Đau quặn thận: Nguyên nhân và cách điều trị
Sỏi tiết niệu hình thành khi các khoáng chất như canxi và axit uric tích tụ lại với nhau trong nước tiểu và tạo thành tinh thể rắn. Sỏi có thể ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu. Kích thước của sỏi rất đa dạng, có thể chỉ nhỏ như hạt cát hoặc to như quả trứng gà. Khi sỏi phát triển lớn, người bệnh sẽ gặp phải các cơn đau đớn dữ dội.
Đặc điểm của cơn đau quặn thận
Sỏi nhỏ thường không có triệu chứng nhưng khi to lên, sỏi tiết niệu sẽ gây ra các cơn đau quặn thận, đặc biệt là khi sỏi gây tắc nghẽn niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang).
Các biểu hiện của cơn đau quặn thận gồm có:
- Đau dữ dội dọc theo khu vực hạ sườn (giữa xương sườn và hông) hoặc ở vùng bụng dưới (thường xảy ra ở một bên)
- Đau lan đến lưng hoặc bẹn
- Đau có thể đi kèm buồn nôn hoặc nôn mửa
Đau quặn thận thường xảy ra theo đợt. Mỗi đợt thể kéo dài từ 20 đến 60 phút.
Ngoài đau quặn thận, các triệu chứng khác của sỏi tiết niệu gồm có:
- Đau buốt khi đi tiểu
- Tiểu ra máu, khiến nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu
- Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
- Nước tiểu có cặn hoặc những mảnh sỏi nhỏ
- Tiểu gấp
- Đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường
- Sốt và ớn lạnh (nếu bị nhiễm trùng)
Nguyên nhân gây đau quặn thận
Đau quặn thận xảy ra khi sỏi bị kẹt trong đường tiết niệu, thường là ở niệu quản. Sỏi khiến cho vùng mô xung quanh bị kéo giãn và đièu này gây đau dữ dội.
Khoảng 12% nam giới và 6% nữ giới bị sỏi tiết niệu ít nhất một lần trong đời.
Bất kỳ ai cũng có thể bị sỏi tiết niệu nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ, gồm có:
- Chế độ ăn có nhiều chất gây hình thành sỏi, chẳng hạn như oxalate hoặc protein
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị sỏi tiết niệu
- Thường xuyên bị mất nước do không uống đủ nước, do ra quá nhiều mồ hôi, nôn mửa hoặc tiêu chảy nghiêm trọng
- Béo phì
- Phẫu thuật nối tắt dạ dày. Loại phẫu thuật này làm tăng sự hấp thụ canxi và các chất gây hình thành sỏi khác
- Rối loạn chuyển hóa, bệnh di truyền, cường tuyến cận giáp và các bệnh lý khác làm tăng lượng chất tạo sỏi trong cơ thể
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Điều trị đau quặn thận
Hãy đi khám ngay khi có biểu hiện đau quặn thận hoặc các triệu chứng sỏi tiết niệu khác. Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu sẽ cho biết nồng độ các chất hình thành sỏi trong máu hoặc nước tiểu. Nồng độ các chất này ở mức cao có thể là dấu hiệu của sỏi tiết niệu. Chụp CT sẽ giúp phát hiện sỏi trong thận hoặc các cơ quan khác trong đường tiết niệu.
Để điều trị đau quặn thận thì cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây đau, đó là sỏi tiết niệu. Nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ phải thực hiện một trong các thủ thuật sau đây để loại bỏ sỏi vầ chấm dứt đau quặn thận cùng các triệu chứng khác:
- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích (ESWL): Phương pháp này sử dụng sóng xung kích nhắm vào thận để phá vỡ sỏi thành những mảnh rất nhỏ. Sau đó, các mảnh sỏi sẽ được đào thải ra ngoài theo nước tiểu.
- Nội soi tán sỏi niệu quản: đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang để loại bỏ sỏi.
- Tán sỏi qua da: đưa các dụng cụ phẫu thuật qua đường rạch nhỏ ở lưng để lấy sỏi ra ngoài. Người bệnh sẽ được gây mê trong suốt quá trình.
Trong thời gian chờ điều trị, bác sĩ có thể kê các loại thuốc để giảm cơn đau quặn thận như:
- Thuôc chống viêm không steroid như ibuprofen
- Thuốc chống co thắt cơ
- Thuốc giảm đau opioid
Biến chứng của đau quặn thận
Cơn đau quặn thận là triệu chứng của sỏi tiết niệu. Bản thân đau quặn thận không có biến chứng. Nếu không được điều trị, sỏi thận có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu và tổn thương thận.
Phòng ngừa đau quặn thận
Để tránh bị đau quặn thận thì cần phải ngăn ngừa sỏi thận:
- Uống ít nhất 8 đến 10 ly nước mỗi ngày. Hạn chế nước ngọt có ga, đặc biệt là những loại có chứa axit photphoric.
- Ăn ít muối.
- Hạn chế protein (đạm) động vật, gồm có các loại thịt (nhất là thịt đỏ), cá và trứng
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều oxalate, chẳng hạn như rau cải bó xôi, các loại hạt, củ dền.
Nếu người bệnh thường xuyên bị sỏi thận, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc giúp ngăn hình thành sỏi.
Tóm tắt bài viết
Đau quặn thận là một triệu chứng của sỏi tiết niệu. Sỏi nhỏ thường tự trôi ra ngoài. Nếu sỏi lớn, mắc kẹt và gây đau thì cần can thiệp loại bỏ sỏi bằng các phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể hay tán sỏi qua da.
Sỏi tiết niệu có thể tái phát sau điều trị. Khoảng một nửa số người từng bị sỏi tiết niệu tiếp tục bị lại trong vòng 5 năm. Uống nhiều nước và hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất tạo sỏi là những cách để ngăn ngừa hình thành sỏi tiết niệu và đau quặn thận.
Viêm cầu thận (glomerulonephritis) là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, cấu trúc được tạo thành từ các mạch máu nhỏ trong thận. Điều này khiến thận không thể hoạt động bình thường.
Viêm thận bể thận cấp là tình trạng thận bị nhiễm trùng đột ngột và nghiêm trọng. Tình trạng này khiến cho thận sưng lên và có thể làm hỏng thận vĩnh viễn. Viêm thận bể thận có thể đe dọa đến tính mạng.
Chấn thương thận kín là tình trạng thận bị tổn thương nhưng thành bụng và lưng không bị thủng. Bệnh lý này tác động trực tiếp vùng lưng dưới...
Huyết khối tĩnh mạch thận là một tình trạng nghiêm trọng trong đó cục máu đông hình thành ở một hoặc cả hai tĩnh mạch thận.
Thận bình thường có kích thước bằng một nắm tay. Teo thận là tình trạng thận bị giảm kích thước và điều này ảnh hưởng đến chức năng thận. Teo thận khác thiểu sản thận, tình trạng thận kém phát triển ngay từ khi còn trong bụng mẹ.