1

Trứng gà và trứng vịt có gì khác nhau?

Mặc dù có sự khác biệt về màu sắc, kích thước và mùi vị nhưng cả trứng gà và trứng vịt đều chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Trứng gà và trứng vịt có gì khác nhau? Trứng gà và trứng vịt có gì khác nhau?

Trứng là một loại thực phẩm vô cùng bổ dưỡng với hàm lượng protein dồi dào mà con người đã ăn từ hàng triệu năm trước.

Loại trứng được tiêu thụ phổ biến nhất trên toàn thế giới là trứng gà. Tuy nhiên, ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, người dân còn ăn cả các loại trứng khác như trứng vịt, trứng chim cút và trứng ngỗng.

Trứng vịt là loại thực phẩm rất phổ biến tại các nước châu Á và gần đây đã được sử dụng rộng rãi ở những nơi khác trên thế giới.

Vậy trứng gà và trứng vịt có gì khác nhau? Loại nào bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe hơn?

Điểm khác biệt cơ bản giữa trứng gà và trứng vịt

Trứng gà và trứng vịt có một số điểm khác nhau cơ bản, đó là về màu sắc, kích thước và mùi vị.

Kích thước và màu sắc

Sự khác biệt rõ nhất giữa hai loại trứng này là về kích thước.

Trứng vịt thường to hơn 50 - 100% so với một quả trứng gà cỡ vừa. Như vậy, ăn một quả trứng vịt sẽ tương đương với 1,5 – 2 quả trứng gà.

Vỏ trứng gà có các màu khác nhau, tùy thuộc vào từng giống gà, gồm có trứng gà vỏ trắng, trắng gà vỏ nâu và trứng gà vỏ xanh. Màu sắc của vỏ trứng còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như loại thức ăn của gà mái, phương pháp chăn nuôi và di truyền.

Cũng như trứng gà, màu sắc của vỏ trứng vịt thay đổi theo giống, di truyền, chế độ ăn của vịt và môi trường nuôi.

Trứng vịt thường có màu trắng, hồng nhạt hoặc xanh.

Kích thước và màu sắc của lòng đỏ trứng vịt và lòng đỏ trứng gà cũng khác nhau. Lòng đỏ trứng gà thường nhỏ và có màu vàng nhạt hơn lòng đỏ trứng vịt.

Mùi vị

Không chỉ khác nhau về kích thước và màu sắc, nhiều người còn cho rằng trứng vịt có hương vị đậm đà hơn trứng gà và lòng đỏ trứng vịt có vị ngậy béo hơn lòng đỏ trứng gà. Trong khi đó những người không ăn được lại cảm thấy trứng vịt có mùi tanh hơn trứng gà.

Tuy nhiên, nói chung thì trứng vịt và trứng gà có vị tương tự nhau, không khác biệt quá lớn.

Tóm tắt: So với trứng gà, trứng vịt thường có kích thước lớn hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Màu sắc vỏ trứng phụ thuộc vào giống gà/vịt và một số yếu tố khác. Lòng đỏ trứng vịt thường có màu vàng đậm hơn lòng đỏ trứng gà. Về mùi vị, hai loại trứng không khác biệt nhiều.

Giá trị dinh dưỡng của trứng gà và trứng vịt

Trứng gà và trứng vịt đều có giá trị dinh dưỡng cao.

Bảng dưới đây là các chất dinh dưỡng chính có trong hai loại trứng và hàm lượng mỗi chất trong 100 gram trứng đã nấu chín: (1)

  Trứng vịt Trứng gà
Lượng calo 223 calo 149 calo
Protein 12 gram 10 gram
Chất béo 18,5 gram 11 gram
Carb 1,4 gram 1,6 gram
Chấ t xơ 0 gram 0 gram
Cholesterol 276% giá trị hàng ngày (daily value - DV) 92% DV
Choline 36% DV 40% DV
Đồng 6% DV 7% DV
Folate 14% DV 9% DV
Sắt 20% DV 7% DV
Vitamin B5 20% DV 24% DV
Phốt pho 16% DV 13% DV
Vitamin B2 28% DV 29% DV
Selen 62% DV 43% DV
Vitamin B1 10% DV 3% DV
Vitamin A 23% DV 18% DV
Vitamin B6 15% DV 8% DV
Vitamin B12 168% DV 32% DV
Vitamin D 8% DV 9% DV
Vitamin E 13% DV 8% DV
Kẽm 12% DV 9% DV

 

Nhìn chung, trứng chứa ít carb và chất xơ nhưng lại giàu protein và chất béo tốt. Trứng còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là choline, vitamin B2, selen, vitamin Avitamin B12.

Mặc dù cả hai loại trứng đều giàu dinh dưỡng nhưng hàm lượng một số chất cụ thể trong trứng vịt cao hơn trứng gà, gồm có folate, sắt và vitamin B12.

Lượng vitamin B12 trong trứng vịt có thể đáp ứng ít nhất 168% nhu cầu vitamin B12 hàng ngày. Cơ thể chúng ta cần vitamin B12 cho một số quá trình, chẳng hạn như hình thành DNA và sản xuất tế bào hồng cầu mới.

Tuy nhiên, hàm lượng một số protein như ovalbumin, conalbumin và lysozyme trong lòng trắng trứng gà lại cao hơn so với lòng trắng trứng vịt. Theo các nhà khoa học, những protein này cùng một số protein khác trong trứng có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư. (2)

Một số người lầm tưởng chỉ có lòng trắng trứng mới chứa protein nhưng lòng đỏ cũng có lượng protein lớn, chỉ ít hơn một chút so với lòng trắng.

Cả lòng trắng và lòng đỏ trứng vịt và trứng gà đều rất giàu peptit hoạt tính sinh học có lợi. Các peptit này là các hạt protein giúp cải thiện sức khỏe.

Tóm tắt: Trứng vịt và trứng gà đều chứa nhiều protein, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và peptit hoạt tính sinh học góp phần bảo vệ sức khỏe.

Các lợi ích của trứng

Nhờ chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng nên trứng vịt và trứng gà mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Dưới đây là một số lợi ích cụ thể của cả hai loại trứng.

Ngăn ngừa thiếu hụt vitamin D

Trứng vịt và trứng gà chứa lượng vitamin D tương đương nhau. 100 gram trứng có thể đáp ứng từ 8 - 9% nhu cầu vitamin D hàng ngày.

Hơn nữa, một số nghiên cứu trên động vật đã cho thấy rằng thường xuyên ăn trứng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D.

Một nghiên cứu kéo dài 8 tuần đã cho những con chuột bị bệnh tiểu đường ăn chế độ ăn chỉ có trứng và kết quả là nồng độ vitamin D trong máu đã tăng lên cao hơn 130% so với những con chuột ăn chế độ ăn dựa trên protein.

Nồng độ vitamin D của những con chuột chỉ ăn trứng cũng cao hơn so với những con chuột theo chế độ ăn dựa trên protein và được cho uống bổ sung vitamin D.

Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu về tác động của trứng vịt và trứng gà đến lượng vitamin D trong cơ thể còn hạn chế và các nhà khoa học cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn trên người để xác nhận điều này.

Cung cấp nhiều protein

Thường xuyên ăn các loại thực phẩm giàu protein nạc, chẳng hạn như trứng, sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cho sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Tăng cảm giác no
  • Giảm lượng calo nạp vào
  • Giảm cân

Một nghiên cứu nhỏ đã phát hiện ra rằng protein trong trứng đặc biệt có thể có lợi cho việc giảm cân.

Nghiên cứu này quan sát thấy rằng những con chuột được cho ăn chế độ ăn có 10 – 20% protein đến từ trứng gà đã giảm số cân nặng nhiều hơn 29 – 30% so với những con chuột được cho ăn chế độ ăn giàu casein – một loại protein từ sữa.

Tuy nhiên, nghiên cứu này được thực hiện trên động vật, có quy mô nhỏ và còn nhiều hạn chế. Cần có thêm các nghiên cứu trên người để so sánh tác dụng của protein trong trứngvới protein trong các loại thực phẩm khác.

Tuy nhiên, trứng giàu protein mà lại ít calo nên đây là một loại thực phẩm rất phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và là lựa chọn lý tưởng cho những người đang cần giảm cân.

Có lợi cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh

Trứng là một nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho phụ nữ mang thai và thai nhi.

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn trứng trong thai kỳ và sau khi sinh mang lại một số lợi ích, chẳng hạn như giúp người mẹ tiết sữa nhiều hơn. Ngoài ra, chất choline trong trứng có thể hỗ trợ sức khỏe và sự phát triển não bộ ở trẻ sơ sinh.

Trứng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh, gồm có vitamin B12, selen và phốt pho.

Tuy nhiên, các tác động của việc ăn trứng đến sức khỏe người mẹ lại là vấn đề còn đang gây tranh cãi. Một nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều trứng giúp làm giảm nguy cơ cao huyết áp và tiểu đường ở phụ nữ mang thai. Trong khi đó, một nghiên cứu khác lại cho thấy ăn trứng làm tăng nguy cơ.

Vì vậy, cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu về tác động của trứng đối với phụ nữ mang thai, thai nhi và trẻ sơ sinh.

Tóm tắt: Trứng vịt và trứng gà là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú, những người đang cần giảm cân và những người có nguy cơ thiếu vitamin D. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm về các chủ đề này.

Tác hại của trứng

Mặc dù trứng là một loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng thường xuyên ăn quá nhiều trứng vịt hoặc gà sẽ không tốt cho sức khỏe.

Nấu chín trứng làm giảm lượng protein và các chất dinh dưỡng khác

Hàm lượng một số chất dinh dưỡng sẽ tăng hoặc giảm khi trứng được nấu chín. Đây là điều bình thường bởi các chất dinh dưỡng trong thực phẩm đều có sự thay đổi nhất định khi gặp nhiệt độ cao và tiếp xúc với các loại thực phẩm khác trong quá trình nấu nướng.

Ví dụ, trứng sống và trứng luộc chín có lượng protein không giống nhau.

Hàm lượng các chất dinh dưỡng khác cũng sẽ thay đổi sau khi nấu. Một nghiên cứu cho thấy rằng việc nấu chín trứng gà có thể làm giảm tới 20% lượng vitamin A.

Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng các chất chống oxy hóa trong trứng có thể bị thay đổi do nhiệt. Nhưng quá trình nấu lại có thể làm tăng một số chất khác trong trứng.

Dù thành phần dinh dưỡng có sự thay đổi sau khi nấu chín nhưng trứng vẫn là một loại thực phẩm bổ dưỡng.

Nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella

Salmonella là một loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng đường ruột với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu và sốt.

Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn Salmonella thường không gây nguy hiểm đến tính mạng ở những người khỏe mạnh nhưng một số nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao hơn khi bị nhiễm vi khuẩn này, chẳng hạn như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Trứng có thể bị nhiễm vi khuẩn Salmonella từ gà, vịt hoặc vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập qua vỏ trứng.

Để tránh bị nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn Salmonella thì phải luôn rửa sạch trứng vịt hoặc trứng gà sau khi mua về và nấu chín trứng đến nhiệt độ ít nhất 71 độ C (160 độ F). (3)

Trứng có thể chứa kim loại nặng

Kim loại nặng là một nhóm nguyên tố hóa học.

Các kim loại nặng có thể có trong một số loại thực phẩm do được hấp thụ từ đất, nước và không khí. Lượng kim loại nặng trong trứng tùy thuộc vào cách thức và nơi nuôi vịt hoặc gà.

Thức ăn chăn nuôi bị nhiễm kim loại nặng cũng có thể khiến cho trứng có chứa kim loại nặng.

Kim loại nặng nói chung là vô hại và một số loại, chẳng hạn như sắt, thậm chí còn là chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần để hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, một số kim loại nặng sẽ gây hại nếu tích tụ quá nhiều trong cơ thể.

Các nghiên cứu được thực hiện trên cả trứng vịt và trứng gà đã phát hiện ra rằng một số quả trứng có chứa lượng đáng kể kim loại nặng, gồm có chì, cadmium, crom, coban và đồng. (4)

Ăn quá nhiều trứng vịt hoặc trứng gà chứa nhiều kim loại nặng sẽ có hại cho sức khỏe về lâu dài.

Tranh cãi về tác hại của trứng

Đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về tác động của lượng cholesterol trong trứng đến sức khỏe tim mạch.

Lòng đỏ trứng chứa một lượng chất béo đáng kể. 100 gram lòng đỏ có thể đáp ứng hơn 100% nhu cầu cholesterol hàng ngày. Vì lý do này nên nhiều người cho rằng ăn trứng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng trứng không những không gây hại mà còn giúp tăng cường sức khỏe.

Đặc biệt, ăn trứng một cách vừa phải có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như đột quỵ.

Tuy nhiên, một vài nghiên cứu khác lại phát hiện ra rằng ăn trứng có thể làm tăng nồng độ cholesterol và lượng đường trong máu mà về lý thuyết, đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính như bệnh tim mạch và tiểu đường.

Do đó, chỉ nên ăn trứng vịt hoặc trứng gà ở mức độ vừa phải và chọn các phương pháp chế biến lành mạnh, chẳng hạn như luộc, hấp hay chần.

Tóm tắt: Trứng vịt và trứng gà đôi khi có chứa vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột hoặc có lượng kim loại nặng cao hơn mức bình thường.

Nên chọn trứng gà hay trứng vịt?

Cả trứng gà và trứng vịt đều bổ dưỡng. Lựa chọn loại nào là tùy thuộc vào quan điểm và sở thích của mỗi người.

Dưới đây là một số yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn giữa trứng vịt và trứng gà:

  • Dị ứng: Nhiều người bị dị ứng với trứng gà nhưng vẫn có thể ăn trứng vịt và ngược lại do sự khác biệt về loại protein gây phản ứng dị ứng.
  • Sở thích: Một số người chọn trứng vịt vì cho rằng trứng vịt đậm đà hơn trong khi có người lại thích ăn trứng gà vì cảm thấy trứng gà dễ ăn hơn.
  • Mục đích sử dụng: Trứng gà có thể dùng được cho nhiều món ăn hơn. Không nên dùng trứng vịt để làm các loại bánh ngọt vì thành phẩm có thể sẽ có mùi hơi tanh.
  • Giá thành: Trứng vịt thường có giá bán cao hơn trứng gà.

Tóm tắt: Việc chọn trứng vịt hay trứng gà là tùy vào sở thích cá nhân, tình trạng dị ứng, mục đích sử dụng và giá thành.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù có sự khác biệt về màu sắc, kích thước và mùi vị nhưng cả trứng gà và trứng vịt đều chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Hơn nữa, trứng có giá rẻ, chế biến được thành nhiều món, thuận tiện và dễ tìm mua.

Mặc dù cần nghiên cứu thêm nhưng ăn quá nhiều trứng có thể gây hại. Vì vậy, dù là trứng gà hay trứng vịt thì cũng chỉ nên một cách vừa phải và kết hợp với các loại thực phẩm lành mạnh khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCT) là gì và có lợi ích như thế nào?
Chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCT) là gì và có lợi ích như thế nào?

Chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCT) có thể giúp giảm cân và các sản phẩm bổ sung chất dinh dưỡng này được nhiều vận động viên và người tập thể hình sử dụng.

Cà phê có gây nổi mụn trứng cá không?
Cà phê có gây nổi mụn trứng cá không?

Nhiều người có thói quen uống một ly cà phê sau bữa sáng để khởi đầu ngày mới tràn đầy năng lượng hoặc uống vào đầu giờ chiều để lấy lại sự tỉnh táo, giảm buồn ngủ nhưng có ý kiến lo ngại uống nhiều cà phê sẽ có hại cho làn da, ví dụ như gây nổi mụn trứng cá.

Vitamin D có thể trị mụn trứng cá?
Vitamin D có thể trị mụn trứng cá?

Nếu bị mụn trứng cá dai dẳng và đã thử nhiều phương pháp điều trị mà không đỡ thì nguyên nhân có thể là do bị thiếu hụt vitamin D.

Vitamin C có tác dụng trị mụn trứng cá không?
Vitamin C có tác dụng trị mụn trứng cá không?

Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh được biết đến với công dụng chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào da và có thể giúp trị mụn trứng cá.

Các loại vitamin và khoáng chất giúp giảm mụn trứng cá
Các loại vitamin và khoáng chất giúp giảm mụn trứng cá

Có nhiều loại mụn trứng cá, gồm có mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn mủ, mụn bọc và mụn nang… Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà mụn trứng cá được điều trị bằng các phương pháp khác nhau, chẳng hạn như sử dụng một số loại vitamin và khoáng chất.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây