1

14 cách tự nhiên để tăng độ nhạy insulin

Độ nhạy insulin là mức độ phản ứng của tế bào cơ thể với insulin. Cải thiện độ nhạy insulin có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh tiểu đường.
14 cách tự nhiên để tăng độ nhạy insulin 14 cách tự nhiên để tăng độ nhạy insulin

Insulin là một loại hormone có vai trò quan trọng đối với khả năng kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể.

Insulin được tạo ra trong tuyến tụy và giúp vận chuyển đường từ máu vào tế bào để tạo năng lượng hoặc để dự trữ. Kháng insulin là tình trạng mà các tế bào không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả và điều này khiến lượng đường trong máu tăng cao.

Khi nhận thấy lượng đường trong máu cao, tuyến tụy sẽ tạo ra nhiều insulin hơn để bù lại sự kháng insulin của các tế bào và làm giảm lượng đường trong máu.

Theo thời gian, các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy sẽ trở nên suy yếu và không còn thực hiện được chức năng như bình thường, dẫn đến cơ thể không có đủ insulin – đây là điều xảy ra ở bệnh tiểu đường type 2. Tình trạng đường huyết ở mức cao kéo dài do không có đủ insulin có thể làm tổn thương dây thần kinh và các cơ quan.

Nguy cơ kháng insulin cao nhất ở những người bị tiền tiểu đường, có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường type 2 và người bị thừa cân hoặc béo phì.

Xem thêm: Vai trò của insulin với bệnh tiểu đường

Dưới đây là 14 cách tự nhiên đã được khoa học chứng minh là có thể làm tăng độ nhạy insulin.

1. Ngủ đủ giấc

Ngủ đủ và ngon giấc rất quan trọng đối với sức khỏe.

Ngược lại, thiếu ngủ có thể khiến sức khỏe suy giảm và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, bệnh tim mạch và tiểu đường type 2.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa ngủ kém với giảm độ nhạy insulin.

Ví dụ, một nghiên cứu đã theo dõi 9 tình nguyện viên khỏe mạnh và phát hiện ra rằng chỉ ngủ 4 tiếng vào ban đêm làm giảm độ nhạy insulin và giảm khả năng điều hòa lượng đường trong máu so với ngủ đủ 8 tiếng rưỡi.

Tuy nhiên, ngủ bù có thể đảo ngược tác động của việc thiếu ngủ và giúp cải thiện tình trạng kháng insulin.

Tóm tắt: Thiếu ngủ có thể gây hại cho sức khỏe và làm tăng tình trạng kháng insulin. Ngủ bù có thể giúp đảo ngược tác động này.

2. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách hiệu quả nhất để tăng độ nhạy insulin.

Hoạt động thể chất giúp vận chuyển đường vào các cơ để dự trữ và thúc đẩy sự gia tăng ngay lập tức độ nhạy insulin, hiệu quả có thể kéo dài 2 – 48 giờ sau tập, tùy thuộc vào bài tập.

Một nghiên cứu được thực hiện trên những người tình nguyện khỏe mạnh cho thấy 60 phút đạp xe tại chỗ với tốc độ vừa phải giúp làm tăng độ nhạy insulin trong 48 giờ.

Tập thể hình cũng giúp tăng độ nhạy insulin.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tập thể hình làm tăng độ nhạy insulin ở cả nam giới và phụ nữ khỏe mạnh lẫn những người mắc bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu được thực hiện trên những nam giới bị thừa cân và không mắc bệnh tiểu đường cho thấy rằng sau 3 tháng tập thể hình, độ nhạy insulin của những người tham gia đã tăng lên, sự thay đổi này không phụ thuộc vào các yếu tố khác như giảm cân.

Mặc dù cả tập cardio và tập thể hình đều làm tăng độ nhạy insulin nhưng kết hợp cả hai sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.

Tóm tắt: Tập cardio và tập thể hình có thể giúp tăng độ nhạy insulin. Nên kết hợp cả hai hình thức tập luyện để tăng hiệu quả.

3. Giảm căng thẳng

Căng thẳng hay stress ảnh hưởng đến khả năng điều hòa lượng đường trong máu của cơ thể.

Căng thẳng khiến cho cơ thể chuyển sang trạng thái “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight), điều này kích hoạt sự sản xuất các hormone stress như cortisol và glucagon.

Những hormone này phân hủy glycogen - một dạng dự trữ của đường - thành glucose, sau đó glucose đi vào máu để cơ thể sử dụng làm nguồn năng lượng tức thì.

Tuy nhiên, căng thẳng liên tục khiến lượng hormone stress luôn ở mức cao, tình trạng này kích thích sự phân hủy chất dinh dưỡng và làm tăng lượng đường trong máu.

Hormone stress còn làm cho các tế bào cơ thể kháng insulin. Điều này khiến cho các chất dinh dưỡng không được dự trữ mà thay vào đó là tích tụ trong máu để cơ thể sử dụng làm năng lượng.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lượng hormone stress cao làm giảm độ nhạy insulin.

Quá trình này giúp ích cho tổ tiên xa xưa của chúng ta vì loài người khi đó cần nhiều năng lượng hơn để thực hiện các hoạt động duy trì sự sống. Tuy nhiên, phần lớn mọi người hiện nay đều thường xuyên gặp phải tình trạng căng thẳng mãn tính và sự giảm độ nhạy insulin sẽ gây hại.

Các hoạt động như thiền, tập thể dục và ngủ là những cách tuyệt vời để giảm căng thẳng và tăng độ nhạy insulin.

Tóm tắt: Căng thẳng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin. Thiền, tập thể dục và ngủ là những cách giảm căng thẳng hiệu quả.

4. Giảm cân nếu thừa cân

Thừa cân, đặc biệt là có nhiều mỡ thừa ở vùng bụng, làm giảm độ nhạy insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Có nhiều lý do dẫn đến điều này, chẳng hạn như mỡ thừa tạo ra các hormone thúc đẩy sự đề kháng insulin trong cơ và gan.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng mỡ thừa ở vùng bụng càng nhiều thì độ nhạy insulin càng thấp.

Giảm cân là một cách hiệu quả để giảm mỡ bụng và tăng độ nhạy insulin. Giảm cân còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cho những người bị tiền tiểu đường.

Một nghiên cứu của đại học Johns Hopkins cho thấy những người bị tiền tiểu đường sau khi giảm 5 – 7% tổng khối lượng cơ thể trong vòng 6 tháng đã giảm được 54% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 trong 3 năm tiếp theo. (1)

Có nhiều cách để giảm cân, gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và thay đổi lối sống.

Tóm tắt: Thừa cân, đặc biệt là ở mỡ thừa ở vùng bụng, làm giảm độ nhạy insulin. Giảm cân có thể giúp tăng độ nhạy insulin và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

5. Ăn nhiều chất xơ hòa tan

Chất xơ được chia thành hai loại chính là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan.

Chất xơ không hòa tan chủ yếu có tác dụng làm tăng khối lượng phân, giúp phân di chuyển qua đường ruột dễ dàng hơn.

Trong khi đó, chất xơ hòa tan mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm cholesterol và giảm cảm giác thèm ăn.

Một số nghiên cứu đã nhận thấy rằng chế độ ăn có lượng chất xơ hòa tan cao giúp làm tăng độ nhạy insulin.

Một nghiên cứu được thực hiện trên 264 phụ nữ cho thấy những người ăn nhiều chất xơ hòa tan có mức độ kháng insulin thấp hơn đáng kể so với những người ăn ít.

Chất xơ hòa tan còn cung cấp thức ăn nuôi vi khuẩn có lợi trong đường ruột và điều này cũng giúp tăng độ nhạy insulin.

Một số loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ hòa tan gồm có các loại đậu, yến mạch, hạt lanh, rau bắp cai, trái cây họ cam quýt, táo, cà rốt…

Tóm tắt: Bổ sung chất xơ hòa tan mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như làm tăng độ nhạy insulin. Chất xơ hòa tan còn nuôi lợi khuẩn trong đường ruột.

6. Ăn rau củ quả có màu sắc rực rỡ

Trái cây và rau củ không chỉ bổ dưỡng mà còn có tác dụng tăng cường sức khỏe.

Đặc biệt, các loại trái cây và rau củ màu sắc rực rỡ chứa rất nhiều hợp chất thực vật có đặc tính chống oxy hóa.

Chất chống oxy hóa liên kết và trung hòa gốc tự do - các phân tử không ổn định gây ra phản ứng viêm khắp cơ thể và dẫn đến nhiều bệnh tật.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn giàu hợp chất thực vật giúp làm tăng độ nhạy insulin.

Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều trái cây cùng một lúc vì trái cây có chứa đường tự nhiên. Hãy ăn khẩu phần bình thường và không ăn quá 105 – 170 gram trái cây mỗi ngày, tùy vào loại trái cây.

Tóm tắt: Trái cây và rau củ có màu sắc rực rỡ chứa một lượng lớn hợp chất thực vật có tác dụng làm tăng độ nhạy insulin. Nhưng lưu ý không nên ăn quá nhiều trái cây cùng một lúc.

7. Cắt giảm carb

Carb là tác nhân chính khiến nồng độ insulin trong máu tăng lên.

Khi cơ thể chuyển hóa carb trong thực phẩm thành đường và đẩy vào máu, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin để vận chuyển đường từ máu vào các tế bào.

Cắt giảm lượng carb trong chế độ ăn có thể làm tăng độ nhạy insulin. Lý do là bởi ăn nhiều carb có thể gây tăng đột ngột lượng đường trong máu, khiến cho tuyến tụy phải làm việc nhiều hơn để đưa đường ra khỏi máu.

Chia đều lượng carb tiêu thụ trong ngày cũng là một cách để tăng độ nhạy insulin.

Chia thực phẩm chứa carb thành các phần nhỏ và ăn vào những thời điểm khác nhau trong ngày sẽ giúp làm giảm lượng đường mà cơ thể hấp thụ sau mỗi bữa ăn, nhờ đó giúp hormone insulin thực hiện nhiệm vụ một cách dễ dàng hơn. Các nghiên cứu cũng đã cho thấy rằng ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày có lợi cho độ nhạy insulin.

Lựa chọn đúng loại carb cũng là điều rất quan trọng.

Nên chọn những nguồn carb có chỉ số đường huyết (GI) thấp vì những thực phẩm này làm chậm tốc độ giải phóng đường vào máu, nhờ đó giúp insulin có nhiều thời gian hơn để hoạt động hiệu quả.

Một số thực phẩm chứa carb có GI thấp là khoai lang, gạo lứt, yến mạch, các loại đậu, sản phẩm từ đậu nành, một số loại trái cây…

Tóm tắt: Giảm bớt lượng carb, chia đều lượng carb tiêu thụ trong ngày và chọn nguồn carb có GI thấp là những cách để tăng độ nhạy insulin.

8. Giảm lượng đường bổ sung

Có sự khác biệt lớn giữa đường bổ sung và đường tự nhiên.

Đường tự nhiên là đường có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như trái cây, rau củ. Cả hai đều cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác.

Mặt khác, đường bổ sung là lượng đường được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm. Đường bổ sung có trong rất nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh kẹo, nước ngọt, kem, thạch, sốt salad… Hai loại đường bổ sung được sử dụng phổ biến là siro ngô có hàm lượng fructose cao (high-fructose corn syrup) và đường kính hay còn được gọi là sucrose.

Cả hai đều chứa khoảng 50% fructose.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tiêu thụ nhiều fructose có thể làm tăng tình trạng kháng insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Theo kết quả của một phân tích tổng hợp gồm 29 nghiên cứu được thực hiện trên tổng cộng1.005 người có cân nặng bình thường và người thừa cân, béo phì, fructose cũng làm tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng kháng insulin ở cả những người không mắc bệnh tiểu đường.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy rằng tiêu thụ nhiều fructose trong vòng chưa đầy 60 ngày làm tăng sự kháng insulin của gan, bất kể tổng lượng calo nạp vào là bao nhiêu.

Thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung cũng có nhiều fructose.

Tóm tắt: Tiêu thụ nhiều fructose làm tăng nguy cơ kháng insulin. Thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung cũng có nhiều fructose.

9. Sử dụng một số loại thảo mộc và gia vị

Nhiều loại thảo mộc và gia vị đã được sử dụng để điều trị bệnh từ rất lâu trước khi chúng được dùng trong nấu ăn.

Tuy nhiên, phải đến vài chục năm trở lại đây, các nhà khoa học mới bắt đầu nghiên cứu các đặc tính có lợi của những thảo mộc và gia vị này đối với sức khỏe.

Các loại thảo mộc và gia vị như cỏ ca ri, nghệ, gừng và tỏi đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn trong việc làm tăng độ nhạy insulin.

  • Hạt cỏ cà ri: chứa nhiều chất xơ hòa tan và giúp tuyến tụy tạo ra insulin hiệu quả hơn. Sử dụng hạt cỏ ca ri nguyên hạt, dùng thực phẩm chức năng chứa chiết xuất cỏ ca ri hay dùng làm gia vị nấu ăn có thể giúp tăng cường khả năng kiểm soát đường huyết và độ nhạy insulin.
  • Nghệ: loại gia vị này có chứa một thành phần hoạt tính có tên là curcumin có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh. Curcumin có thể làm tăng độ nhạy insulin bằng cách giảm lượng axit béo tự do và đường trong máu.
  • Gừng: loại gia vị cay nóng này cũng có tác dụng tăng độ nhạy insulin. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thành phần hoạt tính gingerol trong củ gừng làm cho các thụ thể đường trên tế bào cơ hoạt động hiệu quả hơn và nhờ đó làm tăng lượng đường được vận chuyển vào tế bào.
  • Tỏi: trong các nghiên cứu trên động vật, tỏi đã được chứng minh là có tác dụng thúc đẩy sự giải phóng insulin và có đặc tính chống oxy hóa giúp làm tăng độ nhạy insulin.

Những phát hiện này đã cho thấy tiềm năng của việc điều trị kháng insulin bằng các loại thảo mộc và gia vị. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu trong lĩnh vực này đều còn mới và được thực hiện trên động vật. Cần có thêm các nghiên cứu trên người để kiểm chứng liệu các loại thảo mộc và gia vị có thực sự làm tăng độ nhạy insulin hay không.

Tóm tắt: Tỏi, cỏ cà ri, nghệ và gừng có thể giúp tăng độ nhạy insulin. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới được thực hiện gần đây và chủ yếu được tiến hành trên động vật, vì vậy nên cần phải có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi có đưa ra kết luận chính xác.

10. Sử dụng quế

Quế là một loại gia vị có chứa nhiều hợp chất thực vật.

Quế có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu và tăng độ nhạy insulin. (2)

Một phân tích tổng hợp cho thấy ăn ½ – 3 thìa cà phê (khoảng 1 – 6 gram) quế mỗi ngày làm giảm đáng kể lượng đường trong máu cả về ngắn hạn và dài hạn.

Theo các nghiên cứu, quế làm tăng độ nhạy insulin bằng cách giúp các thụ thể glucose trên tế bào cơ hoạt động hiệu quả hơn và nhờ đó giúp vận chuyển đường vào tế bào tốt hơn.

Đặc biệt, một số nghiên cứu còn phát hiện ra rằng quế chứa các hợp chất có thể bắt chước hoạt động của insulin và tác động trực tiếp đến các tế bào.

Tóm tắt: Quế có thể làm tăng độ nhạy insulin bằng cách tăng vận chuyển glucose vào tế bào và thậm chí có thể bắt chước insulin để tăng hấp thụ đường từ máu vào các tế bào.

11. Uống trà xanh

Uống trà xanh mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Đây là một lựa chọn đồ uống rất thích hợp cho người mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc những người có nguy cơ mắc bệnh này. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống trà xanh có thể làm tăng độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu.

Một phân tích tổng hợp gồm 17 nghiên cứu đã đánh giá tác động của trà xanh đến đường huyết và độ nhạy insulin. Kết quả cho thấy rằng uống trà xanh làm giảm đáng kể mức đường huyết lúc đói và tăng độ nhạy insulin.

Những lợi ích này của trà xanh có thể là nhờ chất chống oxy hóa epigallocatechin gallate (EGCG). Nhiều nghiên cứu đã chứng minh EGCG có tác dụng cải thiện độ nhạy insulin.

Tóm tắt: Uống trà xanh có thể giúp tăng độ nhạy insulin và cải thiện sức khỏe tổng thể. Lợi ích tăng độ nhạy insulin của trà xanh có thể đến từ chất chống oxy hóa epigallocatechin gallate.

12. Dùng giấm táo

Giấm có rất nhiều công dụng khác nhau, từ làm nguyên liệu nấu ăn cho đến diệt khuẩn, tẩy trắng quần áo, làm sạch bề mặt đồ vật hay khử mùi hôi. Ngoài ra, giấm, đặc biệt là giấm táo, còn có thể được dùng để chăm sóc sức khỏe.

Giấm táo có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin bằng cách giảm lượng đường trong máu và tăng cường hiệu quả của insulin.

Giấm táo còn làm chậm tốc độ dạ dày đẩy thức ăn xuống ruột, từ đó giúp cơ thể có nhiều thời gian hơn để hấp thụ đường vào máu.

Một nghiên cứu cho thấy rằng uống giấm táo giúp làm tăng độ nhạy insulin lên 34% sau bữa ăn nhiều carb ở những người bị kháng insulin và 19% ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. (3) Tuy nhiên, cần lưu ý phải pha loãng giấm táo với nước trước khi uống.

Tóm tắt: Giấm táo có thể giúp tăng độ nhạy insulin bằng cách cải thiện hiệu quả của insulin và trì hoãn tốc độ di chuyển của thức ăn từ dạ dày xuống ruột để giúp insulin có nhiều thời gian hoạt động hơn.

13. Tránh chất béo chuyển hóa

Một trong những chất cần phải loại bỏ hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống là chất béo chuyển hóa nhân tạo.

Không giống như các loại chất béo khác, chất béo chuyển hóa không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho sức khỏe và còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.

Nghiên cứu về tác động của việc ăn nhiều chất béo chuyển hóa đến tình trạng kháng insulin cho ra các kết quả không đồng nhất. Một số nghiên cứu trên người chỉ ra rằng chất béo chuyển hóa có tác động tiêu cực đến tình trạng kháng insulin trong khi một số nghiên cứu khác lại không cho thấy điều này.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật đã đưa ra bằng chứng chứng minh mối liên hệ giữa việc ăn nhiều chất béo chuyển hóa và khả năng kiểm soát đường huyết kém cũng như kháng insulin.

Vì các nghiên cứu trên người cho ra nhiều kết quả khác nhau nên chưa thể kết luận liệu rằng ăn chất béo chuyển hóa nhân tạo có làm tăng kháng insulin hay không. Tuy nhiên, chế độ ăn có nhiều chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác, trong đó có bệnh tiểu đường nên cần hạn chế chất béo chuyển hóa một cách tối đa.

Chất béo chuyển hóa nhân tạo có trong đồ ăn nhanh chiên rán, bánh quy, bánh ngọt sản xuất công nghiệp và nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn khác.

Vào năm 2015, Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã tuyên bố chất béo chuyển hóa không an toàn cho sức khỏe. Cơ quan này đã yêu cầu các công ty sản xuất thực phẩm trong vòng 3 năm phải loại bỏ dần chất béo chuyển hóa khỏi sản phẩm của mình hoặc phải có sự cho phép mới được sử dụng loại chất béo này trong sản xuất thực phẩm.

Tóm tắt: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy chất béo chuyển hóa nhân tạo có thể làm gia tăng tình trạng kháng insulin nhưng cần có thêm nghiên cứu trên người để kiểm chứng mối liên hệ này. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên tránh chất béo chuyển hóa nhân tạo vì loại chất béo này làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác.

14. Dùng một số loại thực phẩm chức năng

Có nhiều loại thực phẩm chức năng khác nhau có thể làm tăng độ nhạy insulin nhưng chỉ có một số ít được nghiên cứu chứng minh, đó là crom, berberine, magiê và resveratrol.

  • Crom (chromium): là một khoáng chất tham gia vào quá trình chuyển hóa carb và chất béo. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống bổ sung chromium picolinate với liều 200 – 1.000 mcg có thể cải thiện khả năng giảm đường trong máu của các thụ thể insulin.
  • Magiê (magnesium): là một khoáng chất phối hợp với các thụ thể insulin để dự trữ lượng đường trong máu. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nồng độ magiê trong máu thấp có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Bổ sung magiê có thể giúp tăng độ nhạy insulin.
  • Berberine: là một hợp chất có trong nhiều loại thảo dược như vàng đắng, xuyên liên hay hoàng bá. Tác dụng của berberine đối với insulin vẫn chưa được làm rõ nhưng một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hợp chất này làm tăng độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu.
  • Resveratrol: là một loại polyphenol có trong vỏ của nho đỏ và các loại quả mọng khác. Resveratrol có thể làm tăng độ nhạy insulin, đặc biệt là ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2 nhưng cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về cơ chế cụ thể.

Tất cả các loại thực phẩm chức năng đều có nguy cơ tương tác với thuốc đang dùng. Do đó, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.

Tóm tắt: Crom, berberine và magiê giúp làm tăng độ nhạy insulin. Resveratrol cũng có thể mang lại tác dụng tương tự, đặc biệt là ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2 nhưng cần phải nghiên cứu thêm.

Tóm tắt bài viết

Insulin là một loại hormone có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể.

Khi độ nhạy insulin thấp, tuyến tụy sẽ phải làm việc nhiều hơn để tăng lượng insulin nhằm đưa đường ra khỏi máu vào các tế bào.

Độ nhạy insulin thấp có thể dẫn đến mức đường huyết cao mãn tính, điều này làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, gồm có bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, có nhiều cách tự nhiên để cải thiện độ nhạy insulin và giảm nguy cơ mắc bệnh. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm thực phẩm chức năng nào.

Xem thêm

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cách sử dụng máy bơm insulin
Cách sử dụng máy bơm insulin

Máy bơm insulin là một thiết bị nhỏ mà người bệnh luôn đeo bên người để đưa insulin vào cơ thể. Đây là một giải pháp thay thế cho việc tiêm insulin thường xuyên và một số loại máy bơm insulin có chức năng kết nối với máy đo đường huyết liên tục để cung cấp insulin ngay khi lượng đường trong máu tăng cao.

Ưu điểm và cách sử dụng bút tiêm insulin
Ưu điểm và cách sử dụng bút tiêm insulin

Bút tiêm insulin là một lựa chọn thuận tiện để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Những dụng cụ này có kích thước nhỏ gọn nên có thể dễ dàng mang theo và có chứa sẵn insulin nên đây là một giải pháp lý tưởng khi cần di chuyển.

12 cách đơn giản để ngăn tăng đường huyết đột ngột
12 cách đơn giản để ngăn tăng đường huyết đột ngột

Tăng đường huyết đột ngột là tình trạng lượng đường trong máu tăng vọt và sau đó giảm mạnh sau khi ăn. Về ngắn hạn, tăng đường huyết đột ngột có thể gây mệt mỏi và đói. Theo thời gian, khả năng làm giảm và kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể sẽ trở nên kém hiệu quả, điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.

Dấu hiệu tăng đường huyết đột ngột và cách xử trí
Dấu hiệu tăng đường huyết đột ngột và cách xử trí

Tăng đường huyết đột ngột xảy ra khi lượng glucose (một loại đường đơn) trong máu tăng cao. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, điều này xảy ra do cơ thể không thể sử dụng glucose một cách hiệu quả đúng cách.

8 thay đổi lối sống giúp đảo ngược tiền tiểu đường một cách tự nhiên
8 thay đổi lối sống giúp đảo ngược tiền tiểu đường một cách tự nhiên

Không phải cứ bị tiền tiểu đường là sẽ mắc bệnh tiểu đường type 2. Hoàn toàn có thể đảo ngược tiền tiểu đường bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây