8 dấu hiệu thiếu hụt vitamin D
Vitamin D là một vitamin vô cùng quan trọng đối với cơ thể.
Không giống các vitamin khác, vitamin D có chức năng như một loại hormone và mỗi tế bào trong cơ thể đều có một thụ thể cho vitamin này.
Cơ thể con người có khả năng tự tạo ra vitamin D từ cholesterol trong da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Vitamin D còn có trong một số loại thực phẩm như cá béo, gan, lòng đỏ trứng và các sản phẩm từ sữa có bổ sung vitamin D nhưng rất khó đáp ứng đủ nhu cầu vitamin D của cơ thể nếu chỉ dựa vào chế độ ăn uống.
Lượng khuyến nghị hàng ngày (RDI) đối với vitamin D thường là khoảng 400 – 800 IU, nhưng theo nhiều chuyên gia thì mỗi người sẽ cần nhiều vitamin D hơn thế.
Thiếu hụt vitamin D là một vấn đề rất phổ biến. Theo ước tính có khoảng 1 tỷ người trên thế giới có nồng độ vitamin D trong máu ở mức thấp. (1)
Dưới đây là 7 yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D:
- Có da tối màu
- Là người cao tuổi
- Thừa cân hoặc béo phì
- Ít khi ăn cá hoặc uống sữa
- Sống cách xa xích đạo – những khu vực có ít nắng
- Luôn bôi kem chống nắng khi ra ngoài
- Ít khi ra ngoài trời
Những người sống gần xích đạo và thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít có nguy cơ bị thiếu hụt vì cơ thể tạo ra đủ lượng vitamin D cần thiết mỗi ngày.
Đa số những người bị thiếu vitamin D đều không hề hay biết về tình trạng này của mình vì các dấu hiệu, triệu chứng thường không rõ rệt. Dưới đây là 8 dấu hiệu thường gặp khi bị thiếu hụt vitamin D.
1. Thường xuyên bị ốm hoặc bị nhiễm trùng
Một trong những vai trò quan trọng nhất của vitamin D là giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh để chống lại virus và vi khuẩn gây bệnh.
Vitamin D tương tác trực tiếp với các tế bào có nhiệm vụ chống lại các tác nhân gây hại này.
Nếu gần đây bạn thường xuyên bị ốm, đặc biệt là bị cảm lạnh hoặc cúm, thì rất có thể lượng vitamin D trong cơ thể đang ở mức thấp.
Một số nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng sự thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, viêm phế quản và viêm phổi.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống bổ sung vitamin D với liều lượng lên đến 4.000 IU mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. (2)
Trong một nghiên cứu ở những người bị viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, những người bị thiếu hụt vitamin D nghiêm trọng đã nhận thấy tình trạng viêm phổi có sự cải thiện đáng kể sau một năm uống vitamin D liều cao.
Tóm tắt: Vitamin D đóng vai trò quan trọng đối với chức năng miễn dịch. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của sự thiếu hụt vitamin D là thường hay bị ốm hoặc nhiễm trùng.
2. Mệt mỏi
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra cảm giác mệt mỏi và thiếu hụt vitamin D là một trong số đó.
Tuy nhiên, khi cơ thể cảm thấy không khỏe thì rất ít người nghĩ đến khả năng thiếu hụt vitamin D.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ vitamin D trong máu thấp có thể gây mệt mỏi, thiếu năng lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
Nên duy trì nồng độ vitamin D trong máu ở mức 20 ng/ml và nếu dưới mức này thì đều được coi là thiếu hụt.
Ngay cả khi nồng độ trong máu không quá thấp thì cũng có thể có tác động tiêu cực đến mức năng lượng cơ thể.
Một nghiên cứu quan sát quy mô lớn đã đánh giá mối liên hệ giữa vitamin D và tình trạng mệt mỏi ở phụ nữ trẻ. Trong nghiên cứu này, những phụ nữ có nồng độ vitamin D trong máu dưới 20 ng/ml hoặc thậm chí là trong khoảng 21 – 29 ng/ml đều cảm thấy mệt mỏi thường xuyên hơn so với những người có nồng độ trên 30 ng/ml. (3)
Một nghiên cứu quan sát khác cũng ở phụ nữ cho thấy rằng thiếu hụt vitamin D là nguyên nhân góp phần khiến mức năng lượng cơ thể bị tụt giảm và gây cảm giác uể oải, không muốn vận động.
Tóm tắt: Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu hụt vitamin D. Bổ sung vitamin D sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
3. Đau lưng và đau xương khớp
Vitamin D có vai trò thúc đẩy sự hấp thụ canxi trong cơ thể và duy trì sức khỏe của xương.
Đau nhức xương khớp và đau lưng dưới có thể là dấu hiệu của thiếu hụt vitamin D.
Các nghiên cứu quan sát đã phát hiện ra mối liên hệ giữa sự thiếu hụt vitamin D và tình trạng đau thắt lưng mãn tính.
Một nghiên cứu đã kiểm tra nồng độ vitamin D ở 9.000 phụ nữ lớn tuổi thường xuyên bị đau lưng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị thiếu vitamin D có tần suất đau lưng cao hơn và các cơn đau cũng nặng hơn, thậm chí còn ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. (4)
Trong một nghiên cứu có đối chứng, những người bị thiếu hụt vitamin D có nguy cơ bị đau nhức ở chân, xương sườn hoặc khớp xương cao hơn gần gấp đôi so với những người có nồng độ vitamin D trong máu ở mức bình thường.
Tóm tắt: Nồng độ vitamin D trong máu thấp có thể là nguyên nhân hoặc yếu tố làm tăng nguy cơ đau nhức xương khớp và đau lưng dưới.
4. Buồn bã, chán nản
Tâm trạng chán nản cũng có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin D.
Trong nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học thậm chí còn nhận thấy rằng thiếu hụt vitamin D có liên quan đến chứng trầm cảm, đặc biệt là ở người lớn tuổi. (6)
Trong một bản phân tích tổng hợp nhiều nghiên cứu, 65% số nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng nồng độ vitamin D trong máu thấp làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Trong khi đó, hầu hết các thử nghiệm có đối chứng (có sức thuyết phục hơn các nghiên cứu quan sát) lại không cho thấy bất cứ mối liên hệ nào giữa lượng vitamin D và chứng trầm cảm.
Tuy nhiên, liều lượng vitamin D được sử dụng trong các thử nghiệm đối chứng này chỉ ở mức rất thấp.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng không được thực hiện trong thời gian đủ dài để thấy được tác dụng của việc bổ sung vitamin D đối với tâm trạng.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin D cho những người bị thiếu hụt có thể giúp cải thiện chứng trầm cảm, bao gồm cả trầm cảm theo mùa (tình trạng tâm trạng ủ rũ, chán nản thường xảy ra trong những tháng thời tiết lạnh, ít nắng).
Tóm tắt: Mức vitamin D thấp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và làm tăng nguy cơ trầm cảm. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bổ sung vitamin D giúp cải thiện tâm trạng.
5. Vết thương lâu lành
Vết thương lâu lành sau phẫu thuật hoặc bị chấn thương có thể là dấu hiệu cho thấy lượng vitamin D trong cơ thể đang ở mức quá thấp.
Kết quả từ một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy rằng vitamin D thúc đẩy sự sản xuất các hợp chất giúp hình thành tế bào da mới trong quá trình tự chữa lành vết thương. (7)
Trong một nghiên cứu được thực hiện trên người, sự thiếu hụt vitamin D ảnh hưởng đến quá trình lành vết mổ sau phẫu thuật.
Vitamin D còn có đặc tính chống viêm và tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng nên vitamin này có vai trò rất quan trọng đối với quá trình lành vết thương.
Một bản phân tích đã theo dõi những bệnh nhân bị viêm loét bàn chân do tiểu đường và nhận thấy rằng những người bị thiếu hụt vitamin D nghiêm trọng có nồng độ chất chỉ điểm phản ứng viêm cao hơn và điều này gây bất lợi cho quá trình lành vết loét.
Đến nay mới chỉ có rất ít nghiên cứu về tác dụng của việc bổ sung vitamin D đối với khả năng chữa lành vết thương ở những người bị thiếu hụt.
Tuy nhiên, một nghiên cứu đã cho thấy rằng khi những bệnh nhân bị viêm loét chân và thiếu hụt vitamin D được uống bổ sung vitamin này thì kích thước vết loét giảm trung bình 28%.
Tóm tắt: Thiếu hụt vitamin D có thể khiến cho vết thương chậm lành
6. Loãng xương
Vitamin D đóng vai trò quan trọng đối với sự hấp thụ canxi và chuyển hóa xương trong cơ thể.
Nhiều người cho rằng để xương chắc khỏe thì chỉ cần bổ sung canxi nhưng trên thực tế, thiếu hụt vitamin D cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương.
Loãng xương hay mật độ khoáng xương thấp là một dấu hiệu cho thấy xương đã mất canxi và các khoáng chất khác. Đây là một vấn đề rất phổ biến ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ và làm tăng nguy cơ gãy xương.
Trong một nghiên cứu quan sát lớn ở hơn 1.100 phụ nữ trung niên trong thời kỳ tiền mãn kinh hoặc sau mãn kinh, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người thiếu hụt vitamin D đều có mật độ khoáng xương thấp. (8)
Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy mật độ khoáng xương của những phụ nữ bị thiếu hụt vitamin D không hề có sự cải thiện dù đã uống bổ sung liều cao và nồng độ vitamin D trong máu đã tăng lên.
Mặc dù vậy nhưng bổ sung đủ vitamin D mỗi ngày và duy trì nồng độ trong máu ở mức lý tưởng vẫn là điều cần thiết để bảo vệ khối lượng xương và giảm nguy cơ gãy xương.
Tóm tắt: Loãng xương hay mật độ khoáng xương thấp có thể là một dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin D. Bổ sung đủ lượng vitamin D là điều rất quan trọng để duy trì khối lượng xương khi có tuổi.
7. Rụng tóc
Rụng tóc có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và một trong những nguyên nhân phổ biến là do căng thẳng.
Tuy nhiên, nếu rụng tóc nghiêm trọng thì đó có thể là dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn hoặc sự thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Rụng tóc ở phụ nữ có thể là do mức vitamin D thấp.
Rụng tóc từng mảng là một bệnh tự miễn với biểu hiện đặc trưng là rụng tóc nhiều và rụng lông ở những vị trí khác trên cơ thể. Mức vitamin D thấp có thể là nguyên nhân gây ra hoặc yếu tố làm tăng nguy cơ rụng tóc từng mảng.
Một nghiên cứu ở những người bị rụng tóc từng mảng cho thấy nồng độ vitamin D trong máu càng thấp thì tình trạng rụng tóc càng nghiêm trọng. (9)
Trong một nghiên cứu khác, một loại vitamin tổng hợp dạng bôi tại chỗ đã giúp điều trị thành công chứng rụng tóc ở một người bị khiếm khuyết trong thụ thể vitamin D.
Ngoài vitamin D ra thì còn có nhiều loại thực phẩm và chất dinh dưỡng khác cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của tóc.
Tóm tắt: Rụng tóc có thể là một dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin D. Tình trạng này thường xảy ra ở phụ nữ và thiếu hụt vitamin D có thể gây ra hoặc làm tăng nguy cơ rụng tóc từng mảng – một bệnh tự miễn.
8. Đau nhức cơ
Đau nhức cơ là một hiện tượng xảy ra rất phổ biến nhưng thường khó xác định nguyên nhân cụ thể.
Có một số bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt vitamin D có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các cơn đau nhức cơ ở cả trẻ em và người lớn. (10)
Trong một nghiên cứu, 71% những người bị đau cơ mãn tính có nồng độ vitamin D trong máu thấp.
Thụ thể vitamin D tồn tại trong một loại tế bào thần kinh gọi là thụ thể đau.
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy sự thiếu hụt vitamin D làm tăng đau và nhạy cảm do kích thích các thụ thể đau trong cơ.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bổ sung vitamin D liều cao có thể làm giảm nhiều loại đau khác nhau ở những người bị thiếu hụt.
Một nghiên cứu trên 120 trẻ em bị thiếu hụt vitamin D và bị đau cơ mãn tính cho thấy rằng chỉ cần bổ sung một liều vitamin D là đã có thể làm giảm trung bình 57% mức độ nghiêm trọng của cơn đau.
Tóm tắt: Nồng độ vitamin D trong máu thấp có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhức cơ mãn tính do sự tương tác giữa vitamin D và các tế bào thần kinh cảm nhận đau.
Tóm tắt bài viết
Thiếu hụt vitamin D là vấn đề vô cùng phổ biến nhưng hầu hết mọi người đều không biết mình bị thiếu hụt vì các dấu hiệu, triệu chứng thường không biểu hiện rõ và nếu có thì cũng thường được cho là dấu hiệu của các vấn đề khác.
Nếu nghi ngờ mình bị thiếu hụt vitamin D thì nên đi khám và làm xét nghiệm máu để kiểm tra.
Mặc dù có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nhưng đây là một vấn đề khá dễ khắc phục.
Có thể tăng thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D, chẳng hạn như các loại cá béo hoặc các sản phẩm từ sữa có bổ sung vitamin D và dùng viên uống bổ sung để tăng lượng vitamin D cho cơ thể.
Điều này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa nhiều vấn đề không mong muốn.
Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo, có vai trò rất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể, gồm có thị lực, hệ miễn dịch, khả năng sinh sản và làn da. Thiếu vitamin A có thể gây viêm da, quáng gà, vô sinh, chậm lớn và nhiễm trùng đường hô hấp.
Có 8 loại vitamin B và mỗi loại đều đảm nhận những chức năng quan trọng trong cơ thể. Thiếu hụt bất kỳ loại vitamin nào trong số này đều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tình trạng thiếu vitamin B12 xảy ra khá phổ biến và có nhiều biểu hiện khác nhau, ví dụ như da nhợt nhạt, mệt mỏi, khó thở, cảm giác châm chích ở bàn tay, bàn chân, viêm loét miệng, suy giảm thị lực và thay đổi tâm trạng.
Các dấu hiệu thường gặp khi bị thiếu vitamin B1: ăn không ngon miệng, khó chịu, mệt mỏi, dễ cáu gắt, cảm giác châm chích....
Mặc dù không được nhắc đến nhiều như các loại vitamin B khác nhưng vitamin B6 cũng là một chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng.