là thiểu niệu.

Ngoài ra, bác sĩ có thể còn yêu cầu làm các xét nghiệm khác, gồm có:

  • Tổng phân tích nước tiểu
  • Xét nghiệm máu đo nồng độ creatinin, nitơ ure và chất điện giải
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thận hoặc đường tiết niệu, chẳng hạn như siêu âm hoặc chụp CT

Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán suy thận cấp khi có một trong các yếu tố dưới đây: (2)

  • Nồng độ creatinin trong máu tăng 0,3 mg/dl trở lên trong khoảng thời gian 48 giờ
  • Nồng độ creatinin trong máu tăng từ 1,5 lần trở lên so với mức bình thường trong vòng 7 ngày trước đó
  • Lượng nước tiểu dưới 0,5 ml/kg mỗi giờ trong ít nhất 6 giờ

Điều trị giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp

Việc điều trị suy thận cấp, bao gồm cả giai đoạn thiểu niệu, phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận. Để khôi phục chức năng thận thì cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ.

Suy thận cấp sau thận

Suy thận cấp sau thận thường là do tắc nghẽn đường tiết niệu và do đó, để điều trị loại suy thận cấp này thì sẽ phải giải quyết nguyên nhân gây tắc nghẽn. Khi đường tiết niệu hết tắc nghẽn, lượng nước tiểu sẽ trở về bình thường.

Suy thận cấp trước thận

Điều trị suy thận cấp trước thận cũng đòi hỏi phải xử lý nguyên nhân gốc rễ. Phương pháp điều trị thường là bổ sung nước vì một trong những nguyên nhân chính gây suy thận cấp trước thận là không đủ lượng máu.

Lượng nước cần bổ sung ở mỗi ca bệnh là khác nhau. Không được bổ sung quá nhiều nước vì điều này sẽ gây hại. Nếu bổ sung quá nhiều nước thì sẽ phải sử dụng thuốc lợi tiểu để cân bằng lại lượng nước trong cơ thể.

Suy thận cấp tại thận

Thiểu niệu do suy thận cấp tại thận thường kéo dài hơn và đáp ứng chậm với việc bổ sung nước.

Những trường hợp bị suy thận cấp nghiêm trọng có thể phải lọc máu. Phương pháp điều trị này giúp loại bỏ chất thải trong máu cũng như duy trì sự cân bằng nước và chất điện giải trong thời gian chờ thận hồi phục.

Người bệnh cần ngừng sử dụng các loại thuốc gây hại cho thận trong quá trình điều trị suy thận cấp. Sau khi khỏi bệnh, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc hoặc kê một loại thuốc khác thay thế.

Tiên lượng giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp

Nhiều trường hợp bị suy thận cấp có thể hồi phục hoàn toàn chức năng thận. Tuy nhiên, tiên lượng của mỗi một ca bệnh là khác nhau và còn tùy thuộc vào các yếu tố như:

  • Nguyên nhân gây suy thận cấp
  • Tuổi tác
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể

Suy thận cấp sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác, chẳng hạn như suy thận mạn.

Thiểu niệu sẽ ảnh hưởng đến tiên lượng suy thận cấp. Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2021 đã đánh giá tác động của các tiêu chí định nghĩa suy thận cấp, gồm có nồng độ creatinin tronng máu và lượng nước tiểu đến tiên lượng của người bệnh. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng thiểu niệu kéo dài quá 12 giờ có thể làm tăng nguy cơ tử vong trong khoảng thời gian 90 ngày, bất kể mức creatinin thay đổi ra sao. (3)

Tóm tắt bài viết

Thiểu niệu có nghĩa là lượng nước tiểu ít hơn bình thường. Đây là một tình trạng phổ biến ở người bị suy thận cấp. Giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp là khi lượng nước tiểu ở mức thấp nhất.

Việc điều trị giai đoạn thiểu niệu phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy thận cấp. Mặc dù nhiều người bị suy thận cấp có thể hồi phục chức năng thận hoàn toàn nhưng tình trạng thiểu niệu kéo dài sẽ làm xấu đi tiên lượng bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: giai đoạn
Tin liên quan
Suy thận mạn giai đoạn 2: Dấu hiệu, điều trị và tiên lượng
Suy thận mạn giai đoạn 2: Dấu hiệu, điều trị và tiên lượng

Suy thận mạn hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu vì mức độ tổn thương lúc này mới chỉ rất nhẹ và do đó không biểu hiện triệu chứng. Nếu không được điều trị, chức năng thận sẽ tiếp tục giảm và suy thận mạn giai đoạn đầu sẽ tiến triển sang giai đoạn 2.

Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn
Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn

Suy thận mạn gồm có 5 giai đoạn, bắt đầu từ tình trạng thận chỉ bị tổn thương nhẹ cho đến chức năng thận bị giảm nghiêm trọng, không còn đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Các phương pháp điều trị như dùng thuốc và lọc máu có thể ngăn suy thận mạn giai đoạn đầu tiến triển đến giai đoạn cuối.

Suy thận mạn giai đoạn 4: Điều trị và tiên lượng
Suy thận mạn giai đoạn 4: Điều trị và tiên lượng

Ở giai đoạn 4 của bệnh suy thận mạn, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục. Tuy nhiên, vẫn còn có những cách để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Suy thận mạn giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tuổi thọ
Suy thận mạn giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tuổi thọ

Suy thận mạn giai đoạn 3 là giai đoạn mà thận bị tổn thương mức độ nhẹ đến vừa, chức năng thận kém hơn so với giai đoạn 2. Lúc này, người bệnh sẽ bắt đầu gặp các triệu chứng rõ rệt hơn của suy thận mạn.

Suy thận mạn giai đoạn 4 còn sống được bao lâu?
Suy thận mạn giai đoạn 4 còn sống được bao lâu?

Ở giai đoạn 4 của bệnh suy thận mạn, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục. Tuy nhiên, vẫn còn có những cách để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây