1

Hẹp động mạch thận điều trị bằng cách nào?

Hẹp động mạch thận (renal artery stenosis) là tình trạng các động mạch mang máu đến thận bị hẹp lại. Các động mạch thận chịu trách nhiệm mang máu giàu oxy từ tim đến thận. Sau đó, thận lọc chất thải và nước dư thừa khỏi máu. Theo thời gian, hẹp động mạch thận có thể dẫn đến cao huyết áp, phù nề và tổn thương thận.
Hẹp động mạch thận điều trị bằng cách nào? Hẹp động mạch thận điều trị bằng cách nào?

Triệu chứng hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận không có bất kỳ triệu chứng đặc hiệu nào. Thông thường, chỉ đến khi tình trạng tiến triển thì các triệu chứng mới xuất hiện. Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của hẹp động mạch thận gồm có:

  • Huyết áp tiếp tục tăng cao dù đã dùng thuốc hạ huyết áp
  • Suy giảm chức năng thận
  • Giữ nước, gây sưng phù, thường là ở mắt cá chân và bàn chân
  • Nồng độ protein cao trong nước tiểu

Nên đi khám khi huyết áp tăng liên tục hoặc phù nề. Chỉ có làm xét nghiệm thì mới có thể đánh giá chức năng thận tổng thể và xác định có bị hẹp động mạch thận hay không.

Bệnh thận giai đoạn nặng sẽ gây ra các triệu chứng như:

  • Thay đổi lượng nước tiểu
  • Da sạm
  • Sưng phù mặt và các vùng khác trên cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Chuột rút
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Sụt cân đột ngột, không chủ đích

Nguyên nhân gây hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận chủ yếu xảy ra do sự tích tụ chất béo và cholesterol trong động mạch thận. Những chất này tạo thành mảng bám ở thành động mạch, khiến cho lòng động mạch bị thu hẹp và cản trở sự lưu thông máu. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch. Đây là nguyên nhân của khoảng 80% các trường hợp hẹp động mạch thận.

Một nguyên nhân ít phổ biến hơn gây hẹp động mạch thận là chứng loạn sản cơ. Điều này xảy ra khi các cơ bên ngoài động mạch phát triển bất thường và chèn ép động mạch, khiến động mạch bị thu hẹp. Loạn sản cơ xảy ra phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Ở một số người, loạn sản cơ là bệnh bẩm sinh.

Các nguyên nhân khác của chứng hẹp động mạch thận còn có:

  • Khối u ở bụng chèn ép lên thận
  • Viêm mạch
  • U sợi thần kinh (khối u hình thành trên mô thần kinh)

Ai có nguy cơ bị hẹp động mạch thận?

Hẹp động mạch thận có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới. Tình trạng này phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Những người bị cao huyết áp trước 30 tuổi có nguy cơ hẹp động mạch thận cao hơn.

Các yếu tố nguy cơ khác của hẹp động mạch thận cũng tương tự như các dạng xơ vữa động mạch khác, gồm có:

  • Chế độ ăn nhiều chất béo, natri và đường
  • Bệnh tiểu đường
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch
  • Cholesterol cao
  • Béo phì
  • Lối sống ít vận động
  • Hút thuốc

Biến chứng của hẹp động mạch thận

Giảm lưu lượng máu qua động mạch thận có thể làm tăng huyết áp toàn thân và dẫn đến tình trạng cao huyết áp. Hẹp động mạch thận còn gây tích nước và phù nề. Người bệnh sẽ ngày càng bị phù nề nặng khi tình trạng hẹp động mạch thận tiến triển. Đôi khi, hẹp động mạch thận còn gây tích tụ dịch trong phổi (phù phổi cấp).

Theo thời gian, hẹp động mạch thận sẽ dần làm hỏng các mô thận. Điều này có thể dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối và người bệnh cần phải lọc máu hoặc ghép thận.

Chẩn đoán hẹp động mạch thận

Thông thường, hẹp động mạch thận được phát hiện trong quá trình thăm khám một bệnh lý khác, chẳng hạn như tăng huyết áp. Sau khi khám lâm sàng và khai thác bệnh sử để xác định các yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh làm xét nghiệm nước tiểu để đo nồng độ protein cũng như đánh giá chức năng thận tổng thể và xét nghiệm máu để đo chức năng thận và nồng độ hormone điều hòa huyết áp.

Bên cạnh đó còn cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để đánh giá động mạch thận:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu: cung cấp hình ảnh 3 chiều của khu vực đang chụp
  • Chụp động mạch thận: tiêm thuốc cản quang vào mạch máu và chụp X-quang. Thuốc cản quang sẽ làm cho các động mạch thận hiển thị rõ trên ảnh chụp.
  • Siêu âm

Điều trị hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận thường được điều trị bằng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống nhưng đôi khi cần điều trị bằng thủ thuật xâm lấn.

Thuốc

Một trong những bước đầu tiên để điều trị hẹp động mạch thận là dùng thuốc. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc làm giãn mạch máu để mở rộng lòng động mạch và cải thiện lưu thông máu. Các loại thuốc này gồm có:

  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)
  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)

Thuốc chẹn alpha-beta và thuốc chẹn beta cũng có tác dụng làm giãn mạch máu.

Người bệnh có thể cần dùng thêm thuốc lợi tiểu để giảm giữ nước và sưng phù. Thuốc lợi tiểu có cả dạng kê đơn và không kê đơn.

Thay đổi lối sống

Ngay cả khi đã dùng thuốc để điều trị hẹp động mạch thận và bệnh lý gây hẹp động mạch, người bệnh vẫn nên thực hiện một số thay đổi lối sống để kiểm soát tình trạng và giảm nguy cơ biến chứng:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Bỏ thuốc lá
  • Hạn chế rượu bia và caffeine
  • Ăn ít natri
  • Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế stress
  • Ngủ đủ giấc

Thủ thuật điều trị hẹp động mạch thận

Đôi khi, thuốc và thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát tình trạng hẹp động mạch thận. Bệnh vẫn tiếp tục tiến triển và cuối cùng làm hỏng thận. Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ có thể chỉ định một số thủ thuật để cải thiện chức năng động mạch, gồm có phẫu thuật bắc cầu động mạch thận và đặt stent động mạch thận.

Phòng ngừa hẹp động mạch thận

Vì hẹp động mạch thận thường xảy ra cùng với các bệnh lý khác nên cách tốt nhất để phòng ngừa hẹp động mạch thận là duy trì lối sống lành mạnh. Nếu mắc các bệnh làm tăng nguy cơ hẹp động mạch thận thì cần phải kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

Tóm tắt bài viết

Hẹp động mạch thận là một tình trạng nghiêm trọng, đa phần xảy ra do tích tụ chất béo trong lòng động mạch thận nhưng cũng có thể là do một số bệnh lý khác. Phương pháp điều trị thường là dùng thuốc kết hợp điều chỉnh lối sống, đôi khi cần can thiệp bằng thủ thuật xâm lấn. Nếu không được điều trị, hẹp động mạch thận có thể dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn. Điều quan trọng là đi khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào hoặc khi các bệnh lý nền trở nặng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thận ứ nước có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?
Thận ứ nước có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?

Thận ứ nước là tình trạng thận bị giãn nở và phình to do nước tiểu bị ứ lại trong thận thay vì chảy xuống bàng quang. Tình trạng này thường chỉ xảy ra ở một quả thận nhưng cũng có thể xảy ra ở cả hai quả thận.

Bệnh thận do oxalat điều trị bằng cách nào?
Bệnh thận do oxalat điều trị bằng cách nào?

Một nguyên nhân hiếm gặp gây suy giảm chức năng thận là bệnh thận do oxalat. Bệnh thận do oxalat xảy ra do nhiều nguyên nhân, gồm có chế độ ăn có quá nhiều oxalat, viêm tụy mạn tính, vấn đề về tiêu hóa và phẫu thuật nối tắt dạ dày.

Giãn đài bể thận có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?
Giãn đài bể thận có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?

Giãn đài bể thận là một tình trạng xảy ra với đài thận. Đài thận là các cấu trúc có hình dạng như chiếc phễu và là nơi mà nước tiểu bắt đầu được gom lại. Mỗi quả thận có từ 6 đến 10 đài thận. Chúng nằm ở rìa ngoài của thận.

Huyết khối tĩnh mạch thận: Nguyên nhân và cách điều trị
Huyết khối tĩnh mạch thận: Nguyên nhân và cách điều trị

Huyết khối tĩnh mạch thận là một tình trạng nghiêm trọng trong đó cục máu đông hình thành ở một hoặc cả hai tĩnh mạch thận.

Bất sản thận điều trị bằng cách nào?
Bất sản thận điều trị bằng cách nào?

Bất sản thận (renal agenesis) là tình trạng trẻ sơ sinh bị thiếu một hoặc cả hai quả thận. Có hai loại bất sản thận là bất sản thận một bên (thiếu một quả thận) là bất sản thận hai bên (thiếu cả hai quả thận).

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây