1

Các biến chứng thường gặp trong quá trình lọc máu điều trị suy thận

Lọc máu là một phương pháp điều trị suy thận. Trong quá trình lọc máu, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng như tụt huyết áp, mất cân bằng khoáng chất, cục máu đông, nhiễm trùng, tăng cân,…Trong quá trình điều trị, các y bác sĩ sẽ giúp người bệnh kiểm soát các vấn đề này để tránh dẫn đến các biến chứng về lâu dài. Trong bài viết này hãy cùng tìm hiểu về biến chứng của các phương pháp lọc máu, gồm có nguyên nhân và cách khắc phục.
Các biến chứng thường gặp trong quá trình lọc máu điều trị suy thận Các biến chứng thường gặp trong quá trình lọc máu điều trị suy thận

Các phương pháp lọc máu

Lọc máu là một phương pháp điều trị dành cho những người có chức năng thận kém. Lọc máu giúp loại bỏ chất thải, chất độc và dịch dư thừa trong máu. Lý do chính cần phải lọc máu là suy thận mạn giai đoạn cuối. Có ba loại lọc máu là chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và liệu pháp thay thế thận.

Chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo là phương pháp sử dụng một thiết bị bên ngoài cơ thể để lọc chất thải ra khỏi máu.

Trước khi bắt đầu chạy thận nhân tạo, người bệnh sẽ phải làm phẫu thuật tạo đường vào mạch máu (cầu tay), thường là ở cánh tay hoặc cổ. Sau đó, đường vào này được nối với máy chạy thận nhân tạo. Máu được đưa ra khỏi cơ thể người bệnh vào máy và máu sau khi lọc sẽ được đưa trở lại cơ thể.

Lọc màng bụng

Lọc màng bụng hay thẩm phân phúc mạc sử dụng màng bụng của người bệnh để lọc máu. Trước khi bắt đầu lọc màng bụng, người bệnh sẽ được đặt ống thông vào ổ bụng. Dịch lọc được bơm qua ống thông vào bên trong khoang bụng, sau đó sẽ trực tiếp hấp thụ chất thải từ máu. Dịch lọc được ngâm trong ổ bụng trong 4 – 8 tiếng, tùy vào nồng độ dịch rồi được xả ra ngoài. Sau đó, quy trình được lặp lại.

Lọc màng bụng có thể được thực hiện tại nhà của người bệnh và có thể được thực hiện khi người bệnh ngủ vào ban đêm.

Liệu pháp thay thế thận liên tục

Liệu pháp thay thế thận liên tục (continuous renal replacement therapy) hay còn gọi là siêu lọc cũng sử dụng thiết bị để lọc chất thải ra khỏi máu.

Liệu pháp thay thế thận liên tục được thực hiện tại bệnh viện và thường dành cho những trường hợp suy thận cấp do một số bệnh lý gây ra.

Biến chứng của các phương pháp lọc máu

Lọc máu là giải pháp cần thiết khi thận không còn khả năng thực hiện chức năng bình thường. Tuy nhiên, lọc máu đi kèm một số rủi ro và biến chứng.

Vấn đề phổ biến nhất mà người bệnh gặp phải trong quá trình lọc máu là mệt mỏi. Tình trạng này xảy ra với cả hai loại lọc máu. Ngoài ra, mỗi phương pháp lọc màu còn tiềm ẩn những biến chứng khác.

Chạy thận nhân tạo

  • Tụt huyết áp: Tụt huyết áp trong quá trình chạy thận nhân tạo xảy ra do cơ thể đột ngột bị mất một lượng lớn chất lỏng. Tụt huyết áp gây ra một số triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi và mắt mờ.
  • Chuột rút: Chuột rút có thể xảy ra trong quá trình chạy thận nhân tạo do thay đổi sự cân bằng chất lỏng hoặc khoáng chất trong cơ thể. Nồng lượng natri, magie, canxi và kali trong máu thấp đều có thể gây chuột rút.
  • Ngứa: Trong khoảng thời gian giữa các lần chạy thận nhân tạo, chất thải có thể tích tụ trong máu. Tình trạng này có thể gây ngứa ngáy. Nếu ngứa chủ yếu xảy ra ở chân thì đó cũng có thể là do hội chứng chân không yên (restless legs syndrome).
  • Cục máu đông: Đôi khi, việc tạo đường vào mạch máu khiến cho các mạch máu bị thu hẹp. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây sưng phù ở nửa thân trên hoặc thậm chí là hình thành cục máu đông.
  • Nhiễm trùng: Việc thường xuyên đâm kim hoặc ống thông trong quá trình lọc máu làm tăng nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ có thể bị nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng máu. Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng máu có thể dẫn đến tử vong.
  • Các biến chứng khác: Các rủi ro và biến chứng khác của phương pháp chạy thận nhân tạo gồm có thiếu máu, khó ngủ, bệnh tim mạch và ngừng tim. Nhiều biến chứng trong số này là do sự mất cân bằng chất lỏng và khoáng chất xảy ra trong quá trình lọc máu.

Lọc màng bụng

Ngoài nguy cơ nhiễm trùng, các biến chứng phổ biến của phương pháp lọc màng bụng mạc hơi khác với chạy thận nhân tạo.

  • Viêm phúc mạc: Đây là tình trạng phúc mạc bị nhiễm trùng, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào phúc mạc trong quá trình đặt hoặc sử dụng ống thông. Các triệu chứng của viêm phúc mạc gồm có đau bụng, chướng bụng, sốt, buồn nôn, giảm lượng nước tiểu, khát nước và tiêu chảy.
  • Thoát vị: Thoát vị xảy ra khi một cơ quan hoặc mô mỡ nhô qua một lỗ hở trên cơ. Những người điều trị bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc có nguy cơ bị thoát vị thành bụng do dịch lọc tạo thêm áp lực lên thành bụng. Dấu hiệu phổ biến nhất của thoát vị thành bụng là có chỗ phình trên thành bụng.
  • Tăng đường huyết: Dịch lọc chứa dextrose, đây là một loại đường thường được sử dụng trong quá trình nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Các loại đường như dextrose làm tăng lượng đường trong máu, điều này khiến những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị tăng đường huyết trong quá trình lọc màng bụng.
  • Tăng kali máu: Tình trạng nồng độ kali trong máu tăng cao. Đây cũng là một biến chứng phổ biến của bệnh suy thận. Giữa các lần lọc máu, kali có thể tích tụ trong máu do không được lọc khỏi cơ thể.
  • Tăng cân: Người bệnh có thể bị tăng cân trong quá trình lọc màng bụng do lượng calo từ dịch lọc. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác cũng có thể dẫn đến tăng cân trong quá trình lọc máu, chẳng hạn như ít vận động và thay đổi chế độ dinh dưỡng.
  • Các biến chứng khác: Ở một số người, sự căng thẳng và lo âu trong quá trình lọc máu liên tục có thể dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa lọc máu và tăng nguy cơ sa sút trí tuệ sau này.

Liệu pháp thay thế thận liên tục

Rủi ro và biến chứng của liệu pháp thay thế thận liên tục chưa được nghiên cứu nhiều như các phương pháp lọc máu khác. Theo một nghiên cứu từ năm 2015, các biến chứng phổ biến nhất của liệu pháp thay thế thận liên tục gồm có:

  • Hạ canxi máu (nồng độ canxi trong máu thấp)
  • Tăng canxi máu (nồng độ canxi trong máu cao)
  • Tăng phốt pho máu (nồng độ phốt pho trong máu cao)
  • Tụt huyết áp
  • Hạ thân nhiệt
  • Rối loạn nhịp tim
  • Thiếu máu
  • Giảm tiểu cầu

Điều trị biến chứng lọc máu

Nhiều biến chứng của lọc máu, gồm có tụt huyết áp và các vấn đề về tim mạch, xảy ra do mất cân bằng dinh dưỡng trong quá trình điều trị. Người bện có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống phù hợp, gồm có những gì nên ăn và những gì nên tránh.

Ngoài ra, người bệnh có thể thực hiện các cách dưới đây để giảm nguy cơ biến chứng do lọc máu:

  • Kiểm tra cầu tay thường xuyên, điều này giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng
  • Tập thể dục đều đặn cường độ nhẹ đến vừa để duy trì cân bằng khỏe mạnh hoặc giảm cân
  • Uống đủ nước để tránh bị mất nước. Tuy nhiên, người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về lượng nước uống. Không nên uống quá nhiều nước.
  • Tăng tần suất lọc máu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều này có thể làm giảm nguy cơ tụt huyết áp và tăng cân.
  • Dành thời gian cho các hoạt động yêu thích, điều này sẽ giúp cải thiện tâm trạng trong quá trình điều trị

Các triệu chứng bất thường

Hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây trong hoặc sau khi lọc máu:

  • Khó thở
  • Lú lẫn hoặc khó tập trung
  • Chân tay đau, đỏ hoặc sưng
  • Sốt trên 38°c (101°f)
  • Ngất xỉu

Những triệu chứng này có thể do tụt huyết áp, tăng đường huyết, cục máu đông hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng và cần được điều trị khẩn cấp.

Tiên lượng

Người bị suy thận mạn giai đoạn cuối cần lọc máu suốt đời. Điều này có nghĩa là người bệnh có thể sẽ thường xuyên gặp phải các biến chứng kể trên. Tuy nhiên, kiểm soát tốt các triệu chứng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp tránh gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.

Tóm tắt bài viết

Các biến chứng phổ biến nhất của chạy thận nhân tạo gồm có tụt huyết áp, nhiễm trùng ở vị trí cầu tay, chuột rút, ngứa ngáy và cục máu đông. Các biến chứng phổ biến nhất của lọc màng bụng gồm có viêm phúc mạc, thoát vị, tăng đường huyết, mất cân bằng kali và tăng cân. biến chứng phổ biến nhất của liệu pháp thay thế thận liên tục là thay đổi nồng độ canxi, phốt pho trong máu, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, thiếu máu và giảm tiểu cầu.

Hãy báo ngay cho bác sĩ khi nhận thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào trong quá trình điều trị. Đôi khi, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát các biến chứng.

Nếu có triệu chứng tụt huyết áp, tăng đường huyết, cục máu đông hoặc nhiễm trùng thì cần phải đến bệnh viện khám ngay lập tức.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: quá trình, biến chứng
Tin liên quan
Suy thận mạn giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tuổi thọ
Suy thận mạn giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tuổi thọ

Suy thận mạn giai đoạn 3 là giai đoạn mà thận bị tổn thương mức độ nhẹ đến vừa, chức năng thận kém hơn so với giai đoạn 2. Lúc này, người bệnh sẽ bắt đầu gặp các triệu chứng rõ rệt hơn của suy thận mạn.

Các biến chứng của bênh suy thận mạn
Các biến chứng của bênh suy thận mạn

Nêu không được điều trị, tình trạng suy giảm chức năng thận nó có thể dẫn đến biến chứng ở các vùng khác trên cơ thể.

Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối
Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối

Mỗi quả thận có những đơn vị lọc máu nhỏ gọi là nephron. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các đơn vị lọc máu này bị hỏng và lọc máu kém, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Suy thận mạn giai đoạn 2: Dấu hiệu, điều trị và tiên lượng
Suy thận mạn giai đoạn 2: Dấu hiệu, điều trị và tiên lượng

Suy thận mạn hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu vì mức độ tổn thương lúc này mới chỉ rất nhẹ và do đó không biểu hiện triệu chứng. Nếu không được điều trị, chức năng thận sẽ tiếp tục giảm và suy thận mạn giai đoạn đầu sẽ tiến triển sang giai đoạn 2.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây