1

Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da

Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da kê đơn được kết hợp cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục để kiểm soát tình trạng đường trong máu cao do bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2.
Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da

Thông tin cơ bản về insulin thường (insulin người)

  • Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da kê đơn chỉ có ở dạng dạng biệt dược, không có dạng thuốc gốc. Tên biệt dược: Humulin R.
  • Insulin thường (insulin người) có ba dạng là dung dịch tiêm dưới da, bột hít và tiêm tĩnh mạch. Dạng dung dịch tiêm dưới da còn có phiên bản không kê đơn có tên là Novolin R.
  • Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da kê đơn được kết hợp cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục để kiểm soát tình trạng đường trong máu cao do bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2.

Insulin thường (insulin người) là gì?

Insulin thường (insulin người) kê đơn có 3 dạng là dạng dung dịch tiêm dưới da, dạng bột hít và dạng tiêm tĩnh mạch.

Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da kê đơn chỉ có dạng biệt dược có tên là Humulin R chứ không có dạng thuốc gốc. Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da còn có phiên bản không kê đơn có tên là Novolin R.

Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da có tác dụng ngắn và có thể được dùng kết hợp với các loại insulin tác dụng trung bình hoặc tác dụng kéo dài. Loại insulin này được tiêm ngay ở lớp mỡ dưới da.

Ở những người bị bệnh tiểu đường type 2, insulin thường (insulin người) cũng có thể được sử dụng kết hợp với các loại thuốc đường uống để kiểm soát lượng đường trong máu.

Tác dụng của insulin thường

Insulin thường (insulin người) được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2.

Cơ chế tác dụng

Insulin thường (insulin người) thuộc nhóm thuốc insulin. Nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có cơ chế tác dụng, cấu trúc hóa học tương tự nhau và được sử dụng để điều trị các bệnh lý giống nhau.

Insulin là một loại hormone mà cơ thể tạo ra để giúp vận chuyển đường (glucose) từ máu vào tế bào. Tế bào sử dụng đường làm năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Ở những người bị tiểu đường type 1, tuyến tụy không thể tạo ra insulin. Ở những người bị tiểu đường type 2, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng lượng insulin được tạo ra một cách hiệu quả. Khi không có đủ insulin, đường sẽ tích tụ trong máu thay vì được đưa vào tế bào và gây ra tình trạng lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết).

Insulin thường (insulin người) là một loại insulin nhân tạo, có tác dụng ngắn, tương tự như insulin do tuyến tụy tạo ra. Insulin thường mô phỏng hoạt động của insulin tự nhiên trong cơ thể, có nghĩa là cũng giúp đưa lượng đường mà cơ thể hấp thụ từ thức ăn vào trong các tế bào. Lượng insulin bổ sung này giúp kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Tác dụng phụ của insulin thường (insulin người)

Giống như nhiều loại thuốc khác, insulin thường (insulin người) cũng đi kèm các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Danh sách dưới đây là các tác dụng phụ chính có thể xảy ra khi dùng insulin thường (insulin người). Ngoài ra, insulin thường còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khác ít gặp hơn.

Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ có thể xảy ra của insulin thường (insulin người) cũng như các cách khắc phục tác dụng phụ, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Các tác dụng phụ phổ biến

Các tác dụng phụ phổ biến của insulin thường (insulin người) gồm có:

  • Sưng phù cánh tay và chân
  • Tăng cân
  • Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) với các triệu chứng như:
    • Đổ mồ hôi
    • Chóng mặt, choáng váng
    • Run chân tay
    • Đói cồn cào
    • Tim đập nhanh
    • Châm chích hoặc tê ở bàn tay, bàn chân, môi hoặc lưỡi
    • Khó tập trung
    • Đầu óc không tỉnh táo
    • Mờ mắt
    • Nói năng không rõ
    • Lo âu, bồn chồn hoặc thay đổi tâm trạng thất thường
    • Cáu gắt

Tác dụng phụ tại vị trí tiêm như đỏ, sưng tấy và ngứa. Nếu các tác dụng phụ này kéo dài không đỡ sau khi tiêm hoặc nghiêm trọng thì cần báo cho bác sĩ. Không tiêm insulin vào vùng da đỏ, sưng hoặc ngứa.

Loạn dưỡng mỡ với triệu chứng là da co lại hoặc dày lên tại vị trí tiêm. Để tránh gặp phải vấn đề này thì nên thay đổi vị trí tiêm thường xuyên. Không tiếp tục tiêm insulin vào khu vực bị loạn dưỡng mỡ.

Nếu những tác dụng này nhẹ, chúng có thể biến mất trong vài ngày hoặc vài tuần. Nếu chúng nghiêm trọng hơn hoặc không biến mất, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Đến ngay cơ sở y tế nếu gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng insulin thường (insulin người). Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng của insulin thường (insulin người) và các triệu chứng:

  • Hạ đường huyết nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:
    • Thay đổi tâm trạng, chẳng hạn như cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn, tức giận vô cớ, chán nản, buồn bã
    • Mơ hồ, thiếu tỉnh táo hoặc mê sảng
    • Choáng váng, chóng mặt
    • Buồn ngủ
    • Mắt mờ hoặc suy giảm thị lực
    • Châm chích hoặc tê ở môi hoặc lưỡi
    • Đau đầu
    • Mệt mỏi, kiệt sức
    • Mất khả năng phối hợp động tác (mất điều hòa)
    • Gặp ác mộng khi ngủ
    • Co giật
    • Bất tỉnh
  • Hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp). Các triệu chứng gồm có:
    • Mệt mỏi, kiệt sức
    • Chuột rút cơ
    • Táo bón
    • Khó thở (nếu có triệu chứng này thì có nghĩa là tình trạng đã nghiêm trọng)
    • Rối loạn nhịp tim (tình trạng đã nghiêm trọng)
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:
    • Phát ban khắp cơ thể
    • Khó thở
    • Nhịp tim nhanh
    • Đổ mồ hôi
    • Choáng váng
    • Sưng phù bàn tay và bàn chân
  • Suy tim. Các triệu chứng gồm có:
    • Khó thở
    • Sưng mắt cá chân hoặc bàn chân
    • Tăng cân đột ngột

Điều trị hạ đường huyết

Hạ đường huyết cần phải được điều trị. Các bước can thiệp khi bị hạ đường huyết như sau:

  • Đối với hạ đường huyết nhẹ, cách điều trị là ăn hoặc uống 15 - 20 gram glucose, chẳng hạn như:
    • 3 đến 4 viên nén glucose
    • Một ống gel glucose
    • 120ml nước ép trái cây hoặc nước ngọt thông thường (không dùng loại dành cho người ăn kiêng)
    • 240ml sữa tách béo hoặc sữa 1% chất béo
    • Một thìa đường kính, mật ong hoặc siro ngô (corn syrup)
    • 8 đến 10 viên kẹo ngọt
  • Đo đường huyết sau 15 phút. Nếu đường huyết vẫn thì tiếp tục bổ sung glucose.
  • Khi đường huyết trở lại mức bình thường, ăn một bữa ăn nhẹ nếu như còn hơn 1 tiếng nữa mới đến bữa ăn tiếp theo.

Nếu không điều trị, hạ đường huyết có thể gây co giật, bất tỉnh và tổn thương não. Hạ đường huyết thậm chí còn có thể gây tử vong. Những trường hợp bất tỉnh do hạ đường huyết hoặc không thể nuốt cần được tiêm glucagon để đưa lượng đường trong máu về mức bình thường. Bệnh nhân có thể cần được đưa đi cấp cứu.

Tương tác thuốc

Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da có thể tương tác với một số loại thuốc khác. Mỗi tương tác thuốc sẽ dẫn đến các vấn đề khác nhau. Ví dụ, một số tương tác thuốc làm giảm hiệu quả của thuốc trong khi một số lại làm tăng tác dụng phụ.

Dưới đây là danh sách một số loại thuốc có thể tương tác với insulin thường (insulin người). Trước khi dùng insulin thường (insulin người), hãy cho bác sĩ và dược sĩ biết về tất cả các loại thuốc kê đơn, không kê đơn cũng như vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng đang dùng để tránh xảy ra tương tác thuốc.

Các loại thuốc điều trị tiểu đường khác

Dùng các loại thuốc trong nhóm thiazolidinedione với insulin thường (insulin người) có thể gây tích nước và suy tim. Các loại thuốc trong nhóm này gồm có:

  • pioglitazone
  • rosiglitazone

Dùng pramlintide cùng với insulin thường (insulin người) để kiểm soát bệnh tiểu đường có thể gây hạ đường huyết. Nếu cần dùng những loại thuốc này cùng nhau, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều insulin thường.

Thuốc điều trị trầm cảm

Dùng một số loại thuốc điều trị trầm cảm với insulin thường (insulin người) có thể gây hạ đường huyết. Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể tương tác với insulin thường gồm có:

  • Fluoxetine
  • Chất ức chế monoamine oxidase (MAOI)

Thuốc điều trị cao huyết áp

Dùng các loại thuốc điều trị cao huyết áp dưới đây cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây hạ đường huyết:

  • enalapril
  • lisinopril
  • captopril
  • losartan
  • valsartan
  • propranolol
  • metoprolol

Mặt khác, dùng thuốc lợi tiểu cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây tăng đường huyết.

Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim

Dùng disopyramide cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây hạ đường huyết.

Thuốc hạ cholesterol

Dùng một số loại thuốc hạ cholesterol như niacin cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây tăng đường huyết.

Thuốc giảm đau

Dùng các loại thuốc nhóm salicylate, chẳng hạn như aspirin, cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây hạ đường huyết.

Các loại thuốc trong nhóm thuốc tương tự somatostatin

Dùng octreotide cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây hạ đường huyết.

Thuốc chống đông máu

Dùng pentoxifylline cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây hạ đường huyết.

Thuốc điều trị dị ứng hoặc hen suyễn

Dùng những loại thuốc điều trị dị ứng hoặc hen suyễn dưới đây cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây tăng đường huyết:

  • Corticoid (corticosteroid)
  • Thuốc cường giao cảm

Các loại hormone được dùng để kiểm soát sinh sản

Dùng hormone estrogen hoặc progesterone cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây tăng đường huyết.

Thuốc điều trị HIV

Dùng thuốc ức chế protease cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây tăng đường huyết. Một số loại thuốc trong nhóm này gồm có:

  • ritonavir
  • saquinavir

Thuốc điều trị rối loạn tâm thần

Dùng những loại thuốc này cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây tăng đường huyết. Một số loại thuốc điều trị rối loạn tâm thần có thể tương tác với insulin thường:

  • olanzapine
  • clozapine
  • phenothiazines

Thuốc điều trị bệnh lao

Dùng một số loại thuốc điều trị bệnh lao như isoniazid cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây tăng đường huyết.

Một số loại thuốc kháng sinh

Tăng hoặc hạ đường huyết có thể xảy ra khi dùng insulin thường (insulin người) cùng với một số loại thuốc kháng sinh như:

  • sulfonamide
  • pentamidine

Thuốc điều trị rối loạn nội tiết tố

Dùng một số loại thuốc điều trị rối loạn nội tiết tố cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây tăng đường huyết, ví dụ như:

  • danazol
  • glucagon
  • somatropin
  • hormone tuyến giáp

Thuốc điều trị bệnh tim mạch

Dùng một số loại thuốc điều trị bệnh tim mạch cùng với insulin thường (insulin người) có thể khiến cho các dấu hiệu của hạ đường huyết không được phát hiện. Một số ví dụ gồm có:

  • Thuốc chẹn beta, chẳng hạn như propranolol, labetalol và metoprolol
  • Clonidine
  • Guanethidine
  • Reserpine

Cần báo cho bác sĩ khi bị bệnh, dự định phẫu thuật, đang bị căng thẳng nặng hoặc đã thay đổi chế độ ăn uống hay tập thể dục. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến lượng insulin thường (insulin người) cần sử dụng, do đó sẽ cần phải điều chỉnh liều dùng.

Nếu có các triệu chứng của tăng đường huyết thì đó là dấu hiệu cho thấy liều dùng insulin thường (insulin người) hiện tại đang không hiệu quả. Cần báo cho bác sĩ khi có các triệu chứng sau đây: đi tiểu nhiều lần, thường xuyên khát nước, đói cồn cào dù mới ăn, mệt mỏi bất thường, mờ mắt, vết cắt hoặc vết bầm tím chậm lành, châm chích, đau hoặc tê ở tay hoặc chân để điều chỉnh liều dùng insulin.

Cách dùng insulin thường (insulin người)

Liều insulin thường (insulin người) mà bác sĩ kê sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố:

  • Loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiểu đường
  • Độ tuổi
  • Dạng insulin thường
  • Các bệnh lý khác đang mắc

Thông thường, bác sĩ sẽ bắt đầu kê từ liều thấp và điều chỉnh theo thời gian để đạt đến liều dùng phù hợp.

Dưới đây là các mức liều dùng insulin thường thường được sử dụng hoặc khuyến nghị. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng liều mà bác sĩ chỉ định.

Dạng và hàm lượng thuốc

Tên biệt dược: Humulin R

Dạng: dung dịch tiêm dưới da, lọ 3ml và 10ml

Hàm lượng: 100 đơn vị/ml

Dạng: dung dịch tiêm dưới da, lọ 20 ml

Hàm lượng: 500 đơn vị/ml

Dạng: dung dịch tiêm dưới da, bút tiêm 3 ml

Hàm lượng: 500 đơn vị/ml

Liều dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 1

Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)

  • Insulin thường (insulin người) thường được tiêm 3 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày trước bữa ăn.
  • Nên ăn trong vòng 30 phút sau khi tiêm.
  • Nhu cầu insulin trung bình dao động trong khoảng từ 0,5 đến 1 đơn vị/kg cân nặng mỗi ngày.
  • Khi mới bắt đầu điều trị bằng insulin, liều dùng có thể thấp hơn, từ 0,2 đến 0,4 đơn vị/kg cân nặng mỗi ngày.
  • Tiêm insulin thường (insulin người) dưới da ở những khu vực có nhiều mỡ như bụng, đùi, mông hoặc sau bắp tay. Đây là những khu vực mà insulin được hấp thụ nhanh nhất.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

  • Tổng nhu cầu insulin hàng ngày của trẻ em thường là từ 0,5 đến 1 đơn vị/kg cân nặng mỗi ngày.
  • Trẻ em chưa qua tuổi dậy thì có thể cần nhiều insulin hơn. Liều dùng có thể dao động từ 0,7 đến 1 đơn vị/kg cân nặng mỗi ngày.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Khi có tuổi, cơ thể xử lý insulin chậm hơn. Do đó, bác sĩ thường sẽ giảm liều đối với bệnh nhân lớn tuổi để tránh nồng độ insulin quá cao trong máu. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm.

Liều dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 2

Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)

  • Insulin thường (insulin người) thường được tiêm 3 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày trước bữa ăn.
  • Nên ăn trong vòng 30 phút sau khi tiêm.
  • Nhu cầu insulin trung bình dao động trong khoảng từ 0,5 đến 1 đơn vị/kg cân nặng mỗi ngày.
  • Khi mới bắt đầu điều trị bằng insulin, liều dùng có thể thấp hơn, từ 0,2 đến 0,4 đơn vị/kg cân nặng mỗi ngày.
  • Tiêm insulin thường (insulin người) dưới da ở những khu vực có nhiều mỡ như bụng, đùi, mông hoặc sau bắp tay. Đây là những khu vực mà insulin được hấp thụ nhanh nhất.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

  • Tổng nhu cầu insulin hàng ngày của trẻ em thường là từ 0,5 đến 1 đơn vị/kg cân nặng mỗi ngày.
  • Trẻ em chưa qua tuổi dậy thì có thể cần nhiều insulin hơn. Liều dùng có thể dao động từ 0,7 đến 1 đơn vị/kg cân nặng mỗi ngày.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Khi có tuổi, cơ thể xử lý insulin chậm hơn. Do đó, bác sĩ thường sẽ giảm liều đối với bệnh nhân lớn tuổi để tránh nồng độ insulin quá cao trong máu. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm.

Liều dùng insulin trong những trường hợp đặc biệt

  • Người bị bệnh thận: Insulin thường được thận đào thải khỏi cơ thể. Nếu thận không hoạt động tốt, nồng độ insulin trong máu sẽ tăng cao và gây hạ đường huyết. Trong những trường hợp mắc bệnh thận, bác sĩ sẽ bắt đầu kê từ liều thấp và dần dần tăng liều nếu cần.
  • Người bị bệnh gan: Ở những người mắc bệnh gan, lượng insulin bổ sung cũng có thể tích tụ trong cơ thể. Do đó, bác sĩ sẽ bắt đầu kê từ liều thấp và từ từ tăng liều nếu cần. Trong những trường hợp này, đường huyết cần được theo dõi sát sao.

Cảnh báo về insulin thường (insulin người)

Dưới đây là một số cảnh báo về insulin thường (insulin người).

Nguy cơ hạ đường huyết

Insulin thường (insulin người) có thể gây hạ đường huyết và cần phải can thiệp điều trị ngay lập tức. Các triệu chứng của hạ đường huyết gồm có:

  • Đói cồn cào
  • Chóng mặt
  • Run tay chân
  • Lâng lâng, chóng mặt
  • Đổ mồ hôi
  • Cáu gắt
  • Đau đầu
  • Tim đập nhanh
  • Mơ hồ, không tỉnh táo

Tương tác với thiazolidinedione

Dùng thiazolidinedione (một nhóm thuốc điều trị bệnh tiểu đường) cùng với insulin thường (insulin người) có thể gây suy tim trong một số trường hợp. Điều này có thể xảy ra cả ở những người không có tiền sử suy tim hoặc các vấn đề về tim mạch khác. Nguy cơ sẽ càng tăng cao ở những người có tiền sử suy tim. Do đó, những trường hợp phải dùng cả insulin thường (insulin người) và thiazolidinedione cần được theo dõi sát sao.

Báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu có các triệu chứng mới hoặc nặng hơn của suy tim như:

  • Khó thở
  • Sưng phù mắt cá chân hoặc bàn chân
  • Tăng cân đột ngột

Không dùng chung dụng cụ tiêm

Không dùng chung lọ đựng, bơm kim tiêm hoặc bút tiêm insulin với người khác để tránh lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng.

Nguy cơ dị ứng

Insulin thường (insulin người) có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng trên toàn cơ thể. Các triệu chứng gồm có:

  • Phát ban
  • Ngứa
  • Khó thở
  • Tức ngực
  • Tim đập nhanh
  • Sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng
  • Đổ mồ hôi

Nếu xuất hiện những triệu chứng này thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Không dùng insulin thường (insulin người) nếu đã từng bị dị ứng. Việc tiếp tục dùng có thể gây tử vong.

Điều chỉnh liều dùng theo chế độ ăn

Tăng lượng carbohydrate (đường) tiêu thụ sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Nếu liều dùng insulin thường (insulin người) hiện tại không kiểm soát được đường huyết thì sẽ phải tăng liều.

Giảm lượng carbohydrate tiêu thụ sẽ làm giảm lượng đường trong máu. Lúc này cần giảm liều dùng insulin thường (insulin người) để tránh bị hạ đường huyết.

Không bỏ bữa khi dùng insulin thường (insulin người). Khi đã tiêm insulin thì cần phải ăn để ngăn ngừa phản ứng hạ đường huyết.

Hạn chế rượu bia

Hạn chế uống rượu bia vì cồn có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Nếu uống rượu bia trong khi sử dụng insulin thường (insulin người), lượng đường trong máu có thể sẽ giảm xuống mức quá thấp. Một số loại đồ uống có cồn còn chứa nhiều calo, đặc biệt là khi tiêu thụ lượng lớn. Nạp vào quá nhiều calo có thể làm tăng lượng đường trong máu.

Cảnh báo đối với người mắc một số bệnh lý

  • Đối với người mắc bệnh thận: Insulin thường được thận đào thải khỏi cơ thể. Nếu thận không hoạt động tốt, nồng độ insulin trong máu sẽ tăng cao và gây hạ đường huyết. Trong những trường hợp mắc bệnh thận, bác sĩ sẽ bắt đầu kê từ liều thấp và dần dần tăng liều nếu cần.
  • Đối với người mắc bệnh gan: Ở những người mắc bệnh gan, lượng insulin bổ sung cũng có thể tích tụ trong cơ thể. Do đó, bác sĩ sẽ bắt đầu kê từ liều thấp và từ từ tăng liều nếu cần. Trong những trường hợp này, đường huyết cần được theo dõi sát sao.
  • Đối với người bị suy tim: Dùng thiazolidinedione (một nhóm thuốc điều trị bệnh tiểu đường) cùng với insulin thường (insulin người) có thể khiến cho tình trạng suy tim trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, những trường hợp dùng cả insulin thường (insulin người) và thiazolidinedione cần được theo dõi sát sao. Phải báo cho bác sĩ ngay khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng suy tim mới nào hoặc các triệu chứng trở nên nặng hơn.
  • Đối với người bị hạ kali máu: Insulin có thể làm thay đổi nồng độ kali trong máu và dẫn đến hạ kali máu. Những người đang sử dụng các loại thuốc làm giảm kali cùng với insulin thường (insulin người) cần phải kiểm tra lượng đường và kali trong máu thường xuyên.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tương khác

  • Đối với phụ nữ mang thai: Các nghiên cứu không phát hiện thấy rủi ro nào đối với thai nhi nếu người mẹ sử dụng insulin thường (insulin người). Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng insulin thường trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích lớn hơn rủi ro. Hãy cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc dự định có thai. Mang thai có thể khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn. Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường là điều rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả người mẹ và thai nhi.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Insulin có thể đi vào sữa mẹ nhưng sau đó sẽ được phân hủy trong dạ dày của trẻ. Do đó, insulin không gây ra tác dụng phụ ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đối với phụ nữ cho con bú, liều dùng insulin sẽ được điều chỉnh.
  • Đối với trẻ em: Trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ bị hạ đường huyết cao hơn so với người trưởng thành. Do dó, trẻ cần được theo sõi sát sao khi điều trị bằng insulin.

Thực hiện theo chỉ dẫn

Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da được sử dụng lâu dài để điều trị bệnh tiểu đường. Điều quan trọng là phải sử dụng đúng theo chỉ dẫn để tránh xảy ra những vấn đề không mong muốn. Dưới đây là những vấn đề có thể phát sinh nếu không sử dụng insulin hoặc sử dụng không theo chỉ định.

Không sử dụng insulin: Việc không dùng insulin thường (insulin người) sẽ dẫn đến tăng đường huyết. Lượng đường trong máu ở mức cao trong thời gian dài sẽ gây tổn hại cho mắt, thận, thần kinh và tim mạch. Các vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra do đường huyết cao mãn tính gồm có nhồi máu cơ tim, đột quỵ, mù lòa, suy thận và phải lọc máu, hoại từ và phải cắt cụt chi.

Không dùng đúng lịch: Nếu không tiêm insulin thường (insulin người) đúng lịch, lượng đường trong máu sẽ không được kiểm soát tốt. Nếu các lần tiêm quá sát nhau thì có thể xảy ra hạ đường huyết. Nếu các lần tiêm quá xa nhau thì có thể xảy ra tăng đường huyết.

Dùng quá liều: Insulin thường (insulin người) có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu không dùng đúng cách. Ví dụ, insulin Humulin U-500 có hàm lượng cao gấp 5 lần so với insulin thông thường (insulin U-100). Dùng quá liều insulin có thể xảy ra khi sử dụng sai loại insulin hoặc đo liều không chuẩn xác.

Luôn phải kiểm tra kỹ xem có đang sử dụng đúng loại insulin mà bác sĩ chỉ định hay không. Hãy hỏi bác sĩ cách xác định liều dùng phù hợp.

Tiêm insulin thường (insulin người) quá liều có thể dẫn đến hạ đường huyết. Hạ đường huyết nhẹ có thể được điều trị bằng cách uống một cốc sữa, nửa cốc nước ngọt soda, nước ép trái cây, hoặc ăn 5 - 6 viên kẹo cứng. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê, co giật hoặc thậm chí tử vong.

Trong trường hợp dùng insulin thường (insulin người) liều quá lớn, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện.

Tiêm quá liều insulin thường (insulin người) còn có thể gây hạ kali máu. Tình trạng này thường không biểu hiện triệu chứng nhưng đôi khi gây mệt mỏi, kiệt sức và táo bón. Nên đến bệnh viện nếu đã insulin quá liều để làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ kali trong máu và điều trị nếu cần.

Quên tiêm insulin: Nên tiêm insulin thường (insulin người) trước bữa ăn 30 phút. Nếu quên tiêm và vừa ăn xong thì hãy tiêm ngay.

Nếu đã ăn xong từ lâu mới nhớ ra đã quên tiêm insulin thì hãy gọi cho bác sĩ để được hướng dẫn.

Không được tiêm bù vào lần tiêm tiếp theo vì điều này có thể gây hạ đường huyết.

Làm thế nào để biết insulin có hiệu quả hay không? Insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu nên có thể đánh giá hiệu quả của insulin qua mức đường huyết. Bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm A1C để kiểm tra mức đường huyết trung bình trong vòng 2 đến 3 tháng qua.

Nếu insulin có hiệu quả, các triệu chứng của đường huyết cao như thường xuyên thèm ăn, khát nước hoặc đi tiểu nhiều lần… sẽ giảm.

Những lưu ý quan trọng khi dùng insulin thường (insulin người)

Dưới đây là những điều quan trọng cần lưu ý khi sử dụng insulin thường (insulin người).

Lưu ý chung

  • Nên ăn trong vòng 30 phút sau khi tiêm insulin thường (insulin người).
  • Tiêm insulin vào đúng thời điểm mỗi ngày.

Bảo quản

Humulin R U-100

Chưa mở nắp:

  • Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ 2°C đến 8°C (36°F đến 46°F).
  • Không được để trong ngăn đông.

Đã mở nắp:

  • Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C (86°F). Không cần bảo quản lạnh.
  • Tránh xa nguồn nhiệt và ánh sáng.
  • Lọ đã mở nắp phải được sử dụng hết trong vòng 31 ngày. Nếu đã quá 31 ngày thì phải vứt đi và dùng lọ mới.
  • Không sử dụng Humulin đã quá hạn hoặc đã được bảo quản trong ngăn đông.

Humulin R U-500

Chưa mở nắp:

  • Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ 2°C đến 8°C (36°F đến 46°F).
  • Không được để trong ngăn đông.

Đã mở nắp:

  • Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C (86°F). Không cần bảo quản lạnh.
  • Dạng bút phải được bảo quản ở nhiệt độ phòng.
  • Tránh xa nguồn nhiệt và ánh sáng.
  • Lọ đã mở nắp phải được sử dụng hết trong vòng 40 ngày. Nếu đã quá 40 ngày thì phải vứt đi và dùng lọ mới.
  • Bút đang dùng dở phải được sử dụng hết trong vòng 28 ngày.
  • Không sử dụng Humulin R U-500 đã quá hạn hoặc đã được bảo quản trong ngăn đông

Mang theo insulin thường khi đi xa

Trong những chuyến đi xa, người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây:

  • Luôn mang theo insulin bên mình. Khi đi máy bay, không được để insulin trong hành lý ký gửi mà phải để trong hành lý xách tay.
  • Máy soi chiếu hành lý x-ray ở sân bay sẽ không ảnh hưởng đến insulin.
  • Có thể sẽ phải cho nhân viên an ninh xem nhãn hiệu thuốc. Luôn mang theo đơn thuốc của bác sĩ.
  • Những lọ insulin chưa mở nắp cần được bảo quản lạnh. Có thể phải sử dụng túi cách nhiệt và túi chườm lạnh để duy trì nhiệt độ bảo quản insulin khi đi xa.
  • Không để insulin bên trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Cần sử dụng bơm kim tiêm để tiêm insulin. Tìm hiểu về quy định của sân bay về việc mang theo bơm kim tiêm.
  • Báo cho bác sĩ nếu phải di chuyển sang khu vực có sự chênh lệch múi giờ từ 2 tiếng trở lên để điều chỉnh giờ tiêm insulin.

Tự kiểm soát tăng/hạ đường huyết

Khi sử dụng insulin thường (insulin người), người bệnh cần nhận biết được các dấu hiệu của tăng hoặc hạ đường huyết và biết cách kiểm soát các tình trạng này. Ví dụ, người bệnh cần nắm được cách:

  • Sử dụng máy đo đường huyết để kiểm tra lượng đường trong máu
  • Chuẩn bị và tiêm insulin thường bằng bơm kim tiêm

Những vật dụng, thiết bị cần chuẩn bị khi sử dụng insulin thường (insulin người):

  • Máy đo đường huyết
  • Bông tẩm cồn
  • Kim hoặc lưỡi dao nhỏ để lấy máu từ đầu ngón tay và đo đường huyết
  • Bơm kim tiêm (xi lanh)
  • Que thử đường huyết
  • Hộp đựng kim tiêm đã qua sử dụng

Lưu ý khi tiêm:

  • Tiêm insulin thường (insulin người) vào phần mỡ dưới da. Những vị trí lý tưởng nhất là bụng, mông, đùi hoặc phần bên ngoài của bắp tay.
  • Mỗi lần nên tiêm vào một vị trí khác nhau.
  • Không tiêm vào vùng da bị kích ứng hoặc mẩn đỏ.
  • Không dùng chung lọ đựng insulin, bơm kim tiêm hoặc bút tiêm insulin bơm sẵn với người khác. Dùng chung những dụng cụ tiêm insulin sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh tật.
  • Nếu có vấn đề về thị lực và phải sử dụng bút tiêm insulin Humulin R U-500 KwikPen thì có thể dựa theo tiếng phát ra từ bút để chọn đúng liều insulin nhưng vẫn nên nhờ người xung quanh kiểm tra trước khi tiêm thuốc.

Theo dõi lâm sàng

Người bệnh có thể sẽ phải làm một số xét nghiệm trước khi bắt đầu sử dụng insulin và xét nghiệm định kỳ trong quá trình điều trị để theo dõi và điều chỉnh liều insulin nếu cần thiết. Một số xét nghiệm thường được thực hiện gồm có:

  • Xét nghiệm đường huyết
  • Xét nghiệm A1C. Xét nghiệm này giúp đánh giá mức đường huyết trung bình trong 2 - 3 tháng gần nhất
  • Xét nghiệm đánh giá chức năng gan
  • Xét nghiệm đánh giá chức năng thận

Bác sĩ sẽ còn hỏi về các loại thuốc khác đang dùng, thói quen tập luyện và lượng carbohydrate trong chế độ ăn ăn.

Ngoài ra, để kiểm tra các biến chứng của bệnh tiểu đường, người bệnh nên:

  • Khám mắt ít nhất một lần/năm
  • Khám chân ít nhất một lần/năm
  • Khám răng ít nhất một lần/năm
  • Khám thần kinh
  • Xét nghiệm cholesterol
  • Đo huyết áp và nhịp tim

Chế độ ăn uống

Lựa chọn thực phẩm lành mạnh và theo dõi thói quen ăn uống có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường. Thực hiện theo chế độ ăn mà bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị.

Lựa chọn thay thế insulin thường

Còn có nhiều loại thuốc khác để điều trị bệnh tiểu đường. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp dựa trên loại bệnh tiểu đường, biến chứng và các bệnh lý khác đang mắc.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: dung dịch
Tin liên quan
Humulin R (insulin người): Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Humulin R (insulin người): Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Humulin R là một loại thuốc được sử dụng cho người lớn và trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 để kiểm soát lượng đường trong máu.

Insulin: Vai trò đối với bệnh tiểu đường, cách sử dụng và liều lượng
Insulin: Vai trò đối với bệnh tiểu đường, cách sử dụng và liều lượng

Tiêm insulin có thể giúp kiểm soát cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Insulin từ bên ngoài có tác dụng thay thế hoặc bổ sung cho insulin tự nhiên của cơ thể.

Insulin có tác dụng gì đối với bệnh đái tháo đường type 2?
Insulin có tác dụng gì đối với bệnh đái tháo đường type 2?

Tìm hiểu về vai trò của insulin trong cơ thể và lợi ích của liệu pháp insulin trong kiểm soát, điều trị đái tháo đường type 2.

Cách sử dụng máy bơm insulin
Cách sử dụng máy bơm insulin

Máy bơm insulin là một thiết bị nhỏ mà người bệnh luôn đeo bên người để đưa insulin vào cơ thể. Đây là một giải pháp thay thế cho việc tiêm insulin thường xuyên và một số loại máy bơm insulin có chức năng kết nối với máy đo đường huyết liên tục để cung cấp insulin ngay khi lượng đường trong máu tăng cao.

Tiêm insulin ở đâu và tiêm như thế nào?
Tiêm insulin ở đâu và tiêm như thế nào?

Bệnh tiểu đường thường được kiểm soát bằng chế độ ăn uống và tập thể dục, kết hợp với thuốc đường uống hoặc insulin nếu cần thiết. Tất cả những người bị bệnh tiểu đường type 1 đều phải sử dụng insulin suốt đời và một số người bị tiểu đường type 2 cũng phải sử dụng insulin.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây