Suy thận có được dùng statin không?
Suy thận là gì?
Bệnh thận mạn tính xảy ra khi thận bị tổn thương và không còn thực hiện chức năng như bình thường. Cuối cùng, điều này có thể dẫn đến suy thận – tình trạng mà thận bị giảm hoặc hoàn toàn không còn khả năng lọc máu để đào thải độc tố, dịch thừa trong máu và các chất thải khác ra khỏi cơ thể.
Sự tích tụ các chất này trong cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra nhiều vấn đề về sức khỏe như thiếu máu, xương yếu và suy dinh dưỡng.
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong chính ở những người bị bệnh thận và đó là lý do tại sao người bệnh thường được kê các loại thuốc để kiểm soát cholesterol và huyết áp, chẳng hạn như statin. Statin là một nhóm thuốc có tác dụng giảm cholesterol trong máu nhưng những loại thuốc này lại được cho là có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thận.
Vậy, các loại thuốc nhóm statin có an toàn cho người bị bệnh thận mạn không?
Điều trị suy thận
Những người bị suy thận và không phẫu thuật ghép thận sẽ phải điều trị bằng phương pháp lọc máu ngoài thận, trong đó máu được đưa ra khỏi cơ thể vào trong một thiết bị lọc để loại bỏ chất độc và dịch thừa, sau đó máu được đưa trở lại cơ thể. Bệnh nhân suy thận còn phải sử dụng các loại thuốc để điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan đến suy thận, chẳng hạn như:
- Thuốc điều trị cao huyết áp
- Thuốc kiểm soát đường huyết
- Thuốc hạ cholesterol
- Thuốc điều trị thiếu máu
- Thuốc giảm sưng phù do tích nước
Bên cạnh đó có thể cần dùng thêm thực phẩm chức năng như viên uống bổ sung canxi hoặc vitamin D để tăng cường sức khỏe xương.
Cơ chế tác dụng của statin
Statin là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị cholesterol cao. Các nghiên cứu cho thấy nhóm thuốc này có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tim. (1)
Nồng độ lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay cholesterol xấu trong máu tăng quá cao sẽ gây hình thành mảng xơ vữa trong mạch máu, khiến cho lòng mạch máu bị thu hẹp lại và dẫn đến tắc nghẽn. Statin có tác dụng ngăn cản hoạt động của một loại enzyme kiểm soát sản xuất cholesterol trong gan. Một số loại thuốc trong nhóm này còn giúp làm giảm mảng xơ vữa đã tích tụ trong mạch máu.
Statin có dạng viên uống và là một loại thuốc kê đơn. Thông thường, bác sĩ sẽ kê statin nếu nồng độ LDL cholesterol trên 100 mg/dL và người bệnh có các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao.
Bảy loại statin thường được sử dụng phổ biến là:
- simvastatin (Zocor)
- pitavastatin (Livalo)
- fluvastatin (Lescol)
- lovastatin (Altoprev)
- pravastatin (Pravachol)
- rosuvastatin (Crestor)
- atorvastatin (Lipitor)
Statin có an toàn cho người bị suy thận không?
Statin đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm cholesterol nhưng còn nhiều ý kiến tranh luận về tính an toàn của việc sử dụng nhóm thuốc này ở những người mắc bệnh thận.
Một nghiên cứu cho thấy rằng statin có thể giúp ngăn ngừa nhồi máu cơ tim ở những người bị bệnh thận mạn giai đoạn đầu nhưng hầu như không có tác dụng đối với những bệnh nhân đang phải lọc máu. (2) Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng statin liều cao có thể gây tổn thương thận và nguy cơ trong 120 ngày đầu điều trị cao hơn 34% so với khoảng thời gian sau đó nhưng chưa rõ statin liều thấp có gây ra vấn đề tương tự hay không. (3) Do đó vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa, đặc biệt là các nghiên cứu được thực hiện trên những người bị bệnh thận.
Trong những trường hợp bị suy thận, bác sĩ sẽ cân nhắc những lợi ích và rủi ro của việc dùng statin trước khi kê thuốc. Những người bị cả bệnh tim và suy thận có thể sẽ được kê statin trong khi những người chỉ bị suy thận và không có dấu hiệu bệnh tim sẽ được kê các loại thuốc khác.
Các rủi ro khác khi dùng statin
Tổn thương thận chỉ là một trong những tác dụng phụ của statin. Nhóm thuốc này còn có các tác dụng phụ khác như đau nhức hoặc yếu cơ, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, đỏ bừng và phát ban da, tổn thương gan, tổn thương cơ, đường huyết tăng vọt (điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2) hoặc các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn và táo bón.
Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối thường phải điều trị bằng phương pháp lọc máu. Một giải pháp nữa để điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối là ghép thận. Trong ca phẫu thuật ghép thận, một hoặc cả hai quả thận của người bệnh được thay thế bằng thận của người hiến tặng (còn sống hoặc chết não).
Nói chung ghép thận có tỷ lệ thành công cao. Phương pháp này giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Có tới 97% ca ghép thận sống thêm được ít nhất 1 năm.
Ở giai đoạn 4 của bệnh suy thận mạn, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục. Tuy nhiên, vẫn còn có những cách để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.