1

Tại sao bị suy thận cần hạn chế ăn kali?

Kali (potassium) là một khoáng chất quan trọng cho các chức năng bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, những người mắc bệnh suy thận lại phải cắt giảm lượng kali trong chế độ ăn uống. Tại sao lại như vậy và làm thế nào để cắt giảm kali?
Tại sao bị suy thận cần hạn chế ăn kali? Tại sao bị suy thận cần hạn chế ăn kali?

Tại sao người bị suy thận cần hạn chế kali?

Chức năng chính của thận là lọc máu để loại bỏ nước dư thừa và chất thải ra khỏi ra cơ thể.

Khi hoạt động bình thường, hai quả thận có thể lọc 120 – 150 lít máu mỗi ngày và tạo ra 1 đến 2 lít nước tiểu. Điều này giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất thải, đồng thời giữ các chất điện giải, chẳng hạn như natri, phốt phát và kali ở mức ổn định trong cơ thể.

Suy thận có nghĩa là chức năng thận suy giảm. Lúc này, thận sẽ không thể điều hòa mức kali một cách hiệu quả. Điều này sẽ khiến cho nồng độ kali trong máu tăng cao đến mức nguy hiểm.

Một số loại thuốc dùng để điều trị suy thận cũng làm tăng kali trong máu và khiến cho vấn đề càng thêm trầm trọng.

Tăng kali máu thường xảy ra từ từ trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như mệt mỏi hoặc buồn nôn.

Nếu mức kali tăng đột ngột, người bệnh sẽ còn cảm thấy khó thở, đau ngực và tim đập nhanh. Hãy đi khám ngay khi gặp những triệu chứng này. Tăng kali máu cần được điều trị khẩn cấp. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong.

Thực phẩm giàu kali và ít kali

Một trong những cách tốt nhất để giảm sự tích tụ kali trong máu là điều chỉnh chế độ ăn uống. Trước hết, người bệnh cần tìm hiểu loại thực phẩm nào chứa nhiều kali và loại thực phẩm nào chứa ít kali. Khi mua thực phẩm đóng gói, hãy đọc bảng thành phần dinh dưỡng để biết hàm lượng kali (potassium).

Bên cạnh loại thực phẩm, người bệnh còn phải chú ý đến lượng thực phẩm tiêu thụ. Kiểm soát khẩu phần cũng là điều rất quan trọng khi mắc bệnh suy thận. Ăn một lượng lớn thực phẩm chứa ít kali cũng có thể làm tăng mức kali trong cơ thể.

Thực phẩm chứa ít kali

Những thực phẩm chứa từ 200 mg kali trở xuống trong mỗi khẩu phần được coi là ít kali.

Một số loại thực phẩm ít kali gồm có:

  • Các loại quả mọng, chẳng hạn như dâu tây, mâm xôi và việt quất, nam việt quất
  • Táo
  • Bưởi
  • Dứa
  • Súp lơ trắng và xanh
  • Cà tím
  • Quả đậu
  • Gạo
  • Các món làm từ bột mì
  • Lòng trắng trứng
  • Cá ngừ
  • Thực phẩm chứa nhiều kali

Những thực phẩm chứa trên 200 mg kali trong mỗi khẩu phần được coi là nhiều kali.

Người mắc bệnh suy thận cần hạn chế các loại thực phẩm giàu kali như:

  • Chuối
  • Quả bơ
  • Nho khô
  • Mận
  • Cam
  • Cà chua
  • Đậu lăng
  • Cải bó xôi
  • Bắp cải
  • Khoai tây và khoai lang
  • Bí ngô
  • Mơ khô
  • Sữa
  • Cám ngũ cốc
  • Phô mai ít natri
  • Quả hạch như óc chó, hồ đào
  • Thịt bò
  • Thịt gà

Kiêng hoặc cắt giảm thực phẩm giàu kali là điều rất quan trọng đối với những người đang phải theo chế độ ăn hạn chế kali. Mỗi người có mức giới hạn kali khác nhau, điều này sẽ được bác sĩ hướng dẫn cụ thể nhưng thường là 2.000 mg kali mỗi ngày.

Nếu tình trạng suy giảm chức năng thận không quá nghiêm trọng thì người bệnh vẫn có thể ăn một lượng nhỏ thực phẩm giàu kali. Tốt nhất người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống cho hợp lý.

Cách giảm lượng kali từ rau củ quả

Nên ăn trái cây và rau củ tươi thay vì loại đóng hộp. Lý do là vì kali trong thực phẩm đóng hộp thường ngấm vào phần nước ngâm. Nếu sử dụng phần nước này để chế biến đồ ăn hoặc pha chế đồ uống thì nồng độ kali trong máu sẽ tăng vọt.

Phần nước trong thực phẩm đóng hộp, bao gồm cả thịt hộp và trái cây đóng hộp còn có hàm lượng muối cao và ăn nhiều muối sẽ cơ thể bị giữ nước. Điều này sẽ dẫn đến các biến chứng trên thận.

Nếu ăn thực phẩm đóng hộp thì hãy bỏ phần nước và rửa qua thực phẩm bằng nước sạch trước khi ăn. Điều này sẽ giúp làm giảm lượng kali tiêu thụ.

Nếu phải nấu một món ăn sử dụng rau củ giàu kali và không muốn thay bằng nguyên liệu khác thì bạn có thể thử các cách sau đây để giảm bớt hàm lượng kali. Cách này có thể áp dụng cho các loại thực phẩm như khoai tây, khoai lang, cà rốt, củ dền, bí…

  1. Gọt vỏ rau củ và ngâm trong nước lạnh để không bị thâm.
  2. Cắt rau củ thành các miếng dày khoảng 3cm.
  3. Rửa sạch rau củ trong nước ấm vài giây.
  4. Ngâm các miếng rau củ đã cắt trong nước ấm tối thiểu hai giờ. Sử dụng lượng nước gấp 10 lần lượng rau củ. Nếu ngâm lâu hơn thì hãy nhớ thay nước sau mỗi 4 giờ.
  5. Rửa lại rau củ dưới vòi nước ấm trong vài giây.
  6. Nấu rau củ với lượng nước gấp 5 lần lượng rau.

Người bị suy thận có thể ăn bao nhiêu kali?

Theo khuyến nghị, nam giới khỏe mạnh trên 19 tuổi nên ăn ít nhất 3.400 mg kali mỗi ngày và phụ nữ nên ăn 2.600 mg.

Tuy nhiên, những người bị suy thận cần thực hiện chế độ ăn hạn chế kali không nên ăn quá 2.000 mg kali mỗi ngày.

Người bị suy thận cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra mức kali. Kết quả xét nghiệm được tính bằng đơn vị mmol/L.

Nồng độ kali trong máu được chia thành 3 mức như sau:

  • 3,5 - 5,0 mmol/L: an toàn
  • 5,1 đến 6,0 mmol/L: hơi cao
  • 6.0 mmol/L trở lên: rất cao

Bác sĩ sẽ cho biết lượng kali mà người bệnh có thể ăn hàng ngày, đồng thời hướng dẫn các cách để hạn chế kali mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm định kỳ để theo dõi mức kali.

Không phải lúc nào tăng kali máu cũng có triệu chứng nên việc làm xét nghiệm định kỳ để theo dõi là rất quan trọng. Một số triệu chứng của tăng kali máu gồm có:

  • Mệt mỏi, uể oải
  • Tê hoặc châm chích
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Đau ngực
  • Rối loạn nhịp tim hoặc tim đập chậm

Những điều chỉnh chế độ ăn uống khác

Việc điều chỉnh chế độ ăn uống khi bị suy thận không quá phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ cần hiểu rõ những gì có thể ăn và những gì cần kiêng hoặc hạn chế.

Mỗi bữa không nên ăn quá nhiều thực phẩm giàu protein, chẳng hạn như thịt gà và thịt bò. Ăn nhiều protein sẽ khiến thận phải làm việc quá sức. Hãy cắt giảm lượng protein bằng cách kiểm soát khẩu phần ăn.

Mức độ hạn chế protein sẽ tùy thuộc vào mức độ suy thận. Người bệnh nên hỏi với bác sĩ về lượng protein có thể ăn mỗi ngày.

Natri có thể làm tăng cảm giác khát và dẫn đến uống quá nhiều nước hoặc gây tích nước và phù nề, cả hai đều có hại cho thận. Natri có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm đóng gói, vì vậy nên hãy nhớ đọc nhãn dinh dưỡng khi mua hàng.

Ngoài ra, cần hạn chế sử dụng muối khi nấu ăn. Có thể thử thay muối bằng các loại gia vị khác không chứa natri hoặc kali để tạo hương vị cho món ăn.

Người bệnh có thể cần dùng chất kết dính phốt phát để ngăn nồng độ phốt pho trong máu tăng quá cao. Mức phốt pho quá cao sẽ dẫn đến sự sụt giảm canxi và điều này sẽ làm suy yếu xương.

Người bệnh cũng nên hạn chế lượng cholesterol và tổng lượng chất béo trong chế độ ăn. Khi thận lọc máu kém hiệu quả, ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo sẽ càng gây hại cho cơ thể. Ăn uống không cân bằng còn có thể dẫn đến thừa cân và thừa cân sẽ gây tác động tiêu cực đến thận.

Tóm tắt bài viết

Hạn chế kali là điều rất quan trọng đối với những người bị suy thận. Khi tình trạng bệnh tiến triển, người bệnh sẽ tiếp tục cắt giảm kali và thực hiện thêm một số điều chỉnh khác trong chế độ ăn uống.

Người bệnh có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm và điều chỉnh khẩu phần ăn để bảo vệ sức khỏe thận mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.

Ngoài kali, người bị suy thận còn phải hạn chế một số chất khác như protein, natri và phốt pho.

Thay muối bằng các loại gia vị khác, ví dụ như thảo mộc sẽ giúp giảm lượng natri. Nhưng cần lưu ý, một số loại gia vị thay thế muối có chứa hàm lượng kali cao. Do đó, không nên sử dụng những sản phẩm này.

Một điều quan trọng nữa cần điều chỉnh khi bị suy thận là lượng nước uống mỗi ngày. Mặc dù uống đủ nước là điều cần thiết nhưng uống quá nhiều nước sẽ gây hại cho thận.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tại sao, hạn chế
Tin liên quan
Ghép thận có những rủi ro nào?
Ghép thận có những rủi ro nào?

Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.

Suy thận có được dùng statin không?
Suy thận có được dùng statin không?

Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.

Ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến suy thận?
Ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến suy thận?

Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến thận và dẫn đến suy thận. Vấn đề về thận thường xảy ra vào các giai đoạn sau của ung thư.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây