Suy thận sau phẫu thuật tim có phục hồi được không?
Tim và thận có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi tim bị tổn thương do bệnh động mạch vành, vấn đề về van tim hoặc suy tim, thận cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Phẫu thuật điều trị vấn đề về tim cũng có thể gây tổn thương hay suy giảm chức năng thận tạm thời.
Vậy tại sao phẫu thuật tim lại ảnh hưởng đến chức năng thận và làm thế nào để giảm nguy cơ suy thận sau phẫu thuật tim? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây suy thận sau phẫu thuật tim
Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy suy thận là một biến chứng chính của một số loại phẫu thuật tim. Theo nghiên cứu này, phẫu thuật van động mạch chủ là loại phẫu thuật tim có nguy cơ suy thận cao nhất. (1)
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng mặc dù các biến chứng về thận phổ biến hơn sau khi phẫu thuật van động mạch chủ nhưng tiên lượng về ngắn hạn và dài hạn lại tốt hơn so với biến chứng thận sau các loại phẫu thuật tim khác.
Khi vấn đề về tim nghiêm trọng đến mức phải phẫu thuật để điều trị thì thường thận cũng đang phải làm việc quá sức.
Chức năng tim kém có thể khiến máu ứ đọng trong tĩnh mạch thận, điều này ảnh hưởng đến khả năng lọc chất thải và chất độc khỏi máu của thận. Tuần hoàn máu kém còn khiến thận không được cung cấp đủ máu giàu oxy.
Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy các vấn đề về thận xảy ra sau phẫu thuật tim thường là do các bệnh lý đã có từ trước, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và cao huyết áp hoặc do các biến chứng của ca phẫu thuật hoặc phục hồi sau phẫu thuật trong phòng chăm sóc đặc biệt. (2)
Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2022 chỉ ra thời gian sử dụng tim phổi nhân tạo trước, trong và ngay sau phẫu thuật càng lâu thì thận càng phải làm việc nhiều và có nguy cơ bị tổn thương.
Một báo cáo vào năm 2023 về tổn thương thận liên quan đến phẫu thuật tim cho thấy rằng tụt huyết áp và giảm lưu lượng máu từ tim (sốc tim) là những biến chứng phổ biến. Tình trạng giảm lưu lượng máu đến thận do những biến chứng này có thể khiến thận bị tổn thương.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ suy thận sau phẫu thuật tim
Những người bị bệnh thận trước khi phẫu thuật tim sẽ có nguy cơ gặp phải biến chứng về thận sau phẫu thuật cao hơn.
Ngoài ra còn có các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ suy thận sau phẫu thuật tim. Một nghiên cứu vào năm 2021 đã xác định một số yếu tố chính, gồm có:
- Tuổi cao
- Là phụ nữ
- Có vấn đề về tim, thận hoặc cả hai trước khi phẫu thuật
- Ca phẫu thuật đặc biệt phức tạp hoặc được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp cũng làm tăng nguy cơ suy thận sau phẫu thuật tim.
Phòng ngừa suy thận sau phẫu thuật tim
Một số cách có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm nguy cơ tổn thương thận sau phẫu thuật tim:
- Sử dụng corticoid để giảm viêm và giảm bớt khối lượng công việc cho thận
- Không phẫu thuật tim trong 24 đến 72 giờ sau khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng thuốc cản quang vì thuốc cản quang có thể gây tổn hại đến thận trong quá trình chúng được đào thải khỏi cơ thể
- Chú ý hơn đến huyết động học, gồm có cung lượng tim, áp lực động mạch và các chức năng liên quan đến tim khác
Điều trị suy thận sau phẫu thuật tim
Có hai phương pháp chính để điều trị suy thận sau phẫu thuật tim là lọc máu và ghép thận. Đây cũng là hai phương pháp điều trị suy thận không do phẫu thuật tim.
Loại lọc máu được sử dụng phổ biến nhất là chạy thận nhân tạo, trong đó sử dụng một thiết bị bên ngoài cơ thể để loại bỏ chất thải và chất độc ra khỏi máu thay cho thận. Người bệnh sẽ phải lọc máu nhiều lần. Tần suất và thời gian mỗi lần điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy thận. Khi chức năng tim và tình trạng sức khỏe tổng thể được cải thiện sau phẫu thuật, người bệnh có thể ngừng lọc máu hoặc giảm tần suất điều trị.
Không có cách nào có thể chữa khỏi suy thận hoàn toàn. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị y tế và thay đổi lối sống có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và đôi khi có thể phục hồi một phần chức năng thận.
Ghép thận có thể giúp những người bị suy thận có sức khỏe tốt hơn và sống lâu hơn. Có thể ghép thận từ người hiến còn sống hoặc người hiến chết não. Nếu ghép thận thành công, người bệnh có thể ngừng lọc máu.
Tiên lượng suy thận sau phẫu thuật tim
Tiên lượng của người bị suy thận sau phẫu thuật tim phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể.
Theo Quỹ Thận Hoa Kỳ (American Kidney Fund), những người bị suy thận được điều trị bằng lọc máu có thể sống thêm từ 5 đến 10 năm. (3)
Ghép thận có thể giúp người bệnh sống thêm 10 đến 20 năm, tùy thuộc vào việc ghép thận từ người hiến chết não hay người hiến còn sống.
Tóm tắt bài viết
Khoảng 30% số người phẫu thuật tim bị tổn thương thận nghiêm trọng nhưng nhiều người trong số này đã có nguy cơ mắc các vấn đề về thận từ trước khi trải qua phẫu thuật.
Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật tim, bao gồm cả suy thận cũng như các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ.
Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối thường phải điều trị bằng phương pháp lọc máu. Một giải pháp nữa để điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối là ghép thận. Trong ca phẫu thuật ghép thận, một hoặc cả hai quả thận của người bệnh được thay thế bằng thận của người hiến tặng (còn sống hoặc chết não).
Nói chung ghép thận có tỷ lệ thành công cao. Phương pháp này giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Có tới 97% ca ghép thận sống thêm được ít nhất 1 năm.
Ở giai đoạn 4 của bệnh suy thận mạn, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục. Tuy nhiên, vẫn còn có những cách để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.