Ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến suy thận?
Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phát sinh từ các tế bào trong cổ tử cung – bộ phận nằm bên dưới tử cung, nối tử cung với âm đạo. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, chẳng hạn như thận. Trên thực tế, không ít phụ nữ bị suy thận sau khi ung thư cổ tử cung tiến triển sang giai đoạn cuối.
Cùng tìm hiểu về mối liên hệ giữa ung thư cổ tử cung và suy thận, một số dấu hiệu cần lưu ý và các lựa chọn điều trị.
Mối liên hệ giữa ung thư cổ tử cung và suy thận
Sau khi xác nhận chẩn đoán ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn ung thư hay mức độ di căn của ung thư trong cơ thể, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và tiên lượng bệnh.
Càng về các giai đoạn sau thì ung thư càng lây lan rộng trong cơ thể. Ung thư cổ tử cung thường di căn đến thận vào giai đoạn 3 hoặc giai đoạn cuối.
Suy thận là tình trạng mà thận bị giảm hoặc hoàn toàn không còn khả năng lọc máu để đào thải chất độc và dịch thừa ra khỏi cơ thể. Suy thận có thể xảy ra sau một thời gian dài thận bị tổn thương, nguyên nhân thường là do các bệnh lý như tiểu đường hoặc cao huyết áp.
Ung thư cổ tử cung cũng có thể gây tổn thương thận và dẫn đến suy thận.
Ung thư cổ tử cung dẫn đến suy thận như thế nào?
Ung thư cổ tử cung di căn đến các khu vực khác trong khoang chậu có thể gây tắc nghẽn một hoặc cả hai niệu quản - ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Điều này có thể dẫn đến một tình trạng gọi là thận ứ nước.
Tình trạng này xảy ra khi niệu quản bị tắc nghẽn khiến nước tiểu ứ lại trong thận. Thận ứ nước có thể dẫn đến suy thận nếu như không được điều trị. Các cách điều trị thận ứ nước gồm có:
- Đặt stent: Một ống kim loại nhỏ được đặt vào niệu quản bị tắc. Stent giúp mở rộng niệu quản bị thu hẹp để nước tiểu có thể chảy bình thường từ thận đến bàng quang.
- Dẫn lưu bể thận qua da: Một ống dài được đưa qua da vào bên thận có vấn đề để dẫn nước tiểu ứ trong thận ra ngoài. Đây là một giải pháp cho những trường hợp không thể đặt stent.
Tổn thương thận cũng có thể xảy ra do tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung, chẳng hạn như thuốc hóa trị cisplatin – một loại thuốc có độc tính trên thận. Mặc dù tác dụng phụ này thường chỉ là tạm thời và thận sẽ hồi phục lại nhưng liều lượng thuốc lớn hoặc việc điều trị lặp lại có thể dẫn đến suy thận.
Suy thận do cisplatin là vấn đề có thể ngăn ngừa được. Nếu xảy ra vấn đề về thận khi điều trị bằng cisplatin, bác sĩ sẽ đổi sang một loại thuốc hóa trị khác để ngăn ngừa tổn thương thêm.
Ngoài ra, ung thư cổ tử cung có thể di căn đến thận, dẫn đến tổn thương và suy thận. Tuy nhiên, điều này rất hiếm khi xảy ra.
Những dấu hiệu cho thấy thận bị tổn thương
Những phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cần nhận biết các dấu hiệu tổn thương thận để có thể đi khám và điều trị kịp thời.
Một số dấu hiệu cho thấy đang có vấn đề xảy ra ở thận:
- Sưng phù cẳng chân, mắt cá chân hoặc bàn chân
- Đi tiểu ít
- Mệt mỏi
- Khó ngủ (mất ngủ)
- Ngứa ngáy
- Ăn không ngon miệng
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Chuột rút cơ
- Giảm trí nhớ hoặc giảm khả năng tập trung (sương mù não)
Cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu gặp các triệu chứng như:
- Không thể đi tiểu
- Buồn nôn hoặc nôn liên tục
- Hụt hơi
- Đau dai dẳng ở bụng, mạn sườn hoặc lưng
- Đau hoặc tức ngực
- Đầu óc lú lẫn
- Co giật
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương thận
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ suy thận khi bị ung thư cổ tử cung gồm có:
- Điều trị bằng thuốc hóa trị cisplatin hoặc các loại thuốc khác có độc tính trên thận
- Tuổi cao
- Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh thận
- Từng bị tổn thương thận trước đây
- Mắc các bệnh lý khác như tiểu đường hoặc cao huyết áp
Không phải ai có các yếu tố nguy cơ này cũng bị suy thận khi mắc ung thư cổ tử cung nhưng những người có một hoặc nhiều yếu tố nêu trên sẽ có nguy cơ suy thận cao hơn bình thường.
Điều trị suy thận
Nhìn chung, suy thận thường được điều trị bằng phương pháp lọc máu. Có nhiều loại lọc máu nhưng hai loại chính là:
- Chạy thận nhân tạo: Đây là phương pháp đưa máu ra khỏi cơ thể vào trong một thiết bị lọc để loại bỏ chất thải và dịch thừa ra khỏi máu. Sau đó, máu đã lọc sẽ được đưa trở lại cơ thể.
- Thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng): Phương pháp này sử dụng chính màng bụng của bệnh nhân để lọc máu. Trong quá trình điều trị, dung dịch thẩm tách được đưa vào ổ bụng qua một ống thông. Trong vòng một vài giờ, dung dịch này sẽ hấp thụ chất thải và dịch thừa trong máu, sau đó được thải ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, phương pháp lọc máu cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Trước khi bắt đầu, bác sĩ cần trao đổi cụ thể với bệnh nhân về quá trình lọc máu, những rủi ro và ảnh hưởng đến việc điều trị cũng như là tiên lượng ung thư.
Những trường hợp suy thận giai đoạn cuối có thể phải phẫu thuật ghép thận. Tuy nhiên, bệnh nhân phải đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe để đảm bảo an toàn cho ca phẫu thuật và phục hồi sau phẫu thuật. Do đó, các bác sĩ thường không chỉ định ghép thận cho những trường hợp đang bị ung thư.
Tiên lượng khi bị ung thư cổ tử cung và suy thận
Suy thận thường xảy ra ở những trường hợp ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn, khi mà ung thư đã di căn đến các cơ quan lân cận hoặc ở xa trong cơ thể. Những trường hợp này đa phần có tiên lượng xấu.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sau 5 năm của các trường hợp ung thư cổ tử cung đã di căn đến hạch bạch huyết lân cận là 58,2%. Tỷ lệ sống sau 5 năm của các trường hợp ung thư cổ tử cung đã di căn đến các khu vực ở xa là 17,6%. (1)
Nguyên nhân gây suy thận khi bị ung thư cổ tử cung cũng có thể là do thận ứ nước. Do đó, những trường hợp bị ung thư cổ tử cung và thận ứ nước sẽ có tiên lượng xấu hơn.
Một nghiên cứu vào năm 2015 đã phân tích hồ sơ bệnh án của 279 phụ nữ bị ung thư cổ tử cung. Kết quả cho thấy có tổng cộng 65 người (23%) bị bệnh thận ứ nước trong thời gian mắc ung thư. (2) Tình trạng này làm giảm khả năng sống sót của người bệnh.
Một nghiên cứu vào năm 2021 cũng có phát hiện tương tự. Nghiên cứu này được thực hiện trên những người bị ung thư cổ tử cung, so sánh 445 người bị thận ứ nước với 1.780 người không bị vấn đề này và phát hiện ra rằng những người bị thận ứ nước có nguy cơ tử vong cao hơn. (3)
Tóm tắt bài viết
Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến thận và dẫn đến suy thận. Vấn đề về thận thường xảy ra vào các giai đoạn sau của ung thư.
Nguyên nhân gây suy thận trong các trường hợp ung thư cổ tử cung thường là do tắc nghẽn niệu quản, dẫn đến thận ứ nước nhưng suy thận cũng có thể xảy ra do một số loại thuốc hóa trị hoặc do ung thư di căn đến thận.
Suy thận thường phải điều trị bằng phương pháp lọc máu để loại bỏ chất thải và dịch thừa ra khỏi máu. Những trường hợp suy thận giai đoạn cuối có thể phải phẫu thuật ghép thận.
Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.
Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.
Mỗi quả thận có những đơn vị lọc máu nhỏ gọi là nephron. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các đơn vị lọc máu này bị hỏng và lọc máu kém, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh tiểu đường và cao huyết áp.
Bệnh thận mạn và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ hai chiều. Bệnh thận mạn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe tinh thần cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh thận mạn.