Huyết khối tĩnh mạch thận: Nguyên nhân và cách điều trị
Huyết khối tĩnh mạch thận là gì?
Huyết khối tĩnh mạch thận (renal vein thrombosis) xảy ra khi cục máu đông hình thành ở tĩnh mạch thận. Điều này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tĩnh mạch thận. Huyết khối tĩnh mạch thận là một dạng huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis) hiếm gặp. Huyết khối tĩnh mạch sâu là một tình trạng nghiêm trọng khi cục máu đông hình thành trong một tĩnh mạch chính của cơ thể.
Hai tĩnh mạch thận (trái và phải) có chức năng dẫn máu nghèo oxy ra khỏi thận. Cục máu đông hình thành trong một hoặc cả hai tĩnh mạch này sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận.
Huyết khối tĩnh mạch thận là một tình trạng nghiêm trọng, có thể gây tổn thương thận, suy thận và thậm chí đe dọa đến tính mạng. Huyết khối tĩnh mạch thận phổ biến ở người lớn hơn trẻ em.
Huyết khối tĩnh mạch thận thường xảy ra do một vấn đề khác ảnh hưởng đến thận, chẳng hạn như hội chứng thận hư, suy thận mạn hoặc khối u trong thận.
Triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch thận
Cục máu đông nhỏ trong tĩnh mạch thận thường không có triệu chứng. Đặc điểm cục máu đông có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.
Các triệu chứng gồm có:
- Giảm lượng nước tiểu
- Đau lưng dưới hoặc vùng hạ sườn
- Máu trong nước tiểu
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Sốt
Trong một số trường hợp, một phần của cục máu đông vỡ ra và di chuyển từ tĩnh mạch thận đến phổi. Điều này gây đau ngực, cơn đau tăng lên theo nhịp thở.
Triệu chứng huyết khối tĩnh mạch thận ở trẻ em
Mặc dù trẻ em cũng có thể bị huyết khối tĩnh mạch thận nhưng điều này là rất hiếm. Huyết khối tĩnh mạch thận ở độ tuổi thanh thiếu niên thường gây ra các triệu chứng đột ngột hơn. Đầu tiên, người bệnh có thể bị đau lưng và khó chịu ở khu vực giữa lưng. Các triệu chứng khác còn có:
- Đau hông
- Giảm lượng nước tiểu
- Nước tiểu có máu
- Sốt
- Buồn nôn
- Nôn mửa
Ở trẻ sơ sinh, huyết khối tĩnh mạch thận gây ra các triệu chứng như:
- Máu trong nước tiểu
- Có cục cứng ở vùng hạ sườn
- Các dấu hiệu mất nước, gồm có khóc mà không có nước mắt, bàn tay hoặc bàn chân lạnh, miệng và môi khô,
- Sốc
- Giảm hoặc không có nước tiểu, nước tiểu sẫm màu hoặc có mùi nồng hơn bình thường
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch thận
Cục máu đông thường hình thành đột ngột và không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch thận.
Các nguyên nhân có thể gây hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch thận gồm có:
- Mất nước, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh
- Khối u ảnh hưởng đến thận
- Chấn thương hoặc ở vùng lưng hoặc bụng
- Bệnh thận
- Phẫu thuật ghép thận
Ngoài ra còn có các bệnh lý khác cũng có thể làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch thận, gồm có rối loạn đông máu di truyền.
Hội chứng thận hư, tình trạng thận bài tiết quá nhiều protein vào nước tiểu, có thể dẫn đến huyết khối tĩnh mạch thận ở người lớn. Đó thường là kết quả do các mạch máu trong thận bị tổn thương quá mức.
Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch thận
Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu và một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để bác sĩ chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch thận cũng như các bệnh lý tiềm ẩn có thể góp phần gây hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch thận.
1. Tổng phân tích nước tiểu
Tổng phân tích nước tiểu giúp xác định nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch thận và phát hiện các vấn đề về thận. Nếu xét nghiệm nước tiểu cho thấy nồng độ protein trong nước tiểu cao bất thường hoặc có hồng cầu trong nước tiểu thì rất có thể người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch thận.
2. Chụp CT
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn cung cấp hình ảnh rõ ràng và chi tiết các cấu trúc bên trong ổ bụng. Chụp CT có thể giúp phát hiện sưng, u cục, nhiễm trùng, sỏi thận và các vấn đề bất thường khác.
3. Siêu âm Doppler
Kỹ thuật siêu âm này có thể tạo ra hình ảnh của dòng máu. Điều này giúp phát hiện sự lưu thông máu bất thường đến tĩnh mạch thận.
4. Chụp tĩnh mạch
Trước tiên, người bệnh sẽ được tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch và sau đó chụp X-quang. Thuốc cản quang hiển thị trên ảnh chụp X-quang và cho thấy sự lưu thông máu trong tĩnh mạch. Phương pháp này giúp phát hiện cục máu đông hoặc các dạng tắc nghẽn khác trong tĩnh mạch. Đây là một công cụ giúp chẩn đoán chính xác tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch.
5. MRI hoặc MRA
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp sử dụng sử dụng từ trường mạnh, sóng radio và máy tính để tạo ra hình ảnh của các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể. MRI chủ yếu được sử dụng để phát hiện khối u, chảy máu trong, nhiễm trùng và các vấn đề về động mạch.
Mặt khác, chụp mạch cộng hưởng từ (MRA), được sử dụng để kiểm tra bên trong mạch máu, bao gồm cả tĩnh mạch. Phương pháp này có thể giúp xác định và chẩn đoán cục máu đông cũng như chứng phình động mạch.
Điều trị huyết khối tĩnh mạch thận
Việc điều trị huyết khối tĩnh mạch thận phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng, gồm có kích thước của cục máu đông và cục máu đông hình thành ở một hay cả hai tĩnh mạch thận. Nếu cục máu đông nhỏ, người bệnh có thể chỉ cần nghỉ ngơi và dùng thuốc cho đến khi các triệu chứng cải thiện.
Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc làm tan cục máu đông hoặc ngăn cục máu đông hình thành. Thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu) có tác dụng ngăn hình thành cục máu đông và đây cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa cục máu đông mới. Bác sĩ cũng có thể sẽ kê đơn thuốc tiêu huyết khối để làm tan cục máu đông hiện có. Các loại thuốc này được đưa trực tiếp vào tĩnh mạch thận qua ống thông.
Lọc máu
Nếu huyết khối tĩnh mạch thận gây tổn thương thận trên diện rộng và suy thận, người bệnh có thể cần phải lọc máu tạm thời. Lọc máu giúp loại bỏ chất thải ra khỏi máu thay cho thận đang bị tổn thương.
Phẫu thuật
Trong trường hợp huyết khối tĩnh mạch thận nghiêm trọng, người bệnh có thể phải phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông khỏi tĩnh mạch thận. Chỉ khi xảy ra một số biến chứng nhất định thì mới phải cắt bỏ một quả thận.
Huyết khối tĩnh mạch thận có chữa khỏi được không?
Thông thường, huyết khối tĩnh mạch thận có thể được điều trị thành công bằng cách dùng thuốc làm tan cục máu đông và ngăn hình thành cục máu đông mới.
Tuy nhiên, tiên lượng còn tùy thuộc vào nguyên nhân gốc rễ gây huyết khối tĩnh mạch thận và mức độ hoạt động của thận. Người bệnh sẽ phải điều trị bệnh thận hoặc các vấn đề khác gây hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch thận để ngăn vấn đề tái phát trong tương lai.
Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch thận
Huyết khối tĩnh mạch thận do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nên không có biện pháp phòng ngừa cụ thể.
Uống đủ nước sẽ giúp tránh bị mất nước và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Đối với những người bị rối loạn đông máu, duy trì điều trị bằng thuốc làm loãng máu cũng sẽ giúp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch thận. Không tuân thủ điều trị có thể làm tăng nguy cơ biến chứng.
Tóm tắt bài viết
Huyết khối tĩnh mạch thận xảy ra khi cục máu đông hình thành ở một hoặc cả hai tĩnh mạch thận. Đây là một tình trạng nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
Huyết khối tĩnh mạch thận thường là kết quả của một vấn đề khác ảnh hưởng đến thận.
Phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch thận là dùng thuốc làm tan và ngăn hình thành cục máu đông, đồng thời cần điều trị cả bệnh lý gây ra vấn đề.
Viêm cầu thận (glomerulonephritis) là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, cấu trúc được tạo thành từ các mạch máu nhỏ trong thận. Điều này khiến thận không thể hoạt động bình thường.
Viêm thận bể thận cấp là tình trạng thận bị nhiễm trùng đột ngột và nghiêm trọng. Tình trạng này khiến cho thận sưng lên và có thể làm hỏng thận vĩnh viễn. Viêm thận bể thận có thể đe dọa đến tính mạng.
Chấn thương thận kín là tình trạng thận bị tổn thương nhưng thành bụng và lưng không bị thủng. Bệnh lý này tác động trực tiếp vùng lưng dưới...
Đau quặn thận là một dạng đau xảy ra khi sỏi tiết niệu gây tắc nghẽn một phần đường tiết niệu. Đường tiết niệu gồm có thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
Thận bình thường có kích thước bằng một nắm tay. Teo thận là tình trạng thận bị giảm kích thước và điều này ảnh hưởng đến chức năng thận. Teo thận khác thiểu sản thận, tình trạng thận kém phát triển ngay từ khi còn trong bụng mẹ.