Ưu điểm và cách sử dụng bút tiêm insulin
Bút tiêm insulin là gì?
Bệnh nhân tiểu đường thường phải tiêm insulin nhiều lần trong ngày để giữ ổn định mức đường huyết. Ngoài phương pháp tiêm bằng bơm kim tiêm (xi lanh), còn có một cách khác để đưa insulin vào cơ thể, đó là sử dụng bút tiêm insulin. Dụng cụ này giúp cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên dễ dàng hơn.
Giống như bơm kim tiêm, bút tiêm insulin vẫn phải đâm kim qua da nhưng việc đo liều lượng và các bước thực hiện sẽ bớt phức tạp hơn.
Bút tiêm insulin cung cấp từ 0,5 đến 80 đơn vị insulin mỗi lần và cho phép tăng liều ở mức nửa đơn vị, một đơn vị hoặc hai đơn vị. Liều lượng tối đa và mức tăng liều của mỗi loại bút là khác nhau. Tổng số đơn vị insulin trong buồng chứa của bút cũng khác nhau.
Các loại bút tiêm insulin
Bút tiêm insulin có hai loại cơ bản là bút dùng một lần và bút dùng nhiều lần.
Bút tiêm insulin dùng một lần gồm có một ống chứa sẵn insulin và người dùng sẽ vứt bút đi sau khi tiêm hết lượng insulin trong bút. Với loại bút dùng nhiều lần, người dùng có thể thay ống chứa insulin sau khi tiêm hết.
Việc lựa chọn loại bút tiêm insulin tùy thuộc vào loại insulin cần sử dụng, liều insulin trong mỗi lần tiêm và các loại bút cung cấp loại insulin đó.
Kim của bút tiêm insulin có các độ dài và đường kính khác nhau, và hầu hết đều sử dụng được cho tất cả các loại bút tiêm insulin trên thị trường.
Cách bảo quản bút tiêm insulin
Tương tự như lọ đựng insulin, bút tiêm insulin không cần phải giữ lạnh liên tục sau khi mở. Chỉ cần bảo quản lạnh bút tiêm insulin trước lần sử dụng đầu tiên. Sau lần sử dụng đầu tiên, người dùng chỉ cần để bút tiêm insulin ở nơi thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp.
Bút tiêm insulin cho hiệu quả tốt nhất trong 7 đến 28 ngày sau lần sử dụng đầu tiên, tùy thuộc vào loại insulin chứa trong bút. Tuy nhiên, bút tiêm đã quá hạn sử dụng thì không nên sử dụng nữa.
Cách sử dụng bút tiêm insulin
Thực hiện theo các bước sau đây mỗi lần sử dụng bút tiêm insulin:
- Kiểm tra hạn sử dụng và loại insulin (nếu có nhiều loại bút).
- Kiểm tra trạng thái của insulin trong bút. Chỉ sử dụng khi insulin không bị vón cục và insulin tác dụng nhanh trong suốt, không màu.
- Lăn bút giữa hai bàn tay, sau đó nghiêng nhẹ bút nếu bút chứa hỗn hợp insulin.
- Tháo nắp bút và lau sạch phần đầu bút bằng cồn.
- Gắn kim vào bút. Sử dụng kim mới mỗi lần sử dụng.
- Gõ nhẹ ống chứa để loại bỏ bọt khí và chọn đúng liều lượng. Kiểm tra lại liều lượng một lần nữa trước khi tiêm.
- Tháo nắp và chọn vị trí tiêm. Giữ kim vuông góc với da.
- Nhấn nút để tiêm insulin và chờ 5 đến 10 giây để đảm bảo toàn bộ lượng insulin đã được hấp thụ.
- Tháo kim và vứt theo hướng dẫn.
Nếu lỡ chọn liều lượng nhiều hơn mức cần thiết, người dùng có thể dễ dàng sửa lại. Một số loại bút đẩy lượng insulin thừa ra ngoài qua kim hoặc có chức năng đặt lại liều lượng về 0 đơn vị để người dùng có thể chọn lại.
Ưu điểm của bút tiêm insulin
Bút tiêm insulin là một lựa chọn thuận tiện để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Những dụng cụ này có kích thước nhỏ gọn nên có thể dễ dàng mang theo và có chứa sẵn insulin nên đây là một giải pháp lý tưởng khi cần di chuyển.
Bút tiêm insulin có cách sử dụng đơn giản và kín đáo, tất cả những gì cần làm là gắn kim tiêm mới, chọn đúng liều lượng, tiêm và vứt bỏ kim tiêm. Người bệnh cũng có thể cân nhắc loại bút tiêm dùng một lần để không cần gắn kim tiêm trước mỗi lần sử dụng.
Bút tiêm insulin có các màu khác nhau để giúp người dùng dễ dàng phân biệt loại insulin có trong bút. Một số loại bút tiêm insulin còn có chức năng kết nối với ứng dụng trên điện thoại thông minh qua Bluetooth, cho phép người dùng theo dõi mức đường huyết trên điện thoại và đặt đặt lời nhắc khi đến thời điểm cần tiêm insuslin.
Nhược điểm của bút tiêm insulin
Giá thành
Mặc dù có rất nhiều ưu điểm nhưng bút tiêm insulin có giá đắt hơn so với bơm kim tiêm truyền thống.
Sự tiện lợi
Không giống như máy bơm insulin, với bút tiêm insulin thì người dùng vẫn phải tự tiêm và nhớ tiêm insulin nhiều lần trong ngày. Nếu thường hay quên tiêm hoặc không muốn phải tự tiêm thì có thể cân nhắc sử dụng máy bơm insulin thay vì bút tiêm hay bơm kim tiêm.
Cần lưu ý, máy bơm insulin không giúp tiết kiệm thời gian so với bút tiêm insulin vì người dùng vẫn phải theo dõi lượng carbohydrate trong chế độ ăn và nhập thông tin này vào máy bơm để máy cung cấp liều insulin phù hợp.
Một số câu hỏi thường gặp
Làm thế nào để chọn được bút tiêm insulin phù hợp?
Khi chọn bút tiêm insulin, bạn cần cân nhắc chi phí, sự tiện lợi cũng như nhu cầu insulin của mình. Nên trao đổi với bác sĩ trước khi mua bút.
Mặc dù bút dùng nhiều lần có giá đắt hơn nhưng ống insulin thay thế thường rẻ hơn so với giá của loại bút dùng một lần, có nghĩa là nếu xét về lâu dài, bút dùng nhiều lần sẽ tiết kiệm hơn.
Bạn cũng nên cân nhắc lượng insulin cần tiêm mỗi ngày. Một số bút tiêm insulin có thể định lượng insulin với mức tăng nửa đơn vị trong khi một số loại lại sử dụng mức tăng 01 đơn vị. Ngoài ra, mỗi loại bút có mức liều lượng tối đa khác nhau.
Một yếu tố nữa cần cân nhắc khi lựa chọn bút tiêm insulin là độ dài và đường kính của kim. Đường kính của kim được đo bằng đơn vị “gauge” hay “cỡ” và số gauge càng lớn thì kim càng mảnh. Mặc dù kim có đường kính lớn gây đau nhiều hơn khi tiêm nhưng tốc độ đưa insulin vào cơ thể nhanh hơn so với kim mảnh.
Có thể mang theo bút tiêm insulin khi đi máy bay không?
Có thể mang theo bút tiêm insulin khi đi máy bay. Theo quy tắc của Tổ Chức An Ninh Vận chuyển Hoa Kỳ (Transportation Security Administration - TSA), các vật dụng y tế liên quan đến bệnh tiểu đường, bao gồm cả chất lỏng, được phép mang lên máy bay sau khi đi qua máy soi chiếu hoặc kiểm tra bằng tay. Nên khai báo bút tiêm insulin cũng như các thiết bị điều trị bệnh tiểu đường khác và tách riêng những thiết bị này khỏi các vật dụng khác trong hành lý.
Luôn để các loại thuốc trong túi trong suốt riêng biệt, có thể dán kín và không được để insulin trong hành lý ký gửi vì những thay đổi về áp suất và nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến insulin.
Tiêm insulin vào vị trí nào trên cơ thể?
Insulin được tiêm xuống bên dưới lớp mỡ dưới da. Những người phải sử dụng insulin hàng ngày nên thay đổi vị trí tiêm vài ngày một lần để tránh bị loạn dưỡng mỡ - tình trạng mỡ bị phân hủy hoặc tích tụ và cản trở sự hấp thụ insulin.
Có thể tiêm insulin vào bụng, đùi hoặc cánh tay.
Rủi ro khi sử dụng bút tiêm insulin
Cần kiểm tra tình trạng và hạn sử dụng của insulin trước khi tiêm. Insulin bị hỏng hoặc hết hạn sẽ không hiệu quả hoặc gây ra các vấn đề không mong muốn.
Không sử dụng nếu thấy insulin có lẫn các hạt nhỏ. Những hạt này có thể làm tắc nghẽn kim tiêm và dẫn đến tiêm không đủ liều.
Việc chọn liều quá cao hoặc không kiểm tra kỹ liều lượng có thể dẫn đến việc tiêm quá nhiều hoặc quá ít insulin. Trong trường hợp này, hãy theo dõi sát sao mức đường huyết sau khi tiêm. Bổ sung quá nhiều insulin có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp và quá ít insulin có thể khiến đường huyết tăng cao đến mức nguy hiểm.
Tóm tắt bài viết
Bút tiêm insulin là một dụng cụ được sử dụng để giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát lượng đường trong máu. Với bút tiêm insulin, việc đo lường liều lượng và đưa insulin vào cơ thể sẽ dễ dàng hơn. Dụng cụ này còn có ưu điểm là tiện mang theo khi di chuyển.
Làm đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và bảo quản bút tiêm insulin ở nơi khô ráo, thoáng mát sau khi mở.
Máy bơm insulin là một thiết bị nhỏ mà người bệnh luôn đeo bên người để đưa insulin vào cơ thể. Đây là một giải pháp thay thế cho việc tiêm insulin thường xuyên và một số loại máy bơm insulin có chức năng kết nối với máy đo đường huyết liên tục để cung cấp insulin ngay khi lượng đường trong máu tăng cao.
Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 (hay đái tháo đường phụ thuộc insulin), việc tính toán chính xác lượng carbohydrate và liều insulin cho các bữa ăn và những khi bị tăng đường huyết là điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh đái tháo đường một cách hiệu quả.
Insulin tác dụng kéo dài còn được gọi là insulin nền (basal insulin) vì loại insulin này liên tục hoạt động trong cơ thể suốt cả ngày để giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định.
Sử dụng insulin có thể gây tăng cân nhưng không được vì thế mà giảm liều hay ngừng sử dụng insulin. Điều này sẽ gây tăng đường huyết và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về lâu dài. Có nhiều cách để kiểm soát cân nặng khi dùng insulin, chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục.
Tìm hiểu về vai trò của insulin trong cơ thể và lợi ích của liệu pháp insulin trong kiểm soát, điều trị đái tháo đường type 2.