Cách sử dụng tỷ lệ carbohydrate - insulin và hệ số hiệu chỉnh (correction factor) trong kiểm soát bệnh đái tháo đường
Những thuật ngữ như “tỷ lệ carbohydrate - insulin” và “hệ số hiệu chỉnh” có thể phức tạp, khó hiểu với nhiều người, nhất là những người mới được chẩn đoán bệnh.
Bài viết này sẽ giải thích cơ chế hoạt động của insulin trong cơ thể và hướng dẫn cách xác định liều insulin để giữ ổn định lượng đường trong máu trong phạm vi an toàn.
Vai trò của insulin đối với người bệnh đái tháo đường
Tất cả chúng ta đều cần có insulin để tồn tại. Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tạo ra, có vai trò giúp tiêu hóa glucose (đường) tự nhiên trong các loại thực phẩm như trái cây, sản phẩm từ sữa, rau củ, các loại hạt cũng như là đường bổ sung trong những thực phẩm chế biến sẵn như bánh kẹo, nước ngọt.
Sau khi vào hệ tiêu hóa, carb trong thực phẩm sẽ được chuyển hóa thành glucose, sau đó đi vào máu và được sử dụng làm năng lượng cung cấp cho não bộ và các cơ quan khác trong cơ thể.
Khi đường di chuyển từ hệ tiêu hóa vào máu, lượng đường trong máu sẽ tăng lên.
Ở những người không mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể có cơ chế điều hòa đường trong máu để mức đường huyết không quá cao.
Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh đái tháo đường, các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy không còn hoạt động bình thường. Do bị thiếu insulin tự nhiên nên những người mắc bệnh đái tháo đường phải bổ sung insulin từ bên ngoài để kiểm soát đường trong máu.
Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có thể không cần điều trị bằng insulin mà chỉ cần thay đổi lối sống là đủ để kiểm soát tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường type 1 thì khác. Đây là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các tế bào tạo insulin của tuyến tụy. Tất cả những người bị đái tháo đường type 1 đều phải điều trị bằng insulin vì cơ thể không tự sản xuất được hormone này.
Các loại insulin
Có nhiều loại insulin khác nhau và loại mà mỗi bệnh nhân đái tháo đường cần dùng sẽ tùy thuộc vào một số yếu tố.
Bác sĩ sẽ chỉ định loại insulin phù hợp nhất cho từng ca bệnh.
Nói chung, insulin được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường được chia thành ba loại lớn là insulin tác dụng kéo dài, insulin tác dụng nhanh và insulin người.
Insulin tác dụng kéo dài
Loại insulin này thường được dùng một hoặc hai lần mỗi ngày. Liều dùng hàng ngày gần như cố định và không có chênh lệch nhiều. Đây được gọi là insulin nền (basal insulin).
Insulin nền hoạt động trong cơ thể suốt cả ngày nhưng không phụ thuộc vào các yếu tố như thức ăn, tập thể dục, căng thẳng hay các yếu tố khác ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Một số nhãn hiệu insulin tác dụng kéo dài phổ biến gồm có:
- Lantus
- Levemir
- Basaglar
- Semglee
- Tresiba
- Toujeo
Insulin tác dụng nhanh
Một số người mắc bệnh đái tháo đường phải dùng insulin tác dụng nhanh cho hầu hết các bữa ăn chính, bữa ăn nhẹ và đồ uống. Loại insulin này bắt đầu phát huy tác dụng sớm hơn và làm giảm lượng đường trong máu nhanh hơn.
Insulin tác dụng nhanh thường lưu lại trong máu trong khoảng vài giờ (tùy thuộc vào nhãn hiệu và phản ứng của cơ thể với insulin). Đây được gọi là insulin bolus.
Lượng insulin tác dụng nhanh cần dùng có thể thay đổi theo ngày, thậm chí thay đổi nhiều tùy thuộc vào lượng carb tiêu thụ. Một số nhãn hiệu insulin tác dụng nhanh phổ biến là:
- Humalog
- Novolog
- Apidra
- Fiasp
Insulin người
Đây là một loại insulin thế hệ cũ lần đầu tiên được sử dụng vào khoảng những năm 1980 trở về trước. Các thương hiệu insulin người phổ biến nhất gồm có Humulin hay Novolin R (insulin thường) và insulin NPH.
Các công ty dược sản xuất ra loại insulin này là Novo Nordisk và Eli Lilly. Tên thương mại là Novolin hoặc Humulin.
Những người dùng máy bơm insulin chỉ sử dụng insulin tác dụng nhanh cho cả liều insulin nền và insulin bolus. Máy bơm insulin liên tục giải phóng ra một lượng insulin rất nhỏ trong suốt cả ngày, giống như hoạt động của tuyến tụy.
Những người không sử dụng máy bơm insulin có thể phải tiêm insulin nhiều lần trong ngày. Điều đó có thể có nghĩa là người bệnh có thể tiêm một hoặc hai mũi insulin tác dụng kéo dài mỗi ngày ngoài insulin tác dụng nhanh. Dù là insulin tác dụng kéo dài hay insulin tác dụng nhanh, người bệnh đều có thể chọn tiêm bằng bơm kim tiêm hoặc bút tiêm insulin.
Tỷ lệ carbohydrate - insulin là gì?
Tỷ lệ carbohydrate – insulin hay C:I là lượng insulin tác dụng nhanh cần sử dụng để giúp cơ thể “xử lý” lượng carb trong bữa ăn.
Nhiều người thường quan tâm đến lượng calo khi lựa chọn thực phẩm và xây dựng bữa ăn hangf ngày nhưng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường phải điều trị bằng insulin, lượng carb trong thực phẩm mới là yếu tố quan trọng cần chú ý.
Tỷ lệ C:I trong mỗi một ca bệnh đái tháo đường là khác nhau. Lý do là vì tình trạng bệnh đái tháo đường của mỗi người là không giống nhau. Tuy nhiên, nói chung thì tỷ lệ C:I có thể được tính theo công thức dưới đây.
Công thức tính tỷ lệ carbohydrate - insulin
Nếu tỷ lệ C:I là 1:15 thì có nghĩa là cần 1 đơn vị insulin tác dụng nhanh cho mỗi 15 gram carb trong bữa ăn.
Như vậy, nếu bữa sáng có 45 gram carb thì người bệnh sẽ phải sử dụng 3 đơn vị insulin tác dụng nhanh.
Lượng insulin này chưa bao gồm lượng insulin bổ sung cần sử dụng để đưa lượng đường trong máu về mức bình thường trong trường hợp tăng đường huyết. Và liều insulin nói trên cũng không tính đến việc các loại thực phẩm và đồ uống khác nhau có ảnh hưởng không giống nhau đến lượng đường trong máu. Điều này đòi hỏi phải tính toán phức tạp hơn.
Trao đổi với bác sĩ về mức đường huyết cần duy trì. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh xác định tỷ lệ C:I lý tưởng dựa trên các yếu tố như:
- Tuổi tác
- Giới tính
- Mức độ hoạt động và lối sống
- Chế độ ăn uống
- Độ nhạy insulin
Hệ số hiệu chỉnh insulin là gì?
Tỷ lệ C:I không tính đến hệ số hiệu chỉnh insulin (insulin correction factor). Hệ số hiệu chỉnh insulin là mức độ làm giảm lượng đường trong máu của 1 đơn vị insulin tác dụng nhanh.
Ví dụ, lượng insulin cần dùng để giúp cơ thể xử lý carb trong bữa ăn sẽ ít hơn nếu như lượng đường trong máu dưới 70 mg/dL.
Mặt khác, nếu bị tăng đường huyết thì người bệnh sẽ cần dùng thêm một lượng insulin bổ sung ngoài lượng insulin xác định từ tỷ lệ C:I.
Giống như tỷ lệ C:I, hệ số hiệu chỉnh ở mỗi một ca bệnh là khác nhau và thậm chí có thể phụ thuộc vào thời gian trong ngày. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ về hệ số hiệu chỉnh insulin.
Cách xác định tỷ lệ carbohydrate - insulin và hệ số hiệu chỉnh insulin
Để ước tính tỷ lệ C:I, hãy chia 500 cho tổng liều insulin hàng ngày (TDD), bao gồm cả insulin tác dụng kéo dài và insulin tác dụng nhanh. Đây được gọi là "quy tắc 500".
Để ra hệ số hiệu chỉnh gần đúng, hãy lấy 1.800 chia cho tổng liều insulin hàng ngày. Đây được gọi là “quy tắc 1.800”.
Tuy nhiên, người bệnh vẫn phải trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh tỷ lệ C:I và hệ số hiệu chỉnh cho phù hợp.
Hầu hết các loại máy bơm insulin hiện nay đều có chức năng tự động tính toán liều insulin phù hợp. Tuy nhiên, đối với những người phải tự tiêm insulin nhiều lần hàng ngày, việc tính toán tỷ lệ C:I và hệ số hiệu chỉnh là điều bắt buộc vào tất cả các bữa ăn chính, bữa phụ và đồ uống.
Có hệ số hiệu chỉnh hay tỷ lệ C:I chung không?
Không có hệ số hiệu chỉnh insulin hay tỷ lệ carbohydrate - insulin chung cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, nếu chưa biết cách tính thì người bệnh có thể bắt đầu từ tỷ lệ carbohydrate - insulin 1:15 và hệ số hiệu chỉnh 1:50, sau đó theo dõi và điều chỉnh dần cho phù hợp với bản thân.
Tóm tắt bài viết
Cả tỷ lệ carbohydrate - insulin và hệ số hiệu chỉnh insulin đều là những công cụ quan trọng giúp kiểm soát hiệu quả bệnh đái tháo đường.
Tỷ lệ carbohydrate - insulin và hệ số hiệu chỉnh có thể thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có lối sống, chế độ ăn uống, thói quen sống, cân nặng, giới tính, tuổi tác và mục tiêu sức khỏe.
Luôn trao đổi với bác sĩ để xác định hệ số hiệu chỉnh và tỷ lệ carbohydrate - insulin thích hợp nhất.
Tìm hiểu về vai trò của insulin trong cơ thể và lợi ích của liệu pháp insulin trong kiểm soát, điều trị đái tháo đường type 2.
Phác đồ basal-bolus sử dụng insulin tác dụng nhanh và tác dụng kéo dài để kiểm soát bệnh tiểu đường, giúp người bệnh duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường một cách hiệu quả. Phác đồ này cho phép người bệnh có lối sống linh hoạt hơn.
Insulin bữa ăn (mealtime insulin) là một loại insulin tác dụng nhanh. Người mắc bệnh tiểu đường có thể phải dùng insulin bữa ăn cùng với các loại insulin có tác dụng lâu hơn để kiểm soát lượng đường trong máu.
Sử dụng insulin có thể gây tăng cân nhưng không được vì thế mà giảm liều hay ngừng sử dụng insulin. Điều này sẽ gây tăng đường huyết và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về lâu dài. Có nhiều cách để kiểm soát cân nặng khi dùng insulin, chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục.
Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.
- 0 trả lời
- 103 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi