1

Tại sao suy thận mạn giai đoạn cuối gây lú lẫn?

Những người bị suy thận nặng có thể bị lú lẫn cũng như các vấn đề về khả năng nhận thức khác.
Tại sao suy thận mạn giai đoạn cuối gây lú lẫn? Tại sao suy thận mạn giai đoạn cuối gây lú lẫn?

Thận có chức năng lọc máu để loại bỏ chất thải khỏi cơ thể và duy trì lượng nước cũng như khoáng chất ở mức cân bằng.

Suy thận mạn là tình trạng chức năng thận giảm dần theo thời gian và suy thận mạn giai đoạn cuối là khi chức năng thận giảm xuống dưới 15% so với bình thường.

Những người bị suy thận nghiêm trọng có thể gặp phải các triệu chứng về nhận thức như lú lẫn hoặc khó tập trung. Những thay đổi về nhận thức này xảy ra do vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như tổn thương các mạch máu nhỏ trong não hoặc do sự tích tụ chất thải trong máu.

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao suy thận mạn giai đoạn cuối lại gây lú lẫn và cách khắc phục tình trạng này.

Tại sao suy thận mạn giai đoạn cuối gây lú lẫn?

Những người mắc suy thận mạn có thể bị suy giảm nhận thức từ nhẹ đến nặng.

Tình trạng suy giảm nhận thức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày được gọi là chứng sa sút trí tuệ. Đây là một tình trạng không thể đảo ngược. Tình trạng lú lẫn còn được gọi là mê sảng, được định nghĩa là sự thay đổi ngắn hạn về trạng thái tinh thần do một yếu tố nào đó bên ngoài não bộ gây ra.

Ước tính 10 đến 40% người mắc bệnh suy thận mạn bị suy giảm nhận thức. (1)

Cả suy thận và suy giảm nhận thức đều là những vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi nhưng nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy những người mắc bệnh suy thận nghiêm trọng đến mức cần phải lọc máu có tỷ lệ bị bị suy giảm nhận thức cao hơn gấp 3 lần và tình trạng này xảy ra sớm hơn. (2)

Có nhiều lý do tại sao bệnh thận lại ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ. Dưới đây là một số lý do chính.

Bệnh mạch máu não

Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối có nguy cơ mắc bệnh mạch máu não cao hơn đáng kể so với dân số nói chung.

Bệnh mạch máu não là một nhóm các tình trạng xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị suy giảm, gồm có đột quỵ và chứng phình động mạch.

Triệu chứng của bệnh mạch máu não phụ thuộc vào phần não bị ảnh hưởng. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Mất thăng bằng
  • Lú lẫn
  • Ngất xỉu
  • Liệt
  • Nhức đầu dữ dội
  • Nói năng khó khăn

Bệnh não do tăng urê máu

Những người bị suy thận nặng có thể bị bệnh não do tăng urê máu. Đây là một dạng rối loạn chức năng não do sự tích tụ chất độc trong máu. Bệnh não do tăng urê máu có đặc trưng là các triệu chứng thần kinh có thể đảo ngược một phần. Hơn 130 hóa chất khác nhau đã được xác định là có thể gây nhiễm độc não.

Các triệu chứng của bệnh não do tăng urê máu có thể từ nhẹ đến nặng, gồm có:

  • Lú lẫn
  • Mệt mỏi
  • Ảo giác
  • Cáu gắt
  • Co giật
  • Hôn mê

Lọc máu

Lọc máu, một phương pháp điều trị suy thận, cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề về nhận thức. Lú lẫn thường xảy ra ở những người đang phải lọc máu và nguyên nhân được cho là do sự mất cân bằng điện giải.

Điều trị lú lẫn do suy thận mạn giai đoạn cuối

Các triệu chứng về nhận thức do suy thận mạn giai đoạn cuối thường cải thiện sau một thời gian điều trị bằng lọc máu hoặc ghép thận. Phương pháp lọc máu giúp loại bỏ các hóa chất độc hại khỏi máu và có thể đảo ngược các triệu chứng của bệnh não do tăng urê máu.

Nếu nguyên nhân là do một bệnh lý khác gây ra thì tình trạng lú lẫn có thể sẽ là vĩnh viễn, không đảo ngược được. Ví dụ, suy thận mạn giai đoạn cuối có thể góp phần gây đột quỵ và điều này dẫn đến tổn thương não không thể hồi phục.

Nếu chức năng thận sẽ suy giảm nghiêm trọng và người bệnh chỉ còn sống được một thời gian ngắn thì có thể dùng thuốc an thần để kiểm soát tình trạng lú lẫn.

Các triệu chứng khác của suy thận mạn giai đoạn cuối

Các triệu chứng khác của suy thận mạn giai đoạn cuối gồm có:

  • Giảm lượng nước tiểu
  • Sưng phù ở mặt hoặc chân
  • Khó thở không rõ nguyên nhân
  • Buồn nôn hoặc nôn kéo dài dai dẳng
  • Tiêu chảy
  • Hôn mê
  • Co giật
  • Đau hoặc tức ngực
  • Liệt cơ
  • Chuột rút
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Các vấn đề về nhận thức khác như khó tập trung

Điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối

Hai phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối là lọc máu và ghép thận.

Lọc máu

Phương pháp lọc máu giúp loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi máu thay cho thận, nhờ đó kiểm soát lượng nước và khoáng chất trong cơ thể ở mức khỏe mạnh. Có hai loại lọc máu là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.

Chạy thận nhân tạo: Máu được đưa ra khỏi cơ thể vào trong thiết bị lọc rồi sau đó đưa trở lại cơ thể.

Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc): Sử dụng lớp màng bao xung quanh các cơ quan trong ổ bụng của bệnh nhân để lọc máu. Dịch lọc được bơm vào ổ bụng của bệnh nhân qua ống thông và sau một thời gian, dịch lọc được tháo ra ngoài cùng với chất thải.

Chạy thận nhân tạo thường được thực hiện 3 lần/tuần và mỗi lần kéo dài khoảng 4 giờ. Phương pháp lọc màng bụng thường được thực hiện khoảng 4 lần mỗi ngày và mỗi lần kéo dài khoảng 30 đến 40 phút.

Ghép thận

Ghép thận là phương pháp cấy ghép quả thận khỏe mạnh của người hiến vào ổ bụng của người bệnh. Sau khi mất một quả thận, quả thận còn lại sẽ hoạt động nhiều lên nên người hiến thận vẫn có thể sống bình thường. Sau khi ghép thận thành công, bệnh nhân suy thận sẽ không cần phải lọc máu nữa.

Chăm sóc giảm nhẹ

Đến một lúc nào đó, bệnh suy thận sẽ tiến triển nặng đến mức không thể chữa khỏi được nữa hoặc bệnh nhân chọn ngừng điều trị. Chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh suy thận mạn và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Thông thường, chăm sóc giảm nhẹ là một lựa chọn cho những trường hợp mà bệnh nhân được dự đoán chỉ còn sống thêm được dưới 6 tháng hoặc khi bệnh nhân quyết định ngừng lọc máu.

Tóm tắt bài viết

Suy thận mạn giai đoạn cuối có thể gây ra nhiều triệu chứng, trong đó có lú lẫn hoặc khó tập trung. Các triệu chứng về nhận thức của suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ ngày càng nặng theo sự tiến triển của tình trạng suy thận.

Điều trị suy thận mạn bằng phương pháp lọc máu hoặc ghép thận có thể giúp đảo ngược một phần các triệu chứng về nhận thức do sự tích tụ các hóa chất độc hại trong máu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tại sao, giai đoạn
Tin liên quan
Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn
Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn

Suy thận mạn gồm có 5 giai đoạn, bắt đầu từ tình trạng thận chỉ bị tổn thương nhẹ cho đến chức năng thận bị giảm nghiêm trọng, không còn đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Các phương pháp điều trị như dùng thuốc và lọc máu có thể ngăn suy thận mạn giai đoạn đầu tiến triển đến giai đoạn cuối.

Suy thận mạn giai đoạn 4: Điều trị và tiên lượng
Suy thận mạn giai đoạn 4: Điều trị và tiên lượng

Ở giai đoạn 4 của bệnh suy thận mạn, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục. Tuy nhiên, vẫn còn có những cách để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Suy thận mạn giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tuổi thọ
Suy thận mạn giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tuổi thọ

Suy thận mạn giai đoạn 3 là giai đoạn mà thận bị tổn thương mức độ nhẹ đến vừa, chức năng thận kém hơn so với giai đoạn 2. Lúc này, người bệnh sẽ bắt đầu gặp các triệu chứng rõ rệt hơn của suy thận mạn.

Giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp là gì?
Giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp là gì?

Suy thận cấp thường làm giảm lượng nước tiểu. Tình trạng này được gọi là thiểu niệu. Trong giai đoạn thiểu niệu của suy thận cấp, lượng nước tiểu ở mức thấp nhất. Tình trạng thiểu niệu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiên lượng của người bệnh.

Suy thận mạn giai đoạn 4 còn sống được bao lâu?
Suy thận mạn giai đoạn 4 còn sống được bao lâu?

Ở giai đoạn 4 của bệnh suy thận mạn, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục. Tuy nhiên, vẫn còn có những cách để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây