1

Suy thận mạn giai đoạn 2: Dấu hiệu, điều trị và tiên lượng

Suy thận mạn hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu vì mức độ tổn thương lúc này mới chỉ rất nhẹ và do đó không biểu hiện triệu chứng. Nếu không được điều trị, chức năng thận sẽ tiếp tục giảm và suy thận mạn giai đoạn đầu sẽ tiến triển sang giai đoạn 2.
Suy thận mạn giai đoạn 2: Dấu hiệu, điều trị và tiên lượng Suy thận mạn giai đoạn 2: Dấu hiệu, điều trị và tiên lượng

Suy thận mạn là gì?

Suy thận mạn là tình trạng tổn thương thận kéo dài, không thể hồi phục. Suy thận mạn được chia thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn thận bị tổn thương nhẹ nhất trong khi giai đoạn 5 (giai đoạn cuối) là khi chức năng thận đã bị suy giảm nghiêm trọng, thận gần như hoặc hoàn toàn không còn hoạt động. Giai đoạn 2 cũng là một giai đoạn nhẹ của suy thận mạn.

Mục tiêu điều trị suy thận mạn là ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh. Mặc dù không thể đảo ngược tổn thương thận dù ở bất kỳ giai đoạn nào nhưng nếu suy thận mạn được phát hiện ở giai đoạn 2 thì vẫn còn có thể ngăn tình trạng trở nên trầm trọng thêm.

Chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn 2

Để chẩn đoán suy thận mạn, bác sĩ sẽ dựa trên độ lọc cầu thận ước tính (eGFR). Để xác định eGFR thì sẽ phải làm xét nghiệm máu đo nồng độ creatinin - một chất thải được tạo ra trong quá trình phân hủy mô cơ. Creatinin được thận lọc khỏi máu và bài tiết vào nước tiểu. Do đó, đo nồng độ creatinin trong máu sẽ giúp đánh giá khả năng lọc chất thải từ máu của thận.

Nồng độ creatinin cao bất thường có thể là dấu hiệu cho thấy thận đang không hoạt động tốt.

Chỉ số eGFR từ 90 trở lên có nghĩa là suy thận mạn giai đoạn đầu, lúc này thận mới chỉ bị tổn thương rất nhẹ. eGFR từ 15 trở xuống có nghĩa là suy thận mạn giai đoạn cuối. Giá trị eGFR ở giai đoạn 2 là từ 60 đến 89.

Bất kể suy thận mạn ở giai đoạn nào thì mục tiêu điều trị cũng là cải thiện chức năng thận tổng thể và ngăn thận tổn thương thêm.

eGFR còn giúp đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị. Giá trị eGFR ở giai đoạn 3 là từ 30 đến 59 và giai đoạn 4 là 15 đến 29.

Triệu chứng suy thận mạn giai đoạn 2

Chỉ số eGFR ở giai đoạn 2 vẫn được coi là nằm trong phạm vi chức năng thận “bình thường”, do đó giai đoạn suy thận mạn này khó chẩn đoán hơn các giai đoạn sau.

Suy thận mạn giai đoạn 2 đa phần không có triệu chứng và chỉ khi bệnh tiến triển sang giai đoạn 3 thì mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt.

Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Nước tiểu sẫm màu
  • Thay đổi tần suất đi tiểu
  • Mệt mỏi
  • Tăng huyết áp
  • Giữ nước, gây phù nề
  • Đau ở thắt lưng
  • Chuột rút vào ban đêm
  • Mất ngủ
  • Da khô hoặc ngứa

Nguyên nhân gây suy thận mạn giai đoạn 2

Suy thận mạn xảy ra khi có các yếu tố làm tổn thương thận và khiến cho thận không thể hoạt động bình thường. Khi bị tổn thương, thận sẽ không thể loại bỏ chất thải khỏi máu và tạo ra lượng nước tiểu cần thiết.

Suy thận mạn hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu vì mức độ tổn thương lúc này mới chỉ rất nhẹ và do đó không biểu hiện triệu chứng. Nếu không được điều trị, chức năng thận sẽ tiếp tục giảm và suy thận mạn giai đoạn đầu sẽ tiến triển sang giai đoạn 2.

Các nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận gồm có:

  • Cao huyết áp
  • Bệnh tiểu đường
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát
  • Sỏi thận
  • Khối u hoặc nang ở thận và khu vực xung quanh
  • Bệnh lupus

Các bệnh lý này càng để lâu không được điều trị thì thận sẽ càng bị tổn thương nặng.

Khi nào cần đi khám?

Do không có triệu chứng rõ rệt nên suy thận mạn thường ở không được phát hiện ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn 2 hoặc bệnh được tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ.

Bên cạnh việc khám định kỳ, bạn cũng nên đi khám khi gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên.

Những người có nguy cơ cao mắc suy thận mạn, ví dụ như mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường hay tiền sử gia đình bị suy thận mạn nên đi khám thường xuyên hơn.

Ngoài xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm thận. Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này sẽ giúp phát hiện những bất thường ở thận.

Điều trị suy thận mạn giai đoạn 2

Một khi thận đã bị tổn thương thì không thể phục hồi được nhưng có thể ngăn thận tổn thương nặng thêm. Thông thường, người bệnh sẽ phải kết hợp giữa điều chỉnh lối sống và dùng thuốc để điều trị nguyên nhân gốc rễ gây suy thận mạn.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Mặc dù không có chế độ ăn uống nào có thể chữa khỏi suy thận mạn nhưng việc ăn những loại thực phẩm có lợi và tránh những thực phẩm gây hại có thể giúp tăng cường chức năng thận và làm chậm tốc độ tiến triển của suy thận.

Một số loại thực phẩm gây hại cho thận mà người bệnh cần tránh gồm có:

  • Thực phẩm chế biến sẵn
  • Thực phẩm chứa nhiều natri
  • Thực phẩm chứa chất béo bão hòa
  • Thịt chế biến sẵn

Người bệnh nên cắt giảm protein trong chế độ ăn, bao gồm cả protein động vật và protein thực vật. Ăn quá nhiều protein sẽ khiến thận phải hoạt động nhiều.

Mặc dù chưa cần kiêng nghiêm ngặt như các giai đoạn sau của suy thận mạn nhưng người bệnh nên hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều kali.

Nên lựa chọn các loại thực phẩm tươi có lợi cho sức khỏe thận như:

  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Các loại đậu
  • Thịt gia cầm nạc
  • Rau củ và trái cây
  • Dầu thực vật

Biện pháp khắc phục tại nhà

Kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh với các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây có thể giúp kiểm soát suy thận mạn giai đoạn 2:

  • Uống bổ sung sắt để điều trị thiếu máu và giảm tình trạng mệt mỏi
  • Uống nhiều nước
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
  • Hạn chế căng thẳng
  • Tập thể dục hàng ngày

Điều trị bằng thuốc

Không có loại thuốc nào dành riêng cho bệnh suy thận mạn nhưng bác sĩ sẽ kê thuốc nhằm ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh lý gây tổn thương thận. Kiểm soát hoặc ngăn ngừa những bệnh lý này sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của suy thận mạn.

Những người mắc bệnh tiểu đường cần dùng thuốc kiểm soát lượng đường trong máu và phải đo đường huyết thường xuyên.

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) và thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) là hai nhóm thuốc được dùng phổ biến để điều trị cao huyết áp – một trong những nguyên nhân chính gây suy thận mạn.

Kerendia (finerenone) là một loại thuốc kê đơn giúp làm giảm nguy cơ suy giảm độ lọc cầu thận kéo dài, suy thận mạn giai đoạn cuối, tử vong do bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim không gây tử vong và nhập viện do suy tim ở người lớn mắc suy thận mạn do tiểu đường type 2.

Suy thận mạn giai đoạn 2 có chữa khỏi được không?

Đôi khi, chức năng thận bị suy giảm do những vấn đề tạm thời, chẳng hạn như tác dụng phụ của thuốc hay tắc nghẽn. Dạng suy thận này được gọi là suy thận cấp và đa phần chức năng thận sẽ trở lại bình thường sau khi điều trị.

Khác với suy thận cấp, suy thận mạn là tình trạng thận bị tổn thương vĩnh viễn, không thể phục hồi được, kể cả khi điều trị ngay từ các giai đoạn đầu. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị sẽ giúp thận không bị tổn thương thêm. Điều trị kịp thời và đúng cách sẽ giúp ngăn suy thận mạn giai đoạn 2 tiến triển sang giai đoạn 3.

Tiên lượng suy thận mạn giai đoạn 2

Ở giai đoạn 2 của suy thận mạn, chức năng thận vẫn chưa bị suy giảm nghiêm trọng. Do đó, tiên lượng ở giai đoạn này tốt hơn nhiều so với các giai đoạn sau.

Mục tiêu điều trị là không để thận bị tổn thương thêm. Khi tiến triển sang các giai đoạn sau, suy thận mạn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như bệnh tim.

Phòng ngừa suy thận mạn

Những thay đổi về lối sống sau đây có thể giúp giảm nguy cơ tổn thương thận cũng như làm chậm sự tiến triển của suy thận mạn:

  • Không hút thuốc
  • Hạn chế rượu bia
  • Cố gắng hạn chế căng thẳng và thử các biện pháp thư giãn như yoga và thiền
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Uống đủ nước

Tóm tắt bài viết

Suy thận mạn giai đoạn 2 vẫn được coi là một giai đoạn nhẹ và thường không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, cũng chính vì lý do này nên bệnh thường không được phát hiện sớm.

Xét nghiệm chức năng thận định kỳ là điều cần thiết để phát hiện bệnh thận mạn từ sớm. Những người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường hoặc tiền sử gia đình bị suy thận mạn nên kiểm tra chức năng thận thường xuyên hơn.

Không có cách nào chữa khỏi suy thận mạn và phục hồi chức năng thận nhưng các phương pháp điều trị sẽ giúp ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh. Người bệnh thường phải kết hợp dùng thuốc với điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống. Nếu không điều trị, chức năng thận sẽ ngày càng suy giảm và khi bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: dấu hiệu, giai đoạn
Tin liên quan
Suy thận mạn giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tuổi thọ
Suy thận mạn giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tuổi thọ

Suy thận mạn giai đoạn 3 là giai đoạn mà thận bị tổn thương mức độ nhẹ đến vừa, chức năng thận kém hơn so với giai đoạn 2. Lúc này, người bệnh sẽ bắt đầu gặp các triệu chứng rõ rệt hơn của suy thận mạn.

Tại sao suy thận mạn giai đoạn cuối gây lú lẫn?
Tại sao suy thận mạn giai đoạn cuối gây lú lẫn?

Những người bị suy thận nặng có thể bị lú lẫn cũng như các vấn đề về khả năng nhận thức khác.

Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn
Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn

Suy thận mạn gồm có 5 giai đoạn, bắt đầu từ tình trạng thận chỉ bị tổn thương nhẹ cho đến chức năng thận bị giảm nghiêm trọng, không còn đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Các phương pháp điều trị như dùng thuốc và lọc máu có thể ngăn suy thận mạn giai đoạn đầu tiến triển đến giai đoạn cuối.

Các dấu hiệu cho thấy suy thận mạn đang tiến triển nặng
Các dấu hiệu cho thấy suy thận mạn đang tiến triển nặng

Khi mắc bệnh suy thận mạn, một điều rất quan trọng là phải theo dõi các triệu chứng. Một số triệu chứng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh đang tiến triển nặng thêm. Phát hiện các triệu chứng mới hoặc bất thường, theo dõi sự thay đổi các triệu chứng hiện tại và báo cho bác sĩ là điều cần thiết để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

Giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp là gì?
Giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp là gì?

Suy thận cấp thường làm giảm lượng nước tiểu. Tình trạng này được gọi là thiểu niệu. Trong giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp, lượng nước tiểu ở mức thấp nhất. Tình trạng thiểu niệu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiên lượng của người bệnh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây