Các dấu hiệu cho thấy suy thận mạn đang tiến triển nặng
Suy thận là gì?
Suy thận là tình trạng thận bị tổn thương và không thể hoạt động hiệu quả. Thận có chức năng quan trọng trong cơ thể, gồm có loại bỏ chất thải trong máu, kiểm soát huyết áp, giữ cho xương khỏe mạnh và điều hòa sự cân bằng các chất hóa học trong máu. Vì thế nên khi chức năng thận suy giảm, nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sẽ phát sinh.
Suy thận mạn là khi chức năng thận giảm từ từ, tiến triển theo thời gian và không thể đảo ngược. Điều này khác với suy thận cấp, tình trạng thận chỉ bị tổn thương tạm thời và vẫn có thể phục hồi được.
Suy thận mạn gồm có 5 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 – 3, thận vẫn có thể lọc chất thải ra khỏi máu. Nhưng khi sang đến giai đoạn 4 và 5, thận gần như không còn khả năng lọc máu hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn. Ở giai đoạn 5 hay giai đoạn cuối của suy thận mạn, chức năng thận chỉ còn khoảng 15% so với mức bình thường hoặc thậm chí thấp hơn.
Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn. Ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 và suy thận mạn, việc không kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ khiến cho thận ngày càng bị tổn thương nặng. Do đó, người bệnh cần theo dõi sát sao các triệu chứng.
Một số chủng tộc có nguy cơ mắc suy thận mạn cao hơn, ví dụ như người da đen và người gốc Latin. Đặc biệt, người da đen có nguy cơ bị suy thận cao hơn gấp ba lần so với người da trắng. Một lý do cho điều này là sự chênh lệch về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Suy thận còn có mối liên hệ với bệnh tim mạch. Suy thận mạn khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến thận và theo thời gian, điều này có thể dẫn đến bệnh tim. Tình trạng này còn có thể gây ra những vấn đề về huyết áp.
Nếu bạn đang mắc bệnh suy thận mạn thì dưới đây là một số triệu chứng mà bạn cần lưu ý.
Các dấu hiệu cho thấy suy thận mạn tiến triển nặng
Có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng suy thận mạn đang tiến triển nặng.
Một số triệu chứng xảy ra từ từ trong khi một số khác lại xảy đến nhanh chóng, vì vậy điều quan trọng là phải đi khám thường xuyên để theo dõi chức năng thận, ngay cả khi cảm thấy khỏe mạnh bình thường.
Dưới đây một số triệu chứng mà người bệnh cần chú ý:
- Đau thắt lưng hoặc vùng hạ sườn
- Mệt mỏi, uể oải
- Sưng phù, đặc biệt là ở bàn tay, bàn chân hoặc dưới mắt
- Miệng có vị kim loại
- Ăn uống kém
- Cảm giác lạnh
- Kém tập trung
- Hụt hơi
- Ngứa
- Chuột rút ở tay và chân
- Buồn nôn và nôn mửa
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc một bệnh thứ phát do suy thận mạn, gồm có thiếu máu, rối loạn khoáng chất, vấn đề về xương, tích nước, và toan chuyển hóa.
Thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng cơ thể có quá ít hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đến các mô trong cơ thể.
Các triệu chứng thường gặp của thiếu máu gồm có mệt mỏi, thiếu sức lực, chóng mặt, da nhợt nhạt, hụt hơi, đau đầu.
Rối loạn khoáng chất và xương
Rối loạn khoáng chất là khi nồng độ các khoáng chất trong cơ thể, gồm có canxi và phốt phát, trở nên mất cân bằng. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương và gây ra các triệu chứng như đau nhức xương khớp, cử động khó khăn và xương dễ gãy.
Tích nước
Thận có chức năng đào thải lượng nước dư thừa và nhờ đó duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể. Do đó, khi thận không hoạt động bình thường, nước dư thừa sẽ tích tụ và gây ra các triệu chứng như phù nề, thường là ở bàn chân và cẳng chân, tăng cân đột ngột và khó thở.
Toan chuyển hóa
Toan chuyển hóa là khi axit tích tụ trong cơ thể do thận không hoạt động bình thường.
Các triệu chứng của toan chuyển hóa gồm có nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn và chán ăn.
Hãy đi khám ngay khi nhận thận bất kỳ triệu chứng mới nào hoặc các triệu chứng cũ trở nên nặng thêm hoặc bạn nghi ngờ mình mắc một bệnh thứ phát do suy thận mạn.
Các triệu chứng mà mỗi người gặp phải khi suy thận mạn tiến triển nặng là khác nhau. Xét nghiệm máu kiểm tra độ lọc cầu thận (eGFR) và xét nghiệm albumin trong nước tiểu sẽ giúp xác định giai đoạn suy thận mạn và theo dõi sự tiến triển của bệnh.
Cách theo dõi các triệu chứng suy thận mạn
Theo dõi sát sao các triệu chứng sẽ giúp kiểm soát tình trạng suy thận mạn tốt hơn. Nếu như bạn bị cao huyết áp hoặc tiểu đường thì cần phải đo huyết áp hoặc đường huyết thường xuyên.
Bạn cũng cần theo dõi các kết quả xét nghiệm, chẳng hạn như chỉ số eGFR và albumin trong nước tiểu cũng như các thông tin khác ở những buổi tái khám để theo dõi sức khỏe thận.
Cách đơn giản nhất để theo dõi các triệu chứng là ghi vào một cuốn sổ hoặc ứng dụng ghi chú trên điện thoại. Hãy ghi đầy đủ các thông tin cần thiết, gồm có ngày, giờ, triệu chứng gặp phải, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và những điều mà bạn nghi ngờ là nguyên nhân gây ra triệu chứng.
Hãy theo dõi và ghi lại cả những gì giúp làm giảm cũng như làm tăng nặng các triệu chứng.
Tóm tắt bài viết
Suy thận mạn là một bệnh lý không thể chữa khỏi nhưng điều trị sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục,… Điều quan trọng là người bệnh phải nhận biết được các triệu chứng cho thấy tình trạng bênh đang tiến triển xấu và đi khám càng sớm càng tốt. Điều nầy sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của suy thận mạn.
Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.
Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.
Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến thận và dẫn đến suy thận. Vấn đề về thận thường xảy ra vào các giai đoạn sau của ung thư.