Teo thận: Nguyên nhân và cách điều trị
Đa số mọi người có hai quả thận, nằm đối xứng ở hai bên cột sống, ngay dưới khung xương sườn. Thận trái thường lớn hơn và nằm ở vị trí cao hơn một chút so với thận phải. Mặc dù teo thận có thể xảy ra với cả hai quả thận nhưng hầu hết các trường hợp teo thận xảy ra ở thận trái.
Dấu hiệu và triệu chứng của teo thận
Thận có chức năng lọc các chất thải ra khỏi máu và loại bỏ lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Thận còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp.
Bệnh thận thường không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Thường phải đến khi thận bị mất 30 đến 40% chức năng thì các triệu chứng mới xuất hiện. Khi khả năng lọc máu của thận suy giảm, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như:
- Đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường
- Sạm da
- Uể oải, buồn ngủ
- Da khô, ngứa ngáy
- Ăn không ngon miệng
- Chuột rút
- Buồn nôn và nôn mửa
- Sưng phù tay và chân
Các dấu hiệu khác của teo thận còn có:
- Nhiễm toan
- Chán ăn
- Nồng độ creatinin trong máu cao
- Rối loạn điện giải
- Suy dinh dưỡng
Ngoài ra người bệnh có thể còn gặp các triệu chứng khác tùy vào nguyên nhân cụ thể gây tổn thương thận.
Nguyên nhân gây teo thận
Tổn thương thận có thể xảy ra đột ngột, chẳng hạn như khi thận bị chấn thương nghiêm trọng hoặc tiếp xúc với chất độc.
Thận bị teo cũng có thể là do một bệnh lý khác, chẳng hạn như:
- Hội chứng kháng phospholipid
- Các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh lao
- Hội chứng chuyển hóa
- Xơ vữa động mạch
- Hẹp động mạch thận
- Tắc nghẽn đường tiết niệu
- Thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm
- Ung thư
Đa phần, tổn thương thận xảy ra từ từ trong một thời gian dài. Nguyên nhân có thể là do không có đủ máu đến thận.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận gồm có:
- Bệnh tiểu đường
- Tiền sử gia đình bị bệnh thận
- Bệnh tim mạch
- Cao huyết áp (tăng huyết áp)
Điều trị teo thận
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây teo thận. Giải quyết nguyên nhân gốc rễ sẽ giúp ngăn thận bị tổn thương thêm.
Khi một quả thận bị teo, quả thận còn lại vẫn có thể đảm nhận các chức năng bình thường. Nhưng sau một thời gian, quả thận này cũng có thể trở nên suy yếu và hoạt động kém hiệu quả. Tình trạng này được gọi là suy thận mạn. Khi chức năng thận chỉ còn dưới 10 đến 15% thì được coi là suy thận mạn giai đoạn cuối. Lúc này, người bệnh sẽ phải lọc máu. Có hai phương pháp lọc máu chính là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.
Trong chạy thận nhân tạo, máu được đưa ra khỏi cơ thể vào máy lọc để loại bỏ chất thải. Máu sau khi lọc sẽ đưa trở lại cơ thể. Người bệnh thường phải chạy thận 3 lần/tuần, mỗi lần kéo dài vài giờ.
Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) là phương pháp sử dụng dịch lọc và màng bụng của người bệnh để lọc chất thải ra khỏi máu. Quá trình lọc máu được lặp lại nhiều lần trong ngày.
Lọc máu giúp làm sạch máu thay cho thận bị tổn thương nhưng không chữa khỏi được bệnh thận. Người bệnh sẽ phải duy trì lọc máu trong suốt quãng đời còn lại hoặc cho đến khi có thể ghép thận.
Ghép thận có nghĩa là ghép một quả thận khỏe mạnh của người hiến vào ổ bụng của người nhận. Thận có thể được lấy từ người hiến còn sống hoặc người hiến chết não. Đa số các ca ghép thận hiện nay là từ người hiến còn sống. Có thể phải mất nhiều năm mới tìm được người hiến thích hợp. Mặc dù sau khi ghép thận thành công người bệnh không cần lọc máu nữa nhưng sẽ phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời để ngăn cơ thể tấn công quả thận ghép.
Chế độ ăn uống cho người bị teo thận
Không thể đảo ngược hay chữa khỏi teo thận bằng chế độ ăn uống. Nhưng điều chỉnh chế độ ăn uống là điều rất cần thiết trong điều trị bệnh thận. Dưới đây là lời khuyên về chế độ ăn uống dành cho người mắc bệnh thận.
Ăn ít natri
Hạn chế natri sẽ giúp kiểm soát huyết áp. Theo khuyến nghị, người trưởng thành không nên ăn quá 2.300 miligam natri mỗi ngày. Dưới đây là một số cách để cắt giảm lượng natri trong chế độ ăn:
- Chọn thực phẩm tươi thay vì thực phẩm chế biến sẵn vì phần lớn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều natri.
- Khi ăn đồ đóng hộp, hãy chắt bỏ nước và rửa thực phẩm với nước trước khi ăn
- Đọc bảng thông tin dinh dưỡng của sản phẩm để biết hàm lượng natri
- Tự nấu ăn tại nhà thay cho ăn ngoài để kiểm soát lượng natri.
- Sử dụng ít muối khi nấu ăn
- Hạn chế protein
Quá trình chuyển hóa protein tạo ra một số chất thải mà thận phải lọc khỏi máu. Càng ăn nhiều protein thì thận sẽ càng phải làm việc nhiều. Tuy nhiên, protein là một chất dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể nên không thể kiêng hoàn toàn. Điều quan trọng là ăn vừa phải. Protein có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, hải sản, trứng, sản phẩm từ sữa.
Hãy chú ý đến kích thước phần khi ăn thực phẩm chứa protein. Một phần thịt gà, cá hoặc thịt là khoảng 60 – 85g. Một phần sữa chua hoặc sữa tươi là nửa cốc.
Protein còn có trong các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như các loại đậu, ngũ cốc và các loại hạt. Một phần đậu, cơm hoặc mì là khoảng nửa chén. Một phần hạt là một phần tư chén. Một phần bánh mì là khoảng một lát.
Ăn thực phẩm tốt cho tim mạch
Thực hiện chế độ ăn tốt cho tim mạch giúp ngăn chất béo tích tụ trong tim, mạch máu và thận. Các cách để có chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch:
- Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán, thay vào đó nên chọn các món nướng, luộc, hấp, hầm hoặc xào.
- Chọn các nguồn chất béo tốt như dầu ô liu
- Tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
Một số loại thực phẩm tốt cho tim mạch gồm có:
- Trái cây và rau củ
- Các loại đậu
- Các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, phô mai ít béo hoặc tách béo
- Cá
- Thịt gia cầm bỏ da
- Thịt nạc
Nếu chức năng thận tiếp tục suy giảm, bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị cụ thể về chế độ ăn uống cho người bệnh. Chức năng thận kém có thể khiến phốt pho tích tụ trong máu, vì vậy nên người bệnh có thể cần phải lựa chọn các loại thực phẩm chứa ít phốt pho như:
- Trái cây và rau củ tươi
- Các loại ngũ cốc và thực phẩm làm từ ngũ cốc như gạo, mì, bánh mì
Phốt pho được dùng làm chất phụ gia trong một số loại thực phẩm đóng gói và thịt nguội. Do đó, hãy đọc bảng thành phần và thông tin dinh dưỡng khi mua hàng.
Chức năng thận suy giảm còn có thể dẫn đến tích tụ kali. Người bệnh nên lựa chọn các loại thực phẩm ít kali như táo, đào, cà rốt, đậu cô ve, bánh mì trắng, gạo trắng.
Một số loại thực phẩm có hàm lượng kali cao gồm có:
- Chuối, cam
- Các loại đậu và hạt
- Cám ngũ cốc
- Gạo lứt
- Sản phẩm từ sữa
- Khoai tây, cà chua
- Muối thay thế
- Bánh mì và mì nguyên cám
Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống.
Tuổi thọ của người bị teo thận
Nếu quả thận còn lại vẫn hoạt động tốt thì người bị teo thận vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, người bệnh sẽ cần chú ý chế độ ăn uống và khám sức khỏe thường xuyên.
Nếu không bảo vệ tốt quả thận còn lại, người bệnh sẽ có thể bị suy thận mạn và thậm chí suy thận mạn giai đoạn cuối. Điều này xảy ra khi chức năng thận chỉ còn dưới 15% chức năng bình thường.
Tuổi thọ trung bình của những người phải lọc máu là từ 5 đến 10 năm nhưng một số người có thể sống thêm 30 năm nữa. (1)
Nếu ghép thận từ người hiến còn sống thì người bệnh có thể sống thêm trung bình từ 12 đến 20 năm còn nếu ghép thận từ người hiến chết não thì người bệnh có thể sống thêm từ 8 đến 12 năm. (2)
Tất nhiên, tuổi thọ còn phụ thuộc vào độ tuổi và các yếu tố sức khỏe khác. Bác sĩ sẽ cho biết về tiên lượng cụ thể dựa trên tình trạng của mỗi ca bệnh.
Phòng ngừa teo thận
Rất khó phòng ngừa teo thận nhưng có một số cách để giữ cho thận khỏe mạnh nhất có thể.
Thứ nhất, hãy cố gắng ngăn ngừa những bệnh lý có thể gây tổn thương thận, chẳng hạn như cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Nếu đang mắc những bệnh lý này thì cần kiểm soát thật tốt tình trạng bệnh.
Nên ăn nhiều những loại thực phẩm có lợi như:
- Trái cây và rau củ
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt
- Các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc tách béo
- Đồng thời hạn chế:
- Thực phẩm chế biến sẵn
- Đồ chiên
- Thực phẩm nhiều natri
- Thực phẩm nhiều đường
- Rượu bia
Ngoài ra nên duy trì các thói quen có lợi cho thận như:
- Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và hầu hết các ngày trong tuần.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.
- Không sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
- Uống thuốc theo chỉ định.
- Theo dõi mức cholesterol.
- Điều trị ngay khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu
Viêm cầu thận (glomerulonephritis) là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, cấu trúc được tạo thành từ các mạch máu nhỏ trong thận. Điều này khiến thận không thể hoạt động bình thường.
Viêm thận bể thận cấp là tình trạng thận bị nhiễm trùng đột ngột và nghiêm trọng. Tình trạng này khiến cho thận sưng lên và có thể làm hỏng thận vĩnh viễn. Viêm thận bể thận có thể đe dọa đến tính mạng.
Chấn thương thận kín là tình trạng thận bị tổn thương nhưng thành bụng và lưng không bị thủng. Bệnh lý này tác động trực tiếp vùng lưng dưới...
Huyết khối tĩnh mạch thận là một tình trạng nghiêm trọng trong đó cục máu đông hình thành ở một hoặc cả hai tĩnh mạch thận.
Đau quặn thận là một dạng đau xảy ra khi sỏi tiết niệu gây tắc nghẽn một phần đường tiết niệu. Đường tiết niệu gồm có thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.